Bị đơn sự kiện 06/01 tự sát, ra đi vì ‘Quá đau buồn’
Anh Matthew Perna, 37 tuổi, bị truy tố vì đã đi bộ 20 phút qua Điện Capitol Hoa Kỳ
Anh Matthew L. Perna, một người dân của Pennsylvania bị truy tố vì đi bộ 20 phút qua Điện Capitol Hoa Kỳ hôm 06/01/2021, đã tự kết liễu đời mình hôm 25/02 vì “quá đau buồn” và vì một hệ thống công lý đã “hủy hoại tinh thần anh ấy và niềm say mê cuộc sống của anh,” theo gia đình anh Perna.
Anh Perna, 37 tuổi, ở Sharpsville, theo kế hoạch sẽ bị kết án vào ngày 01/04 tới tại Tòa Địa hạt Liên bang Hoa Kỳ ở Thủ đô Hoa Thịnh Đốn, trong một thỏa thuận nhận tội về những cáo buộc cản trở một thủ tục chính thức, hỗ trợ và tiếp tay, đột nhập và ở lại trong một tòa nhà hay khu vực bị cấm vào, hành vi mất trật tự và gây rối trong một tòa nhà hoặc khu vực bị cấm vào, và hành vi mất trật tự trong tòa nhà Điện Capitol. Một tội danh là trọng tội và những tội danh khác còn lại là tội nhẹ.
Anh Perna biết được rằng các công tố viên có thể đòi một bản án tù thậm chí lâu hơn dựa trên lý do “răn đe khủng bố trong nước”, bà Julie Kelly của [tạp chí] American Greatness viết trên Twitter hôm 27/02.
“Cộng đồng của anh (mà anh yêu mến), đất nước của anh, và hệ thống tư pháp này đã hủy hoại tinh thần và nhiệt huyết của anh,” bản cáo phó trực tuyến về anh ấy viết.
“Anh ấy không đập phá, sờ mó, hay lấy cắp bất cứ thứ gì. Anh ấy đã không làm hại bất cứ ai; anh đứng trong phạm vi hàng rào dây thừng nhung để chụp ảnh. Vì hành động này mà anh đã bị nhiều thành viên trong cộng đồng, bạn bè, người thân của anh và cả những người chưa từng gặp anh dày vò hành hạ,” bản cáo phó nêu rõ.
‘Tinh thần của anh ấy đã chết’
Cáo phó cho biết: “Các phiên tòa liên tục bị trì hoãn và kéo dài trong hơn một năm. Vì điều này mà Matt rất đau khổ và tinh thần của anh đã chết, và nhiều người phải chịu trách nhiệm về nỗi đau mà anh ấy phải chịu đựng.”
“Bản chất của Matt không thù ghét ai cả. Nó thân thiện với mọi người thuộc mọi chủng tộc, mọi mức thu nhập, và mọi niềm tin, chưa bao giờ mắng mỏ bất cứ ai vì có quan điểm khác biệt.”
Bà Geri Perna, là dì của anh Matthew Perna, cho rằng thảm kịch này “vượt quá sức chịu đựng”.
“Thằng bé là người tốt nhất mà người ta từng gặp,” bà Geri nói với The Epoch Times. “Nó không giống như một số kẻ bạo loạn đến đó hành động khả ố. Không, đó không phải là Matthew của chúng tôi.”
Bà Geri cho hay gia đình không bao giờ hiểu được tại sao Bộ Tư pháp Hoa Kỳ lại đưa ra cáo buộc trọng tội trong vụ này.
“Nó không có vũ khí. Nó không cãi lộn với các sĩ quan cảnh sát. Nó không đập phá bất cứ thứ gì hay trộm cắp hay lấy bất cứ thứ gì,” bà Geri khẳng định.
Các kiến nghị kết án của công tố viên vẫn chưa được đăng trực tuyến. Theo hồ sơ tòa án, các tài liệu buộc tội nêu rõ anh Perna và anh Stephen Ayres đột nhập Điện Capitol lúc 2 giờ 47 phút chiều, gần 30 phút sau khi Quốc hội tạm hoãn do bạo loạn và gần một giờ sau khi đoàn xe của Phó Tổng thống Mike Pence rời Điện Capitol. Anh Perna vẫn ở trong tòa nhà trong 20 phút, quay phim bằng điện thoại của mình.
Theo “tuyên bố về sự thật” của chính phủ, vào một thời điểm trong thời gian ở Điện Capitol hôm 18/01/2021, anh Perna “đã trở nên bực tức và dùng một cây cột kim loại gõ vào cửa sổ của tòa nhà Capitol.” Hồ sơ tòa án không cáo buộc rằng anh đã làm hỏng cửa sổ hoặc bất kỳ tài sản nào khác, hoặc thực hiện bất kỳ hành vi bạo lực hoặc gây rối nào.
Các công tố viên viết rằng anh Perna mặc một chiếc áo len ‘Make America Great Again’ màu đỏ và hô vang “HOA KỲ! HOA KỲ! HOA KỲ!” trong khi quay phim bằng điện thoại của mình.
Anh Perna sau đó đã tải lên Facebook một đoạn video dài tám phút, trong đó anh ấy được cho là đã nói: “Mọi chuyện vẫn chưa kết thúc, hãy tin tôi đi. Mục đích của ngày hôm nay là để vạch trần ông Pence là một kẻ phản bội.”
Hai người cung cấp thông tin ẩn danh cho biết họ quen biết với anh Perna, họ đã gọi điện cho FBI vào ngày 13/01/2021, sau khi nhận ra anh trong các video được đăng trực tuyến. Hồ sơ tòa án cho thấy một người đã cáo buộc rằng anh Perna đã mua một khẩu súng ngắn trong vài tháng trước đó. Không có dấu hiệu nào cho thấy anh Perna đã mang theo bất kỳ loại vũ khí nào theo mình hôm 06/01, cho dù cả khi lời cáo buộc của người cung cấp thông tin là đúng.
Người cung cấp thông tin thứ hai “tin rằng anh ta [Perna] là một người theo thuyết âm mưu và ủng hộ Q-Anon,” FBI nêu rõ trong các tài liệu của tòa án. Các công tố viên đã mô tả Q là một “thuyết âm mưu tai tiếng và lan rộng chống lại các nguyên tắc xã hội, chính trị và kinh tế truyền thống,” nói rằng thế giới được điều hành bởi “một bè lũ những kẻ ấu dâm tôn thờ quỷ Satan và buôn bán trẻ em.”
Các tài liệu buộc tội nêu rõ thuyết ‘Q’ là một “niềm tin sai lầm”.
Anh Perna đã tiếp cận FBI hôm 14/01/2021, ngay khi anh nghe tin rằng ảnh của mình được đăng ở vị trí thứ 73 trong danh sách bị truy nã gắt gao nhất của FBI hôm 06/01. Anh Perna đã gặp các đặc vụ tại nhà của mình cùng ngày. Anh nói với họ rằng các cánh cửa của Điện Capitol đã mở rộng khi anh đến gần tòa nhà, và một nhóm người phía sau anh và anh Ayres đã xô đẩy, để vào.
Anh Matthew Perna đã đến Thủ đô Hoa Thịnh Đốn hôm 06/01 để “bảo vệ niềm tin của mình một cách ôn hòa”, bản cáo phó nêu rõ.
Theo bản cáo phó, anh Matthew Lawrence Perna sinh vào tháng 03/1984, là con của ông bà Lawrence và Veronica Perna. Anh Perna tốt nghiệp trường Trung học Sharpsville trong năm 2002 và sau đó tốt nghiệp Đại học Penn State. Anh Perna dạy Anh ngữ cho trẻ em ở Thái Lan và Nam Hàn. Anh đã đi du lịch nhiều nơi ở Âu Châu, Á Châu, Nam Mỹ, Ấn Độ, và vòng quanh Hoa Kỳ. Mẹ của anh, bà Veronica ‘Roni’ Perna, 59 tuổi, qua đời vào tháng 3/2015.
Ngày 06/01 gây ra thiệt hại nghiệt ngã
Một bị cáo nổi tiếng hôm 06/01 đã lên Twitter hôm 27/02 để nói rằng anh ấy hiểu áp lực mà anh Perna hẳn đã cảm thấy vì vụ án của mình kéo dài quá lâu.
Ông Brandon Straka, người sáng lập chiến dịch WalkAway khuyến khích những người tự do rời bỏ Đảng Dân Chủ, đã viết: “Tôi không biết Matthew Perna, chưa nghiên cứu trường hợp của anh ấy hoặc những lời buộc tội chống lại anh ấy. Nhưng anh ấy đã tự sát và tôi hiểu lý do tại sao. Tôi đã có cùng suy nghĩ này nhiều lần trong năm qua. Sự im lặng quá mức của những người theo Đảng Cộng Hòa và truyền thông bảo thủ khiến cho những người bị kéo lê suốt quá trình này không thể chịu đựng được.”
Ông Straka đã bị kết án hồi tháng Một với ba năm quản chế và bị phạt 5,000 USD như một phần của thỏa thuận nhận tội về việc dính líu vào hành vi gây rối hoặc gây rối trong một tòa nhà Điện Capitol.
Vụ tự tử của anh Perna là một lời nhắc nhở nghiệt ngã về cái giá phải trả đang diễn ra từ ngày 06/01 và hậu quả của nó.
Cô Ashli Babbitt, 35 tuổi, đã bị Trung úy Cảnh sát Điện Capitol, Michael Byrd, bắn chết ngay bên ngoài Phòng chờ của Hạ viện. Các nhân chứng cho biết cô Rosanne Boyland, 34 tuổi, bị kẹt trong một vụ xô đẩy, giẫm đạp khi cảnh sát xả một loại khí gas trong đường hầm Lower West Terrace và đẩy những kẻ bạo loạn và biểu tình ra ngoài.
Video cho thấy cô Boyland bất tỉnh sau đó đã bị nhân viên Sở Cảnh sát Metropolitan, Lila Morris, đánh liên tục bằng gậy. Một trong những cú đánh vào đầu cô Boyland khiến cô ấy chảy máu mũi. Gia đình cô Boyland tin rằng cô vẫn còn sống khi vụ đánh xảy ra. Một cú đánh khác khiến cây gậy bị gãy. Cô Boyland qua đời vào ngày 06/01.
Anh Derrick Vargo, 32 tuổi, khẳng định anh ấy đã bị đẩy ngã ở đầu cầu thang giữa bậc thang thấp hơn và cao hơn phía tây bởi một viên cảnh sát lái xe mô tô của của Cảnh sát Điện Capitol. Video cho thấy anh Vargo đang đi bộ dọc theo một rìa tường hẹp bên ngoài hàng chấn song thì bị một cảnh sát xô ra khỏi tường và rơi xuống khoảng 20 feet. Anh Vargo bị chấn thương nặng ở chân và cột sống. Anh Vargo trù tính kiện Cảnh sát Điện Capitol.
Hàng chục bị đơn bị cáo buộc tội danh sự kiện 06/01 đã bị giam trong tù hơn một năm trong khi chờ xét xử. Các tù nhân tại Trại giam Trung tâm ở Hoa Thịnh Đốn cho biết họ bị cai ngục đánh đập, bị từ chối cho ăn, bị bắt đi diễn hành quanh nhà tù mang theo nệm gối, bị đấm vì hát Quốc ca, và bị biệt giam trong nhiều tháng.