‘Ác mộng tái diễn’: Cha của công dân Mỹ bị công an Trung Quốc bắt cóc
Eva Fu
NEW YORK — Vào sáng sớm, Hàn Quang Tử bị đánh thức bởi tiếng “bíp” phát ra sớm bất thường từ điện thoại di động của cô. Cô mở mắt trong trạng thái buồn ngủ.
Khoảnh khắc tiếp theo, cô choàng tỉnh, cố gắng tiếp nhận tin tức mà cô sợ hãi nhất.
Trên điện thoại là dòng tin nhắn từ mẹ cô: “Cha con lại bị bắt rồi.”
Cô nói với phóng viên của The Epoch Times, “Cơn ác mộng lại tái diễn một lần nữa.”
Cô Hàn, công dân Hoa Kỳ, đã nếm trải nhiều cơn ác mộng trong 13 năm đầu đời sống ở Trung Quốc: quốc gia mà đức tin của cô, Pháp Luân Công, là một từ bị cấm.
Năm 1999, giống như vô số gia đình lúc bấy giờ, gia đình cô Hàn sống trong cảnh nơm nớp lo sợ khi cuộc đàn áp sâu rộng bắt đầu ở Trung Quốc cộng sản, nhắm vào hơn 70 triệu học viên của môn thiền định sống theo các nguyên lý chân, thiện, và nhẫn này.
Năm 1999, hệ thống đường cao tốc do nhà nước điều hành ở Hắc Long Giang, tỉnh cực bắc của Trung Quốc, đã sa thải cha cô, ông Hàn Vĩ (Han Wei), khỏi chức vụ giám đốc văn phòng. Vì ông không chịu từ bỏ đức tin của mình nên họ đã cắt nguồn thu nhập chính của gia đình. Ông bị bắt lần đầu tiên khi cô Hàn chưa đầy một tháng tuổi.
Ngay từ khi còn nhỏ, cô Hàn đã nhớ hình ảnh những chiếc xe cảnh sát cùng các viên công an trong bộ đồng phục màu đen của họ bao vây ngôi nhà của mình. Mười một năm sau, khi cô Hàn đã thoát sang Mỹ, cô vẫn không thể quên được những ký ức đau buồn về cha mình.
Vụ bắt giữ hôm 29/03 đánh dấu lần thứ năm cha cô bị bắt vì đức tin của ông. Ông Hàn – một người có quy chế tị nạn của Hoa Kỳ – đã phải sống ẩn náu trong nhiều năm để tránh sự sách nhiễu từ công an. Tuy nhiên, chính quyền vẫn tìm ra ông sau khi ông gửi một số tin nhắn đến những người khác để chia sẻ nhận thức về chiến dịch đàn áp nói trên.
Vợ của ông Hàn Vĩ, bà Lữ Thích Vũ (Lu Shiyu), nói với The Epoch Times từ New York rằng, đầu tiên công an đã sử dụng dữ liệu lớn để xác định vị trí của anh trai ông Hàn, một người không tu luyện Pháp Luân Công, rồi sau đó đột kích vào nhà của ông ấy. Bạn gái của người đàn ông này đã hoảng sợ đến mức lên cơn đau tim ngay lúc đó và phải nhập viện.
Sau khi bắt giữ anh trai của ông Hàn, công an đã truy lùng ông Hàn thông qua các công cụ nhận dạng khuôn mặt và dữ liệu vị trí điện thoại di động của ông, và bắt ông ngay khi ông đang trên đường mua thực phẩm.
Cô Hàn là sinh viên của Học viện Phi Thiên New York và đang đi lưu diễn cùng Đoàn Nghệ thuật Biểu diễn Shen Yun. Cô đã không biết được chuyện xảy ra cho đến khoảng một tuần sau đó. Gia đình cho rằng sự chậm trễ này là do tình trạng thiếu minh bạch trong hệ thống pháp luật Trung Quốc vốn không coi trọng các quyền cơ bản của nhóm bị nhắm mục tiêu đàn áp này.
Công an đã không thông báo cho gia đình và cũng không xuất trình được bất kỳ tài liệu nào trong quá trình tiến hành hoặc sau khi bắt giữ.
“Không có thủ tục tố tụng nào, không có lệnh bắt giữ, không có gì cả,” bà Lữ nói.
Từ những thông tin rời rạc mà gia đình nhà chồng của bà ở Trung Quốc thu thập được, bà Lữ biết được rằng công an đã thẩm vấn ông Hàn, nhưng không thể xác định được chi tiết.
Với hồ sơ đối xử tàn bạo với nhóm người này của nhà cầm quyền cộng sản Trung Quốc, việc thiếu thông tin càng làm cho gia đình cô Hàn thêm lo lắng. Cô Hàn nói, “Trong các nhà tù ở Trung Quốc, chuyện gì cũng có thể xảy ra.”
Cô Hàn chưa bao giờ được nghe thấy lại giọng nói của cha mình kể từ khi rời Trung Quốc vào năm 2013.
Năm 2015, Hoa Kỳ đã cấp quy chế tị nạn cho ông Hàn. Ông đã đặt chuyến bay đến New York vào ngày 14/11 để đoàn tụ với gia đình.
Tuy nhiên, tại nơi kiểm tra an ninh, một viên chức nói với ông rằng sổ thông hành của ông không hợp lệ – do bị chính quyền địa phương thu hồi “vì cá nhân này tu luyện Pháp Luân Công,” bà Lữ cho biết.
Ông Hàn đã bị tra tấn tàn bạo trong những lần bị bắt giữ trước đó. Năm 2001, công an đã còng tay ông vào ghế để đánh ông, trùm một bao ni lông lên đầu ông cho đến khi ông gần như ngạt thở. Để ép ông Hàn lăng mạ đức tin của mình, họ đã còng tay ông vào một khung cửa để trọng lượng cơ thể ông dồn hoàn toàn vào còng tay, sau đó đong đưa thân thể ông để khiến hai tay ông càng thêm đau đớn. Họ đã bắt ông ở trong tư thế đó ròng rã suốt một đêm. Những vết sẹo trên cổ tay ông vẫn còn cho đến ngày nay.
Năm 2006, ông bị giam cầm một năm rưỡi ở một nhà tù khác. Đôi khi công an dán băng dính bịt kín miệng ông lại để không cho ông hô lớn: “Pháp Luân Đại Pháp hảo.”
Công việc kinh doanh thức uống của ông đã hai lần bị tiêu tan vì các vụ bắt giữ.
Năm 2016, sau khi giam cầm ông Hàn hơn hai tháng, công an đã quản thúc ông tại gia do áp lực quốc tế. Ông Hàn né tránh những người theo dõi và sống ẩn náu ở vùng nông thôn. Ông không tiết lộ nơi ở của mình ngay cả với gia đình. Trong nhiều năm, ông không sử dụng điện thoại hay máy điện toán.
“Ông ấy sống như một người thượng cổ,” bà Lữ nói. “Tôi không dám hỏi ông ấy đang ở đâu.”
Trong suốt những năm qua, nỗi sợ hãi lớn nhất của cô Hàn là cô có thể sẽ không bao giờ được gặp lại cha mình nữa.
Năm 2007, khi mới lên bảy, cô đã đến thăm cha trong tù và thấy ông trong một căn phòng giống như một quán ăn tự phục vụ. Ông nói rất ít và luôn mỉm cười với cô nhưng cô Hàn nhận thấy hàm răng của cha có vẻ khấp khểnh. Ông đã bị mất một chiếc răng cửa trong điều kiện khắc nghiệt của nhà tù, gia đình cho biết.
Những ngày không có cha, cô cảm thấy như ngôi nhà “thật trống rỗng,” cô nhớ lại. “Tôi sợ các bạn cùng lớp sẽ hỏi cha tôi ở đâu. Tôi sẽ không biết phải trả lời như thế nào.”
Ngay cả trong những ngày họ được ở bên nhau khi còn tại Trung Quốc, nỗi lo sợ về việc cha cô bị bắt vẫn thường xuyên hiện hữu. Mỗi lần gọi điện cho cha cô không được, gia đình cô đều rất lo sợ.
Cô Hàn kêu gọi người dân Mỹ giúp đỡ để thu hút sự chú ý đến những người có hoàn cảnh bị bức hại giống như cha cô. Cô đã bị nhà cầm quyền tước đoạt đi tình thương của cha trong hơn mười năm. Hơn bất cứ điều gì, cô mong mỏi được thấy chính quyền trả tự do cho cha cô hoặc ít nhất là được biết ông vẫn an toàn.
Cô nói, Trung Cộng “không có quyền bức hại bất cứ ai.”