Báo cáo nêu rõ sự cưỡng bức của Trung Cộng đối với Shen Yun
Eva Fu
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã chú ý đến những nỗ lực dai dẳng của Bắc Kinh trong việc kiểm duyệt Công ty Nghệ thuật Biểu diễn Shen Yun. Shen Yun là một công ty có trụ sở tại New York, lưu diễn khắp thế giới để tái hiện nền văn hóa truyền thống Trung Quốc, đồng thời thu hút sự chú ý đến những cuộc áp bức nhân quyền đang diễn ra ở Trung Quốc.
Báo cáo tự do tôn giáo thường niên của Bộ Ngoại giao, được công bố hôm 26/06, ghi lại những chiến thuật của Trung Cộng nhằm gây áp lực lên các địa điểm tổ chức biểu diễn ở nhiều quốc gia để “từ chối tổ chức hoặc hủy bỏ các buổi biểu diễn đã được lên lịch trình” của Shen Yun.
“Nhiều nghệ sĩ là học viên Pháp Luân Công,” báo cáo nêu rõ khi mô tả về Shen Yun, và “ngoài các vũ điệu truyền thống Trung Hoa, một số tiết mục còn miêu tả cuộc đàn áp tôn giáo thời nay nhắm vào các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc.”
Pháp Luân Công là một môn tu luyện gồm các bài tập tĩnh tại và các bài giảng dựa trên các nguyên lý chân, thiện, và nhẫn. Năm 1999, Trung Cộng đã tuyên bố các học viên Pháp Luân Công là “kẻ thù hàng đầu” và tiến hành một chiến dịch tổng lực bắt giữ và tra tấn học viên khắp Trung Quốc, nhằm mục đích xóa sổ tín ngưỡng này.
Shen Yun – với sứ mệnh triển hiện “Trung Quốc trước thời cộng sản” – đã trở thành mục tiêu của chính quyền này kể từ khi thành lập hồi năm 2006. Trong các chuyến lưu diễn toàn cầu đến hơn 20 quốc gia khắp năm châu, công ty này đã gặp phải nhiều vụ phá hoại nhắm vào xe buýt lưu diễn; và các địa điểm tổ chức biểu diễn rút lời vào phút cuối sau khi nhận được thư từ các quan chức Trung Quốc đe dọa đến lợi ích kinh tế của đất nước sở tại.
Sự cưỡng bức này tương đối hiệu quả ở Nam Hàn – một đồng minh thân cận của Hoa Kỳ vốn cũng xem Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất.
Bộ Ngoại giao đã trích dẫn một cuộc điều tra của The Epoch Times, trong đó đưa tin một quan chức Đại sứ quán Trung Quốc tại Nam Hàn nói rằng “Đại sứ quán Trung Quốc đã và đang thông báo cho phía Nam Hàn về quan điểm của Trung Quốc đối với chương trình biểu diễn của Shen Yun.”
Các quan chức Hoa Kỳ đã nhiều lần bày tỏ lo ngại về các chiến dịch cưỡng bức như vậy kể từ khi những việc này được đưa ra ánh sáng.
Trước Hội nghị thượng đỉnh Hoa Kỳ–Trung Quốc tại San Francisco hồi tháng 11/2023, một quan chức cấp cao của chính phủ Tổng thống Biden đã mô tả “cưỡng bức kinh tế” của Trung Cộng là “rất tai hại.”
“Tôi nghĩ đó là một đặc trưng đáng lo ngại trong chính sách ngoại giao của Trung Quốc,” ông nói với NTD – hãng truyền thông cùng hệ thống với The Epoch Times.
“Và điều quan trọng là các quốc gia phải thực hiện những bước tiếp theo để cố gắng hợp tác cùng nhau nhằm tạo ra khả năng kiên cường lớn hơn,” ông cho biết, đồng thời gửi đi một thông điệp chung rằng những hành động của Trung Cộng “đi ngược lại sự vận hành nhịp nhàng của hệ thống tư bản toàn cầu.”
Báo cáo về tự do tôn giáo này được đưa ra chỉ một ngày sau khi Hạ viện thông qua Đạo luật Bảo vệ Pháp Luân Công – đạo luật có mục đích trừng phạt thủ phạm của tội ác thu hoạch nội tạng cưỡng bức nhắm vào các học viên Pháp Luân Công dưới chế độ cộng sản Trung Quốc.
Tham dự sự kiện ra mắt báo cáo này có học viên Pháp Luân Công Trương Ngọc Hoa (Zhang Yuhua). Bà Trương từng là khoa trưởng khoa Nga văn tại một trường đại học chính của Trung Quốc. Bà đã phải trải qua tổng cộng 7 năm rưỡi trong các nhà tù ở Trung Quốc và liên tục bị công an sách nhiễu vì tín ngưỡng của mình, cho đến khi bà đào thoát khỏi quốc gia cộng sản này. Cai ngục đã bắt bà đứng liên tục trong nhiều ngày và nhiều tuần, không cho bà ngủ, cho đến khi chân – và sau đó là phần còn lại của cơ thể bà – sưng lên và bà bị khó thở.
Ông Rashad Hussain, đại sứ lưu động về tự do tôn giáo quốc tế, nhận định bà Trương là một “nhà lãnh đạo dũng cảm” khi họ công bố báo cáo này.
Chồng của bà Trương vẫn còn ở Trung Quốc và bị công an Trung Quốc theo dõi chặt chẽ; ông đã chịu các bản án tổng cộng hơn 10 năm tù kể từ khi Trung Cộng bắt đầu chiến dịch đàn áp môn tu luyện này.
Bà Trương cho biết bà rất biết ơn vì dự luật đã được thông qua và vì sự ủng hộ của các quan chức.
Đối với người dân ở Trung Quốc, những nỗ lực như vậy “giống như ngọn đèn,” bà nói với NTD. “Trung Cộng nói rằng họ không quan tâm đến hành động của chính phủ Hoa Kỳ. Nhưng quả thực là, họ e sợ.”
Dân biểu Scott Perry (Cộng Hòa–Pennsylvania), nhà bảo trợ chính cho dự luật lưỡng đảng này, cho biết ông hy vọng những người vẫn đang phải đối mặt với cuộc đàn áp ở Trung Quốc sẽ tiếp tục hy vọng.
“Cần phải tiếp tục hy vọng,” ông nói với NTD. “Tuy không diễn ra đủ nhanh, nhưng việc này đang diễn ra.”