12 kỹ năng nên truyền lại cho thế hệ tương lai
Lisa Bedford
Cách đây vài năm, tôi tình cờ tìm thấy một tấm hình cũ của bà cố tôi. Bà đang đứng trước hiên nhà gỗ ọp ẹp, cầm một xô sữa và đổ vào dụng cụ dùng để tách kem từ sữa bò. Cùng đứng với bà bên hiên nhà là hai cậu bé. Hai cậu bé đó đang học cách vắt sữa bò và sau đó là dùng máy tách kem để chế biến sữa.
Cha tôi và các anh trai của ông đã có một tuổi thơ thật phong phú, học hỏi kiến thức và những kỹ năng lâu đời từ ông bà cố, những người luôn sẵn sàng và tận tình dạy dỗ họ. Trong thế giới của những điện thoại thông minh bóng bẩy và những trò chơi điện tử gây nghiện, sự thông tuệ và những kỹ năng đó có thể vĩnh viễn biến mất nếu ông bà và những người lớn khác không truyền lại cho con cháu.
Bạn hãy suy ngẫm về cuộc sống của mình và điểm lại những kỹ năng thực tế mà bạn đã học được từ trước đến nay. Ngay cả khi sống xa các cháu chắt của mình nhiều dặm, bạn vẫn có thể dạy cho chúng một số kỹ năng cơ bản qua video. Cha tôi thường xuyên gửi những video ngắn kể về những thành quả từ cây vả của ông!
Bạn đang băn khoăn không biết bắt đầu từ đâu? Vậy thì dưới đây là một vài gợi ý.
Nấu ăn và nướng bánh
Bạn có thể chia sẻ những công thức nấu ăn gia đình nào với các cháu của mình? Một trong những công thức nấu ăn quý giá nhất của tôi là món “Shlumgum” được viết bằng nét chữ nắn nót của bà tôi. Liệu thế hệ con cháu trong gia đình của bạn có biết nấu ăn từ khi còn bé không? Thực phẩm thường gắn liền với lịch sử gia đình và truyền thống văn hóa. Đây là dịp tốt để lục tìm lại những công thức ấy, hồi sinh chúng, và mời một vài con cháu đến cùng nhau nấu nướng.
Kể chuyện
Bạn sở hữu một kho tàng những câu chuyện từ thời thơ ấu của chính mình và những câu chuyện được ông bà và những người lớn khác truyền lại. Những câu chuyện đó quý giá đến mức không thể bị lãng quên theo thời gian, và trẻ em ở mọi lứa tuổi sẽ không chỉ yêu thích những câu chuyện đó, và chắc chắn rằng một ngày nào đó chúng sẽ kể cho con cái của chúng nghe. Tốt hơn nữa, bạn hãy viết lại những câu chuyện đó và tự xuất bản. Các thành viên trong gia đình cũng có thể chia sẻ một bản ở dạng điện tử đơn giản, mà một ngày nào đó nó sẽ trở thành vô giá.
Sử dụng dụng cụ cầm tay
Thành thạo cách sử dụng tuốc-nơ-vít, búa, hoặc các dụng cụ khác là điều nên học hỏi. Lúc đầu, chúng có thể khiến bạn cảm thấy lúng túng. Bạn không biết nên ấn và đẩy các dụng cụ đó bao nhiêu là đủ. Dụng cụ có thể bị trượt hoặc bị dùng sai cách hết lần này đến lần khác. Những công cụ trông đơn giản là vậy, nhưng để làm chủ được chúng cũng không dễ dàng gì. Đây là những kỹ năng không chỉ được sử dụng trong suốt cuộc đời mà còn có thể tạo nên công ăn việc làm. Và đó là những kỹ năng thú vị để học hỏi và truyền lại cho thế hệ trẻ.
Làm vườn
Làm vườn cần đến thời gian, sự kiên nhẫn, và kiến thức tích lũy qua nhiều năm. Người làm vườn có thể tận hưởng không gian ngoài trời thoáng đãng, ánh nắng mặt trời, không khí trong lành, chăm sóc và quan sát cây cối sinh trưởng. Các cháu của bạn cũng được tận hưởng như vậy. Chúng chỉ chờ được rủ vào vườn để được dạy cách trồng hoa và rau.
Nghề thủ công
Một đứa trẻ thật may mắn khi có ông hoặc bà biết đan móc, thêu thùa, may vá và các nghề thủ công khác. Những kỹ năng này không chỉ giúp tạo ra những vật dụng cần thiết và đẹp mắt, mà còn giúp người thực hành thành thục trong việc phối hợp giữa tay và mắt, cũng như các kỹ năng vận động tinh tế. Bạn có thể thêm vào danh sách các kỹ năng khác như làm xà phòng, chữa bệnh bằng thảo dược, và chế tạo đồ gỗ để việc dạy dỗ trở nên phong phú và gắn kết.
Sửa chữa nhà cửa
Mỗi khi bạn có thể tự sửa bồn rửa bị tắc nghẽn, sơn một căn phòng, thay lốp xe, hoặc sửa xích xe đạp, bạn cần phải cảm ơn ai đó vì đã dạy bạn kỹ năng này. Trường học giờ đây không dạy những kỹ năng thực hành này nữa; nếu chúng ta không dạy cho thế hệ trẻ, thì ai sẽ là người dạy chúng? Hãy lập danh mục về mọi thứ bạn biết cách sửa chữa, các công việc tân trang nhà sơ đẳng, và bảo dưỡng xe hơi. Cuối cùng, bạn có thể sẽ có một danh sách đáng nể, và bây giờ bạn chỉ cần một hoặc hai học sinh!
Cách cư xử và các chuẩn mực
“Không để khuỷu tay lên bàn! Đừng nói chuyện khi miệng đầy thức ăn! Mở cửa cho các quý cô!” Những phép cư xử lịch sự không bao giờ lỗi thời, và người thực hành chúng thể hiện sự tôn trọng và quan tâm đến người khác. Nghi thức xã giao gồm kiến thức về sử dụng dao nĩa trong một khung cảnh trang trọng và cũng là cách giới thiệu về bản thân đúng mực. Những kỹ năng này rất tinh tế, chúng để lại cảm tình lâu dài trong xã hội cũng như trong công việc.
Kỹ năng vận động ngoài trời
Cắm trại, câu cá, du lịch bụi, nấu ăn bên lửa trại – đó là những hoạt động mang tính phiêu lưu, vậy mà trong thế giới hiện đại của chúng ta, ngày càng ít trẻ em học được những kỹ năng này để nuôi dưỡng tình yêu với thiên nhiên. Thật không ngạc nhiên khi nhiều trẻ em thời nay sợ ra ngoài tiếp xúc với thiên nhiên – sự rộng lớn bao la, sự tĩnh lặng, và những đêm tối đen như mực. Một lần nữa, nếu bạn không truyền đạt những kỹ năng và kiến thức này, thì ai sẽ làm điều đó?
Chăn nuôi
Gà, dê, ong mật, vịt – bất kể kinh nghiệm nào bạn biết về cách chăm sóc vật nuôi, hãy đừng giữ cho riêng mình. Một cách rất tự nhiên, trẻ em cảm thấy cuốn hút đối với những loài động vật, và việc học cách chăm sóc một loài vật khác sẽ vun bồi cho trẻ em tinh thần trách nhiệm và lòng trắc ẩn. Các em sẽ học được tầm quan trọng của việc hồi đáp những mong muốn từ người khác và biết cảm nhận mong muốn hay cảm xúc của đối phương.
Kỹ năng âm nhạc
Nếu bạn có bất kỳ kỹ năng âm nhạc nào, cho dù đó là chơi nhạc cụ, ca hát, hay chỉ là tình yêu âm nhạc nói chung, thì đây là lựa chọn lý tưởng cho trẻ em ở mọi lứa tuổi. Bạn hãy truyền điều đó cho thế hệ tương lai, để chúng lắng nghe những nhà soạn nhạc và nghệ sĩ biểu diễn yêu thích của bạn. Bạn có thể chơi một loại nhạc cụ không? Những buổi học âm nhạc có thể tốn kém và vượt ngoài tầm chi tiêu của nhiều gia đình, nhưng những bài học do một người bạn thân hoặc thành viên gia đình hướng dẫn không chỉ giúp truyền đạt kỹ năng mà còn bồi đắp các mối quan hệ.
Khám phá thiên nhiên
Đi dạo ngoài thiên nhiên, ngắm chim chóc, nhận biết cây cối, và tìm hiểu sự khác biệt giữa sóc và sóc chuột sẽ dạy trẻ em kiến thức về quan sát cũng như sự trân trọng đối với thiên nhiên và môi trường sống quanh mình. Tận hưởng vẻ đẹp của thiên nhiên và ngắt kết nối với công nghệ sẽ truyền cảm hứng cho sự sáng tạo và óc tò mò.
Văn hóa truyền thống
Mỗi đứa trẻ đều thừa hưởng một di sản phong phú của nhiều nền văn hóa, nhưng có quá ít trẻ em được học về chúng. Bạn hãy chia sẻ những giá trị truyền thống và câu chuyện xung quanh và truyền lại cho thế hệ sau giống như cách bạn đã được truyền lại. Cội nguồn gia đình, ngôn ngữ, phong tục, và ngày lễ đều xứng đáng được giữ gìn bằng cách chia sẻ với thế hệ kế tiếp.
Chúng ta thường bỏ qua giá trị của những gì chúng ta biết và kinh nghiệm, nhưng mỗi người trong chúng ta là một cuốn bách khoa toàn thư về những ký ức và bài học kinh nghiệm độc đáo có thể làm phong phú thêm vốn sống cho những người thân yêu của chúng ta, đặc biệt là đối với thế hệ nhỏ tuổi nhất.
Cô Lisa Bedford là tác giả của quyển “Survival Mom: How to Prepare Your Family for Everyday Disasters and Worst-Case Scenarios”. (Người Mẹ Sống Sót: Cách Chuẩn Bị Để Giúp Gia Đình Bạn Đối Phó Với Những Thảm Họa Hàng Ngày Và Những Tình Huống Xấu Nhất).