Bắc Kinh mở rộng liên minh chống Hoa Kỳ với thỏa thuận Hamas–Fatah
Jessica Mao và Lynn Xu
Các phe phái Palestine, bao gồm Fatah và tổ chức khủng bố Hamas, đã đồng ý thành lập chính phủ sau các cuộc đàm phán do Bắc Kinh tổ chức. Các nhà phân tích tin rằng nhà cầm quyền Trung Quốc đang xây dựng mối quan hệ mật thiết hơn với các tổ chức khủng bố ở Trung Đông để mở rộng liên minh chống Hoa Kỳ của mình.
Hôm 23/07, sau hai ngày hòa giải, 14 phe phái Palestine đã cùng ký một tuyên bố tại Bắc Kinh về “chấm dứt chia rẽ và củng cố sự thống nhất của người Palestine” đồng thời thành lập “chính phủ hòa giải dân tộc lâm thời” trong quá trình tái thiết Gaza sau chiến tranh.
Ông Ngô Tộ Lai (Wu Zuolai), chuyên gia bình luận chính trị và cây viết về các vấn đề Trung Quốc sống tại Hoa Kỳ, tin rằng Bắc Kinh hiện đang giúp thống nhất các tổ chức khủng bố, một hành động mang ý nghĩa quan trọng. Ông cho biết: “Cũng giống như việc Bắc Kinh công nhận Taliban ở Afghanistan là chính quyền hợp pháp, họ cũng đang mở rộng lực lượng hậu phương của mình ở Trung Đông theo cách tương tự.”
Ông nói thêm: “Trung Cộng đang thúc đẩy mặt trận thống nhất với các lực lượng khủng bố ở Trung Đông, trong một âm mưu dài hạn và nham hiểm nhằm đối đầu với Hoa Kỳ và thế giới phương Tây.”
Vòng hòa giải mới này được Đảng Cộng sản Trung Quốc (Trung Cộng) khởi xướng nhằm tìm kiếm sự thỏa hiệp giữa các phe phái Palestine, đặc biệt là giữa các lực lượng đối địch Hamas và Fatah trong các cuộc xung đột lâu dài ở Gaza và Tây ngạn sông Jordan.
Hồi tháng Tư, Trung Cộng đã tổ chức vòng đàm phán đầu tiên giữa các bên thù địch, nhưng không mang lại kết quả thực chất. Sau đó, vòng đàm phán thứ hai, dự trù diễn ra vào tháng Sáu, đã bị hoãn.
Kể từ khi Hamas chiếm Dải Gaza vào năm 2007 và trục xuất Fatah, người Palestine đã bị mắc kẹt trong cuộc chiến kéo dài.
Cùng ngày công bố thỏa thuận, Ngoại trưởng Israel Yisrael Katz đã đăng trên X rằng “Hamas và Fatah đã ký một thỏa thuận tại Trung Quốc để cùng kiểm soát Gaza sau chiến tranh. Thay vì từ chối chủ nghĩa khủng bố, [lãnh đạo Fatah] Mahmoud Abbas lại ủng hộ những kẻ sát nhân và cưỡng gian Hamas, hé lộ bộ mặt thật của mình.”
Bài đăng này viết: “Trên thực tế, điều này sẽ không xảy ra vì chế độ cai trị của Hamas sẽ bị đập tan, và ông Abbas sẽ theo dõi Gaza từ xa. An ninh của Israel sẽ chỉ nằm trong tay Israel.”
Ông Thạch Sơn (Shi Shan), cộng tác viên kỳ cựu của The Epoch Times ấn bản Hoa ngữ, cho biết Trung Cộng không quan tâm đến hòa bình khu vực. Ngược lại, họ đang giật dây các thế lực khác nhau ở Trung Đông.
Ông Thạch cho biết Trung Cộng đang cố gắng gây ảnh hưởng lên các tổ chức khủng bố bằng cách viện trợ tài chính hoặc nhiều cách khác cũng như sử dụng những điều này để đóng vai trò nào đó trong thời điểm Trung Cộng cần.
Ông Ngô đồng ý với nhận định này, đồng thời nói thêm rằng các tổ chức khủng bố đang sử dụng các nguồn lực tài chính và vật chất do Trung Cộng cung cấp để đạt được mục tiêu của họ.
“Hiện tại, quân đội của Hamas đã bị suy yếu nghiêm trọng trong cuộc chiến với Israel và có thể bị xóa sổ bất cứ lúc nào, vì vậy Trung Cộng rất muốn hòa giải các phe phái Palestine này thành một thể thống nhất không thể chia cắt chống lại Israel và phương Tây,” ông nói.
“Mặt khác, Hamas cần sự tài trợ của Trung Cộng để củng cố sức mạnh của mình, vì vậy họ lợi dụng lẫn nhau. … Khi Hamas hợp nhất với Fatah, tổ chức khủng bố này có thể được bảo toàn và có thể được hợp pháp hóa, mà điều này sẽ có lợi cho việc tăng cường sức mạnh của họ.”
Phản ứng với thỏa thuận này, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Matthew Miller cho biết trong cuộc họp báo ngày 24/07 rằng bộ vẫn chưa xem xét văn bản thỏa thuận Bắc Kinh. Ông Miller nhắc lại rằng Hoa Kỳ nhận định Hamas là tổ chức khủng bố và Hoa Thịnh Đốn tin rằng tổ chức này không nên tham gia vào việc quản trị Gaza hậu chiến tranh.
Ông Ngô tin rằng các hành động nhằm củng cố các thế lực ở Trung Đông của Trung Cộng đã làm cho việc cựu Tổng thống Donald Trump trở lại Oval Office trở nên cấp thiết hơn.
Tuy nhiên, mặc dù các chiến thuật đe dọa thế giới của Trung Cộng đã trở nên tinh vi hơn, ông Ngô tin rằng các chiến thuật ấy khó có thể bền vững khi nhà cầm quyền cộng sản này đang phải chật vật để tồn tại trong thời kỳ suy thoái kinh tế.
Ông Thạch cho rằng môi trường chính trị toàn cầu hiện tại sẽ không cho phép Trung Cộng làm bất cứ điều gì họ muốn trên chính trường quốc tế.
Ông cho biết: “Theo tôi, tình thế tiến thoái lưỡng nan tiếp theo mà Trung Cộng phải đối mặt sẽ là cuộc đối đầu khốc liệt giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ. Sẽ có rất nhiều thay đổi trong quan hệ quốc tế, và tôi nghĩ tất cả đều xoay quanh cuộc đối đầu Trung Quốc–Hoa Kỳ.”
Bản tin có sự đóng góp của Tâm Ninh