Anh lạc: dây chuyền đẹp nhất trần thế đến từ Phật quốc
Trong hang Mạc Cao, chư thiên Bồ Tát đeo trước ngực các chuỗi hạt làm bằng bảo thạch màu sắc khác nhau có tên gọi là gì?
Trong hàng ngàn năm, từ Ấn Độ đến Trung Hoa, một loại trang sức có nguồn gốc từ Phật giáo đã dần dần trở thành trang sức tinh mỹ và lộng lẫy trong thời cổ đại. Tên gọi của chuỗi hạt trang sức này là “Anh lạc”.
Tại sao gọi là “Anh lạc”?
Về mặt chữ nghĩa, ‘anh’ là đá quý, ‘lạc’ là nói về độ cứng rắn của đá. Anh lạc chỉ một loại trang sức dạng hạt, được làm bằng ngọc bích và bảo thạch.
Trong Thuyết văn chưa có hai chữ “璎珞” (Anh lạc), nhưng lại có từ “缨络” đồng âm, có nghĩa là vương miện hoặc trang sức đeo cổ được dệt và kết nối bằng vải.
Từ ‘Anh lạc’ xuất hiện sớm nhất trong kinh Phật thời Hán, Trung A Hàm kinh ghi rằng “Tắm rửa bằng hương hoa cỏ, mặc áo minh tịnh, đeo lên anh lạc, trên thân có các phục sức nghiêm trang.”
Vậy Anh lạc là loại trang sức như thế nào? Các học giả ngày nay thông qua khảo cứu kinh Phật cho rằng Anh lạc là trang sức mà Bồ Tát, thiên nữ phối đeo, tùy theo sự khác biệt về chiều dài mà tạo nên các loại trang sức đeo cổ, trang sức đeo ở ngực và trang sức trên áo quần, cũng có thể làm trang sức trên đầu, vòng xuyến tay, hoặc đeo ở tai.
Chất liệu của một chuỗi Anh lạc chủ yếu là đa bảo. Đa bảo gồm nhiều loại ngọc thạch, nổi danh nhất phải nói đến “Thất bảo Anh lạc.” Phật bổn hành tập kinh ghi chép rằng “Thất bảo gồm có, xà cừ, mã não, san hô, hổ phách, hoàng kim (vàng), bạch ngân (bạc), và lưu ly.” Nội dung cụ thể của Thất bảo Phật giáo có lịch sử khác nhau, nhưng vẫn có thể xem Anh lạc một món trang sức cao cấp được làm từ bảy chất liệu quý bao gồm chủ yếu trân châu, ngọc, vàng, bạc. Diệu pháp Liên Hoa kinh nói rằng: “Lại mưa xuống ngàn loại thiên y, rủ xuống các chuỗi anh lạc, trân châu anh lạc, ma ni châu anh lạc, như ý châu anh lạc, khắp chín phương.” Trong đó trân châu, ma ni châu, v.v. đều là các loại châu báu quý hiếm.
Anh lạc lộng lẫy và quý giá có vai trò quan trọng nhất là trang sức để biểu đạt vẻ đẹp và sự linh thiêng trong Phật giáo. Đối với những người có đức tin ở trần gian, Anh lạc là báu vật được dâng lên Thần Phật với niềm tin rằng họ sẽ được ban phước lành và hoàn thành ước nguyện của mình. Vì vậy, trong các tác phẩm điêu khắc và bích họa Phật giáo còn lưu truyền đến ngày nay, bạn có thể thấy những bức tượng Bồ Tát đeo chuỗi đá quý ở khắp mọi nơi.
Trong quá trình Phật giáo truyền thừa mạnh mẽ, Anh lạc cũng trở thành trang sức được quý tộc các nước xung quanh vương triều Trung Hoa và Ấn Độ yêu thích. Trong ghi chép sử sách các đời, vương công quý tộc Ấn Độ thường phục sức với mũ hoa đội trên đầu, Anh lạc đeo trên thân.
Anh lạc của Bồ Tát
Sau khi Phật giáo truyền vào đất Hán, thợ thủ công người Hán trong lúc đắp tượng Phật đều bắt chước kiểu dáng ở Tây Vực, Ấn Độ, cho nên Anh lạc mà Bồ Tát phối đeo có phong cách của các khu vực này. Theo thời gian, văn hóa Phật giáo và văn hóa Trung Hoa dung hòa lẫn nhau, vậy nên Anh lạc cũng mang nét văn hóa Trung Hoa về hình dáng trang sức, tạo hình và rất tinh xảo lộng lẫy.
Dựa theo chiều dài khác nhau, Anh lạc có thể chia làm chuỗi Anh lạc loại ngắn đeo ở vị trí từ ngực trở lên, chuỗi Anh lạc loại vừa đeo đến vùng giữa ngực và bụng, chuỗi Anh lạc loại dài dùng đeo rủ đến phần eo trở xuống. Anh lạc có loại một vòng cũng có loại nhiều vòng, và được kết hợp cả dài và ngắn, hình dạng không cố định.
Hang Mạc Cao ngàn năm tuổi là tinh hoa nghệ thuật Phật giáo, những tôn tượng Bồ Tát trong đó được xem là đỉnh cao của nghệ thuật Trung Hoa qua các thời đại. Trang sức Anh lạc trong hang Mạc Cao có thể được chia thành hai loại: hình tròn và hình cổ áo. Phần thân chính bao gồm đá quý và kim loại quý, có thể được khắc hoa văn, có mặt dây chuyền và tua dây, kiểu dáng cầu kỳ.
Trước thời Tùy Đường, trang sức ở hang Mạc Cao phần lớn là loại ngắn kết hợp với trung bình. Đến thời Đường kiểu dáng dần dần ổn định, kết hợp Anh lạc loại ngắn và dài kiểu vòng cổ là phổ biến nhất.
Lấy hang thứ 57 thời Sơ Đường làm thí dụ vì hang này có bức bích họa Bồ Tát được mệnh danh là “Động Mỹ Nhân”. Vị Bồ Tát này được khắc họa ở tường phía nam, mặt bà tựa Cung Nga, da mịn tựa sáp đông, thiên y lộng lẫy, dung mạo cao quý. Anh lạc trên tượng được thể hiện lại càng sinh động và tinh tế với sự kết hợp hai tầng Anh lạc loại ngắn và dài kiểu bắt chéo nhau, vòng cổ ánh vàng rực rỡ khảm đá quý.
Bức bích họa Thủy Nguyệt Quan Âm trong chùa Pháp Hải cũng cho thấy hình ảnh Anh lạc tuyệt đẹp. Anh lạc loại ngắn theo kiểu liên châu, Anh lạc loại dài kiểu bắt chéo nhau được điểm xuyết bằng những cụm hoa, tạo nên hiệu quả trang trí nổi bật. Hai bên bảo quan (mũ mão) Bồ Tát có tua dây Anh lạc dài rủ xuống, cánh tay, cổ tay, vành tai thậm chí phần chân, đều phối đeo vòng xuyến đa bảo có phong cách tương tự.
Trang sức đeo cổ thời xưa ngụ ý giàu có cát tường
Tại Ấn Độ, Anh lạc trở thành trang sức mà các quý tộc ưa chuộng, nhưng lại im ắng trong một thời gian dài tại các vương triều Trung Hoa. Từ thời nhà Hán đến Ngụy Tấn, Anh lạc đã đi theo con đường truyền bá Phật giáo, chỉ phổ biến trong dân tộc thiểu số ở khu vực Tây Bắc. Vào thời kỳ này, hầu hết phụ nữ người Hán đều ưa chuộng phong cách quý phái, trang nhã, có truyền thống trang sức trên đầu nặng, trang sức trên cổ nhẹ. Vì vậy họ dường như ít đeo Anh lạc trên thân, điểm này có thể tìm thấy trong tranh vẽ mỹ nữ được lưu truyền.
Bước vào thời văn hóa thịnh thế của nhà Tùy Đường, Anh lạc lọt vào tầm mắt của phụ nữ người Hán. Không riêng chỉ trên bức bích họa nữ cung dưỡng trong hang Phật xuất hiện Anh lạc sang trọng nhiều vòng, Anh lạc còn hiện diện ở cung đình, trở thành trang sức đeo cổ mới lạ được phụ nữ quý tộc yêu thích. Trong lăng mộ Lý Tĩnh Huấn – một thiếu nữ quý tộc đời Tùy, người ta khai quật được một chuỗi Anh lạc loại ngắn đơn bằng vàng ròng khảm ngọc, sau ngàn năm vẫn tỏa sáng rực rỡ.
Chuỗi Anh lạc này được kết từ 28 hạt kim châu ‘mắt chuồn chuồn’ khảm ngọc trai, mặt chính hình vòng cung gồm đá quý và vàng ròng, khảm đá quý màu xanh đỏ tương phản, xung quanh có trang trí rất tinh xảo. Bộ trang sức mang đậm phong cách Ba Tư, cho thấy ảnh hưởng của văn hóa Tây Vực tại Trung Hoa.
Trong văn hóa vũ nhạc thời kỳ phồn thịnh, Anh lạc cũng nhanh chóng lọt vào tầm mắt của mọi người. Trên thân tượng vũ nữ thời Thịnh Đường có thể nhìn thấy Anh lạc loại ngắn quý giá với kiểu dáng đơn giản.
Theo ghi chép trong Trâm Tiểu Chí của Chu Quỹ người nhà Đường: “Thượng hoàng lệnh cho cung kỹ đeo Anh lạc thất bảo, múa khúc nghê thường vũ y, đến khúc cuối cùng, châu thúy có thể bỏ đi.” “Nghê thường vũ y khúc” chính là vũ nhạc cung đình thể hiện cảnh tiên nữ trên cung trăng, cho nên các cung nữ lúc diễn xuất thường đeo trang sức Anh lạc để giống trên thiên cung. Tùy theo tiết tấu vũ đạo, châu ngọc trân bảo trên chuỗi Anh lạc cùng theo đó mà dao động, phát ra âm thanh thanh tao, càng thể hiện vẻ đẹp của điệu múa truyền thống
Từ thời Tống, Nguyên đến nay, Anh lạc dần dần phai nhạt ra khỏi phong cách phục sức của phụ nữ. Một loại vòng cổ tương tự chuỗi Anh lạc loại ngắn đã trở thành đồ trang sức cho trẻ nhỏ. Loại vòng cổ này phần lớn được xem là khóa trường mệnh, ngụ ý cầu phúc trừ tà. Tầng lớp thống trị của nhà Nguyên vốn đến từ Mông Cổ Mạc Bắc, nên đến thời này, Anh lạc một lần nữa trở thành trang sức của tầng lớp vương công quý tộc và thường xuyên xuất hiện trong ca vũ, yến hội cung đình.
Bởi vì tín ngưỡng đối với Thần Phật, con người ngàn năm qua học cách phục sức Anh lạc trên thân. Anh lạc của Bồ Tát từ Thiên quốc, cuối cùng bay vào nhà bách tính trần thế, trở thành trang sức cho những điều ước tốt đẹp. Đây có lẽ là một ân điển Thần Phật ban phước cho chúng sinh.