Phương pháp dưỡng sinh xưa dành cho người cao tuổi
Với sự phát triển của y học hiện đại, tuổi thọ trung bình của con người không ngừng được kéo dài. Làm thế nào để sống lâu hơn và mạnh khỏe, thay vì “sống lâu mà mang bệnh tật”? Chắc rằng đây là điều mong mỏi của rất nhiều người.
Trên thực tế, nền văn hóa truyền thống 5.000 năm của Trung Hoa, đặc biệt là nền y học cổ truyền Trung Quốc, từ lâu đã chứa đựng rất nhiều tinh hoa trong việc dưỡng sinh. Đi sâu tìm hiểu các phương pháp dưỡng sinh của người xưa để người ngày nay lấy đó làm gương, là phương pháp đơn giản hiệu quả nhất.
Dưỡng sinh, không chỉ đơn giản là ăn kiêng
Dưỡng sinh, còn được gọi là Nhiếp sinh, Đạo sinh, Dưỡng tính, Vệ sinh, Bảo sinh, Thọ thế v.v… Dưỡng có nghĩa là bảo dưỡng, điều dưỡng, bổ dưỡng; Sinh có nghĩa là sinh mệnh, sinh tồn, sinh trưởng. Chúng ta có thể tóm tắt một cách đại khái việc Dưỡng sinh là: thuận theo quy luật phát triển của sinh mệnh, từ phương pháp và lý luận để đạt được mục tiêu bảo dưỡng sinh mệnh, tráng kiện tinh thần, tăng tiến trí huệ, kéo dài thọ mệnh.
Dưỡng sinh không chỉ đơn giản là ăn thực phẩm lành mạnh, hữu cơ, không độc hại mới gọi là Dưỡng sinh, mà Dưỡng sinh đã bao hàm bảo dưỡng, điều dưỡng mọi mặt như thân thể, tâm lý, trí huệ v.v… Trên thực tế, mức dưỡng sinh cao nhất chính là tu luyện, phản bổn quy chân [trở lại như ban đầu].
Trong số rất nhiều cuốn sách về Dưỡng sinh của Trung Quốc cổ đại , cuốn “Thọ thân dưỡng lão tân thư” của Trần Trực Nguyên triều Bắc Tống, được bổ sung bởi Trâu Huyễn thời nhà Nguyên, là một bộ sách chuyên môn sớm nhất về chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi, chuyên về dưỡng sinh trừ bệnh kéo dài tuổi thọ. Trong sách có nhiều quan điểm về giữ gìn sức khỏe cho người cao tuổi xưa, rất đáng để học hỏi.
Dưỡng sinh ẩm thực đối với người cao tuổi, 3 điều cần chú ý
Chế độ ăn uống là căn bản và dựa vào đó để bổ dưỡng cơ thể và duy trì các hoạt động sống. Ăn uống tốt thì tinh khí của thủy cốc tràn đầy, tinh khí thủy cốc tràn đầy thì khí huyết sẽ mạnh, khí huyết mạnh thì cơ bắp sẽ cường tráng. Cho nên, Tỳ Vị là căn bản của ngũ tạng. Vì vậy, trong một cơ thể, sự vận dụng của âm dương, đến sự tương sinh của Ngũ hành, không thể không nhờ vận tác của ẩm thực.
Người trẻ tuổi, nguyên khí tráng thịnh, có lúc đói hoặc no, ăn nhiều đồ ăn sinh lạnh, nhưng do bản chất cơ thể cường thịnh, nên không dễ sinh bệnh tật.
Tuy nhiên, người cao tuổi chân khí cạn kiệt, ngũ tạng suy yếu, nên hoàn toàn phải dựa vào ăn uống để bổ dưỡng khí huyết, nếu không thể kiềm chế ăn đồ ăn sinh lạnh, no đói quá độ, không hiểu được điều dưỡng cơ thể, dễ sinh bệnh tật. Phàm người bị bệnh, cơ bản không ngoài nguyên nhân phong, hàn, thử, thấp, đói, no, mệt mỏi, nhàn hạ. Là con người, lại không thể cẩn trọng chăng?
Nếu không may mắc bệnh, trước hết nên dùng liệu pháp ăn uống (thực liệu), quan sát các triệu chứng của bệnh, dùng liệu pháp ăn uống để chữa trị. Thực liệu không khỏi, mới dùng thuốc điều trị.
Đối với các loại ẩm thực, con cháu cần tự mình nấu nướng điều dưỡng, không nên để người khác làm, để không sơ ý bỏ qua chế độ ăn uống của người cao tuổi. Điều cần phải lưu ý là:
- Khẩu phần ăn của người cao tuổi nên ăn ấm, nóng, chín, mềm, cần tránh dính, cứng, sinh lạnh.
- Sau bữa ăn, dưới sự hướng dẫn của con cháu, đi bộ từ một đến hai trăm bước, để vận động thúc đẩy tiêu hóa.
- Người cao tuổi không nên ăn một lúc quá nhiều, chỉ nên ăn nhiều lần, để Tỳ Vị dễ tiêu hóa, tinh khí của thủy cốc không ngừng hóa sinh. Nếu ăn quá nhiều một lúc, sẽ dễ làm tổn thương đến Trường Vị (dạ dày), gây đầy bụng. Vì dạ dày của người cao tuổi thường yếu nhược, không dễ hấp thu tiêu hóa được, nên dễ sinh bệnh. Là con cháu, nhất định phải hiểu và nhận biết sâu sắc, đây là phương pháp và nguyên tắc chính của việc phụng dưỡng người cao tuổi.
Bác sĩ Ngô Quốc Bân (Chủ nhiệm Phòng khám Trung y Tâm Y Đường, Đài Loan), cho biết:
- Nguyên tắc ăn uống hợp lý nhất cho 3 bữa ăn trong ngày là: buổi sáng nên ăn ngon, buổi trưa nên ăn no, buổi tối nên ăn ít.
- Chế độ ăn uống dưỡng sinh bốn mùa, nên căn cứ theo sự khác nhau của đặc tính các mùa mà chọn thực phẩm:
Mùa xuân: Dương khí thăng lên, mùa Xuân chủ sinh, khí hậu ấm dần, Can dương trong cơ thể sẽ thịnh. Dễ có chứng cáu gắt, khô miệng, chóng mặt, tiện táo.
Lúc này nên chọn những loại rau củ quả có tính mát, ít dùng thịt cá vị nồng, tránh dùng thực phẩm cay, quá nóng, để tránh trợ cho Can dương quá thịnh, hoặc tăng thêm các chứng nội nhiệt.
Mùa hạ: Khí hậu nóng nực, mùa Hạ chủ thăng, dễ có chứng ra mồ hôi nhiều, người mệt mỏi, không muốn ăn, hụt hơi không còn chút sức lực nào…
Lúc này, nên chọn các loại rau củ quả có tính lạnh và mát, cũng cần bổ sung thêm các đồ ăn hoặc đồ uống thanh thử như dưa hấu, hoặc canh đậu xanh, cháo lá sen, v.v. Tránh các loại thịt cá nhiều dầu mỡ, thức ăn vị cay và rất nóng gia tăng thử nhiệt.
Mùa thu: Nhiệt độ ngày càng mát mẻ, mùa thu chủ thâu, có thể bổ sung một số loại cá, thịt, trứng, sữa vào khẩu phần ăn, nếu thể trạng quá yếu, cũng có thể dùng một số món ăn ích khí, bổ huyết, hoặc các loại thực phẩm và thuốc kiện Tỳ dưỡng Vị. Chẳng hạn như: Hoàng kỳ, Đẳng sâm, Đương quy, Đông trùng hạ thảo, Bạch truật, Long nhãn, v.v. Nhưng không nên dùng nhiều, nếu thử nhiệt chưa hết, thì đừng dùng.
Mùa đông: Khí hậu lạnh lẽo, mùa Đông chủ tàng. Người cao tuổi thể chất yếu, mệnh môn hỏa suy, khó chống lại với giá rét.
Lúc này nên dùng đồ ăn tính bổ nhiệt, lấy bổ làm chủ, có thể dùng thêm các đồ ăn như cá, thịt, trứng, và gan, có thể dùng cùng với các loại thuốc bổ như: Chích hoàng kỳ, Đương quy, Đẳng sâm, Nhân sâm, Câu kỷ, Long nhãn, Bạch truật, Đông trùng hạ thảo, Ba kích thiên, Nhục quế… bổ khí huyết tăng cường thể lực. Nhưng gặp lúc cảm lạnh, hoặc khi có nội nhiệt, thì ngừng sử dụng.
Thuốc điều trị cho người già, không giống như cho người trẻ
Thông thường người hiện nay chữa bệnh cho người cao tuổi cũng đồng dạng như cách chữa bệnh cho người trẻ tuổi, loạn hợp thuốc thang, châm cứu bừa bãi, để công bệnh của họ, mong chữa khỏi nhanh chóng và dứt điểm. Thế nhưng không biết rằng người cao tuổi khí huyết đã suy yếu, tinh thần suy nhược tiêu hao, tình trạng cơ thể nguy hiểm giống như ngọn đèn trước gió dễ bị thổi tắt, dễ bị các loại bệnh tật tấn công. Người già thị lực mơ hồ, thính lực giảm sút, tay chân hoạt động không linh hoạt, đầu váng mắt hoa, không thể thích ứng với sự thay đổi của hoàn cảnh tự nhiên và khí hậu, bệnh cũ thường xuyên tái phát, hoặc như tiện bí, tiêu chảy, chân tay lạnh, thân nhiệt, đây là những chứng thường gặp của người già. Nếu không thể tùy theo đặc điểm thể chất, tình trạng phát bệnh của người cao tuổi để chữa trị, mà vội vàng châm cứu, uống thuốc, cố gắng chữa bệnh mau chóng, thường dẫn đến những nguy hiểm khó có thể đoán trước.
Huống hồ, các vị thuốc trị bệnh khư tà, có thể gây dũng thổ (nôn), phát hãn (ra mồ hôi), giải nhiệt, hoặc là tả hạ (thông đại tiện), lợi tiểu. Bởi người già cao tuổi không giống như người trẻ tuổi chân khí cường tráng, cho nên cần chú ý tránh gây ra nguy hiểm. Người già và trẻ vốn thể nhược khác nhau, nếu phát hãn thì dương khí sẽ tiết ra, dũng thổ thì Vị khí thượng nghịch, tả hạ thì nguyên khí hư thoát, ngay lập tức sẽ dẫn đến hậu quả khó lường, đây là điều kiêng kỵ rất quan trọng với dưỡng sinh của người cao tuổi.
Nói chung, điều trị thuốc cho người cao tuổi, chỉ là một liệu pháp bổ trợ mang tính hỗ trợ, chỉ có thể điều trị bằng các loại thuốc ôn hòa bình đạm, thuận sướng khí cơ, tăng tiến ẩm thực, tư dưỡng bổ hư, trung chính bình hòa để điều trị. Không sử dụng thuốc mua trên thị trường hay do người khác tặng không rõ nguồn gốc. Nhất định phải cẩn thận xem xét cho kỹ.
Nếu có bệnh cũ trong người thường xuyên tái phát, thì vần tùy theo triệu chứng bệnh, dùng thuốc trung chính bình hòa, sau ba-năm ngày điều trị, tự nhiên sẽ bình an vô sự. Sau đó điều chỉnh chế độ ăn uống, theo phương pháp thực liệu, dựa theo 4 tính chất của thức ăn là ôn, nhiệt, lương, hàn, đến 5 vị chua, đắng, ngọt, cay, mặn, phối hợp ăn uống để điều trị, đây là phương pháp dưỡng sinh tốt nhất.
Bác sĩ Ngô nói:
- Trên thực tế, không chỉ người già, phàm những người cơ thể suy nhược sau khi bệnh, cũng tương đồng với việc phòng và chữa bệnh như người cao tuổi . Ví dụ, khi cơ thể quá yếu nhược, khi cần phải tiến hành điều trị tích cực như phẫu thuật hoặc hóa liệu, xạ trị, … thì nên suy nghĩ tiến hành sau, tránh điều trị bản thể thành công, nhưng thể chất lại không chịu được.
- Do sự thay đổi sinh lý môi trường bên trong cơ thể người già, và những đặc điểm khác biệt về bệnh của người cao tuổi, cho nên việc chọn loại thuốc và liều lượng, đều nên thận trọng.
Liều điều trị và liều gây độc rất gần nhau, hơn nữa còn gặp trường hợp liều lượng đối với bệnh nhân này thì không phản ứng nhưng với bệnh nhân khác lại xuất hiện tình trạng phản ứng trúng độc. Đồng thời, do người cao tuổi mắc nhiều loại bệnh, dùng nhiều loại thuốc, còn xuất hiện tác dụng tương tác thuốc. Một số người tự ý uống thuốc và tùy ý tăng liều hoặc dùng thuốc bổ một cách mù quáng, đều có thể gây ra ảnh hưởng không tốt. Vì vậy, cần có thái độ lựa chọn thận trọng đối với việc dùng thuốc cho người cao tuổi.
Người già tính khí hay thay đổi, con cháu nên hiểu và bao dung
Người cao tuổi tuy thân thể suy nhược, nhưng vẫn giữ được tâm chí mạnh mẽ. Có thể do không hợp với thời thế và nhân sinh, nên cảm thấy không hài lòng, tuy sống sung túc, nhưng trong lòng vẫn thường cảm thấy hụt hẫng. Vì vậy, người già thường thở ngắn than dài, tâm tình lo nghĩ, tâm lý trái ngược, cố chấp tùy hứng, vui giận vô cớ, tính tình đều thay đổi, dao động không ngừng, giống như một đứa trẻ con không hiểu biết.
Do đó, đối với người cao tuổi, phải cung kính vâng lời, quan sát sắc mặt lời nói mà lựa ý làm theo cho đúng tâm ý. Chúng ta cần nghiêm khắc bảo con cháu, người giúp việc, không được làm trái ý người lớn tuổi.
Do người cao tuổi khí huyết suy nhược, trung khí không thuận, một khi lo lắng nóng giận, thì dễ khiến thức ăn không hóa, công năng tạng phủ rối loạn, sinh ra bệnh tật. Vì vậy, cần phải thấu hiểu sâu sắc, hiểu tâm trạng của người cao tuổi, thường dặn những người xung quanh không để người già ngồi, ngủ một mình. Điều này là bởi khi về già, tính tình dễ cô độc, dễ buồn rầu, một khi cảm thấy cô đơn trống vắng, thì sẽ chán nản phiền muộn.
Vì vậy, cách phụng dưỡng người cao tuổi, là nên thuận theo tính khí và sở thích của họ. Ví như, nếu họ thích đọc sách, vẽ tranh, chơi cờ, thể thao, hãy để họ làm những gì họ thấy thích, tự nhiên tâm trạng sẽ vui vẻ, như vậy càng dễ dàng quên đi sự cô đơn và buồn bã. Người tuổi cao cơ thể suy yếu mệt mỏi, không có việc gì có thể khiến họ tập trung, nếu như chỉ có một mình ở nhà không có việc gì làm, tâm tình tự nhiên sẽ chán nản, bây giờ nhìn thấy những thứ mình thích, để tâm trí của mình lên đó, tự nhiên sẽ thấy vui vẻ. Cho dù có mệt mỏi, u sầu phiền muộn, hoặc trong lòng lo lắng, tính khí nóng giận tự nhiên có thể giải tỏa, nhẹ nhõm.
Bấm huyệt dưỡng sinh cho người cao tuổi
1. Bấm huyệt Dũng Tuyền
Huyệt Dũng Tuyền nằm trên lòng bàn chân, thấp khí đều vào từ đây.
Vị trí: Phần dưới bàn chân, 1/3 đầu của đường nối các ngón chân thứ hai, thứ ba và gót chân.
Phương pháp: Một tay cầm các ngón chân, một tay xoa ấn huyệt Dũng Tuyền. Sau một lúc lòng bàn chân ấm lên, sau đó vận động các ngón chân một chút, khi mỏi có thể nghỉ ngơi một chút. Cũng có thể nhờ người khác xoa bóp, nhưng hiệu quả không tốt bằng việc tự xoa bóp.
Vào thời Tống Ninh Tông, ông Trần Thư Lâm, người phụ trách kho thuốc thuộc ti Thành Đô, từng nói rằng: “Cha tôi mỗi đêm thường bấm (huyệt Dũng Tuyền) đến mấy nghìn lần, cho nên đến lúc tuổi già đi lại nhẹ nhàng. Khi lười, mỗi lúc nằm chỉ lệnh cho người khác xoa đến khi ngủ thì ngừng, cũng cảm thấy khỏe khoắn”. Lại nói: “Tôi tính lười biếng, mỗi khi đi ngủ chỉ bảo người khác ấn tới lúc ngủ say thì thôi, cũng cảm thấy có hiệu quả”.
“Một người dân là Trịnh Ngạn Hòa từ Thái phủ đến kho lúa Giang Đông, chân yếu không thể quỳ lạy, người quản lý là Hoàng Kế Đạo dạy dùng cách này, hơn một tháng thì có thể quỳ gối bái lạy. Đinh Thiệu Châu người vùng Tráp Khê bị bệnh ở chân, nửa năm không thể xuống giường, gặp được một vị đạo nhân, cũng dạy cách này, không lâu sau thì hết bệnh. Nay dùng bút và sách này, nói cho những người bị bệnh biết, chớ cho là nhỏ mà bổ lắm thay”.
2. Bấm huyệt Thận Du
Vị trí: Nằm ở phần thắt lưng, ngay sau rốn, 2 bên trái phải của huyệt Mệnh Môn, rộng bề ngang hai ngón tay.
Phương pháp: Dùng tay xoa ấn hai huyệt Thận Du, mỗi lần 120 cái, làm nhiều càng tốt.
Hiệu quả: Bổ thận, cường tinh, trị tiểu nhiều, đau thắt lưng.
Tác giả: Ngô Quốc Bân (Chủ nhiệm Phòng khám Trung y Tâm Y Đường, Đài Loan)
Lý Thanh Phong biên tập
Lâm Mộc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ
Xem thêm: