Phong cách đi bộ có thể tiết lộ tình trạng về sức khỏe của bạn
Kể cả khi bạn đang là thanh niên, một số bước đi không chỉ giúp bạn di chuyển giữa 2 điểm, mà thông qua dáng đi, tư thế và tốc độ cũng có thể tiết lộ những manh mối khác về sức khỏe của bạn…
Đi bộ là một quá trình phức tạp. Nó liên quan đến toàn bộ cơ thể, từ đầu đến chân, bao gồm cả một số phần của bộ não.
Tốc độ đi bộ có liên quan đến tuổi thọ
Tốc độ đi bộ (còn được gọi là tốc độ dáng đi) dường như cho biết một người sẽ sống được bao lâu. Tiến sĩ Christina M. Dieli-Conwright, giáo sư và trợ lý nghiên cứu tại Trường Y khoa Keck thuộc Đại học Nam California cho biết: “Khi tốc độ đi bộ giảm, nguy cơ tử vong tăng”.
Theo một nghiên cứu được công bố trên Mayo Clinic Proceedings vào tháng 6/2019 đã chỉ ra, tốc độ đi bộ – được định nghĩa là chậm, ổn định/trung bình hoặc nhanh – là yếu tố dự báo mạnh nhất về thời gian sống của một người, với tốc độ chậm có liên quan đến tuổi thọ ngắn hơn.
Một người phụ nữ đi bộ chậm có thể sống ở độ tuổi từ 72 đến 85 tuổi, trong khi một người phụ nữ đi bộ nhanh có thể sống đến 87 hoặc 88 tuổi. Đối với nam giới, tuổi thọ của người đi bộ chậm dao động từ 65 đến 81 tuổi, trong khi những người đi bộ nhanh sống được 85 đến 87 tuổi.
Di chuyển chậm hơn tốc độ trước đó
Các nhà khoa học cho biết những thay đổi về tốc độ đi bộ của bạn theo thời gian có thể là một cách để dự đoán liệu Alzheimer hay các vấn đề về trí nhớ khác có xảy ra không. Nếu bệnh Alzheimer xảy ra sau cơn suy nhược, tốc độ di chuyển sẽ chậm hơn khi bệnh nặng hơn.
Đi nhón chân (nhấc gót)
Đây là một rắc rối cơ học. Việc một đứa trẻ đi bằng ngón chân là điều bình thường khi chúng học cách đứng thẳng. Nhưng nếu điều đó xảy ra ở một người trưởng thành, có nghĩa là gân Achilles của họ quá ngắn để gót chân chạm đất thoải mái. Hoặc đây có thể là một dấu hiệu của các vấn đề cơ bắp như bại não hoặc loạn dưỡng cơ. Điều này cũng thường gặp ở trẻ tự kỷ.
Đi khập khiễng
Đi khập khiễng có thể có nguyên nhân từ các vấn đề cấu trúc như căng cơ, bong gân, sụn rách hoặc hư hỏng các cấu trúc khớp khác, viêm khớp, chênh lệch chiều dài chân hoặc các vấn đề về chân. Quan trọng là một sải chân mất cân bằng cũng sẽ ảnh hưởng đến các bộ phận cơ thể khác. Nếu cơn đau ở chi dưới của bạn trở thành mãn tính và thực sự làm thay đổi dáng đi của bạn, bạn nên tìm kiếm sự giúp đỡ từ các chuyên gia.
Mất cân bằng
Cảnh sát thường đưa ra một bài kiểm tra ngắn – yêu cầu đi bộ – để kiểm tra xem liệu tài xế có uống rượu hay không. Khả năng giữ thăng bằng sẽ phản ánh phần nào việc lạm dụng rượu của tài xế. Bởi vì tình trạng này về lâu dài sẽ dẫn đến yếu cơ, mất cảm giác cũng như khả năng định hướng. Nó dẫn đến những bước đi không đều và dễ vấp ngã, đặc biệt ngay cả khi họ đang không trong cơn say. Không đơn giản là bỏ rượu, người nghiện còn phải phải mất thêm một thời gian mới có thể di chuyển được tốt hơn.
Di chuyển tay và chân một bên cùng nhau
Bình thường tư thế tay và chân ngược nhau khi bạn di chuyển. Khi cơ của bạn bị kéo căng hoặc bị thoát vị đĩa đệm thắt lưng, bạn có xu hướng xoay ngực và vai để trùng mặt phẳng với hông khi bạn đi dạo, để tránh bị xoắn. Do đó, cánh tay của bạn sẽ lắc lư cùng lúc với chân khi bạn bước đi nhanh, thay vì ngược lại như lúc bình thường.
Xu hướng chuyển sang trái khi lo lắng
Khi bạn căng thẳng và lo lắng, bạn sẽ ít có khả năng di chuyển sang phải. Các nhà nghiên cứu theo dõi chuyển động của một người khi họ bịt mắt và phát hiện ra rằng ai đó càng cảm thấy căng thẳng, họ càng đi lệch về bên trái nhiều. Cho dù mục tiêu ban đầu của họ là đi thẳng về phía trước. Điều này có thể là do phía bên phải bộ não đang làm việc chăm chỉ hơn để xử lý những nghi ngờ và sợ hãi của họ khi đang phải lo lắng.
Bàn chân rũ
Dáng đi với bàn chân rũ thể hiện sự yếu cơ. Bạn có thể bị trượt chân khi leo cầu thang, các ngón chân của bạn bị kéo lê khi đi bộ và bạn phải nhấc chân cao hơn để bù đắp cho bàn chân bị rũ. Đa số các trường hợp chỉ có một chân bị yếu, đôi khi cũng có trường hợp là cả hai. Điều này có thể báo hiệu dây thần kinh ở chân của bạn đã bị tổn thương, hoặc đó có thể là dấu hiệu của rối loạn thần kinh, cơ, não hoặc cột sống như loạn dưỡng cơ, hoặc là các bệnh đa xơ cứng.
Đung đưa
Bạn có đá chân qua lại, trước sau và dừng lại khi bạn đi bộ không? Nếu điều đó xảy ra mà không phải là do say rượu, bạn nên đi khám bác sĩ để kiểm tra đầu của mình. Đầu bị va chạm có thể gây tổn thương não nhẹ và khiến bạn quay cuồng trong một thời gian. Điều này khá phổ biến trong số những người chơi thể thao đối kháng. Do đó, nếu bạn là vận động viên trong các môn tập này, bạn nên chú ý dáng đi của mình.
Kéo lê chân
Những bước chân chậm chạp, chậm chạp – đặc biệt nếu bạn là một người đàn ông trên 60 tuổi – thì đây có thể dấu hiệu cho thấy não của bạn đang gặp khó khăn trong việc đưa thông điệp “di chuyển” đến cơ bắp chân. Kéo lê chân trong tư thế cúi người với ít hoặc không có chuyển động của cánh tay thường được gọi là “dáng đi của Parkinson“. Nó rất phổ biến ở những người mắc bệnh này.
Dáng đi nặng nề khó nhọc, lê bước chân
Bệnh trầm cảm có thể làm một người cảm thấy như một gánh nặng trên vai và bước đi cho thấy điều đó. Không có gì lạ khi trầm cảm khiến bạn bước đi với những bước chậm, ngắn. May mắn thay, khi tâm trạng của bạn được cải thiện, dáng đi cũng bớt nặng nhọc hơn. Các nghiên cứu cho thấy bạn thậm chí có thể nâng cao tinh thần của mình bằng cách đi bộ nhanh, như thể bạn đang hạnh phúc. Tư thế của bạn giúp định lại suy nghĩ của bạn theo hướng tích cực.
Phong cách đi bộ của bạn có thể phản ánh một loạt các vấn đề có ảnh hưởng đến thể chất, sinh lý, thần kinh và thậm chí là tâm lý. Bạn nên để ý đến dáng đi của mình và người thân để có thể phát hiện và điều chỉnh kịp thời những biến cố có thể xảy ra đối với sức khỏe nhé!