Những vị thuốc nằm trong chính căn bếp của bạn
Từ xa xưa, thực phẩm đã được sử dụng để làm thuốc chữa bệnh cho con người. Rất nhiều loại thảo mộc mà chúng ta tưởng rằng chỉ đơn giản là giúp tăng hương vị cho món ăn, nhưng lại có những tác dụng chữa bệnh tiềm tàng.
Sự khác biệt giữa thực phẩm thảo mộc và thảo dược phụ thuộc vào đánh giá chủ quan của mỗi người. Trên thực tế, có sự giao thoa khá lớn về tác dụng của cả hai loại này. Nếu bạn nghĩ về tất cả các loại thực vật mà chúng ta tiêu thụ với bất cứ mục đích gì, và thử sắp xếp chúng thành một dãy liên tiếp bắt đầu bằng thực phẩm và kết thúc bằng thảo dược, bạn sẽ hiểu ý tôi muốn nói. Ở đầu thực phẩm, chúng ta có các loại như khoai tây và cà rốt – cũng có thể làm thành dược phẩm, nhưng tác dụng yếu và khá an toàn. Đầu bên kia là các thuốc như cây thuốc phiện và cây mao địa hoàng (chế tạo nên thuốc digitalis) – chắc chắn không phải thực phẩm, mà là thuốc chữa bệnh nghiêm trọng.
Vùng màu xám nằm ở giữa, chẳng hạn như hoa cúc tím. Không ai trong chúng ta sẽ ngồi đây và thưởng thức bát súp cúc tím một cách ngon lành, vì vị của chúng rất tệ. Nhưng bạn có thể thử, và yên tâm rằng súp cúc tím rất an toàn. Còn ngò tây thì sao? Trong món salad, ngò tây là một loại thực phẩm. Nhưng khi sử dụng như một loại nước trái cây để trị chứng phù nề, ngò tây lại là một loại thuốc.
Trên thực tế, các loại thảo dược có các thành phần hóa học tương tự như thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật. Thảo dược chỉ đơn giản là được lựa chọn từ những cây có hàm lượng hoạt chất cao hơn, giúp thuận tiện hơn khi sử dụng.
Thảo dược Âu Châu, vốn bắt nguồn chủ yếu từ y học thảo dược đương đại Mỹ, không có quá nhiều sự trùng lặp giữa thực phẩm thực vật và thảo dược. Loại thực phẩm dùng trong các món ăn hay gia vị giúp món ăn ngon hơn, và loại thảo dược trong cồn thuốc, là hoàn toàn khác nhau. Tuy nhiên, nền y học Á Châu lại không có sự phân biệt như vậy. Thực phẩm chỉ là loại thảo dược ít cô đặc hơn, và mỗi bữa ăn được xem như một cơ hội để bổ sung các thảo mộc chữa bệnh. Trên thực tế, trong tiếng Trung, nước thuốc mà mọi người sử dụng hàng ngày để duy trì sức khỏe được gọi là “súp.”
Các nền ẩm thực đa dạng như Trung Quốc và Ấn Độ với lịch sử hàng nghìn năm, có nhiều công thức nấu ăn sử dụng thảo mộc và thực phẩm chữa bệnh. Dần dần, trong quá trình phát triển, hỗn hợp phức tạp của các thành phần thực phẩm, thảo dược và hương liệu đã tạo thành một món ăn thơm ngon giúp sưởi ấm tâm hồn, chữa lành cơ thể và làm hài lòng vị giác.
Lấy một ví dụ, các món ăn Ấn Độ thường bắt đầu với hỗn hợp “masala” mang nhiều dược tính và hương vị, bao gồm hành, tỏi, gừng và các loại gia vị khác. Vì nhiều thảo mộc trong số này có thể gây chứng đầy hơi, nên người ta thường cho thêm các loại thảo mộc như thì là tây và rau mùi. Một ví dụ khác, gừng và mù tạt kết hợp với nhau sẽ giúp kích thích tiêu hóa, khiến thức ăn được tiêu hóa một cách hiệu quả và di chuyển nhanh hơn trong đường ruột.
Mặc dù có rất rất nhiều các loại thực phẩm thảo dược, nhưng dưới đây là các bài thuốc chọn lọc dễ tìm và đặc biệt hiệu quả.
Cụ thể, họ cà rốt và ngò tây (họ Hoa tán) là nguồn thực vật dồi dào có thể ăn được, cũng như loại thảo dược có hương vị hấp dẫn. Những loại cây này mọc ở khắp nơi trên thế giới và được sử dụng trong nhiều nền ẩm thực văn hóa khác nhau. Nhóm thảo dược này chứa các thành phần hóa học đặc biệt, khiến chúng có thể xuất hiện ở khắp nhà bếp và tủ thuốc của nhiều hệ thống y tế bản địa. Phần hạt sẽ dùng làm thuốc, còn những bộ phận khác sẽ được sử dụng tùy vào loại cây. Một số loại cây nổi tiếng của họ này bao gồm: ngò tây, mùi ta, thì là tây, tiểu hồi, thìa là Ai Cập và thì là ta.
Những thực phẩm này chứa các dược chất giống như thuốc chẹn kênh canxi có lợi cho chứng đau thắt ngực, đồng thời cũng thể hiện tác dụng của hormone estrogen, đặc biệt là ở phần hạt. Một loại thảo mộc phổ biến của Trung Hoa là đương quy cũng thuộc họ này. Những cây thuộc họ mùi tây được đánh giá cao trên khắp thế giới trong việc điều trị chứng đầy hơi và được các nhà thảo dược gọi là “thuốc trị chướng bụng.”
1. Thì là tây
Theo kinh nghiệm lâm sàng của cá nhân tôi, hạt thì là tây là loại thảo dược giúp giảm chướng bụng hàng đầu thế giới, đặc biệt ở người lớn. Quả thật vậy, tôi chưa từng thấy một trường hợp nào bị đầy hơi mà không thuyên giảm khi dùng hạt thì là tây với liều lượng đủ lớn.
Thì là tây chứa cresol và alpha-pinen, có tác dụng làm loãng chất nhầy ở phổi và thông thoáng lồng ngực, nên rất có lợi cho bệnh hen suyễn. Nghiên cứu gần đây cho thấy loại gia vị này cũng giúp làm giảm huyết áp.
Thì là tây đã được sử dụng trong nhiều thế kỷ để kích thích tiết sữa, và điều này phù hợp với những gì chúng ta đã biết về tác dụng nội tiết của nó hiện nay. Thì là tây cũng có vai trò điều hòa chu kỳ kinh nguyệt và làm tăng ham muốn tình dục.
Với chứng đầy hơi, bạn hãy thử nhai một muỗng hạt thì là tây, hoặc pha một muỗng hạt thành trà để uống. Bạn có thể xay hạt thành bột để làm gia vị hoặc cất trữ trong viên nang.
Tất nhiên, bạn cũng có thể hấp phần cuống thì là thành món rau thơm ngon giống như cần tây. Các đặc tính vẫn được giữ nguyên, nhưng tác dụng sẽ nhẹ hơn so với hạt.
2. Thì là ta
Hạt thì là ta thường dùng cho trẻ bị đầy hơi, trong khi hạt thì là tây dành cho người lớn. Được coi là “bí quyết của những người giữ trẻ nước Anh,” thì là ta là một thành phần hoạt tính có trong loại “thuốc chữa đau bụng” nổi tiếng đã truyền đi khắp thế giới trong thời kỳ của đế quốc Anh.
Hạt thì là ta thực sự hiệu quả với chứng đau bụng ở trẻ sơ sinh. Thì là ta giúp điều hòa kinh nguyệt, nên có thể dùng trong chứng chậm kinh. Với người lớn, thì là ta cùng thì là tây có thể điều trị chứng ợ nóng. Loại thì là dại sẽ có tác dụng nhẹ hơn. Khi sử dụng với một lượng nhỏ, thì là ta và thì là tây có thể thay thế cho nhau. Với trẻ sơ sinh bị đau bụng, hãy pha hai muỗng hạt thì là ta vào một cốc nước, để nguội. Sau đó thêm đường và cho vào chai hoặc ống nhỏ giọt để dùng cho trẻ đang kêu khóc. Đứa trẻ sẽ cảm thấy dễ chịu hơn và chìm vào giấc ngủ.
3. Ngò tây
Đã bao giờ bạn để ý đến những dải trang trí màu xanh đẹp mắt ở cạnh đĩa chưa? Mặc dù không được chú ý, nhưng ngò tây lại là một loại thảo dược có tác dụng mạnh mẽ. Trong khi hạt, lá và rễ đều có thể dùng làm thực phẩm, thì các tác dụng thảo dược chủ yếu của loại cây này nằm ở lá.
Ngò tây là thảo dược có rất nhiều công dụng chữa bệnh:
- Ngò tây giàu phytoestrogen có thể điều trị loãng xương và chứng vô kinh, cũng như tăng tiết sữa.
- Chữa bệnh tiết niệu. Nghiên cứu cho thấy ngò tây có tác dụng lợi tiểu và điều trị nhiễm trùng bàng quang trong một thời kỳ lịch sử lâu dài.
- Điều trị chứng đau thắt ngực.
- Chữa lành vết thương bằng cách giã nát ngò tây và đắp lên vết bầm
- Ức chế sự giải phóng histamine, do đó rất hữu ích cho các trường hợp dị ứng và nổi mề đay.
- Ngăn ngừa và điều trị sỏi thận.
- Ngò tây chứa hàm lượng lớn vitamin và khoáng chất, đặc biệt là boron và flo, những chất quan trọng giúp xương chắc khỏe. Ngò tây chứa lượng vitamin C cao gấp 3,5 lần so với cam và gấp đôi lượng canxi so với bông cải xanh.
- Với nguồn canxi, magiê và kali dồi dào, ngò tây là một phương pháp hiệu quả để trị chứng chuột rút, chẳng hạn như chuột rút chân.
Ba ounce (85g) mùi tây chứa khoảng 3mg boron, đáp ứng liều lượng được đề xuất giúp xương chắc khỏe. Theo kinh nghiệm lâm sàng của tôi, dùng một liều khoảng 2 ounce (60ml) nước ép mùi tây mỗi ngày có thể trị chứng phù nề hiệu quả.
Lá ngò tây có sẵn ở dạng viên nang, với các thành phần thảo mộc đơn lẻ hoặc kết hợp. Lá ngò tây có tác dụng như một chất hỗ trợ tiêu hóa khi dùng với nghệ. Liều thông thường là 2-9g mỗi ngày, nhưng tất nhiên, loại thảo mộc này cũng rất an toàn khi dùng với bất kỳ liều lượng nào.
4. Cỏ xạ hương
Cỏ xạ hương có chứa các chất chống lão hóa. Trong lịch sử, loại thảo mộc này đã được sử dụng để trị chứng đau đầu.
Cỏ xạ hương vốn được biết đến như một chất kháng khuẩn nói chung, đặc biệt là với nhiễm khuẩn. Cỏ xạ hương cũng là phương thuốc nổi tiếng dành cho các bệnh cảm cúm nhờ tác dụng long đờm và hạ sốt.
Một thành phần của cỏ xạ hương là chất thymol, có các đặc tính kháng virus và chống co thắt, vì vậy nó được sử dụng trong bệnh đau đầu và chứng chuột rút.
Bạn có thể dùng cỏ xạ hương như một loại trà hoặc là dùng để súc miệng.
5. Lá húng tây
Vốn có nguồn gốc từ Ấn Độ, lá húng tây với hương vị cay nồng hiện đã phổ biến trên khắp thế giới. Có rất nhiều giống húng tây, nhưng về cơ bản chúng đều có cùng các dược tính. Một loại húng tây nổi tiếng là hương nhu tía, vốn rất nổi bật trong dược điển Ayurveda Ấn Độ. Trong lịch sử, húng tây đã được sử dụng như một loại thuốc hỗ trợ tiêu hóa, giúp giảm đầy hơi và kích thích tiêu hóa, đồng thời làm ấm và giảm cứng khớp.
Một số lợi ích sức khỏe của húng tây bao gồm:
- Húng tây là loại thảo mộc có vị cay nồng giúp làm ấm cơ thể.
- Điều trị các bệnh hô hấp như cảm cúm, và giúp hạ sốt thông qua việc kích thích tiết mồ hôi.
- Điều trị bệnh khí phế thũng và hen suyễn nhờ tác dụng long đờm.
- Kháng khuẩn, kháng virus.
- Phòng ngừa ung thư.
- Giảm huyết áp.
- Điều trị mụn cóc theo phương thuốc dân gian bằng cách đắp trực tiếp húng tây đã nghiền nát lên chỗ mọc mụn.
Bạn có thể sử dụng húng tây như thực phẩm, chẳng hạn như món pesto, hoặc pha thành trà. Nếu bị đau đầu, hãy thử nhai vài lá húng tây tươi, điều này có thể sẽ mang lại hiệu quả.
6. Hạt tiêu đen
Hạt tiêu đen vốn được biết đến là loại gia vị nhỏ bé ở Tây phương, nhưng ở Á Châu, tiêu đen được xem là loại thảo mộc hàng đầu giúp giải độc và chống lão hóa.
Tiêu đen là một phương thuốc giúp làm ấm đường tiêu hóa, giảm chướng bụng, tăng lưu thông máu, giảm huyết áp và phòng ngừa loãng xương.
Mặc dù tiêu đen từ lâu đã được coi là một chất giải độc, đặc biệt là trong dược điển Ayurveda, các nghiên cứu gần đây mới bắt đầu chứng minh điều này. Ít nhất là ở chuột, hạt tiêu dường như làm tăng giải phóng chất gây ung thư thông qua gan, từ đó giúp giảm bệnh ung thư. Piperine, một thành phần hoạt chất chính của tiêu đen, có tác dụng bảo vệ chống lại các tổn thương gan tương tự như thuốc bổ gan Milk Thistle. Piperine cũng rất nổi tiếng với tác dụng làm tăng sinh khả dụng và khả năng hấp thụ các chất dinh dưỡng. Ví dụ, trong một nghiên cứu gần đây, các nhà khoa học đã đo sự hấp thụ của các thành phần hoạt tính của nghệ. Sử dụng nghệ cùng piperine giúp làm tăng sinh khả dụng lên 154% và giảm một nửa thời gian hấp thu.
Hạt tiêu đen chứa chất chống oxy hóa cũng có tác dụng làm giảm các gốc tự do, ngăn ngừa sự suy giảm glutathione và sự phá hủy các chất chống oxy hóa khác, chẳng hạn như vitamin A.
Trong y học Ayurveda, hạt tiêu đen được dùng để thông các xoang tắc nghẽn.
Hạt tiêu đen luôn có sẵn trong các cửa hàng thực phẩm tốt cho sức khỏe dưới dạng thực phẩm bổ sung. Hãy sử dụng 50mg hoặc nhiều hơn các chiết xuất được chuẩn hóa thành Piperine mỗi ngày.
Bạn cũng có thể dùng hạt tiêu đen như một loại gia vị ẩm thực. Một phương thuốc Ayurvedic tuyệt vời cho chứng tắc nghẽn xoang là đun sôi mười hạt tiêu trong sữa, lọc lấy nước và thưởng thức.
7. Cây tầm ma
Mặc dù ít được biết đến như một loại thực phẩm, cây tầm ma trên thực tế có thể ăn được và hương vị cũng khá ngon. Sấy khô hoặc nấu chín sẽ giúp trung hòa độc tính của cây tầm ma. Cây tầm ma được chế biến giống như rau bina, và có hương vị tương tự, nhưng mặn hơn một chút. Lưu ý rằng không nên tùy ý thu hoạch loại rau này, trừ khi bạn biết mình đang làm gì, vì độc tính từ gai tầm ma khi chưa được trung hòa có thể khiến bạn đau nhức khi chạm phải.
Cây tầm ma là một loại cây yêu thích của các nhà thảo dược Âu Châu trong việc bồi bổ sức khỏe tổng thể, tương tự như cỏ linh lăng dùng trong y học thảo dược của Mỹ. Ngoài ra, trong lịch sử, cây tầm ma đã được dùng để trị bệnh chàm ở trẻ em, bệnh hô hấp, cũng như củng cố các mô tuần hoàn.
Gần đây, cây tầm ma được chú ý đến với tác dụng chữa lành vết thương tự nhiên để điều trị viêm mũi dị ứng (hay dị ứng phấn hoa).
Bạn sẽ tìm thấy cây tầm ma ở dạng viên nang trong các cửa hàng thực phẩm tốt cho sức khỏe. Hầu hết mọi người thấy rằng khoảng 2g tầm ma có thể làm dịu các cơn dị ứng.
8. Hạt cỏ ca ri
Cỏ cà ri là một loại cây họ đậu. Gần đây, cỏ cà ri đang được chú ý vì có khá nhiều công dụng chữa bệnh, bao gồm:
- Điều trị tiểu đường hiệu quả, giúp giảm đáng kể lượng đường trong máu nhờ hàm lượng chất xơ hòa tan dồi dào và các thành phần có hoạt tính chuyển hóa khác.
- Giảm tổng lượng cholesterol, đồng thời làm tăng HDL.
- Cỏ cà ri chứa lượng lớn hoạt chất choline và beta carotene, cả hai đều có tác dụng trong việc phòng ngừa và điều trị bệnh Alzheimer.
- Cỏ ca ri cũng chứa phytoestrogen diosgenin, một chất đang được chú ý gần đây do có vai trò phòng ngừa ung thư vú.
Bạn có thể dùng cỏ cà ri một cách thoải mái như một gia vị trong thực phẩm. Tuy nhiên, liều lượng trong các thử nghiệm dùng để kiểm soát lượng đường huyết thì cao hơn nhiều, khoảng 100g mỗi ngày. Đó là lượng lớn cỏ cà ri, và có thể có vị đắng. Trong các nghiên cứu khoa học, hạt cỏ cà ri thường được nướng thành bánh mì dẹt hoặc nấu thành súp. Tôi đã thành công khi ngâm hạt qua đêm để làm mềm, sau đó cắt nhỏ, trộn với một loại thực phẩm nhẹ như bột yến mạch, để làm thành một món ăn bổ dưỡng.
Tuy nhiên, một nghiên cứu gần đây cho thấy sử dụng 2,5g cỏ cà ri hai lần mỗi ngày giúp giảm đáng kể tổng lượng cholesterol và chất béo trung tính. Bạn có thể dễ dàng dùng liều lượng này với viên nang. Cỏ cà ri có thể tìm thấy trong cửa hàng thực phẩm tốt cho sức khỏe, dưới dạng bột thảo mộc trong viên nang, hoặc dưới dạng chiết xuất chuẩn hóa.
Với sự lựa chọn phong phú của các loại thực phẩm chữa bệnh, sẽ thật dễ dàng để đưa ra một thực đơn gồm các công thức nấu ăn hấp dẫn. Hãy sử dụng những thực phẩm này hàng ngày và biến tủ bếp nhà bạn thành một tủ thuốc y tế.
Các loại thực phẩm có tác dụng chữa bệnh khác
Thực phẩm | Tác dụng | Liều lượng |
Cà chua | Chống oxy hóa, chống ung thư, tốt cho tuyến tiền liệt | Bổ sung qua thực phẩm như nước sốt hoặc nước ép |
Cây hương thảo | Chống oxy hóa, chống ung thư, thải độc | Bổ sung qua thực phẩm, dùng 1-2 chén trà mỗi ngày |
Hành tây | Chống dị ứng, chống oxy hóa, chống ung thư (dạ dày) | Bổ sung qua thực phẩm |
Quế | Tăng tuần hoàn máu, giảm đau bụng kinh, hỗ trợ tiêu hóa | 10g mỗi ngày dưới dạng viên nang 2 ngày trước, trong chu kỳ kinh nguyệt |
Cần tây | Hạ huyết áp, tăng khả năng miễn dịch | Ít nhất 4 nhánh mỗi ngày |
Atiso | Thải độc gan | 1 bông mỗi ngày |
Bài viết trên được xuất bản lần đầu tại GreenMedInfo.com
Tài liệu tham khảo
1) James A. Duke, The Green Pharmacy, Rodale, Emmaus, Pennsylvania, 1997.
2) Abdul Ghani AS Amin R The vascular action of aqueous extracts of Foeniculum vulgare leaves. J-Ethnopharmacol. 1988 Dec; 24(2-3): 213-8
3) Paul Pitchford, Healing with Whole Foods, North Atlantic Books, Berkeley, 1993.
4) Blumenthal, Mark, The Complete German Commission E Monographs, The American Botanical Council, Austin, 1998.
5) Cass Ingram, DO, Supermarket Remedies, Knowledge House, Buffalo Grove, Ilinois, 1998.
6) John Heinerman, Encyclopedia of Fruits, Vegetables, and Herbs, Parker, New York, 1988.
7) Karthikeyan K Ravichandran P Govindasamy S Chemopreventive effect of Ocimum sanctum on DMBA-induced hamster buccal pouch carcinogenesis. Oral-Oncol. 1999 Jan; 35(1): 112-9
8) Lachowicz KJ Jones GP Briggs DR Bienvenu FE Wan J Wilcock A Coventry MJ The synergistic preservative effects of the essential oils of sweet basil (Ocimum basilicum L.) against acid-tolerant food microflora. Lett-Appl-Microbiol. 1998 Mar; 26(3): 209-14
9) Singh A Rao AR Evaluation of the modulatory influence of black pepper (Piper nigrum, L.) on the hepatic detoxication system. Cancer-Lett. 1993 Aug 16; 72(1-2): 5-9
10) Kaoul I and A Kapil. Evaluation of the liver protective potential of piperine, an active principal of black and long peppers.Planta Medica 1993. 59: 413-417.
11) Shanmugasundaram KR et al, Amritabindu for depletion of antioxidants. Journal of Ethnopharmacology. 1994. 42(2): 83-93.
12) Yogi Bhajan, The Ancient Art of Self-Healing, Silver Streak Publishers, Eugene, Oregon,1982.
13) Khajuria A Zutshi U Bedi KL Permeability characteristics of piperine on oral absorption–an active alkaloid from peppers and a bioavailability enhancer. Indian-J-Exp-Biol. 1998 Jan; 36(1): 46-50
14) Shoba G Joy D Joseph T Majeed M Rajendran R Srinivas PS Influence of piperine on the pharmacokinetics of curcumin in animals and human volunteers. Planta-Med. 1998 May; 64(4): 353-6
15) Bordia A, et al, Effect of ginger (Zingiber officinale Rose.) and fenugreek (Trigonella foenumgraecum L.) on blood lipids, blood sugar and platelet aggregation in patients with coronary artery disease. Prostaglandins, Leukotrienes and Essential Fatty Acids 1997, 58(5): 379-384.
16) David Hoffmann, The New Holistic Herbal, Element, Longmead, England, 1983.