Bạn là Âm hay Dương?
EMMA SUTTIE
Một số người trong chúng ta có thể đã biết đến người như sau.
Anh ấy là một người có sức cuốn hút mọi người như một thỏi nam châm. Anh ấy có khả năng lan tỏa nhiệt tình đến xung quanh và luôn làm việc trong một số dự án kinh doanh mới mẻ thú vị. Anh ấy dường như liên tục vượt qua các ranh giới, khám phá những điều mới, và sống một cuộc đời hăng hái, đầy hứng khởi. Anh ấy hầu như không ngủ, nhưng vẫn có năng lượng bất tận. Đây là một kiểu người mang tính dương.
Và một số người trong chúng ta có thể cũng biết đến kiểu người giống như thế này.
Cô ấy nhút nhát, có giọng nói dịu dàng, trầm ngâm và hay suy nghĩ, thích đọc sách hơn tiếp xúc với người khác. Dáng vẻ đi lại của cô rất khoan thai và duyên dáng. Nếu được sống theo cách của riêng mình, cô sẽ đi ngủ sớm và thức dậy muộn. Là người hạnh phúc nhất trong công ty của chính mình, cô ấy có một đời sống nội tâm phong phú, và kết quả là cô thường thả hồn trên mây. Đây là một kiểu người mang tính âm.
Âm–Dương là gì?
Âm và dương thường được biểu thị bằng một biểu tượng Đạo giáo cổ xưa gọi là thái cực. Nửa tối tượng trưng cho âm và nửa sáng đại diện cho dương. Bạn sẽ thấy rằng cũng có một dấu chấm của thứ này nằm trong thứ kia. Điều ấy chứng tỏ rằng chúng phụ thuộc lẫn nhau, đều cần có nửa còn lại để tồn tại.
Trái ngược với những gì nhiều người tin tưởng, âm và dương không phải là hai lực lượng đối lập; chúng bổ sung cho nhau. Hai nửa này có tính động và liên tục thay đổi, âm biến thành dương và ngược lại. Thái cực cho thấy rằng mặc dù tồn tại lưỡng cực, nhưng mỗi phần không thể tồn tại mà không có phần kia, và trên thực tế, hai phần có thể cùng tồn tại một cách hài hòa.
Tuy nhiên, âm dương không chỉ là một khái niệm Đông phương. Khoa học hiện đại tiến bộ đã tìm thấy các lĩnh vực khác nhau của tính lưỡng cực hài hòa – ở trong thân thể con người và khắp thế giới vật chất – từ cách các hormone và chất dẫn truyền thần kinh có bộ đếm để bật và tắt các quá trình khác nhau trong cơ thể con người, đến các đặc tính âm và dương của proton và neutron tạo nên vũ trụ nguyên tử và phân tử của chúng ta.
Thuyết âm dương
Tài liệu tham khảo viết tay sớm nhất về âm và dương bắt nguồn từ Kinh Dịch, có từ khoảng 700 năm trước Công nguyên, mặc dù học thuyết âm dương có thể là một phần của nền văn hóa trước đó. Thuyết âm dương là trọng tâm của Âm Dương gia (trường phái Âm Dương) trong suốt thời Chiến Quốc ở Trung Quốc từ năm 476 trước Công nguyên đến năm 221 trước Công nguyên. Âm Dương gia đôi khi còn được gọi là Trường phái Tự nhiên học với mục tiêu là sử dụng các quy luật tự nhiên một cách tích cực có lợi cho con người – không phải thông qua việc kiểm soát và chế ngự thiên nhiên như khoa học Tây phương hiện đại, mà bằng cách phù hợp với các quy luật đó. Mục tiêu cuối cùng của Âm Dương gia là hành động phù hợp với quy luật tự nhiên vì lợi ích của nhân loại và tất cả sự sống trên trái đất.
Âm Dương gia cũng giải thích các hiện tượng tự nhiên, bao gồm sức khỏe và bệnh tật của con người. Theo thời gian, thuyết âm dương đã trở thành nhân tố trung tâm của Trung y mãi cho đến nay.
Một trong những điều độc đáo về thuyết âm dương là âm và dương không mang tính tĩnh, mà có thể luân chuyển. Điều này khác với hệ lý luận đã thống trị tư duy Tây phương qua hơn 2,000 năm của Aristotle – tin rằng các đối tượng được định nghĩa là thế này chứ không phải thế khác; ví dụ như cái bàn này là tròn; cái bàn này không tròn: Cả hai đều không thể đúng. [Cái bàn này không thể vừa tròn vừa không tròn.]
Ngược lại, theo thuyết âm dương, mọi thứ đều có cả hai mặt âm và dương. Ví dụ về cái bàn, mặt trên của bàn là dương và mặt dưới là âm; mặt ngoài của bàn là dương và mặt trong là âm.
Một ví dụ khác, âm và dương cũng phụ thuộc vào những gì đang được quan sát. So với mặt trời (nóng, sáng, hoạt động) là dương, thì trái đất (mát mẻ, trong xanh và đầy những đại dương) là âm. Nhưng trái đất sẽ được xem là dương khi so sánh với mặt trăng (mát, tối, tĩnh lặng), nghĩa là mặt trăng âm hơn khi so sánh với trái đất. Đó là một khái niệm đơn giản nhưng thâm thúy, và các ứng dụng của học thuyết này là vô hạn.
Dưới đây là một số ví dụ về âm và dương.
Âm | Dương |
Tối | Sáng |
Mặt Trăng | Mặt Trời |
Tĩnh | Động |
Lạnh | Nóng |
Nhẹ | Nặng |
Tĩnh lặng | Sôi nổi |
Ướt | Khô |
Chậm | Nhanh |
Kiềm chế cảm xúc | Biểu lộ cảm xúc |
Tránh né | Trực diện |
Kín đáo | Thể hiện |
Bi quan | Lạc quan |
Tĩnh tại | Năng động |
Nữ tính | Nam tính |
Cảm xúc | Lý trí |
Tích trữ năng lượng | Dùng năng lượng |
Dẻo dai | Cứng rắn |
Mẫu hệ | Gia trưởng |
Vì người khác | Vì bản thân |
Bị động | Chủ động |
Thu mình | Nổi trội |
Trứng | Tinh trùng |
Tâm linh | Thực tế |
Yêu | Sợ |
Sáng tạo | Lý luận |
Đặc điểm tính cách âm và dương
Âm và dương cũng có thể được áp dụng cho các khía cạnh tính cách của chúng ta.
Mỗi người đều là một thể năng động gồm cả hai thuộc tính âm và dương, nhưng một số người dương hơn và những người khác âm hơn. Tuổi thơ đương nhiên là khoảng thời gian mang tính dương hơn với sự phát triển và trưởng thành mạnh mẽ cùng nguồn năng lượng bất tận của tuổi trẻ. Chúng ta dần trở nên âm hơn khi già đi, sống chậm lại, và trở nên nội tâm hơn.
Nói chung, những người có xu hướng mang tính dương hơn, là những người hay thể hiện cảm xúc ra ngoài, có sức thu hút, năng động, hướng ngoại, có tính xã hội cao, và thích được hòa mình vào thế giới và làm việc.
Những người có tính âm nhiều hơn, có xu hướng là những người trầm lặng hơn, thích sự cô độc, các hoạt động hướng nội như đọc, viết và thiền định; thích rừng, núi và đại dương hơn những bữa tiệc ồn ào với nhiều người.
Mặc dù tất cả chúng ta đều có các khía cạnh âm cũng như dương và chúng luôn biến hóa, nhưng hầu hết chúng ta đều có “bản chất” thiên về một trong hai nhóm.
Ví dụ về tính cách âm và dương
Những kiểu tính cách đại diện cho dương luôn khiến tôi nghĩ đến cha tôi. Ông rất khoáng đạt, và khiến tất cả mọi người trong phòng phải chú ý khi ông bước vào. Bởi vì khả năng hấp dẫn và thu hút của mình, ông không cần phải cố gắng mới trở thành trung tâm của sự chú ý. Là một nhạc sĩ, ông sẽ đem cây đàn guitar của mình ra và hát, thu hút bất cứ ai trong tầm âm thanh lạc vào bản nhạc với giọng hát mượt mà, phong phú của mình. Ông có tính xã hội cao và trở thành trung tâm của mọi buổi tiệc tùng.
Ngược lại, tôi lại mang tính rất âm. Yên lặng và nhút nhát, tôi cảm thấy hạnh phúc nhất khi ở một mình, vùi đầu vào sách. Tôi sống trong trí tưởng tượng của mình và có thể dành vô số giờ (trong thời gian cho phép) để chìm đắm trong những ý tưởng, suy nghĩ và theo đuổi sáng tạo. Một buổi chiều đi dạo trong khu rừng được thiên nhiên bao quanh là tưởng tượng của tôi về thiên đường, và không có một cuốn sách nào đủ dài hay một tách trà nào đủ lớn để phù hợp với tôi.
Cuộc sống cũng có những giai đoạn âm và dương. Như đã nói ở trên, khi còn nhỏ, chúng ta có xu hướng thể hiện tính dương hơn; khi đó chúng ta đang trong thời kỳ phát triển với nhiều năng lượng trong cuộc sống. Nhưng, như bà tôi luôn nói với tôi, tính cách của chúng ta trở nên khá rõ ràng ngay từ khi còn nhỏ, và đây có lẽ là xu hướng tự nhiên của chúng ta.
Khi già đi, nhiều người trong chúng ta có xu hướng sống chậm lại và hướng nội. Đối với một số người, tuổi tác dạy cho chúng ta sự tự tin và “thoải mái hơn khi là chính mình”, giúp chúng ta hướng ngoại hơn so với thời còn trẻ. Chúng ta cũng có thể đưa ra quyết định để thay đổi một phần tính cách của mình, chẳng hạn như hướng ngoại hơn hoặc thực hiện các bước để sống chậm lại và thư giãn sau khi nhận thấy xu hướng làm việc quá sức của mình. Tất cả những nhận thức về bản thân này có thể giúp chúng ta trở nên cân bằng hơn – đó là chìa khóa cho một cuộc sống khỏe mạnh, hạnh phúc.
Dưới đây là một số ví dụ về đặc điểm tính cách âm dương.
Âm | Dương |
Hướng nội | Hướng ngoại |
Tĩnh lặng | Sôi nổi |
Thích ở một mình | Thích nơi đông người |
Tĩnh tại | Hoạt động |
Chậm rãi, suy xét | Nhanh chóng, lập tức |
Thư giãn, nghỉ ngơi | Năng động |
Chú ý đến bên trong | Chú ý đến bên ngoài |
Hài lòng | Tham vọng |
Linh động uyển chuyển | Kiên quyết |
Điềm tĩnh | Sôi nổi |
Trung dung | Thích tiên phong |
Kiềm chế cảm xúc | Biểu lộ cảm xúc |
Sáng tạo | Theo logic |
Thận trọng | Bốc đồng |
Trên đây chỉ là một vài ví dụ về một số thuộc tính âm và dương, nhưng ví dụ thực sự là nhiều vô hạn. Việc hiểu biết một chút về bản thân và khuynh hướng của bản thân có thể giúp chúng ta theo vô số cách.
Những khác biệt về văn hóa
Ở Tây phương, chúng ta có xu hướng xem trọng tính cách dương và các đặc điểm của dương nói chung – chẳng hạn như nhiều năng lượng, tham vọng, hướng ngoại và tự tin. Tuy nhiên, ở Đông phương lại xem trọng khía cạnh âm nhiều hơn. Điều này được phản ánh trong một xã hội có khuynh hướng hướng nội và ngay cả trong giới cao niên, những người trong giai đoạn âm của cuộc đời. Những người lớn tuổi của chúng ta, sau một thời gian dài sống và học tập, đã cô đọng được một điều gì đó không có nơi người trẻ – đó là trí tuệ.
Việc nhận biết bạn là âm hoặc dương có thể giúp bạn như thế nào?
Ngoài thực tế là con người chúng ta có khát vọng sâu xa muốn biết và hiểu mình là ai, học thuyết âm dương cũng có thể giúp chúng ta theo nhiều cách khác, đặc biệt là về mặt sức khỏe và hạnh phúc. Bởi vì âm và dương có thể được áp dụng cho mọi thứ đang hiện hữu, việc biết chúng ta thuộc nhóm này hay nhóm khác có thể giúp chúng ta định hướng cuộc sống với nhận thức tốt hơn, và giúp chúng ta sống khỏe mạnh hơn.
Sức khỏe của người mang tính Âm
Nếu mang nhiều tính âm hơn, thì bạn có thể dễ bị các bệnh do nguyên nhân là lạnh hoặc ẩm ướt. Vì bản thân âm có liên quan đến lạnh (trái ngược với nóng, tức là dương), hãy lưu ý giữ ấm, đặc biệt trong những tháng lạnh hơn. Mặc đủ quần áo khi bạn ra ngoài trong thời tiết lạnh, ăn thức ăn ấm để cân bằng năng lượng âm (đặc biệt là vào mùa đông và những tháng lạnh hơn), đồng thời cố gắng vận động nhiều hơn. Làm vậy sẽ giúp giữ cho năng lượng chuyển động và tạo ra nhiều tính dương hơn để cân bằng tính âm của bạn.
Tính âm cũng khiến cơ thể hoạt động chậm hơn và có vấn đề kinh niên với các triệu chứng ít rõ ràng hơn; vì vậy, bạn nên lưu ý để giữ cho cơ thể cân bằng và hài hòa. Rất may, sự lưu tâm là một trong những điểm mạnh của những người kiểu âm.
Sức khỏe của người mang tính Dương
Nếu bạn có nhiều thuộc tính dương hơn, có một số điều cần lưu ý. Bởi vì dương có liên quan đến nhiệt và hoạt động, hãy lưu ý đến việc uống đủ nước và nghỉ ngơi đầy đủ. Trong những tháng nóng hơn, hãy cân bằng tính dương tự nhiên của bạn bằng các thực phẩm giải nhiệt, sống chậm rãi, và ngủ đủ giấc. Những người thuộc kiểu Dương dễ bị “kiệt sức” hơn, vì họ có xu hướng cố gắng quá mức, đôi khi đến mức kiệt sức. Hãy chú ý không làm việc quá nhiều, cũng như cân bằng tham vọng và nguồn năng lượng cao của bạn với một số hoạt động nội tâm như yoga, khí công, suy ngẫm, viết nhật ký hoặc thiền định.
Tính dương có xu hướng nhanh chóng dẫn đến vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn, vì vậy cân bằng là yếu tố then chốt – đặc biệt là trong những tháng mùa hè, khi năng lượng dương mạnh mẽ nhất. Người thuộc tính dương thường có hệ thống miễn dịch mạnh mẽ và phục hồi nhanh chóng, miễn là họ không bị suy kiệt.
Bây giờ khi đã biết thêm một chút về thế nào là “âm” hay “dương”, bạn nghĩ rằng bạn có tính chất nào nhiều hơn? Hay bạn là sự cân bằng hoàn hảo của cả hai?
Âm và dương chỉ đơn giản là một thấu kính mà chúng ta có thể sử dụng để hiểu các khuynh hướng tự nhiên của chúng ta. Tất cả chúng ta đều là một sự kết hợp tuyệt đẹp và độc đáo của năng lượng âm và dương – những năng lượng nên được tôn vinh vì chúng tạo nên con người chúng ta. Kiến thức này giúp chúng ta lưu tâm đến những điều có thể khiến chúng ta mất cân bằng và cách để lấy lại trạng thái cân bằng mà chúng ta luôn cố gắng muốn đạt được.
Với sự thông thái của triết học cổ xưa, chúng ta có thể nhìn thế giới theo một cách mới và thu được một số nhận thức về bản thân – thứ có thể giúp chúng ta trong mọi khía cạnh của cuộc sống.
Emma Suttie là một bác sĩ châm cứu và là người sáng lập Chinese Medicine Living – một trang web chuyên chia sẻ cách sử dụng trí tuệ cổ xưa để có một cuộc sống lành mạnh trong thế giới hiện đại.