Ông Robert F. Kennedy Jr : Thuốc diệt cỏ thông thường gây ra chứng rối loạn định dạng giới tính
Thuốc diệt cỏ atrazine liên quan đến sự nữ tính hóa ở ếch: 10% ếch đực trở thành con cái là điều hoàn toàn khả thi
Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với ông Jordan B. Peterson, ứng cử viên tổng thống, ông Robert F. Kennedy Jr. nói rằng nguyên nhân của chứng rối loạn định dạng giới tính, đặc biệt ở các bé trai, là do tiếp xúc với hóa chất gây ra. Đặc biệt, ông đề cập đến loại thuốc diệt cỏ atrazine vốn được dùng rộng rãi.
YouTube đã gỡ video xuống với lý do vi phạm nguyên tắc cộng đồng của nền tảng. Tuy nhiên, video vẫn có trên Rumble.
Trong cuộc phỏng vấn ngày 05/06 hiện bị kiểm duyệt, ông Peterson và ông Kennedy đã thảo luận về nhiều chủ đề bao gồm cả việc tranh cử tổng thống của ông Kennedy. Khi cuộc trò chuyện chuyển sang các vấn đề môi trường, ông Kennedy lưu ý rằng “mức độ trầm cảm phổ biến” ở trẻ thời nay, cũng như “rất nhiều chứng rối loạn định dạng giới tính mà chúng ta đang chứng kiến,” có thể là kết quả của các hóa chất độc hại.
Ông Kennedy nói: “Thời nay, nhiều đứa trẻ đang sống trong một mớ hỗn độn hóa chất độc hại, và nhiều trong số đó là chất gây rối loạn nội tiết.”
Ông Kennedy cho rằng một trong những vấn đề lớn nhất là atrazine, thứ được tìm thấy “trong mọi nguồn cung cấp nước.” Ông tiếp tục đề cập đến một nghiên cứu, trong đó những con ếch đực được tiếp xúc với atrazine trong một bể chứa, và chúng đã bị thiến hóa học và chuyển thành giống cái.
Đáng lo ngại hơn, ông lưu ý rằng nghiên cứu cho thấy 10% ếch đực biến thành “những con cái hoàn toàn khỏe mạnh, có khả năng sản xuất trứng sống.”
Ông Kennedy nói: “Nếu điều đó xảy ra với ếch, nhiều khả năng nó cũng xảy ra với con người.”
Khoa học
Nghiên cứu mà ông Kennedy đề cập được thực hiện bởi ông Tyrone B. Hayes, giáo sư sinh học tích hợp tại Đại học California, Berkeley. Bài báo được công bố vào tháng 03/2010 trong Kỷ yếu của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia.
Nghiên cứu lưu ý rằng atrazine là một trong những loại thuốc trừ sâu được dùng phổ biến nhất trên thế giới, cũng như là chất gây ô nhiễm thuốc trừ sâu thường được phát hiện. Atrazine gây ô nhiễm mặt đất, bề mặt và nước uống và có thể theo mưa di chuyển ra hơn 620 dặm từ địa điểm ban đầu.
Các tác giả nhấn mạnh rằng thuốc diệt cỏ là một chất gây rối loạn nội tiết rất mạnh, ngay cả ở nồng độ thấp. Các nghiên cứu trước đây cho thấy tác dụng phụ của thuốc diệt cỏ gồm có hiện tượng lưỡng tính, giảm thể tích tinh hoàn và giảm testosterone. Thuốc diệt cỏ cũng gây ra quá trình mất nam tính và nữ tính hóa các loài lưỡng cư đực.
Nghiên cứu đã xem xét tác động lâu dài của atrazine với chức năng sinh sản của một quần thể ếch đực có vuốt Phi Châu về mặt di truyền.
Những con ếch đực ở đây được tiếp xúc với 2.5 phần tỷ (ppb) atrazine từ khi chúng còn là nòng nọc và cho đến ba năm sau khi trưởng thành.
90% con ếch tiếp xúc với atrazine dù có bề ngoài giống đực nhưng bị suy giảm testosterone, giảm kích thước tuyến sinh sản, giảm sản xuất tinh trùng, phát triển thanh quản nữ tính, ức chế hành vi giao phối, giảm sinh tinh và giảm khả năng sinh sản.
Ếch cái có buồng trứng
Điều đáng chú ý là sau khi tiếp xúc với atrazine, 10% con đực di truyền đã phát triển thành con cái có đầy đủ chức năng buồng trứng, có thể tạo ra trứng sống.
Hai trong số những con ếch đực biến thành cái được giao phối với con đực đối chứng và sinh ra ếch con. Thử nghiệm sâu hơn xác nhận rằng, những con ếch đực tiếp xúc với atrazine này, mặc dù bây giờ về mặt chức năng là con cái (đã trải qua quá trình nữ tính hóa hoàn toàn), trên thực tế, chúng vẫn mang nhiễm sắc thể giống đực.
Trong một bài thuyết trình quan trọng năm 2018, ông Hayes giải thích rằng việc tiếp xúc với atrazine sẽ kích hoạt một loại enzyme có tên là aromatase. Aromatase chuyển đổi hormone androgen, một hormone liên quan đến sự phát triển giới tính nam, thành các dạng khác nhau của hormone estrogen nữ. Ở những con ếch tiếp xúc với atrazine, aromatase chuyển đổi testosterone thành estrogen, dẫn đến sự nữ tính hóa của ếch đực.
Theo ông Hayes, động vật có vú – bao gồm cả người – không có phản ứng sản xuất trứng cực đoan như một số loài bò sát và lưỡng cư khi tiếp xúc với atrazine. Tuy nhiên, ông lưu ý rằng sự xuất hiện của aromatase do tiếp xúc với atrazine sẽ làm tăng ung thư vú và ung thư tuyến tiền liệt.
Hãng dược phẩm khổng lồ lại là nhà sản xuất thuốc trừ sâu
Trên thực tế, aromatase là nguyên nhân gây ung thư vú hàng đầu, đến mức một trong những phương pháp điều trị ung thư vú đầu tiên là dùng Letrozole, một loại thuốc ức chế aromatase không steroid, ông Hayes nói.
Nhà phát triển Letrozole là gã khổng lồ dược phẩm Novartis AG.
Thật thú vị, trong một hồ sơ chất độc năm 2003, Cơ quan Đăng ký Chất độc và Dịch bệnh (ATSDR) liệt kê công ty Novartis Crop Protection là một trong sáu công ty đăng ký sản xuất các sản phẩm (pdf) chứa atrazine.
Novartis Crop Protection là một chi nhánh của Novartis AG. Năm 2000, Novartis tách khỏi Crop Protection and Seeds, sáp nhập với AstraZeneca Agrochemicals để thành lập Syngenta. Hiện tại, Syngenta là nhà sản xuất chính của atrazine, theo Trung tâm An toàn Thực phẩm. Syngenta được ChemChina mua lại vào năm 2017.
Một nghiên cứu khác mà ông Hayes đề cập trong bài thuyết trình là bài báo được công bố trong Viễn cảnh Sức khỏe Môi trường vào năm 1997. Nghiên cứu này phát hiện phụ nữ Kentucky tiếp xúc với nước giếng có hàm lượng atrazine từ trung bình đến cao có nguy cơ bị ung thư vú tăng đáng kể về mặt thống kê so với những phụ nữ không dùng nước giếng bị ô nhiễm.
Nghiên cứu lưu ý rằng “các kết quả cho thấy mối liên quan giữa thuốc diệt cỏ triazine và nguy cơ ung thư vú, nhưng không thể rút ra kết luận về quan hệ nhân quả do những hạn chế vốn có trong thiết kế nghiên cứu sinh thái.”
Theo trang web của EPA, atrazine có liên quan về mặt hóa học với hai loại thuốc diệt cỏ khác là simazine và propazine, được gọi chung là triazine.
Ông Hayes nhấn mạnh nghiên cứu của ông không phải là đơn lẻ, mà là một nghiên cứu toàn diện.
Trên thực tế, 22 nhà nghiên cứu độc lập từ nhiều quốc gia khác nhau đã kiểm tra tác động của atrazine trên nhiều loài như cá, bò sát, lưỡng cư, động vật có vú và chim.
Các nghiên cứu liên tục báo cáo những phát hiện tương tự, bao gồm tình trạng dừng sản xuất tinh trùng, mất nam tính và nữ tính hóa do tiếp xúc với atrazine, ông nói.
22 nhà khoa học đã hợp nhất dữ liệu và công bố nó trong một bài báo có tiêu đề “Demasculinization and Feminization of Male Gonads by Atrazine: Consistent Effects Across Vertebrate Classes” (Tạm dịch: Mất nam tính và nữ tính hóa tuyến sinh dục giống đực do Atrazine: Hiệu ứng nhất quán giữa các lớp động vật có xương sống) vào tháng 10/2011 trên Tập san Sinh hóa Steroid và Sinh học Phân tử.
Các tác hại được báo cáo bởi cơ quan Hoa Kỳ
Năm 2003, bảy năm trước khi nghiên cứu của ông Hayes được công bố, một hồ sơ chất độc chi tiết về atrazine (pdf) đã được ban hành bởi ATSDR, một bộ phận của Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh.
Báo cáo trích dẫn các nghiên cứu về ảnh hưởng của atrazine đến sức khỏe theo nhiều cách: “Một trong những cách chính mà atrazine ảnh hưởng đến sức khỏe là thay đổi cách thức hoạt động của hệ sinh sản.”
“Atrazine được chứng minh là gây ra những thay đổi về nồng độ hormone trong máu ở động vật, ảnh hưởng đến khả năng sinh sản. Một số tác động cụ thể ở động vật không xảy ra trên người do sự khác biệt về mặt sinh học giữa người và những loại động vật này. Tuy nhiên, atrazine có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của người theo một cơ chế khác.
“Atrazine cũng gây tổn thương gan, thận và tim ở động vật; và có thể gây nên những tác động này ở người.” Tuy nhiên, báo cáo nói rằng khả năng này không được đánh giá trong nghiên cứu.
72 triệu pound/năm
Báo cáo ghi nhận atrazine là loại thuốc diệt cỏ được dùng rộng rãi ở Hoa Kỳ, mặc dù là loại thuốc bị hạn chế, nghĩa là không được phổ biến rộng rãi cho công chúng.
Một bản ghi của Cơ quan Bảo vệ Môi trường (EPA) về atrazine, được công bố vào tháng 07/2022, lưu ý rằng thuốc diệt cỏ này được đăng ký để dùng cho cây trồng nông nghiệp, bao gồm bắp đồng, bắp ngọt, lúa miến, mía, hạt mắc ca và ổi. Atrazine cũng được đăng ký cho các mục đích phi nông nghiệp, chẳng hạn như dùng trong vườn ươm hoặc cho cây cảnh, sân cỏ và một phần đất dùng cho một mục đích nhất định (không bao gồm lề đường). Bản ghi lưu ý rằng hóa chất nông nghiệp này được dùng chủ yếu cho bắp đồng, bắp ngọt, lúa miến và mía.
Từ năm 2013 đến 2017, trung bình hàng năm có 72 triệu pound (32,65 kg) atrazine được dùng trong nông nghiệp.
Báo cáo của ATSDR tuyên bố rằng atrazine có thể tồn tại trong không khí hoặc bị mưa cuốn trôi khỏi đất, cuối cùng chảy vào các dòng suối, hồ và các tuyến đường thủy gần đó. Hơn nữa, nó có thể xâm nhập sâu vào các lớp đất và gây ô nhiễm nước ngầm. Ngoài ra, thực vật mọc ở khu vực này có thể hấp thụ atrazine.
Khi atrazine ngấm vào suối, đường thủy hoặc nước ngầm, nó có thể tồn tại trong thời gian dài do bị phân hủy chậm trong nước.
Theo báo cáo Market Watch tháng 06/2023, quy mô thị trường atrazine toàn cầu ước tính trị giá 1.917 tỷ USD vào năm 2022. Dự báo sẽ tăng lên 2.343 tỷ USD vào năm 2028.
Đánh giá sinh học năm 2021 của EPA
Vào tháng 11/2021, EPA đã ban hành phiên bản hoàn thiện về Đánh giá sinh học về thuốc diệt cỏ atrazine, glyphosate và simazine, xem xét các rủi ro tiềm ẩn đối với các loài có nguy cơ tuyệt chủng và bị đe dọa từ loại thuốc diệt cỏ này.
Đánh giá được thực hiện như một phần của thỏa thuận pháp lý giữa Trung tâm Đa dạng Sinh học và EPA.
Đánh giá cho thấy cả ba loại thuốc diệt cỏ đều “có khả năng ảnh hưởng xấu” đến các loài được liệt kê theo Đạo luật về các loài có nguy cơ tuyệt chủng hoặc môi trường sống của chúng.
EPA thông báo vào năm 2021 rằng atrazine và simazine bị cấm ở Hawaii, Alaska và các lãnh thổ của Hoa Kỳ.
Ngoài ra, atrazine sẽ không còn được dùng “trên lề đường, phần đất thuộc Chương trình Dự trữ Bảo tồn, cây lá kim (ví dụ trồng cây Giáng sinh), khu vực lấy gỗ và lâm nghiệp, cây chè vè và các loại cây năng lượng sinh học lâu năm khác,” theo thông cáo của EPA.
Một đại diện của Syngenta đã trả lời The Epoch Times về các vấn đề liên quan đến tính an toàn của artrazine, nói rằng thuốc diệt cỏ chủ yếu được dùng để kiểm soát cỏ dại ở cây bắp, lúa miến và mía.
“Thuốc diệt cỏ là công cụ quan trọng giúp nông dân quản lý cỏ dại và tăng đáng kể năng suất cây trồng đồng thời giảm thời gian làm đất, giúp ngăn ngừa xói mòn đất và giảm phát thải khí nhà kính, đồng thời cải thiện nước và môi trường sống của động vật hoang dã,” họ cho biết.
“Atrazine được nghiên cứu rộng rãi trong hơn 50 năm qua. Gần 7,000 nghiên cứu kết luận rằng nó an toàn cho con người và môi trường và được các tổ chức quốc tế và chính phủ trên khắp thế giới chấp thuận.”
Thanh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times