Bảo vệ Hiến pháp: Các giới hạn đối với Thẩm quyền Liên bang
Một trong những đặc tính quan trọng nhất của Hiến pháp – những giới hạn đối với chính quyền trung ương – đã là mục tiêu của chiến dịch tuyên truyền cổ động trong nhiều thập niên.
Các nhà bình luận “cấp tiến” trong giới chính trị, học thuật và truyền thông cho rằng những giới hạn này cản trở các giải pháp sáng tạo và hiệu quả cho các vấn đề xã hội. Qua nhiều năm, họ đã lên danh sách một loạt vấn đề để quảng bá cho mục đích của mình:
“Chúng ta có thể chấm dứt nghèo đói thông qua các sáng kiến táo bạo của liên bang!”
“Để cứu hành tinh, chúng ta cần nhiều quy định của liên bang hơn!”
“Con đường dẫn đến trường đại học cho mọi người là để chính phủ liên bang trả toàn bộ học phí!”
“Cách để khởi động lại nền kinh tế là thông qua các khoản chi tiêu kích thích khổng lồ của liên bang!”
Các vấn đề khác trong danh sách bao gồm quyền công dân, bảo vệ người tiêu dùng, bất bình đẳng, giáo dục K-12, biến đổi khí hậu, phân biệt chủng tộc và “cơ sở hạ tầng đổ nát”. Dù là bệnh gì đi nữa, thì đơn thuốc luôn giống nhau: biện pháp của liên bang ngoài những gì Hiến Pháp cho phép.
Chỉ một lần thôi, tôi muốn nghe một trong những nhà tuyên truyền cổ động thừa nhận rằng, khi nhìn lại, thì sự can thiệp quá nhiều của liên bang đã làm cho vấn đề trở nên tồi tệ hơn. Họ sẽ có rất nhiều ví dụ để lựa chọn, nhưng tôi chưa bao giờ mong đợi nghe về điều đó.
Thật không may, chiến dịch thuyết phục người dân Hoa Kỳ rằng chính phủ liên bang là toàn năng, và cần phải như vậy, đã thu được thành công lớn. Một lý do là môn giáo dục công dân ở trường công lập thường trình bày sai ý nghĩa của Hiến Pháp và nguyên do đằng sau ý nghĩa đó. Bài viết này giúp sửa lại việc đó bằng các giải thích cách mà Hiến Pháp hạn chế quyền lực liên bang và lý do tại sao lại làm như vậy.
Hiến Pháp giới hạn chính phủ liên bang theo bốn cách chung:
Thứ nhất: Hiến Pháp là văn bản pháp lý mà người dân Hoa Kỳ trao quyền cho một số quan chức nhà nước mà trong đó hầu hết (nhưng không chỉ) là các quan chức liên bang. Hiến Pháp liệt kê cụ thể tất cả các quyền lực được trao. Danh sách này dài nhưng hữu hạn. Các mục được liệt kê bao gồm quốc phòng, phát hành tiền, xây dựng và vận hành bưu điện, xây dựng và duy trì các tuyến đường bưu điện (đường cao tốc liên thành phố), điều tiết thương mại với ngoại quốc và giữa các tiểu bang cùng với một số hoạt động liên quan đến thương mại, kiểm soát nhập cư, bên cạnh những mục khác.
Một quy tắc pháp lý lâu đời cho chúng ta biết rằng vì Hiến Pháp đã liệt kê các quyền lực của chính phủ liên bang nên bất kỳ quyền lực nào không có trong danh sách đều bị từ chối.
Thứ hai: Hiến Pháp đặc biệt nghiêm cấm một số hoạt động của liên bang. Các điều cấm xuất hiện hầu hết, nhưng không hoàn toàn, trong tám tu chính án đầu tiên của Tuyên ngôn Nhân quyền. Ví dụ, chính phủ bị cấm: phân biệt đối xử giữa các tôn giáo, hạn chế tự do ngôn luận, vi phạm quyền giữ và mang vũ khí, hoặc áp dụng các biện pháp hồi tố được gọi là luật có hiệu lực cho thời gian về trước. Chúng tôi thường đề cập đến các điều cấm đối với hành động của chính phủ như là tạo ra hoặc công nhận “các quyền”.
Thứ ba: Tu chính án thứ Mười củng cố quy tắc rằng những quyền hạn duy nhất được trao cho chính phủ liên bang là những quyền hạn mà Hiến Pháp đã liệt kê.
Thứ tư: Việc liệt kê các ngoại lệ đối với quyền lực liên bang (“các quyền”) có thể gợi ý rằng chính phủ có thẩm quyền đối với mọi thứ ngoài các ngoại lệ. Vì vậy, Tu chính án thứ Chín loại bỏ bất kỳ đề nghị nào như vậy. Nó củng cố quy tắc rằng các quyền lực liên bang chỉ giới hạn trong các quyền lực được liệt kê. Như một trong những sinh viên luật của tôi đã từng nhận xét, Tu chính án thứ Chín là một dấu chấm than.
Tất cả những hạn chế ghi trong hiến pháp này là điều nguyền rủa của những người “cấp tiến”. Do vậy, họ luân phiên tấn công trực diện vào Hiến Pháp với tuyên bố rằng văn bản này không mang ý nghĩa mà nó ghi trong đó. Họ cũng phát động chiến dịch tuyên truyền cổ động kéo dài hàng thập kỷ để thuyết phục chúng ta rằng tất cả quyền lực cần bắt nguồn từ [chính quyền] trung ương.
Nhưng tại sao lại không nên như vậy? Tại sao những Nhà Sáng Lập không thiết lập một chính quyền trung ương với quyền lực tuyệt đối?
Lịch sử đã cho một phần của câu trả lời. Trước năm 1763, thế hệ của những nhà sáng lập đã sống hạnh phúc trong Đế quốc Anh. Đế chế này được quản lý như một liên bang không chính thức, cho phép từng thuộc địa có nhiều quyền kiểm soát địa phương. Nhưng khi các nhà hoạt động chính trị của Anh quyết định tập trung quyền lực ở London, thế hệ của các nhà sáng lập đã nổi dậy. Sau khi giành được độc lập, người Mỹ không muốn chấp thuận hiến pháp trao cho chính phủ quốc gia quyền lực tuyệt đối mà họ đã từ chối trao cho chính phủ đế quốc.
Ở tầng rộng lớn hơn, những Nhà Sáng Lập hiểu rằng các giới hạn đối với chính phủ liên bang, đặc biệt là khi được kiểm soát bởi các tiểu bang mạnh, sẽ giúp duy trì quyền tự do của con người. Trong vụ New York kiện Hoa Kỳ (1992), Tòa án Tối cao đã giải thích điều đó như sau:
“Hiến Pháp không bảo vệ chủ quyền của các tiểu bang vì lợi ích của các tiểu bang hoặc chính quyền tiểu bang với tư cách là các thực thể chính trị trừu tượng, hoặc thậm chí vì lợi ích của các quan chức tiểu bang. Trái lại, Hiến Pháp phân chia thẩm quyền giữa chính phủ liên bang và các tiểu bang để bảo vệ các cá nhân. Chủ quyền của tiểu bang không chỉ tự thân nó là mục đích: ‘Đúng hơn, chủ nghĩa liên bang bảo đảm cho công dân các quyền tự do có được từ sự phân tách của quyền lực tiểu bang.’ … ‘Cũng giống như sự tách biệt và độc lập của các nhánh ngang cấp trong Chính phủ Liên bang giúp ngăn chặn sự tích tụ quyền lực quá mức tại bất kỳ nhánh nào, sự cân bằng quyền lực lành mạnh giữa các tiểu bang và Chính phủ Liên bang sẽ làm giảm nguy cơ chuyên chế và lạm dụng từ cả hai phía.”
Hơn nữa, những Nhà Sáng Lập hiểu rằng phân quyền thường cải thiện khả năng quản trị. Một hệ thống phi tập trung cho phép các tiểu bang điều chỉnh các chính sách cho phù hợp với các ưu tiên, văn hóa và nhu cầu của địa phương. Ví dụ, một lý do mà các biện pháp chống lại virus COVID-19/virus Trung Cộng nên được thực hiện ở cấp tiểu bang và địa phương là các quy định y tế hợp lý ở thành phố New York với mật độ dân cư đông đúc sẽ là nực cười [nếu áp dụng] tại Montana hoặc South Dakota với các không gian thông thoáng.
Một lý do cuối cùng của sự phân quyền mà ít được mọi người biết đến: Sự phân quyền chính trị thúc đẩy sự tiến bộ của loài người.
Ngẫm lại một số khoảnh khắc vĩ đại nhất trong quá trình phát triển của nền văn minh như: Sự thức tỉnh của trí tuệ con người thời Hy Lạp cổ đại. Sự phát triển nhanh chóng của thương mại, văn hóa, pháp quyền và sự tăng trưởng mức sống trong thời kỳ đầu của Đế chế La Mã. Sự nở rộ của nghệ thuật và thương mại ở Ý và Đức thời Phục hưng. Thời kỳ đầu của Cách mạng Công nghiệp ở Anh. Và sự phát triển vượt bậc về kinh tế và công nghệ ở Âu Châu và Hoa Kỳ trong thế kỷ 19.
Quý vị có thể đã được dạy về những sự kiện này ở trường, nhưng gần như chắc chắn rằng quý vị không được dạy về điểm chung của chúng: Tất cả đều xảy ra trong các môi trường phân quyền chính trị. Đôi khi, sự phân quyền quá mức đến nỗi các cơ quan trung ương (nếu thực sự là có) thậm chí không thể giữ được hòa bình. Nhưng xã hội thì vẫn phát triển vượt bậc.
Sự phân quyền cho phép những người theo trường phái Aristotle và Galileo di chuyển đến các khu vực lân cận có luật địa phương ủng hộ các công trình của họ hơn. Sự phân quyền cho phép các nhóm sắc tộc và tôn giáo, chẳng hạn như người Do Thái và người Huguenot, thoát khỏi sự ngược đãi và tiếp tục cuộc sống hiệu quả ở những nơi chấp thuận họ như Hà Lan và Anh. Nó cho phép những người như Ptolemy, Bacon và Edison thực hiện các nghiên cứu khoa học và công nghệ một cách tự do.
Sự phân quyền cũng khuyến khích cạnh tranh giữa các quốc gia có chủ quyền và bán chủ quyền để có được nhân tài. Những nơi chào đón nhân tài nhất là những nơi đã đạt được nhiều tiến bộ nhất.
Các nhà chính trị theo kiểu tập trung quyền lực tự gọi họ là “những người cấp tiến”. Nhưng cái tên này biểu hiện một sự giả dối. Sự phân quyền, chứ không phải là sự tập trung quyền, là điều thích hợp hơn với sự tiến bộ nhanh chóng của con người.
Người Mỹ đã xây dựng xã hội hiện đại trong sự bùng nổ của các tiến bộ và trong thời kỳ những ràng buộc của Hiến Pháp đối với thẩm quyền liên bang vẫn còn được tôn trọng. Trong thời kỳ đó, người Mỹ cùng với những người sống ở Âu Châu vốn đã khác biệt về chính trị, đã làm ra điện, phát triển nền y học hiện đại, và phát minh ra điện báo, điện thoại, đài phát thanh, truyền hình, xe lửa, xe hơi và phi cơ. Chúng ta hiện nay vẫn phụ thuộc nhiều vào các công nghệ căn bản được tạo ra trong thời đại phân quyền.
Tất nhiên, sự tiến bộ vẫn tiếp tục kể từ thời điểm đó, nhưng tốc độ đã chậm hơn. Nếu quý vị nghi ngờ điều đó, hãy tự hỏi mình điều này: Nếu hai chủ cửa hàng xe đạp cố gắng phát minh ra phi cơ dưới các quy định hiện hành, quý vị nghĩ họ sẽ đi được bao xa?
Hoặc xem xét vấn đề từ một góc độ khác: Xe hơi, khi đó được gọi là “đầu máy kéo đường bộ”, được phát minh ra hơn 200 năm trước. Chúng được sản xuất hàng loạt lần đầu tiên cách đây hơn một thế kỷ. Tại sao chúng ta vẫn lái chúng thay vì sử dụng các phương tiện giao thông cá nhân đặc biệt hơn – chẳng hạn như phương tiện bay cho gia đình? Tại sao rất nhiều tiến bộ mà các tác giả khoa học thế kỷ 20 dự đoán đã không thành hiện thực? Vào năm 1940, các nhà văn viễn tưởng phỏng đoán rằng chúng ta đã có các thuộc địa trên mặt trăng vào thời điểm hiện nay. Dựa trên tốc độ tiến bộ trong 150 năm trước đó, họ có mọi lý do để nghĩ như vậy. Nhưng dưới áp lực của chính phủ, tiến bộ đã bị chậm lại.
Quyền lực tập trung, chứ không phải Hiến Pháp, làm cản trở các giải pháp sáng tạo và hiệu quả cho các vấn đề xã hội. Các nhà tuyên truyền cổ động đã sai. Những Nhà Sáng Lập đã đúng.
Tác giả Rob Natelson là chuyên gia cao cấp về luật hiến pháp tại Viện Độc lập tại Denver, là cựu giáo sư về luật hiến pháp, nhà sử học. Ông là tác giả của cuốn sách “Hiến Pháp Gốc: Điều Mà Hiến Pháp Thực Tế Đã Nói và Hàm Nghĩa” (tái bản lần thứ 3 năm 2014).
Quan điểm được trình bày trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.