Bài học cho phe bảo thủ từ phiên đàn hặc cựu Tổng thống Trump
Khi tôi đang viết ra những dòng này, cũng là lúc Thượng viện vừa tuyên bố trắng án cho cựu Tổng thống (TT) Donald Trump. Theo tôi, từ sự việc này, phe bảo thủ có thể học được một số bài học, những bài học mà tôi trình bày sau đây không theo một thứ tự cụ thể nào, vì tất cả đều quan trọng.
Cuộc bỏ phiếu cuối cùng này, giống như toàn bộ quá trình đàn hặc trước nó, cho thấy hiện trạng suy thoái của Quốc hội. Đơn cử là, có 55 thượng nghị sĩ tại phiên tòa đã cùng biểu quyết rằng họ có thẩm quyền xét xử vụ việc. Nhưng rõ ràng là họ đã không thực sự cân nhắc giữa quyền xét xử và lý lẽ phải trái một cách riêng rẽ. Đó là bởi vì toàn bộ 55 người này đều đã bỏ phiếu chỉ để kết tội. Có vẻ như động cơ cuộc bỏ phiếu cho quyền xét xử này hoàn toàn được thôi thúc bởi khát khao chứng minh cựu TT Trump có tội.
Tuy nhiên, có hai thượng nghị sĩ mặc dù đã bỏ phiếu chống lại quyền xét xử nhưng vẫn bỏ phiếu cho việc kết tội. Hãy suy ngẫm một chút về điều đó: Họ thừa nhận quy trình này là không hợp pháp—nhưng họ vẫn muốn sử dụng nó: “Đúng đấy, tôi biết đây là một phiên tòa trá hình (kangaroo court), nhưng dù sao thì tôi cũng sẽ để nó treo cổ ông.”
Bảy đảng viên Đảng Cộng Hòa đã bỏ phiếu để kết tội. Họ sẽ phải hứng chịu phản ứng từ người dân. Làm thế nào mà ông Mitt Romney sẽ có thể sống sót được qua cuộc tranh cử sơ bộ của Đảng Cộng Hòa tại Utah vào năm 2024? Câu trả lời là, ông ấy có thể sẽ không.
Cuộc nổi dậy gần đây nhất không phải là ở Điện Capitol Hoa Kỳ. (Cuộc xâm nhập Điện Capitol giống một cuộc bạo động hơn.) Như tác giả Andy Ngô đã viết trong cuốn sách mới của mình, tựa đề “Hé lộ chân tướng” (“Unmasked”), đó đã và đang là cuộc nổi dậy do Antifa–Black Lives Matter khơi mào. Quả thật là sửng sốt khi biết rằng một số đảng viên Đảng Dân Chủ hàng đầu đã tiếp tay hoặc ít nhất là dung túng cho cuộc nổi dậy đó.
Hôm 12/02, luật sư David Schoen của cựu TT Trump đã cứu vãn thành tích kém cỏi ban đầu của nhóm luật sư bào chữa cho ông bằng cách chiếu một loạt video có tác động mạnh mẽ. Chúng quay cảnh các thành viên Đảng Dân Chủ hàng đầu, bao gồm nhiều người ở Thượng viện, đang làm gần như chính xác những gì mà họ cáo buộc cựu TT Trump đã làm. Một đoạn video đã trình chiếu những cảnh tượng kinh hoàng trong cuộc bạo loạn Antifa–Black Lives Matter năm 2020, song song với hình ảnh các đảng viên Dân Chủ hàng đầu đang cổ vũ cho những kẻ bạo loạn đó.
Thật khó mà tránh để kết luận rằng nhiều đảng viên Dân Chủ hàng đầu về cơ bản là thù địch với hệ thống Hiến pháp của Hoa Kỳ. Đây vừa là mối nguy rất lớn đối với Hoa Kỳ, vừa là cơ hội chính trị lớn cho Đảng Cộng Hòa. Cơ hội của Đảng Cộng Hòa không chỉ mang tính toàn quốc, mà còn hiện hữu ở các tiểu bang thiên tả khác đang bị ảnh hưởng bởi các hoạt động của Antifa–Black Lives Matter, đặc biệt là Washington và Oregon.
Tôi từng giảng dạy nhiều năm ở các trường cao đẳng và đại học, vì vậy tôi rất quen thuộc với thái độ thù địch của giới học giả đối với hệ thống Hiến pháp của chúng ta. Ở một mức độ không tương xứng, các đảng viên Đảng Dân Chủ đắc cử đã bước thẳng vào chính trường từ môi trường học thuật. Hai trong số rất nhiều ví dụ nói trên là những nhân vật giữ vai trò chủ chốt trong phiên đàn hặc, bao gồm Thượng nghị sỹ Charles Schumer (Dân Chủ-New York), người đã nhậm chức tại Cơ quan Lập pháp tiểu bang New York gần như ngay lập tức sau khi tốt nghiệp trường luật; và người phụ trách đàn hặc tại Hạ viện, Dân biểu Jamie Raskin (Dân Chủ-Maryland), người đã dành gần như toàn bộ sự nghiệp chuyên môn để làm giáo sư luật ở thủ đô Hoa Thịnh Đốn. Những người như vậy đã hoàn toàn chìm đắm trong các quy tắc “cấp tiến,” nhưng lại tương đối ít tiếp xúc với xu thế chủ đạo trong đời sống người dân Hoa Kỳ.
Cựu TT Donald Trump tạo ra lòng trung thành lớn. Nhưng một bài học từ nhiệm kỳ tổng thống ngắn ngủi và đầy sóng gió của ông là Đảng Cộng Hòa cần đề cử các ứng viên tổng thống có kinh nghiệm chính trị hơn. Nhiệm kỳ tổng thống không phải là nơi để học việc. Tất nhiên, các cử tri sơ bộ của Đảng Cộng Hòa phải phân biệt trong các ứng cử viên có kinh nghiệm chính trị, ai là những người sẽ vẫn kiên định và ai là những người sẽ bán mình cho “Đầm lầy.” Đảng Cộng Hòa nên đề cử nhiều Reagan và ít McCain hơn.
Đây là một thực tế quan trọng mà cựu TT Trump (cũng như nhiều thành viên Đảng Cộng Hòa khác) không bao giờ hiểu: việc một tổng thống Đảng Cộng Hòa và Quốc hội bãi bỏ các quy định hoặc hạn chế sự phát triển của chính phủ là chưa đủ. Nếu các chương trình nuôi dưỡng cho cánh tả không bị loại bỏ, chúng sẽ nhanh chóng phát triển trở lại. (Hãy nghĩ đến việc ông Joe Biden đã đảo ngược di sản của ông Trump nhanh như thế nào.) Khi Đảng Cộng Hòa nắm quyền, họ phải xóa bỏ các nghị trình tồi tệ, chứ không phải chỉ là cải cách hoặc cắt bỏ chúng — bất chấp những lời la hét của Đảng Dân Chủ, những kẻ vận động hành lang và giới truyền thông. Khi các chương trình do người đóng thuế tài trợ biến mất, thì thiệt hại xã hội mà chúng gây ra cũng theo đó mà biến mất. Và các nguồn quỹ của người đóng thuế vốn cũng là huyết mạch của phe cánh tả cũng sẽ không cánh mà bay. Tôi có rất nhiều đề nghị cho việc loại bỏ này, nhưng một nơi tốt để bắt đầu sẽ là các chương trình liên bang tài trợ cho giới học giả cánh tả.
Việc không nắm bắt được một thực tế khác đã khiến cựu TT Trump gặp rắc rối hết lần này đến lần khác. Thực tế đó là: Các tiêu chuẩn ứng xử được trông đợi đối với những người bảo thủ cao hơn những người theo chủ nghĩa tự do. Các đảng viên Đảng Dân Chủ hàng đầu, những người đã cổ vũ cho cuộc nổi dậy, đã thoát ra khỏi tình huống rắc rối đó mà không bị bất kỳ hình phạt nào; còn cựu TT Trump thì bị đàn hặc vì những điều còn kém xa. Tôi biết điều này là sự bất công khủng khiếp. Tôi biết một lý do chính là sự thiên vị của giới truyền thông và quan liêu. Nhưng một chính trị gia lão luyện làm việc với những điều kiện như họ vốn có, không phải như những gì họ muốn. Bất kỳ ứng cử viên hoặc viên chức Đảng Cộng Hòa nào cũng nên cân nhắc, cân nhắc lại mọi điều anh ta nói và làm trước khi thực hiện những điều đó. Là một nhà lãnh đạo Đảng Cộng Hòa bảo thủ lâu năm và là một ứng cử viên cho chức thống đốc, tôi đã rất vất vả mới học được điều này.
Việc loại bỏ cựu TT Trump khỏi cuộc chơi luôn là rủi ro, nhưng có ba yếu tố có tác dụng ngăn cản sự trở lại huy hoàng của ông ấy. Thứ nhất, nhiều nhà hoạt động của Đảng Cộng Hòa sẽ không muốn mang theo hành lý tiêu cực. Thứ hai, cựu TT Trump đã 74 tuổi và năng lượng vô biên của ông ấy sẽ không tồn tại mãi mãi. Thứ ba, và quan trọng nhất, sẽ có rất nhiều ứng cử viên tài giỏi sẵn sàng thay thế vị trí của ông ấy. Có thể kể ra hai người là các thượng nghị sỹ Rand Paul (Cộng Hòa-Kentucky) và Josh Hawley (Cộng Hòa-Missouri), những người đã giành được sự kính trọng trong nội bộ Đảng Cộng Hòa thông qua việc ủng hộ tính liêm chính của cuộc bầu cử và phản đối việc đàn hặc. Đảng Cộng Hòa cũng sẽ sản sinh ra các ứng cử viên tiềm năng khác.
Cuối cùng, và quan trọng nhất: Như tôi đã lưu ý trước đây, sự hủ bại trong nền chính trị quốc gia nêu bật sự cần thiết phải cứu lấy Hoa Kỳ thông qua hành động được cân nhắc cẩn thận ở cấp lập pháp tiểu bang—thông qua cải cách bầu cử, phân bổ các đại cử tri tổng thống để ngăn chặn sự hủ bại ở các thành phố lớn, và kêu gọi một đại hội các tiểu bang để đề xuất sửa đổi tu chính án trong Hiến pháp.
Ông Robert G. Natelson là viện sỹ cao cấp về luật hiến pháp tại Viện Độc lập ở Denver, ông cũng là tác giả của cuốn sách “Hiến pháp gốc: Điều nó thực sự nói lên và ý nghĩa.”
Góc nhìn được trình bày trong bài viết này là ý kiến của riêng tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.