BÀI VIẾT CHUYÊN SÂU: Bắc Kinh lợi dụng các tai nạn ở Eo biển Đài Loan cho mục đích tuyên truyền
Venus Upadhayaya
Trong một hành động mang tính khiêu khích hôm 19/02, Hải cảnh Trung Quốc đã lên tàu du lịch Đài Loan King Xia để kiểm tra tại vùng biển gần quần đảo Kim Môn của Đài Bắc. Sự việc này xảy ra năm ngày sau vụ một xuồng cao tốc Trung Quốc bị lật khi bị tàu tuần duyên Đài Loan truy đuổi, khiến hai trong bốn ngư dân trên xuồng thiệt mạng vì chết đuối.
Sự căng thẳng đã gia tăng giữa đôi bờ eo biển khi Bắc Kinh đáp trả bằng cách tăng thêm các đợt tuần tra gần quần đảo Kim Môn, nằm cách Trung Quốc chỉ chưa đầy 2 dặm (~ 3.2 km).
Hội đồng Sự vụ Hoa lục của Đài Loan – có trách nhiệm giải quyết các vấn đề liên quan đến Bắc Kinh – tuyên bố hôm 15/02 rằng vụ tai nạn này “là do thủy thủ đoàn phía Hoa lục từ chối hợp tác với nhân viên chấp pháp Đài Loan.” Tuyên bố này cho biết các tàu đánh cá Trung Quốc đã “nhiều lần” xâm phạm hải phận bị cấm qua lại của Đài Loan trong những năm qua, buộc lực lượng tuần duyên Đài Loan phải tăng cường chấp pháp.
Hôm 19/02, năm tàu Trung Quốc đã xuất hiện trong vùng hải phận bị hạn chế hoặc cấm qua lại [của Đài Loan], trong khi một tàu chính thức của Trung Quốc cũng đi vào hải phận này hồi tuần trước. Đến ngày 21/02, Bộ Quốc phòng Đài Loan cho biết rằng chỉ trong vòng 24 giờ, họ đã phát hiện 15 phi cơ quân sự và 11 tàu hải quân Trung Quốc hoạt động quanh hòn đảo này để thực hiện “các cuộc tuần tra sẵn sàng nghênh chiến”.
Dựng chuyện không đúng sự thật
Ông Frank Lehberger là một nhà Hán học đang sống ở châu Âu với 30 năm kinh nghiệm phân tích và tư vấn chính trị ở châu Á. Ông hiểu rõ nền chính trị Đài Loan vì đã sống ở đó hơn một thập niên trong quá trình chuyển đổi sang chế độ dân chủ vào những năm 1990. Ông Lehberger đã thảo luận về tai nạn tàu đánh cá này trong một buổi phỏng vấn độc quyền với The Epoch Times.
Theo quan điểm của ông, tai nạn này đã được lợi dụng để tạo ra một lối đưa tin giả dối, như một phần trong các hoạt động chiến tranh tường thuật của Trung Cộng chống lại Đài Loan – đất nước được quản trị một cách dân chủ.
“Tai nạn tàu biển này chỉ là một phần nhỏ trong hoạt động chiến tranh tường thuật đang diễn ra của Trung Quốc,” ông nói. “Thông điệp mà Trung Quốc muốn gửi tới dư luận Đài Loan là chính phủ Đài Loan bất lực và không thể bảo vệ công dân của họ về vụ lật xuồng này khỏi bị bỏ tù khi Trung Quốc đưa ra bất kỳ cáo buộc nào, từ đó gây chia rẽ giữa công dân và tân chính phủ mà họ vừa mới bầu ra.”
Ông nói, tóm lại, thông điệp này là “tất cả những người Đài Loan đó đều thuộc về chúng tôi; chúng tôi không cần quan tâm [đến] luật pháp và quy định của họ.”
Ông Lehberger cho biết vụ tai nạn này đã bị lợi dụng để tuyên truyền trong nội địa Trung Quốc. Mục đích là để đánh lạc hướng người dân Trung Quốc khỏi tình trạng rối ren trong nước lan rộng mà giới lãnh đạo Trung Quốc đang phải đối mặt.
Ông Lehberger lưu ý rằng tình trạng rối ren trong nước này được thể hiện qua nền kinh tế đang sụp đổ và tỷ lệ thất nghiệp gia tăng – đến mức cục thống kê Trung Quốc đã tạm thời ngừng báo cáo số lượng thanh niên thất nghiệp từ năm ngoái. Thêm vào đó là thị trường chứng khoán Trung Quốc đầy biến động, hoạt động tệ nhất trên toàn cầu vào năm ngoái, và tiếp tục lao dốc trong năm mới này.
Một đợt sụp đổ thị trường hôm 05/02 đã gây thiệt hại cho hàng triệu nhà đầu tư nhỏ lẻ, khi hơn 1,800 mã cổ phiếu trên thị trường Thượng Hải và Thâm Quyến giảm hơn 10%.
Trong cơn phẫn nộ, cư dân mạng đã truy cập trương mục mạng xã hội tiếng Hoa của Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Bắc Kinh để trút nỗi thất vọng. Với hy vọng rằng bình luận của mình sẽ thoát khỏi vòng kiểm duyệt, hàng chục ngàn người đã phàn nàn về tình hình kinh tế trong phần bình luận trên một bài đăng vô thưởng vô phạt của đại sứ quán trên Weibo về việc bảo tồn hươu cao cổ, và hiện tượng này nhanh chóng được gọi là “vụ hươu cao cổ”.
Ông Lehberger nói: “Cho đến nay, đợt bán tháo cổ phiếu này chỉ có thể được đảo ngược bằng việc ông Tập Cận Bình cấm thị trường Trung Quốc tự do bán cổ phiếu. Theo định nghĩa [về ‘thị trường’], thì lúc đó không còn là một thị trường nữa.
Nhà Hán học này cho biết giới lãnh đạo cộng sản Trung Quốc đang khuấy động “những lối đưa tin và tâm lý kiểu Sô vanh” [dân tộc cực đoan] của những người Trung Quốc bình dân. Ông gọi sự việc ngày 14/02 là một “ơn trời” đối với Bắc Kinh, cho phép quốc gia này thêu dệt những bài đưa tin tuyên truyền để đạt được mục đích đó.
Tin đồn về một vụ lừa bịp
Ông Lehberger gọi vụ lật thuyền này là một “trò lừa bịp”. Ông nói, chẳng may là hai người sống sót trên thuyền đã được thả mà không bị thẩm vấn.
Ông nói: “Những ngư dân đó chắc chắn là giả mạo; điều này được chứng thực bằng một loạt sự kiện đã được xác nhận.”
The Epoch Times đã không thể xác thực một cách độc lập tuyên bố của ông Lehberger rằng những người trên thuyền không phải là ngư dân. Tuy nhiên, chúng tôi được biết rằng tàu Trung Quốc này chưa được đăng bộ. Nhiều tin đồn trên mạng xã hội cho rằng các ngư dân này là gián điệp, kẻ buôn lậu, hoặc kẻ phá hoại người Trung Quốc.
Xưa nay Trung Quốc thường sử dụng các tàu đánh cá cải trang thành một dạng lực lượng dân quân trên biển cho nhiều mục đích khác nhau, khiến những tin đồn này càng thêm đáng tin. Ngoài ra, các sự việc trong quá khứ ảnh hưởng đến ngành đánh bắt cá trong khu vực cũng đã tạo ra sự nghi ngờ. Trang web của chính quyền huyện Kim Môn nêu lên rằng nguồn thủy sản đã hao hụt “rất nhiều” do tình trạng “đánh bắt cá bằng bom trái phép và đánh bắt xuyên biên giới” liên quan đến các tàu đánh cá từ Trung Quốc.
Trong tuyên bố của mình, Hội đồng Sự vụ Hoa lục Đài Loan đã bày tỏ quan điểm tương tự: “Trong những năm qua, một số ít những người từ Hoa lục đã xâm phạm hải phận Đài Loan để nạo vét cát, đánh cá bằng chất nổ và chất độc, đổ rác xuống biển, cũng như tham gia vào các hoạt động khác có hại cho hệ sinh thái biển.”
Ông Lehberger cho biết những tuyên bố này cũng nảy sinh bởi vì “những người sống sót đều nói tiếng Quan thoại với khẩu âm của các tỉnh nội địa Trung Quốc.” Ông bày tỏ ông không tin “rằng cả bốn người này đều là dân địa phương ở bờ biển Phúc Kiến, vậy nên họ hoàn toàn không biết cách đánh cá cũng như cách sống sót khi chẳng may bị rơi xuống biển.”
Ông cho biết, hải quân Đài Loan đã giám sát các vùng biển xung quanh Kim Môn để phát hiện bất kỳ hoạt động phi pháp nào liên quan đến nhiều loại tàu khác nhau, tương tự như chiếc xuồng cao tốc bị lật này.
Ông Lehberger bày tỏ: “Đáng nghi vấn là chiếc xuồng cao tốc này thực sự không phù hợp với bất kỳ hoạt động đánh bắt cá thông thường nào, nhưng hoàn toàn phù hợp để buôn lậu và tránh né lực lượng chấp pháp. Những loại tàu thuyền như vậy được chính quyền Đài Loan và Trung Quốc gọi là thuyền ‘ba không’: không danh tính, không giấy tờ, và không đăng vào sổ tại bất kỳ bến cảng nào.”
Ông nói, chính phủ Đài Loan đã trao trả hai người sống sót về Trung Quốc mà không thẩm vấn họ kỹ lưỡng trước để xác định danh tính cũng như động cơ của họ. Ngoài ra, “Truyền thông Đài Loan không được phép [phỏng vấn] hai người đó. Từ đó có thể suy ra rằng họ không muốn đơn phương leo thang căng thẳng với Trung Quốc.”
Cơ quan Tuần Duyên Đài Loan cho biết trong một tuyên bố rằng họ đã không thể quay phim sự việc này do di chuyển ở tốc độ cao trong khoảng thời gian rượt đuổi ngắn ngủi.
Ông Lehberger cho biết việc lực lượng tuần duyên không thể cung cấp các thông tin chi tiết then chốt cho thấy đây là một sai lầm nghiêm trọng của Đài Loan, mặc dù các quan chức nói rằng sai sót này chỉ là vô ý.
Ban đầu, Đài Loan không tiết lộ việc hai tàu này đã va chạm trước khi tàu Trung Quốc bị lật, chỉ cách hải phận Đài Loan 0.86 hải lý.
Ông Lehberger nói: “Chính quyền Trung Quốc ngay lập tức [lợi dụng] hai người sống sót cho việc tuyên truyền, miêu tả họ như những nạn nhân, trong các màn trình diễn được dàn dựng trước truyền thông Trung Quốc.”
“Khán giả có thể thấy họ vừa khóc vừa thương thân trách phận một cách thống thiết về những hành động được cho là ‘vô nhân đạo và tàn bạo’ của Tuần Duyên Đài Loan, cho rằng lực lượng này đã ‘cố ý’ đâm vào xuồng cao tốc của họ, lật xuồng để ‘sát hại’ họ.”
Bất chấp những cách kể chuyện kiểu gây hấn này, một quan chức Đài Loan ẩn danh nói với The Epoch Times rằng ông tin rằng sự việc tuy đơn giản nhưng đã bị chính trị hóa do không có video.
“Lực lượng tuần duyên Đài Loan đã yêu cầu tàu đánh cá này dừng lại để kiểm tra trên tàu. Đây là quyền hợp pháp của bất kỳ quốc gia có chủ quyền nào,” quan chức này nói, nhấn mạnh rằng lực lượng tuần duyên Đài Loan đã hành động đúng với các quyền của họ.
Đài Loan cho biết lực lượng quân sự của nước này sẽ không can thiệp
Sau sự việc hôm 14/02, Bộ trưởng Quốc phòng Đài Loan Khâu Quốc Chính cho biết quân đội của quốc đảo này sẽ không can thiệp. Ông nói, lực lượng tuần duyên Đài Loan chịu trách nhiệm giám sát vùng biển xung quanh Kim Môn, “bởi chúng tôi muốn tránh chiến tranh.”
Ông Lehberger gọi đây là một “hành động thận trọng” mặc dù điều này đã bị chỉ trích ở Đài Loan.
Ông nói: “Đài Loan ra tín hiệu cho phía Trung Quốc rằng họ cũng không nên để quân đội của mình can thiệp vào. Có lẽ Trung Quốc có thể sẽ hành động tương tự, đơn giản vì vụ này cũng khiến họ bất ngờ và… quân đội Trung Quốc vẫn chưa kịp chuẩn bị.”
Tuy nhiên, ông nói thêm rằng, việc yêu cầu quân đội Đài Loan tham gia giám sát vùng biển xung quanh đảo Kim Môn không hẳn là không phù hợp chút nào.
“Trung Quốc đã bày tỏ ý định đơn phương (và trái với luật pháp quốc tế) biến tuyến đường biển quốc tế quan trọng tại Eo biển Đài Loan thành hồ nước nội địa của Trung Quốc bằng cách sử dụng hải quân Trung Quốc làm lực lượng thực thi.”
Ông Lehberger cho biết rằng cách hiệu quả nhất để Đài Loan vô hiệu hóa tác động từ nỗ lực của Trung Quốc là quốc tế hóa sự việc, thu hút lực lượng tuần duyên Mỹ và Nhật Bản.
Ông nói, sự tham gia của quốc tế chính xác là điều mà Bắc Kinh không muốn. Trung Quốc coi đây là “mối nguy hiểm nghiêm trọng” cho mục đích “phá hủy nền dân chủ của Đài Loan và cướp đi khả năng phòng thủ hợp pháp của Đài Loan”. Do đó, bất kỳ sự trợ giúp nào từ Hoa Kỳ hoặc Nhật Bản sẽ bị họ coi là sự can thiệp của nước ngoài.
Bản tin có sự đóng góp từ Reuters.
Cô Venus Upadhayaya phóng viên chuyên về địa chính trị Ấn Độ và Nam Á. Cô đã đưa tin về khu vực biên giới Ấn Độ–Pakistan đầy biến động và đã đóng góp cho các hãng truyền thông in ấn chính thống ở Ấn Độ trong khoảng một thập kỷ. Truyền thông cộng đồng, phát triển bền vững, và sự lãnh đạo vẫn là lĩnh vực quan tâm chính của cô.