Ban điều tra nghe về chiến dịch ‘bành trướng’ của Trung Cộng nhắm vào Pháp Luân Công ở Canada
Noé Chartier
Thao túng các chính trị gia, bạo hành bằng lời nói và bạo hành thân thể nhắm vào các học viên Pháp Luân Công, truyền bá lòng thù hận do chính quyền xúi giục thông qua truyền thông từ các đặc vụ của Trung Cộng là một số thách thức mà cộng đồng Pháp Luân Công ở Canada phải đối mặt. Đó cũng là những gì mà ban điều tra sự can thiệp của ngoại quốc nghe được hôm 27/03.
Đại diện của các nhóm cộng đồng hải ngoại – những người đã tường trình rằng họ là mục tiêu của một thế lực ngoại quốc – đã mở vòng điều trần mới tại Cuộc Điều Tra Công Khai về Sự can thiệp của Ngoại quốc ở Ottawa.
Mục đích của cuộc điều tra này là nghe bằng chứng về sự can thiệp vào cuộc bầu cử liên bang năm 2019 và 2021, nhưng cuộc điều tra đã bắt đầu bằng lời khai từ các cộng đồng vốn là mục tiêu rộng hơn của những phần tử ngoại quốc và sự đàn áp xuyên quốc gia.
Bà Grace Wollensak – thay mặt cho cộng đồng Pháp Luân Công – đã trình bày chi tiết về những gì mà bà gọi là chiến dịch “đàn áp và can thiệp ngoại quốc bành trướng” ở Canada do Trung Cộng thực hiện trong hai thập niên qua.
Bà mô tả Pháp Luân Công là một môn tu luyện thiền định với những bài giảng đạo đức được giới thiệu ra công chúng ở Trung Quốc vào năm 1992. Đến năm 1999, môn tu luyện này đã vô cùng phổ biến, theo bà, điều này giải thích một phần lý do vì sao Trung Cộng bắt đầu bức hại nhóm tu luyện này.
Các nguyên lý chân, thiện, và nhẫn của Pháp Luân Công “không phù hợp với hệ tư tưởng vô thần của chủ nghĩa cộng sản,” bà Wollensak nói, đồng thời cho biết thêm rằng lãnh đạo Trung Cộng khi đó là Giang Trạch Dân, đã đưa ra quyết định “xóa sổ” môn tu luyện này, coi sự phổ biến của môn tu luyện này là mối đe dọa đối với quyền lực của ông ta.
Bà cho biết rằng chiến dịch đàn áp được phát động ở Trung Quốc, bao gồm phỉ báng, bỏ tù, cưỡng bức lao động, tra tấn, và cưỡng bức thu hoạch nội tạng, đã bành trướng sang Canada với một loạt các chiến thuật. Những ví dụ bao gồm việc các đặc vụ của chính quyền mạo danh các học viên Pháp Luân Công và gửi những thư điện tử xúc phạm đến các chính trị gia nhằm bôi nhọ uy tín của môn tu luyện này.
Trong một lần, Lực lượng Cảnh sát Hoàng gia Canada (RCMP) đã liên lạc với bà sau khi các nghị viên khiếu nại về việc nhận được thư điện tử từ một người nào đó giả danh học viên Pháp Luân Công.
“Đây là một cuộc tấn công có hệ thống do các đặc vụ của Trung Cộng hoặc chính Trung Cộng dàn dựng nhằm bôi nhọ thanh danh của các học viên Pháp Luân Công,” bà Wollensak nói.
Ngoài ra, còn xảy ra nạn tấn công bằng lời nói và thân thể cùng với sự sách nhiễu “liên tục” của các đặc vụ Trung Cộng nhắm vào các học viên Pháp Luân Công ở Canada. Bà cho biết trong đó có một học viên bị “dí súng” trong lúc đang kháng nghị bên ngoài lãnh sự quán Trung Quốc ở Vancouver.
Trong một vụ khác, một học viên ở Toronto đã gặp rắc rối ngay trước cửa nhà và bị đe dọa rằng con của cô sẽ bắt đi. Cô là người đã từng lên tiếng yêu cầu trả tự do cho chị gái và anh rể của mình – những người đang bị Trung Cộng bỏ tù bất hợp pháp ở Trung Quốc vì đức tin của họ vào Pháp Luân Công.
“Trong một lần khác, cửa sổ xe hơi của cô ấy bị đập vỡ, ban công nhà thì bị ném chất xú uế,” bà kể.
Bà Wollensak còn trình bày việc Trung Cộng kiểm soát hãng thông tấn Hoa ngữ nhằm bôi nhọ môn tu luyện này và cho biết truyền thông Canada đôi khi đã bị nhầm lẫn khi sử dụng từ ngữ của Trung Cộng để nói về các học viên.
Bà cho biết vấn đề đã được cải thiện sau khi các cuộc kháng nghị được đưa ra cho các hãng thông tấn, mặc dù tình hình vẫn còn rất tồi tệ khi nói đến các hãng thông tấn Hoa ngữ của Canada, thường là do Trung Cộng kiểm soát.
Bà Wollensak cũng kể lại việc các quan chức thành phố Canada, sau chuyến đi tới Trung Quốc, đã rút lại sự ủng hộ của họ dành cho Pháp Luân Công hoặc có hành động ngăn chặn các cuộc kháng nghị phản đối chính quyền Trung Quốc.
Năm 2006, thị trưởng Vancouver đương thời Sam Sullivan đã khởi kiện ra tòa để không cho buổi cầu nguyện đã có từ lâu của Pháp Luân Công được tổ chức bên ngoài lãnh sự quán Trung Quốc nữa. “Khi tôi đến Trung Quốc, họ đối xử với tôi như một ông hoàng,” ông Sullivan nói với tờ Vancouver Sun cùng năm đó.
Bà Wollensak không thể che giấu được cảm xúc khi kể lại nỗ lực của các quan chức thành phố Ottawa nhằm giảm bớt phạm vi của cuộc kháng nghị do bà tổ chức trước đại sứ quán Trung Quốc; bà gọi đây là một ví dụ về việc Bắc Kinh gây ảnh hưởng đến chính quyền địa phương. Sau nhiều nỗ lực, vấn đề đã được giải quyết, nhưng bà cho rằng nhóm tu luyện này không cần phải trải qua những thử thách như vậy.
Ảnh hưởng của Bắc Kinh cũng được thể hiện rõ vào năm 2010 khi thị trưởng đương thời của Ottawa là ông Larry O’Brien, theo Ottawa Citizen, sau khi trở về từ chuyến đi đến Trung Quốc, đã rút lại sự ủng hộ dành cho một bản tuyên bố công nhận các học viên Pháp Luân Công, được cho là vì một “cam kết” mà ông đã đưa ra. Bất luận sự thay đổi này của thị trưởng, hội đồng thành phố đã đồng thuận thông qua tuyên bố tôn vinh Pháp Luân Công – điều mà thành phố tiếp tục thực hiện trong những năm tiếp theo.
Bà Wollensak đã tham khảo một báo cáo toàn diện do Hiệp hội Pháp Luân Đại Pháp Canada công bố hồi tháng 10/2023, trong đó nêu rõ mức độ các thủ đoạn bức hại của Trung Cộng ở Canada và đưa ra một loạt khuyến nghị.
Các khuyến nghị này bao gồm việc công khai lên án cuộc đàn áp của Trung Cộng nhắm vào Pháp Luân Công, trừng phạt các nhà ngoại giao và quan chức Trung Quốc nào liên quan đến các hoạt động xâm nhập và đàn áp, đồng thời ban hành đạo luật ghi danh đại diện ngoại quốc.
‘Chi phí vận động’
Một đại diện khác của một nhóm cộng đồng bị Bắc Kinh nhắm đến đã làm chứng trước ban điều tra là ông Mehmet Tohti – giám đốc Dự án Vận động Quyền của người Duy Ngô Nhĩ.
Người Duy Ngô Nhĩ – một nhóm dân tộc thiểu số Hồi Giáo gốc Thổ Nhĩ Kỳ ở phía tây bắc Trung Quốc – từ lâu đã bị Bắc Kinh đàn áp và bị giam giữ tùy tiện hàng loạt. Trong một kiến nghị năm 2021, Hạ viện [Canada] tuyên bố cách Trung Cộng đối xử với họ là một hành vi diệt chủng.
Ông Tohti cho biết cái giá phải trả cho việc vận động chính sách là rất cao; ông thuật lại việc ông nhận được cuộc gọi từ công an Trung Quốc thông báo rằng mẹ và hai chị gái của ông đã qua đời. Cuộc gọi này được thực hiện chỉ vài tuần trước khi Hạ viện [Canada] bỏ phiếu về một kiến nghị kêu gọi tái định cư 10,000 người Duy Ngô Nhĩ. Sau đó ông xác nhận mẹ ông đã qua đời trong trại tập trung ở tuổi 76.
Ông nói rằng chính quyền Trung Quốc đã “gửi loại thông điệp đó và ám chỉ rằng đây là cái giá mà ông phải trả nếu tiếp tục vận động,” đồng thời cho biết thêm rằng “thiếu sự bảo vệ ở Canada.”
Đại diện của cộng đồng gốc Iran, Nga, và Sikh cũng kể về những gì họ trải qua và mối lo ngại của họ trước sự can thiệp của ngoại quốc.
Tiết lộ thông tin
Phiên họp hôm 27/03 đã khai mạc với việc Ủy viên Marie-Josée Hogue tóm tắt lại vòng điều trần đầu tiên được tổ chức hồi tháng Một và tập trung vào cách mà cuộc điều tra nên quản lý thông tin mật.
Bà Hogue cho biết các phiên điều trần hồi tháng Một cho thấy việc bảo vệ một số loại thông tin có thể là điều cần thiết để bảo vệ an ninh quốc gia và tôn trọng các cam kết quốc tế.
Bà nói rằng, mặt khác, việc tiết lộ một số thông tin đó có thể giúp giáo dục công chúng nhận biết và ứng phó với những nỗ lực can thiệp của ngoại quốc.
Ủy viên này cho biết thực tế là một số thông tin được bảo vệ và tuyệt mật liên quan đến sự can thiệp của ngoại quốc đã không ngăn trở cuộc điều tra.
“Cho đến nay các yêu cầu về bảo mật vẫn không ngăn cản chúng tôi thực hiện công việc mà chúng tôi được giao,” bà nói.
Cuộc điều tra được đưa ra sau khi các đảng chính trị tổ chức đàm phán trong mùa hè để quyết định các điều khoản tham chiếu và chọn một ủy viên.
Ban đầu chính phủ Đảng Tự Do đã phản đối việc tổ chức một cuộc điều tra. Trong bối cảnh báo chí đưa tin ngày càng nhiều thông tin rò rỉ về an ninh quốc gia và áp lực chính trị ngày càng gia tăng, hồi tháng 03/2023, Thủ tướng Justin Trudeau đã bổ nhiệm cựu thống đốc David Johnston làm báo cáo viên đặc biệt về sự can thiệp của ngoại quốc.
Tháng 05/2023, ông Johnston kết luận trong báo cáo của mình rằng để bảo vệ thông tin an ninh quốc gia, không nên tổ chức một cuộc điều tra về sự can thiệp của ngoại quốc. Vào tháng Sáu năm đó, ông đã từ chức dưới áp lực từ các đảng đối lập.
Những rò rỉ của CSIS được công bố trên báo chí đã mô tả sự can thiệp rộng rãi của Bắc Kinh vào tiến trình dân chủ của Canada. Một số cáo buộc được công bố đã được ông Johnston đề cập trong báo cáo của mình.
Ví dụ, ông xác nhận rằng thông tin tình báo cho thấy có “sự bất thường” trong việc đề cử ông Han Dong thuộc Đảng Tự Do hồi năm 2019 trong cuộc đua vào nghị viện Ontario tại Don Valley North. Báo cáo cho biết: “Có cơ sở nghi ngờ rằng những hành vi bất thường này có liên quan đến Lãnh sự quán [Trung Quốc] ở Toronto, nơi mà ông Dong vẫn thường xuyên qua lại.”
Ông Trudeau đã được thông báo về những bất thường này nhưng quyết định để ông Dong tại vị.
Ông Dong từ nhiệm khỏi nhóm họp kín của Đảng Tự Do hồi tháng 03/2023 và đã kiện Global News về việc đưa tin đầu tiên về thông tin tình báo này, vì cho rằng thông tin đó mang tính chất phỉ báng.
Nghị sĩ này, hiện là thành viên Độc Lập, có đủ căn cứ pháp lý tại cuộc điều tra công khai này và sẽ làm chứng với tư cách nhân chứng. Ông Trudeau và các quan chức chính phủ khác dự kiến cũng sẽ xuất hiện trước cuộc điều tra trong những ngày tới.