Tả quân Duyệt phải chăng là người Bắc kỳ ?
Trong Tri-Tân số 28, bạn Nhật-Nham viết ông Tả-quân Lê-văn-Duyệt là người Nam-kỳ, các sách cũng chép như thế cả.
Vừa rồi, tình cờ tôi được hầu chuyện một cụ lão nho, cụ cho biết rằng, cách đây 30 năm, cụ có tên Vĩnh-yên, được xem di tích của tổ tiên ông Tả-quân Lê-văn-Duyệt, miếu thờ và bi ký. Vậy tôi xin cứ nguyên câu chuyện thuật ra sau đây để chất chính cùng các bạn khảo-cứu về lịch-sử :
Ở tỉnh Vĩnh-yên, giáp đường thiên lý thuộc huyện Yên-lạc, có một làng tên là Tê-lỗ (không biết nay đổi là gì) dân làng có một cái miếu nhỏ, tương truyền là tổ mộ nhà quan Tả-quân Lê-văn-Duyệt, bên cạnh có bia, đại-ý trong bia ghi rằng :
Ông tứ-đại nhà ông Tả-quân Duyệt khi trước là một cụ đồ làng, ngồi dạy học ở trong chùa, nhân được ngôi sinh phần thày tàu để (1) sinh hạ được một cậu con, lúc bé đi đồng, bị chó ngoài đồng cắn đứt mất ngọc-hành, nhớn lên, tính thích chơi chó săn (2) và được dâng vào cung Hậu-lê làm thái-giám…Sau vì có quàn-công, thăng đến chức Tả-quân, thuỷ-sư đô-thống-chế, tước Viên tường hầu (không biết tên là gì). Đến đời ông thân-sinh ra ông Lê-văn-Duyệt (3), nhân vì ông Duyệt can án ngộ sát, nên hai cha con mới trốn vào Nam và nhập-tịch.
Hiện nay ngoài cửa miếu ông Viên tường hầu có rất nhiều chó đó. Còn họ Lê, khi hai cha con ông Duyệt bỏ trốn, từ những họ hàng còn ở lại, vì sợ phải tội, đều cải sang họ Bùi.
Lại tương truyền khi vua Gia-long bình định xong Bắc-hà, có sai đắp đường thiên lý ở Vĩnh-yên, qua làng Tê lỗ, ruột đường chính vào ngôi tổ mộ nhà ông Tả-quân. Khi ấy, ông Lê Văn Duyệt đang làm tổng trấn Nam-kỳ, mật sai con nuôi là Lê Văn-Khôi ra Bắc, ngầm nhổ cái tiêu và cắm xa ra hơn 200 thước. Bởi vậy, đoạn đường này cong vì phải đắp vòng.
TIÊN-ĐÀM thuật
(Theo TRI TÂN TẠP CHÍ 1941)
1) Tục truyền ngôi mộ ấy là kiểu đất “Gia viên ẩm thuỷ, vị cực nhân thần”. Nghĩa là con vượn uống nước, ngôi đến quan cực phẩm. Người Tàu lại lừa đảo mất một hòn đá ở mộ, nên người nào xuất thân yêm loạn mới làm nên.
2) Lúc ấy lối chơi chó săn, gà trọi rất được ham chuộng trong cung nhà vua và phủ chúa Trịnh.