Ấn Độ muốn cả Nga và Hoa Kỳ là đồng minh chống lại Trung Quốc
Nhưng Moscow cũng hung hăng như Bắc Kinh trong việc chống lại nền dân chủ.
Nga là một quốc gia không đáng tin cậy, chuyên quyền và thân Trung Cộng. Trong khi, Ấn độ là quốc gia lớn nhất thế giới có nền dân chủ, nhưng lại ủng hộ quốc gia Đông Âu này vì lịch sử bang giao và một Ấn Độ muốn duy trì tình bạn với cả Nga và Hoa Kỳ để sẵn sàng cho bất kỳ cuộc chiến tiềm tàng nào chống lại Trung Quốc.
Tại một cuộc họp thượng đỉnh hồi tháng 12/2021 với Thủ tướng Narendra Modi, nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin tuyên bố sẽ hợp tác với Ấn Độ về các vấn đề kỹ thuật–quân sự “theo cách không giống với bất kỳ quốc gia nào khác.” Ông Putin nhắc đến trình độ phát triển các thiết bị quân sự và quy trình sản xuất công nghệ cao, đáng chú ý nhất là ở chính Ấn Độ.
Ấn Độ có một lịch sử “tình hữu nghị” lâu dài với quốc gia có thể được mô tả đúng nhất, nhưng lại hiếm thấy trong thời hiện đại, là một đế chế Đông Âu. Vào ngày 09/08/1971, Liên Xô và Ấn Độ đã ký “Hiệp ước Hòa Bình, Hữu Nghị và Hợp tác” ở New Delhi, nhưng mối bang giao này đã có lịch sử xa xưa hơn nhiều.
Ngày nay, Liên bang Xô Viết cũ đã sụp đổ, còn Nga thì nghèo khó về kinh tế – một phần là do hành động xâm lược lãnh thổ ở Ukraine và các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Trung Quốc đang vươn lên thành một chế độ độc tài giàu có nhất thế giới, hùng mạnh nhất về quân sự, và hung hăng về lãnh thổ. Nga có rất ít giá trị để bán ra quốc tế, ngoài dầu mỏ, khí đốt, và lúa mì. Họ có công nghệ quân sự phát triển trong thời Chiến tranh Lạnh, mà họ dùng làm đòn bẩy cho quyền lực chính trị. Ấn Độ muốn mua để tập trung việc sản xuất quân sự của mình vào cuộc chiến ngày càng gay gắt chống Trung Quốc ở các vùng biên giới phía bắc.
Tuy nhiên hợp tác với Moscow về sản xuất trong lĩnh vực quân sự sẽ phá hủy các năng lực bản địa hiện có. Chẳng hạn, Moscow và New Delhi có kế hoạch sản xuất hơn 600,000 khẩu súng trường AK-230 của Nga trong vòng hơn 10 năm tại Ấn Độ. Nhưng số vũ khí này sẽ thay thế vũ khí hạng nhẹ INSAS do nội địa phát triển và sản xuất mà quân đội Ấn Độ đã sử dụng trong suốt ba thập niên. Những khẩu AK mới do Ấn Độ–Nga hợp tác sản xuất ban đầu sẽ không phải do Ấn Độ sản xuất 100%, và một số bộ phận sẽ được sản xuất tại Nga.
Những nghịch lý và những rạn nứt khác trong mối bang giao Nga–Ấn là hiện hữu.
Cựu đại sứ Ashok Sajjanha đã lưu ý trên tờ Sunday Guardian của New Delhi hôm 15/01 rằng: “Mối bang giao ngày càng phát triển của Ấn độ với Hoa Kỳ và mối quan hệ ngày càng mở rộng của Nga với Trung Quốc và Pakistan là những vấn đề có thể nảy sinh xung đột lợi ích” giữa Ấn Độ và Nga.
Ông Sajjanhar cũng là chủ tịch của Viện Nghiên cứu Toàn cầu của New Delhi. Những lời bình luận của ông xuất hiện trong bài bình phẩm về cuốn sách mới nhất của Achala Moulik, “Kỷ niệm 50 năm quan hệ Ấn Độ – Nga”.
Mối quan hệ này rất quan trọng đối với nền chính trị toàn cầu, bao gồm cả cuộc xung đột giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, vì những người ủng hộ dân chủ trên toàn thế giới đều mong muốn điều tốt nhất cho Ấn Độ – chứ không phải là mối quan hệ mạo hiểm với một nước Nga hung hăng về lãnh thổ, và đi lại với một kẻ thù thậm chí còn nguy hiểm hơn: Trung Quốc. Nếu Ấn Độ suy yếu bởi vì một nước Nga “hai mặt”, chẳng hạn, thì nền dân chủ sẽ suy yếu trên toàn cầu.
Có rất nhiều cơ hội chơi trò hai mang như vậy. Hồi tháng 12/2021, Ấn Độ và Nga đã cam kết hợp tác quân sự, bao gồm cả hỏa tiễn hành trình siêu thanh BraMos mới trong một thập niên nữa. Đây là bước tiến gần đây nhất trong hợp tác quốc phòng kỹ thuật cao và khá mong manh giữa hai nước, trong đó bao gồm cả việc Ấn Độ lên kế hoạch mua hỏa tiễn đất đối không S-400.
Hoa Kỳ cho rằng việc mua sắm như vậy là không khôn ngoan. Khi Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống S-400, Hoa Kỳ đã cấm vận nước này theo Đạo luật trừng phạt Đối thủ của Hoa Kỳ năm 2017 (CATTSA). Hoa Thịnh Đốn cũng đe dọa tương tự với New Delhi, cùng với việc hạ cấp quan hệ Mỹ–Ấn nói chung.
Việc Moscow tiếp tục níu lấy Ấn độ khiến cho quốc gia Nam Á này khó có các cơ hội tốt hơn để hợp tác quốc phòng với Hoa Kỳ và Âu châu – là những quốc gia có chung giá trị dân chủ và tự do với Ấn Độ.
Điểm nổi bật nhất của việc hợp tác Moscow–Delhi là thỏa thuận hỏa tiễn BrahMos, cho thấy “Ấn Độ đang nỗ lực để trở thành một nhà xuất cảng vũ khí.” Ông Joyeeta Basu, biên tập viên của tờ Sunday Guardian ở New Delhi viết rằng, “Thỏa thuận này tạo ra một động lực cho nội địa,” vốn là một ưu tiên hàng đầu của chính phủ đương nhiệm.
Basu đã viết trong một email rằng, “Các thời chính phủ đã bỏ qua khía cạnh này và giữ cho Ấn Độ không phụ thuộc vào việc nhập cảng vũ khí. Mọi thứ giờ đã bắt đầu thay đổi.”
Xuất cảng vũ khí, chẳng hạn như việc gần đây Ấn Độ bán BrahMos cho Philippines, sẽ làm tăng đáng kể ảnh hưởng ngoại giao và quân sự của Ấn Độ trên toàn cầu, cùng với dự trữ ngoại hối và tăng trưởng kinh tế của nước này.
Theo ông Basu, “việc nhận được đơn đặt hàng hỏa tiễn Brahmos từ ngoại quốc có ý nghĩa rất quan trọng đối với Ấn Độ. Đây là đơn hàng lớn đầu tiên đến từ ngoại quốc.”
Ông Basu và một chuyên gia quốc phòng khác của Ấn Độ, ông Subir Bhaumik, ám chỉ rằng Việt Nam và Indonesia đều muốn mua hệ thống Brahmos.
“Việc bán Brahmos đánh dấu một bước ngoặt quan trọng đối với Ấn Độ trong nỗ lực trở thành nước xuất cảng khí tài quân sự,” ông Bhaumil viết trong một email. “Cho đến nay Ấn Độ là một trong những nhà nhập cảng khí tài quân sự lớn nhất nhưng việc bán Brahmos cho Philippines sẽ khiến Ấn Độ trở thành một tác nhân thay đổi cuộc chơi đáng chú ý.”
Việc bán vũ khí của Ấn Độ sẽ làm gia tăng “chính sách ngoại giao quân sự của quốc gia Nam Á rộng lớn này ở Á Châu, và nếu Việt Nam và Indonesia theo chân Philippines trong việc mua Brahmos, điều đó chắc chắn sẽ giúp Delhi phát triển các mối quan hệ quân sự mạnh mẽ với những quốc gia vốn đã thể hiện đủ dấu hiệu đứng lên chống lại Trung Quốc,” ông Bhaumil viết.
“Những quốc gia đang ở gần cơn ác mộng Trung Quốc, điểm tắc nghẽn ở Malacca là rất trọng yếu, đặc biệt là vì hải quân Ấn Độ đang chuẩn bị đặt căn cứ tại Sabang, Indonesia,” ông nói. “Họ đang huấn luyện đội tàu ngầm của Việt Nam.”
Ông Sajanhar lưu ý rằng mối quan hệ an ninh “Bộ Tứ” của Ấn Độ với Hoa Kỳ, Nhật Bản, và Úc, cùng với các vấn đề ở khu vực Ấn Độ Dương–Thái Bình Dương nói chung và Trung Quốc nói riêng, đã dẫn đến những căng thẳng trong mối quan hệ Nga–Ấn.
Ông Sajjanhar viết: “Ấn Độ đã cố gắng giải thích với phía Nga rằng mối bang giao ngày càng phát triển của Ấn Độ với Hoa Kỳ hay việc Ấn Độ gia nhập Bộ Tứ hoặc ở Ấn Độ Dương–Thái Bình Dương không nhằm chống lại Nga theo bất kỳ cách nào.” “Đó là để bảo đảm khả năng chống lại chính sách xâm lược và bành trướng của Trung Quốc”.
Việc Nga không ủng hộ Ấn Độ trong mối bang giao với Hoa Kỳ và các đồng minh là một thách thức cho mối quan hệ Nga–Ấn.
Ông Sajjanhar viết: “Rất tiếc là Nga đã không lường hết được mối đe dọa mà Ấn Độ phải đối mặt từ Trung Quốc trên các vùng biên giới ở đất liền, đặc biệt là các hành động đe dọa không có dấu hiệu giảm đi của Trung Quốc.”
Còn nữa, Ấn Độ không thích việc Nga nói ủng hộ Trung Quốc. Ông Sajanhar viết: “Một số quan chức Nga… hát những lời khen ngợi đối với Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc, hoàn toàn thừa nhận dự án quan trọng nhất của họ – Hành lang Kinh tế Trung Quốc–Pakistan (CPEC) – đi qua lãnh thổ bị Pakistan chiếm đóng một cách bất hợp pháp.”
“Sẽ yên tâm hơn nếu các quan chức Nga này cùng chỉ trích Trung Quốc vì hành động gây hấn với Ấn Độ, vì họ đã đơn phương vi phạm tất cả các thỏa thuận đã ký kết về việc duy trì hòa bình và yên ổn tại biên giới giữa hai nước, và vì đã xây dựng dự án CEPC qua lãnh thổ của Ấn Độ”.
Ông Sanjahar lập luận rằng “Nga sẽ không muốn nhìn thấy một Á Châu do Trung Quốc thống trị hoặc một thế giới do Trung Quốc kiểm soát. Để theo đuổi một thế giới đa cực, Ấn Độ là đối tác khả thi nhất của họ.”
Ấn Độ là một đối tác quan trọng đối trọng với quyền lực kinh tế và quân sự ngày càng tăng của Bắc Kinh, cũng như các mục tiêu bá chủ toàn cầu của nước này. Nhưng Moscow lại liên kết ủng hộ Bắc Kinh, gây ra nguy cơ hợp tác hai mang, và khiến Ấn Độ rời xa những người bạn thực sự của nền dân chủ ở Âu Châu và Bắc Mỹ.
Chúng ta cùng hy vọng rằng Ấn Độ có thể tự lo cho mình cùng với sự giúp đỡ của các nền dân chủ và các đồng minh khác trên thế giới, thoát khỏi sự phụ thuộc vào liên minh công nghệ không đáng tin cậy và những ảnh hưởng phi tự do với Nga.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Ông Anders Corr là cử nhân/thạc sĩ khoa học chính trị tại Đại học Yale (2001) và tiến sĩ chính phủ tại Đại học Harvard (2008). Ông là hiệu trưởng tại Corr Analytics Inc., chủ bút của Tạp chí Rủi ro Chính trị, và đã có nhiều hoạt động nghiên cứu ở Bắc Mỹ, Âu Châu, và Á Châu.