Anh Quốc thu hồi giấy phép của truyền thông nhà nước Trung Cộng
Hôm 04/02, cơ quan quản lý phát sóng Ofcom của Anh Quốc đã thu hồi giấy phép đã cấp cho Mạng lưới Truyền hình Toàn cầu Trung Quốc (CGTN), một cơ quan truyền thông của Trung Cộng, với lý do đài này “được kiểm soát bởi một tổ chức do Trung Cộng kiểm soát.” Luật phát thanh truyền hình của Anh Quốc quy định không cấp phép cho các phương tiện truyền thông do các cơ quan chính trị kiểm soát.
Việc thu hồi giấy phép phát sóng đối với kênh tin tức Anh ngữ này tại Anh Quốc được các nạn nhân của chế độ vi phạm nhân quyền này mô tả là một “khoảnh khắc chiến thắng” và “có ý nghĩa lịch sử.”
Theo tổ chức nhân quyền bất vụ lợi Safeguard Defenders, CGTN và đối tác Hoa ngữ CCTV đã nhiều lần phát sóng các đoạn ghi âm về “những lời thú tội do bị ép buộc” của các cá nhân bị nhà nước này cầm tù. Tổ chức trên cho rằng việc phát sóng những chương trình này là “bóp méo sự thật một cách cố ý và có chủ đích và là những lời nói dối rõ ràng,” vi phạm các quy tắc của Ofcom về tính khách quan và chính xác [của truyền thông].
Cựu phóng viên
Cựu phóng viên người Anh Peter Humphrey, một trong bốn nạn nhân bị ép phải thú tội, cho biết hành động “chưa từng có” trên của Ofcom là một “khoảnh khắc chiến thắng.”
Ông Humphrey, người từng điều hành một công ty thẩm định ở Trung Quốc, đã bị Trung Cộng giam giữ vì cáo buộc mua bán dữ liệu cá nhân, điều mà ông đã phủ nhận. Ông cho biết cảnh sát Trung Cộng đã đánh thuốc mê ông, trói ông vào một chiếc ghế kim loại trong một cái lồng nhỏ, và buộc ông đọc từ một bản tuyên bố viết sẵn để “thú tội.”
“Chứng kiến giấy phép bị thu hồi ngày hôm nay là một khoảnh khắc chiến thắng, không chỉ đối với tôi mà còn đối với tất cả các nạn nhân khác của loại lạm dụng này,” ông Humphrey nói với The Epoch Times. “Đó là một cú giáng vào mặt đối với chế độ độc tài ở Bắc Kinh.”
Ông nói rằng Ofcom đang có nhiều hành động chống lại CGTN.
Ông cho biết, “Vẫn còn những hình phạt dự kiến liên quan đến đơn khiếu nại của cá nhân tôi chống lại CGTN, cũng như các khiếu nại của Simon Cheng và Angela Gui, những khiếu nại này sẽ rất sớm có phán quyết cuối cùng.”
“Tôi mong rằng những khiếu nại đó sẽ nhận được phán quyết cuối cùng, rất giống với của tôi. Khiếu nại của tôi đã được phán quyết vào tháng 7/2020.”
Ông Humphrey và vợ, bà Ngu Anh Tăng (Yingzeng Yu), một công dân Hoa Kỳ gốc Hoa, đã phải ngồi tù hai năm ở Trung Quốc sau khi công ty của họ được GlaxoSmithKline (GSK) thuê để điều tra vi phạm an ninh. Họ đã trở thành người bị hại ngoài dự kiến khi Trung Cộng thông báo điều tra các cáo buộc về hành vi hối lộ của GSK.
“Trong khoảng thời gian đó, chúng tôi đã hai lần bị ép phải xuất hiện thú tội trên truyền hình Trung Cộng do CGTN và CCTV phát sóng, và hai đài truyền hình đó tích cực khai thác và quảng bá tài liệu đó,” ông Humphrey nói với The Epoch Times.
Ông Humphrey cho biết cậu con trai 18 tuổi của ông khi đó đã “rất, rất bàng hoàng và bị tổn thương bởi những gì cậu ấy nhìn thấy” và khi cặp vợ chồng xem đoạn video sau khi phát hành, họ đã chấn động bởi CGTN đã chỉnh sửa cảnh phim theo cách mà “hoàn toàn xuyên tạc tình hình.”
Trung Cộng cũng từ chối chăm sóc y tế cho ông Humphrey khi ông bị ốm trong tù. Sau đó ông được chẩn đoán mắc bệnh ung thư và đã bị tàn tật vĩnh viễn sau một cuộc phẫu thuật gần đây.
Từng làm việc ở Trung Quốc hoặc với người Trung Quốc trong 45 năm qua, ông Humphrey nói: “Tôi yêu đất nước Trung Quốc, giờ tôi vẫn còn yêu, tôi yêu người Trung Quốc.”
Tuy nhiên, ông nói rằng với chế độ cộng sản cầm quyền “đang cai trị Trung Quốc hoặc cai trị Trung Quốc một cách sai lầm, tình yêu của tôi đối với Trung Quốc đã bị gián đoạn bởi những điều tôi đã nếm trải trong những năm gần đây.”
Ông Humphrey cho biết ông hy vọng CGTN sẽ bị buộc phải rời khỏi Anh Quốc.
“Không nên có chỗ cho loại tổ chức như vậy ở đất nước tôi,” ông nói với The Epoch Times.
“CGTN có sự hiện diện thực tế lớn nhất so với bất kỳ đài truyền hình nào trên thế giới bên ngoài quốc gia của mình,” ông Humphrey nói.
“Không có đài truyền hình nào khác có quy mô hiện diện tương tự như CGTN ở Chiswick, London, bất kỳ nơi nào bên ngoài quốc gia của họ và không có đài truyền hình nào của chúng tôi [có quy mô] tương đương ở Trung Quốc.”
Ông Humphrey cho biết rằng CGTN là một trong những phương tiện chính cho chiến dịch quyền lực mềm của ông Tập Cận Bình.
“Họ muốn tác động đến câu chuyện của thế giới về Trung Quốc và những gì đang xảy ra ở Trung Quốc thông qua sự thay đổi mà họ đưa vào bài báo của họ. Nhưng họ làm điều đó thông qua sự xuyên tạc và dối trá tuyệt đối,” ông nói, trích dẫn việc đưa tin của đài truyền hình này về các cuộc biểu tình ở Hồng Kông và cuộc diệt chủng chống lại người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số khác ở Tân Cương.
Cựu nhân viên Lãnh sự quán Anh Quốc tại Hồng Kông
Anh Trịnh Văn Kiệt (Simon Cheng), cựu nhân viên của lãnh sự quán Anh Quốc tại Hồng Kông—cũng là một nạn nhân bị ép phải thú tội—đã ca ngợi hành động của Ofcom là “có ý nghĩa lịch sử.”
Anh nói: “Rõ ràng là cơ quan ngôn luận của chế độ toàn trị Trung Cộng không còn có được chỗ đứng ở Anh Quốc.” Anh cho biết rằng anh cảm thấy gần hơn với mục tiêu đạt được công lý và lấy lại danh tiếng của mình.
Anh Trịnh đã bị Trung Cộng bắt cóc khi trở về Hồng Kông sau một chuyến công tác ngắn ngày đến thành phố biên giới Thâm Quyến của Trung Quốc hồi tháng 08/2019.
Vào ngày 21/11/2019, CGTN đã phát sóng một video cho thấy anh Trịnh thú nhận rằng anh đã “phản bội tổ quốc” và “gạ gẫm mua dâm,” một ngày sau khi anh lên tiếng về việc bị Trung Cộng giam giữ 15 ngày và bị tra tấn.
Anh Trịnh cho biết đoạn video đã khiến anh “vô cùng đau khổ.”
Trong một cuộc phỏng vấn hôm 04/02, anh Trịnh nói với The Epoch Times rằng đoạn video đó chỉ là một trong số các cảnh quay.
Trong một số cảnh quay, “họ đã chuẩn bị toàn bộ kịch bản để tôi nói,” anh cho biết. Ở những cảnh quay khác, họ cung cấp những gợi ý về những gì anh nên nói.
Anh Trịnh cho biết khi anh không nói những điều mà giới chức Trung Cộng muốn nghe, họ sẽ đe dọa anh với các cáo buộc phạm tội dẫn đến một bản án nặng hơn.
Anh Trịnh cho biết, cảnh quay mà CGTN đã chọn để phát sóng là một trong những cảnh quay thuộc trường hợp sau.
Bản tin có sự đóng góp của Alexander Zhang và AP.