Bắc Kinh chơi trò ‘Cảnh sát tốt, Cảnh sát xấu’ trong khi đáp trả các lệnh trừng phạt
Hôm 26/03, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã có chuyến thăm đặc biệt tới một nhà cung cấp nguyên liệu thô cho Nike và Adidas ở tỉnh Giang Tô, bất chấp việc Trung Quốc tẩy chay các hãng quần áo thể thao lớn của phương Tây. Việc những hãng này từ chối sử dụng bông Tân Cương đã gây ra sự giận dữ trên toàn Trung Quốc. Một chuyên gia cho rằng Trung Cộng đang xoa dịu phương Tây bằng cách “đóng vai cảnh sát tốt” trong cuộc chơi đáp trả các lệnh trừng phạt
Hôm 24/03, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản, một cơ quan của Trung Cộng, đã dập tắt “mơ tưởng hão huyền” của thương hiệu thời trang Thụy Điển H&M về việc không dùng vải bông được làm từ người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ bị cưỡng bức lao động, trong khi vẫn kiếm lãi từ thị trường Trung Quốc.
Hiệu ứng dây chuyền này nhanh chóng lan tới các thương hiệu giày dép và quần áo nước ngoài khác như Nike, Adidas, New Balance, Burberry, và Tommy Hilfiger, khi những người theo chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc kêu gọi tẩy chay các thương hiệu này trên toàn quốc.
Tuy nhiên, chuyến đi tỉnh Giang Tô vào hôm 26/03 trước đó của Thủ tướng Lý Khắc Cường đã bao gồm cả một chuyến thăm đặc biệt tới nhà máy hóa chất BASF-YPC.
BASF-YPC, một dự án liên doanh Trung–Đức chuyên cung cấp nguyên liệu thô cho Nike và Adidas, bán khoảng 3 triệu tấn hóa chất và polyme mỗi năm cho thị trường Trung Quốc.
“Hãy thành công,” thủ tướng Trung Quốc nói với các nhân viên tại đây.
Trang web của nhà cầm quyền Trung Cộng đưa tin về chuyến thăm của ông Lý mà không đề cập đến nhà máy BASF-YPC. Tuy nhiên, sự tình đã được người dùng Weibo tiết lộ.
Một video trên nền tảng mạng xã hội này cho thấy ông Lý Khắc Cường đã khích lệ các nhân viên nhà máy này trước khi rời đi. Ông nói, “Hãy khiến cho BASF-YPC trở nên nổi tiếng không chỉ ở bờ biển phía đông nam mà còn trên toàn thế giới.”
Nhà bình luận các vấn đề thời sự Lý Lâm Nhất (Li Linyi) nói với The Epoch Times rằng Bắc Kinh đã tìm cách xoa dịu phương Tây qua chiêu trò kết hợp kinh tế trong cuộc chiến trừng phạt.
Vai trò của Thủ tướng Trung Quốc trong cuộc chiến trừng phạt
Theo ông Lý Lâm Nhất thì Thủ tướng Trung Quốc đang chơi trò “cảnh sát tốt”, một chiến thuật tâm lý để giành được sự nhượng bộ hoặc đảo ngược thái độ của các nước phương Tây.
Hôm 22/03, Hoa Kỳ, Canada, Liên minh Âu Châu, và Vương quốc Anh đã áp đặt các biện pháp trừng phạt chung đối với các quan chức và tổ chức của Trung Cộng vì các vi phạm nhân quyền đối với các dân tộc thiểu số ở Tân Cương, bao gồm lệnh cấm đi lại và đóng băng tài sản. Hành động này đã vấp phải sự trả đũa từ phía Trung Cộng.
Tối 22/03, Bắc Kinh đã công bố các biện pháp trừng phạt đối với 10 cá nhân và 4 tổ chức bên phía EU.
Tuy nhiên sau đó, Thủ tướng Lý Khắc Cường đã công bố một tín hiệu tích cực hướng tới một số công ty Âu Châu, Canada, Anh Quốc, và Hoa Kỳ tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh.
Ông Lý đã gặp gỡ các đại diện nước ngoài đến từ nhiều nước thông qua một cuộc họp trực tuyến trong Diễn đàn Phát triển Trung Quốc năm 2021. Theo trang web của Hội đồng Nhà nước Trung Quốc, các thành viên tham gia bao gồm Giám đốc điều hành BMW Oliver Zipse, Giám đốc điều hành Apple Tim Cook, Chủ tịch tài chính Manulife Roy Gori, Giám đốc điều hành Prudential Michael A. Wells, và Francois Bourguignon, giáo sư danh dự của Trường Kinh tế Paris.
Ông Lý đã đề cập đến vấn đề già hóa dân số trong cuộc họp này khi nói rằng, “Số người cao tuổi trên 60 tuổi ở Trung Quốc đã vượt quá 260 triệu người, cùng với tiềm năng khổng lồ về các nhu cầu đa cấp về dịch vụ cho người cao tuổi.”
Sau cùng, ông Lý chào đón các công ty nước ngoài đầu tư vào các sản phẩm và dịch vụ chăm sóc người cao tuổi tại Trung Quốc.
Ngoài ra, Trung cộng đã công bố các lệnh trừng phạt đối với Vương quốc Anh, Hoa Kỳ, và Canada, vào hôm 26 và 27/03.
Nhà bình luận Lý Lâm Nhất cho biết các nước Âu Châu và Mỹ Châu tham gia vào cuộc chiến trừng phạt này đã nằm trong danh sách kết hợp kinh tế của Bắc Kinh.
Ông nói rằng lần này Thủ tướng Trung Quốc lại “đóng vai cảnh sát tốt”, vừa đe dọa phương Tây bằng các biện pháp trừng phạt đáp trả đồng thời sử dụng các chiến thuật kinh tế để xoa dịu và mua chuộc họ.
Đàm phán Hoa Kỳ-Trung Quốc
Trước cuộc đàm phán Hoa Kỳ-Trung Quốc ở Alaska, Trung Cộng đã bắt đầu tăng cường liên hệ tài chính với Âu Châu và Hoa Kỳ.
Theo Reuters, vài giờ trước cuộc đàm phán Hoa Kỳ–Trung Quốc hôm 18/03, hãng hàng không quốc doanh Air China đã thông báo mua 18 máy bay Airbus A320noe từ AFS Investments, với tổng giá trị lên tới 2.24 tỷ USD.
AFS Investments là công ty con của công ty GECAS, một công ty cho thuê hàng không thương mại Ireland–Hoa Kỳ.
Trong tuần đàm phán với Hoa Kỳ, lượng thu mua ngô của Trung Quốc từ Hoa Kỳ đã đạt đỉnh.
Bloomberg đưa tin hôm 22/03 cho hay Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) đã công bố doanh số kỷ lục gần 4 triệu tấn ngô bán cho Trung Quốc, và lượng mua đỗ tương của nước này đạt mức cao nhất trong lịch sử của USDA.
Ông John Baize, nhà phân tích độc lập về thương mại nông nghiệp cho biết, “Thật thú vị khi việc thu mua này lại diễn ra đúng vào tuần hội họp.” Ông nói: “Trung Quốc đã muốn gửi một tín hiệu tích cực.”
“Họ rất giỏi trong việc chọn thời điểm.”
Theo ông Lý Lâm Nhất, cách tiếp cận truyền thống của Bắc Kinh là kết hợp nguy cơ chính trị với kinh tế; điều này sẽ thất bại trong bối cảnh hiện giờ.
Theo ông Lý, một dấu hiệu rõ ràng là việc Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken đã đến Âu Châu sau cuộc đàm phán Hoa Kỳ–Trung Quốc tại Alaska để củng cố liên minh và tái khởi động hoạt động đối thoại với Trung Cộng.