Báo cáo: Nợ quốc gia thực vượt quá 123 ngàn tỷ USD, hay mỗi người nộp thuế ‘cõng’ nợ gần 800 ngàn USD
Theo một báo cáo mới đây, nợ quốc gia của Hoa Kỳ hiện đã vượt quá 123 ngàn tỷ USD, gấp hơn 4 lần so với số liệu chính thức là 28 ngàn tỷ USD do Bộ Tài chính Hoa Kỳ đã tính toán vào cuối tháng 03/2021.
Theo ấn bản mới nhất của báo cáo “Tình trạng tài chính của Hoa Kỳ năm 2021” do tổ chức bất vụ lợi Truth in Accounting (TIA) có trụ sở tại Chicago biên soạn và phát hành, chi tiêu liên bang liên quan đến đại dịch virus Trung Cộng và phong tỏa nền kinh tế đã tăng thêm gần 10 ngàn tỷ USD vào tổng chi tiêu năm 2020.
Nhưng chi tiêu trong đại dịch lại chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng số chênh lệch giữa số liệu chính thức của chính phủ và tính toán của TIA.
Báo cáo nêu rõ, “Thước đo của chúng tôi về tình trạng tài chính của chính phủ bao gồm các tài sản và các nghĩa vụ nợ của liên bang được báo cáo, cũng như các khoản trợ cấp về An sinh Xã hội và Chăm sóc y tế đã cam kết, nhưng chưa chi trả [cho người dân].”
“Các quan chức được bầu cử và không được bầu cử đã liên tục lặp lại các quyết định tài chính khiến chính phủ liên bang gánh khoản nợ 123.11 ngàn tỷ USD, bao gồm cả những cam kết hỗ trợ về An sinh xã hội và Chăm sóc y tế nhưng chưa chi trả [cho người dân].”
Báo cáo của TIA bao gồm tổng số nợ 55.12 ngàn tỷ USD về các khoản trợ cấp về Chăm sóc y tế chưa chi trả và 41.20 ngàn tỷ USD về các trợ cấp phúc lợi An sinh Xã hội chưa chi trả.
Các quan chức Bộ Tài chính không tính vào nợ của quốc gia các khoản trợ cấp chưa chi trả vì họ tuyên bố những người thuộc đối tượng này không có quyền nhận các khoản thanh toán trong tương lai, họ chỉ trả cho những người đủ tiêu chuẩn theo các quy định về điều kiện hưởng trợ cấp hiện hành.
Theo báo cáo, tổng số nợ “tương đương với gánh nặng 796,000 USD cho mỗi người nộp thuế liên bang. Bởi vì chính phủ liên bang sẽ cần một số tiền lớn như vậy từ những người nộp thuế để trang trải khoản nợ này; chính phủ đã nhận được điểm ‘F’ (Fail) cho tình trạng tài chính của mình.”
Không giống như nhiều chính phủ tiểu bang, chính phủ liên bang không duy trì dự trữ tiền mặt để giải quyết các khoản chi tiêu cần thiết phát sinh do các cuộc khủng hoảng bất ngờ như đại dịch virus.
TIA tuyên bố, “Đại dịch virus corona và các gói kích thích liên quan đã gây ra một số tình trạng tồi tệ vì chính phủ liên bang buộc phải vay tiền để chống chọi với đại dịch. Nếu chính phủ liên bang được chuẩn bị một cách thích đáng cho một cuộc khủng hoảng với một quỹ dự phòng đầy đủ, thì họ đã không phải đi vay tiền.”
Các khoản trợ cấp cho lực lượng quốc phòng và cựu chiến binh chiếm tỷ trọng lớn nhất trong chi tiêu của liên bang vào năm 2020, ở mức 23%, tiếp theo là chi tiêu cho các dịch vụ y tế và con người chiếm 19%, chi tiêu An sinh xã hội chiếm 16%, chi trả lãi của các khoản nợ là 5%, và 2% chi cho giáo dục. Có hẳn một phần ba (35%) của tổng chi tiêu đã dành cho những gì TIA mô tả là “Chi khác”.
Những phản hồi
Phát ngôn viên của Thượng nghị sĩ Bernie Sanders (Độc lập–Vermont) và Thượng nghị sĩ Lindsey Graham (Cộng Hòa–South Carolina), lần lượt là chủ tịch và thành viên thiểu số cao cấp của Ủy ban Ngân sách Thượng viện, đã không phúc đáp yêu cầu bình luận của The Epoch Times.
Tương tự, phát ngôn viên của Chủ tịch Ủy ban Ngân sách Hạ viện John Yarmuth (Dân Chủ–Kentucky), đã không hồi đáp.
Một phát ngôn viên của Dân biểu Jason Smith (Cộng Hòa–Missouri), thành viên thiểu số cao cấp của hội đồng ngân sách, đã đề cập đến một tuyên bố hôm 31/03, trong đó ông Smith chỉ trích các đề nghị chi tiêu mới của Tổng thống Joe Biden và các thành viên Đảng Dân Chủ tại Quốc hội.
Ông Smith viết, “các đảng viên Đảng Dân Chủ ở Hoa Thịnh Đốn đang theo đuổi nhu cầu chi tiêu đáng lo ngại như trước đây. Họ vừa thông qua một dự luật cứu trợ trị giá gần 2 ngàn tỷ USD. TT Biden hiện đang đề nghị họ quay trở lại ngay và thông qua một khoản tiền khác trị giá 2 ngàn tỷ USD để chi tiêu cho hàng loạt các chính sách hỗn tạp mà tất cả đều gắn liền với các chủ đề đang được bàn tán.”
Các ý kiến tham vấn
Các chiến lược gia của chiến dịch tranh cử của Đảng Dân Chủ và các nhà hoạt động bất vụ lợi được The Epoch Times phỏng vấn về báo cáo của TIA đã bày tỏ sự đồng tình rằng cần nghiêm túc chú ý vấn đề nợ quốc gia để kiểm soát nó.
Ông Jim Manley, cựu giám đốc truyền thông của Lãnh đạo phe Đa số Thượng viện Harry Reid (Dân Chủ–Nevada), cho biết “đến một lúc nào đó, cả hai đảng sẽ phải có một cuộc đàm phán nghiêm túc về việc giải quyết tốt hơn các vấn đề tài chính của chúng ta, và điều đó bao gồm cả thuế lẫn chi tiêu. Nhưng tôi không thấy điều đó sẽ sớm xảy ra vì nền chính trị của chúng ta quá tệ hại.”
Ông Manley nói, tuy nhiên, “trong khi lãi suất đang ở mức thấp và nền kinh tế đang tự thoát ra khỏi thảm họa do đại dịch gây ra, không có lý gì để Đảng Dân Chủ phải lo ngại về sự tập trung mới đây của Đảng Cộng Hòa đối với việc cắt giảm chi tiêu sau tất cả những gì mà chính phủ tiền nhiệm đã làm.”
Ông nói rằng mình đang đề cập đến luật cải cách thuế năm 2017 do Đảng Cộng Hòa chiếm đa số tại Hạ viện và Thượng viện phê chuẩn và được Tổng thống Donald Trump ký thành luật.
Chủ tịch Liên minh Bảo vệ Người nộp thuế (Taxpayers Protection Alliance) David Williams chỉ ra sự cần thiết phải cắt giảm chi tiêu liên bang. “Khoản nợ 123 ngàn tỷ USD nên là một hồi chuông cảnh tỉnh cho đất nước. Dự luật này sắp có hiệu lực, điều này có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng cho những người nộp thuế và đất nước.”
Ông Williams cho biết TT Biden và các nhà lãnh đạo quốc hội “dường như không biết gì về cuộc khủng hoảng tài khóa nghiêm trọng đang diễn ra trước mắt họ. Còn tệ hơn nữa là, nếu họ nhận thức được các vấn đề tài chính sâu xa, thì rõ ràng họ đang không làm bất cứ điều gì để khắc phục. Thay vì tìm các cách để chi nhiều tiền hơn, Quốc hội và tổng thống cần tìm cách cắt giảm chi tiêu.”
Khi The Epoch Times hỏi Chủ tịch TIA Sheila Weinberg liệu việc phụ thuộc vào tăng trưởng kinh tế trong tương lai để giải quyết vấn đề nợ có hợp lý hay không, bà cho biết là không, và lưu ý rằng Bộ Tài chính đồng ý [với ý kiến của bà].
Bà nói rằng, “Các tác giả của Báo cáo Tài chính của Chính phủ Hoa Kỳ đã căn cứ vào luật pháp và chính sách hiện hành để tăng mạnh tỷ lệ nợ công bố so với GDP – ví dụ như nợ trong tương lai sẽ tăng nhanh hơn GDP – đơn giản là cho thấy sự không bền vững.”
“Nói cách khác, theo luật và chính sách hiện hành, chúng ta không thể thoát ra khỏi vấn đề này bằng tăng trưởng [kinh tế], đặc biệt là khi trợ cấp Chăm sóc y tế lại tăng nhanh hơn cả lạm phát.”
Quý vị có thể liên lạc với Thông tín viên Quốc hội Mark Tapscott tại [email protected].