12 thành phố kiện hệ thống tòa án Los Angeles để ngăn chặn chính sách không cần bảo lãnh tại ngoại
Jill McLaughlin
Hôm 28/09, mười hai thành phố của Quận Los Angeles đã đệ đơn kiện lên Tòa Thượng thẩm Los Angeles để yêu cầu thẩm phán chấm dứt chính sách mới của hệ thống tòa án, trong đó quy định không cần đóng tiền thế chân để tại ngoại hầu tra (no bail-out).
Quyết định của Tòa Thượng thẩm, được công bố hồi tháng Bảy, nhằm khôi phục quy trình bảo lãnh thời kỳ COVID, vốn đã loại bỏ hình thức bảo lãnh bằng tiền mặt đối với một số tội phạm phi bạo lực. Chính sách này có hiệu lực từ ngày 01/10.
Các thành phố đệ đơn kiện là Whittier, Arcadia, Artesia, Covina, Downey, Glendora, Industry, Lakewood, La Verne, Palmdale, Santa Fe Springs, và Vernon. Theo thông cáo báo chí do thành phố Glendora ban hành hôm 29/09, họ cho biết họ đang ưu tiên sự an toàn và an ninh cho người dân, doanh nghiệp, và cơ quan chấp pháp của mình.
Thông cáo cho biết: “Do chính sách này sẽ gây ra tác động nghiêm trọng đối với các cộng đồng địa phương, nên chúng tôi dự đoán sẽ có nhiều thành phố nữa tham gia cùng chúng tôi trong nỗ lực này.”
Thị trưởng Glendora Gary Boyer cho biết quy trình không cần tiền thế chân đã đi ngược lại nghĩa vụ bảo vệ cộng đồng của thành phố.
“Nhiệm vụ của chúng tôi đối với cộng đồng này là bảo đảm an toàn cho những người sống ở đây, làm việc ở đây, và khách viếng thăm,” ông nói. “Quy trình không cần tiền thế chân không giúp ích gì cho các nhà lãnh đạo địa phương trong cam kết bảo vệ cư dân của họ và điều đó là không thể chấp nhận được.”
Tòa án Thượng thẩm Los Angeles đã thực hiện quy trình không cần tiền thế chân bất chấp một số lo ngại từ văn phòng biện lý quận, cảnh sát trưởng, cảnh sát, và các quan chức khác.
Theo chính sách mới, cơ quan chấp pháp có thể chọn cách đưa ra thông báo hầu tòa rồi thả người, hoặc lập hồ sơ ghi danh lý lịch tư pháp tại nhà tù rồi thả người, hoặc yêu cầu thẩm phán xem xét vụ bắt giữ, nghĩa là vụ án sẽ được thẩm phán xem xét trước khi cho phép bảo lãnh.
Hầu hết các tội nhẹ và trọng tội phi bạo lực sẽ đủ tiêu chuẩn để không cần đóng tiền thế chân, nghĩa là cảnh sát sẽ thả bị cáo tại địa điểm nơi họ bị bắt sau khi cấp cho họ một giấy phạt.
Theo Chánh án Samantha Jessner của Quận Los Angeles, theo quy trình mới, hầu hết tất cả các bị cáo phải đối mặt với trọng tội hoặc khinh tội phi bạo lực sẽ nhận thông báo hầu tòa rồi được thả hoặc được thả với một số điều kiện nhất định trong vòng 24 giờ kể từ lúc bị bắt.
“Việc một người có khả năng trả một số tiền lớn hay không không phải là yếu tố quyết định liệu người đó, người vẫn được cho là vô tội, sẽ bị giam giữ trước khi xét xử hay được tại ngoại,” bà Jessner nói trong tuyên bố hồi tháng Bảy khi công bố chính sách mới. “Một người bị bắt có mức độ rủi ro thấp không nên bị giam giữ chỉ vì họ không thể đóng số tiền thế chân cần thiết để được tại ngoại hầu tra.”
Hôm 26/09, Cảnh sát trưởng Quận Los Angeles Robert Luna đã bày tỏ mối lo ngại của mình với các giám sát viên quận rằng khoảng 20% các bị cáo được tại ngoại mà không cần đóng tiền thế chân sẽ bị bắt lại.
Các quan chức Glendora cho biết, theo quy trình mới, hầu hết những người bị bắt giữ bởi cảnh sát sẽ được thả tại địa điểm bắt giữ kèm theo một thông báo hầu tòa hoặc bị giam giữ để được “ghi danh lý lịch tư pháp, sau đó được tại ngoại” kèm theo thông báo hầu tòa.
Chính sách không cần bảo lãnh sẽ áp dụng cho hầu hết các vụ trộm xe, trộm cắp tài sản bất kể trị giá bao nhiêu, trộm cắp tại các cơ sở thương mại và bán lẻ, sở hữu tài sản bị đánh cắp, giả mạo, bán ma túy, cùng nhiều tội khác.
Phó Biện lý trưởng Quận Los Angeles Sharon Woo cũng nói với các giám sát viên quận hôm 26/09, danh sách không cần tiền thế chân cũng gồm những trọng tội và vi phạm bạo lực theo bộ luật hình sự của tiểu bang, như trộm cắp trong khu dân cư và trộm “hot-prowl” – tức là đột nhập khi có người ở nhà, bán ma túy, trộm cắp tại các cơ sở bán lẻ.