150 nhóm nhân quyền tuần hành phản đối sự cai trị của Trung Cộng
Đã có hơn 150 nhóm ở gần 90 thành phố khắp thế giới, bao gồm Washington, London, Sydney, Taipei, Tokyo, v.v, tiến hành biểu tình để phản đối Trung Cộng vi phạm nhân quyền; hoạt động này diễn ra nhân dịp Trung Cộng kỷ niệm 71 năm cai trị Trung Quốc vào ngày 1/10 (Trung Cộng tiếp quản Trung Quốc năm 1949).
Đây là sự liên kết nhiều sắc tộc, gồm có người Tây Tạng, người Hồng Kông, người Đài Loan, người Mông Cổ, người Duy Ngô Nhĩ Hồi giáo, người Kazakhstan, và những người bất đồng chính kiến Trung Quốc đang lưu vong; mỗi người đều có những bất bình đối với một chế độ đã và đang ra tay đàn áp cộng đồng của họ.
Họ nói với The Epoch Times rằng, sự đàn áp mà họ phải đối mặt đã cho thế giới thấy bộ mặt thật của Trung Cộng: một chế độ coi thường nhân quyền và gây nguy hại cho thế giới.
Hạ nghị sĩ Scott Perry (Cộng Hòa–Pennsylvania) cho biết trong một bài diễn văn trước Điện Capitol của Hoa Kỳ, “Không thể chỉ vì Trung Cộng đang cai trị Trung Quốc mà có thể được bỏ qua và miễn trừ trách nhiệm trước công lý.”
“Họ không phải chịu trách nhiệm khi đàn áp, xây dựng các trại tập trung, và làm tất cả những điều khủng khiếp mà quý vị đã biết, cho dù đó là Pháp Luân Công, cho dù đó là bạn bè của chúng ta ở Mông Cổ, cho dù họ đang chiếm đóng Tây Tạng,” ông Perry tiếp tục đề cập đến cuộc đàn áp của Bắc Kinh đối với Pháp Luân Công, một môn tu luyện Trung Quốc cổ xưa; việc Bắc Kinh làm xói mòn phong tục văn hóa Mông Cổ; và việc đàn áp các Phật tử Tây Tạng.
Sáng ngày 1/10, Hạ nghị sĩ Perry đã đệ trình một dự luật chỉ định Trung Cộng là một “tổ chức tội phạm xuyên quốc gia”, và loại bỏ quyền miễn trừ quốc gia đối với các quan chức Trung Cộng – điều này sẽ cho phép họ bị xét xử ở tòa án Hoa Kỳ để truy cứu trách nhiệm hình sự, theo một bản sao của dự luật mà The Epoch Times có được.
Khác với vài năm trước, các nhà hoạt động nói rằng họ cảm thấy đoàn kết vì các nhóm khác nhau đều đã chứng kiến sự đàn áp độc tài gần đây của Trung Cộng, chẳng hạn như việc đề xuất xóa bỏ tiếng Mông Cổ trong các trường học ở Nội Mông, những vụ bắt giữ hàng loạt các nhà hoạt động ủng hộ dân chủ ở Hồng Kông, và các chính sách đàn áp ở Tây Tạng và Tân Cương.
Anh Pema Namgyal – một sinh viên Tây Tạng 26 tuổi tốt nghiệp đại học chuyên ngành tâm lý học – là một trong số hơn 150 người biểu tình tham gia một cuộc tuần hành trước trụ sở Liên Hiệp Quốc ở New York, kêu gọi đưa Trung Cộng ra trước công lý.
“Điều này không liên quan gì đến cá nhân người dân Trung Quốc, mà chỉ liên quan đến nhà cầm quyền,” anh nói. Anh Namgyal sinh ra và lớn lên ở Ấn Độ, và sau đó cùng cha mẹ nhập cư đến New York để tị nạn.
Trong khi đó, anh Rinchen Namgyal, thành viên ban tổ chức của nhóm vận động Sinh viên vì một Tây Tạng Tự do có trụ sở tại New York, đã kêu gọi các nhà lãnh đạo của thế giới tự do thành lập một liên minh đa phương để “điều tra độc lập tình hình ở các khu vực do Trung Quốc chiếm đóng”.
Anh Rinchen Namgyal nói, với hồ sơ vi phạm nhân quyền của Trung Cộng, Liên Hiệp Quốc nên ngăn chặn Trung Cộng tham gia vào Hội đồng Nhân quyền. Hồi tháng 4, một đại diện Trung Cộng đã được bầu vào nhóm tham vấn của Hội đồng, vốn có quyền chỉ định những người giám sát nhân quyền của Hội đồng.
Một phụ nữ tự nhận mình là người Hồng Kông cho biết, sự lừa dối là đặc trưng cho 71 năm cai trị của Trung Cộng.
“Họ nói ‘đồng ý’ với mọi thứ trước khi ký một thỏa thuận, nhưng lại thay đổi lời hứa của mình ngay sau đó,” bà nói khi đề cập đến Tuyên bố chung Trung–Anh mà Trung Cộng đã hứa để quê hương bà, vốn là một thuộc địa cũ của Anh Quốc, có một mức độ tự do cao dưới thời Bắc Kinh cai trị cho đến năm 2047.
Bà cho biết: “Chúng tôi từng có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí. Nhưng bây giờ thì chúng tôi không có gì cả”.
Bà Nicole Sara, một nhà hoạt động đã sống ở Hồng Kông 11 năm, gọi “Ngày Quốc khánh” của Trung Cộng là “ngày tang tóc”.
“Theo tất cả những người quan tâm đến sự kiện này, thì chẳng có gì để ăn mừng cả. Đối với rất, rất nhiều người, đây chỉ là bước khởi đầu của sự tàn phá,” bà nói với The Epoch Times.
Bà tin rằng một ngày nào đó Trung Cộng sẽ sụp đổ, “Một ngày nào đó, chúng ta sẽ nhìn lại và thấy vết nhơ này trong lịch sử Trung Quốc.” – bà nói.