Bắc Kinh coi các lãnh sự quán Hoa Kỳ là ‘lực lượng thù địch’
Theo một tài liệu bị rò rỉ mà The Epoch Times có được, các nhà chức trách Trung Quốc đã xem Lãnh sự quán Hoa Kỳ là “thế lực thù địch” đang tiến hành các hoạt động “xâm nhập và phá hoại” trên đất Trung Quốc, và đã ra lệnh cho các quan chức giám sát các nhà ngoại giao chủ chốt của Hoa Kỳ,
Vào thời điểm quan hệ song phương xuống đến mức thấp trong lịch sử, tài liệu từ thành phố Lôi Châu thuộc tỉnh Quảng Đông ở đông nam Trung Quốc đã cho thấy cách nhìn nhận của Trung Cộng đối với với các nhà ngoại giao Hoa Kỳ.
Trong một “kế hoạch làm việc” dài bốn trang hồi tháng 4/2018, Sở Ngoại vụ Lôi Châu (Leizhou Foreign and Overseas Chinese Affairs Bureau) đã mô tả “Hoa Kỳ và các lãnh sự quán phương Tây khác tại Trung Quốc” là những mục tiêu chính có thể đe dọa sự ổn định chính trị và xã hội của khu vực.
Các phương pháp
Để giải quyết các mối đe dọa, cơ quan này đã vạch ra một kế hoạch 4 bước với các biện pháp như theo dõi “các hoạt động xâm nhập” do các lãnh sự quán nước ngoài tổ chức tại thành phố Quảng Châu, thủ phủ của tỉnh Quảng Đông và “nỗ lực hết mức” – bao gồm cả “nhắc nhở, cảnh báo, và dùng vũ lực mức độ nhẹ” – để ngăn cản những cá nhân trên tham dự các sự kiện do các lãnh sự quán tổ chức.
Các nhân viên của cơ quan này phải theo dõi các tổ chức và cá nhân có “quan hệ chặt chẽ” với các lãnh sự quán nước ngoài, và thu thập bất kỳ thông tin liên quan nào, chẳng hạn như lý lịch hay bất kỳ sự thay đổi nào trong “tài khoản tài sản” của họ, để cắt đứt mọi “sự lôi kéo tài chính” từ Lãnh sự quán Hoa Kỳ.
Cơ quan này cũng đã lên kế hoạch thiết lập một cơ sở dữ liệu về các nhà ngoại giao nước ngoài “chủ chốt” ở Trung Quốc và sử dụng dữ liệu lớn để truy tìm tung tích của họ.
Cơ quan này cảnh báo các nhân viên phải có “chiến lược” trong việc cân bằng giữa “phòng ngừa và kiểm soát” và “hợp tác và tận dụng cơ hội”.
Do vị trí địa lý của tỉnh Quảng Đông tiếp giáp với Hồng Kông, cơ quan này cũng nêu chi tiết trong một phần riêng biệt về cách nhân viên nên đề phòng mọi sự “ô nhiễm” từ “các lực lượng đối lập”. Cơ quan này cảnh báo rằng “Các phần tử ủng hộ độc lập” có thể cố gắng “xâm nhập” thông qua việc tham gia các chương trình giao lưu văn hóa và mời các học giả Trung Quốc đến Hồng Kông và biến họ thành “đặc vụ trong nước”.
Cơ quan này nhấn mạnh rằng trong trường hợp các lực lượng đối lập như vậy “thực sự tiến vào” Quảng Đông, thì cần phải bị giám sát nghiêm ngặt và truy tố họ nếu có bất kỳ hành vi đáng ngờ nào. Tài liệu cũng nêu các kế hoạch hợp tác với các cơ quan chính phủ cấp cao hơn có liên quan ở Hồng Kông, chẳng hạn như cung cấp thông tin tình báo, để loại bỏ bất kỳ “ảnh hưởng tiêu cực” nào của Hồng Kông lên Quảng Đông.
Phần kết của tài liệu nói rằng việc “chống xâm nhập” sẽ được xem như công việc hàng ngày. Cơ quan này đã thành lập một “nhóm lãnh đạo” gồm có các quan chức hàng đầu, bao gồm cả giám đốc sở, để đảm nhận nhiệm vụ này.
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ chưa trả lời ngay các câu hỏi liên quan tới tài liệu bị rò rỉ này.
Trao đổi học thuật bị gián đoạn
Trong khi tài liệu chủ yếu tập trung vào tỉnh Quảng Đông, vẫn chưa rõ liệu rằng các thành phố khác của Trung Quốc có ban hành lệnh tương tự hay không.
Một tài liệu nội bộ khác từ năm 2016 đã cho thấy các nhà chức trách Trung Quốc có quyền giám sát cách các cơ sở học thuật địa phương có thể tiếp xúc với các nhà ngoại giao Hoa Kỳ.
Theo biên bản cuộc họp của chính phủ được cung cấp cho The Epoch Times, trong một cuộc họp hồi tháng 8/2016 với các quan chức hàng đầu ở tỉnh Cát Lâm ở phía đông bắc Trung Quốc, Đại sứ Hoa Kỳ tại Trung Quốc khi đó là ông Max Baucus đã nêu lên những lo ngại về quyền tiếp cận lãnh sự đối với nhiều trường đại học Trung Quốc – viện dẫn sự hủy bỏ đột ngột những cuộc hội thảo đã được lên lịch với các quan chức lãnh sự Hoa Kỳ ở thành phố Thẩm Dương gần đó.
Ông Wang Zhiwei, khi đó là giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Cát Lâm, đã đổ lỗi cho việc tất cả sinh viên đều đang trong kỳ nghỉ hè;
Kêu gọi sự tương hỗ
Hoa Kỳ đã công khai chỉ trích việc thiếu sự tương hỗ khi nói đến các cuộc tiếp xúc ngoại giao với Trung Cộng.
Ngày 10/9, Ngoại trưởng Mike Pompeo đã gọi Bắc Kinh là “đạo đức giả” sau khi cơ quan ngôn luận của Trung Cộng, tờ Nhân dân Nhật báo, bác bỏ một bài bình luận do ông Terry Branstad – Đại sứ Hoa Kỳ tại Trung Quốc vào thời điểm đó – soạn thảo. Ông Pompeo coi luận cứ của tờ báo này là “một tràng những lời than phiền”.
“Phản ứng của tờ Nhân dân Nhật báo một lần nữa cho thấy nỗi sợ hãi của Trung Cộng về quyền tự do ngôn luận và tranh luận trí tuệ nghiêm túc – cũng như tính đạo đức giả của Bắc Kinh khi họ phàn nàn về tình trạng bị đối xử thiếu công bằng và ‘có qua có lại’ ở các nước khác,” ông Pompeo nói trong một tuyên bố.
Hai nước đã áp đặt các hạn chế đối với các phái bộ ngoại giao của nhau kể từ tháng 7, sau khi Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ quyết định đóng cửa Lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston vì lo ngại gián điệp. Để trả đũa, Bắc Kinh đã đóng cửa lãnh sự quán Hoa Kỳ ở Thành Đô, thủ phủ của tỉnh Tứ Xuyên.
Hôm 2/9, ông Pompeo đã thông báo rằng các nhà ngoại giao cao cấp của Trung Quốc tại Hoa Kỳ sẽ phải xin phép khi đến thăm các trường đại học của Hoa Kỳ và gặp gỡ các quan chức địa phương.
“Chúng tôi chỉ đơn giản là yêu cầu có đi có lại. Quyền tiếp cận dành cho các nhà ngoại giao của chúng tôi ở Trung Quốc nên tương tự như khả năng tiếp cận mà các nhà ngoại giao Trung Quốc ở Hoa Kỳ được hưởng,” ông nói trong một cuộc họp báo hôm 2/9.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã phản ứng lại bằng cách áp dụng các hạn chế đối với Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Bắc Kinh và các lãnh sự quán Hoa Kỳ trên khắp Trung Quốc, bao gồm cả lãnh sự quán ở Hồng Kông.