Những thực phẩm ngăn ngừa mất thính giác
Nghiên cứu cho thấy rằng ngoài việc thay đổi lối sống, thực phẩm có thể đóng một vai trò trong việc ngăn ngừa hoặc làm chậm quá trình mất thính giác – nhưng chính xác thì chúng ta cần ăn gì để bảo vệ thính giác?
Mất thính giác: Hãy lắng nghe
Mất thính giác là một tình trạng thường liên quan đến lão hóa. Đây là vấn đề sức khỏe kinh niên phổ biến thứ ba ở Hoa Kỳ – gần gấp đôi số người báo cáo bị bệnh tiểu đường hoặc ung thư.
Viện quốc gia về khiếm thính và các rối loạn giao tiếp khác ước tính rằng cứ ba người Mỹ trong độ tuổi từ 65 đến 74 thì có một người bị mất thính lực và khoảng một nửa số người trên 75 tuổi gặp vấn đề về thính giác.
Theo một nghiên cứu năm 2016 ở Brazil, mất thính giác cũng có thể xảy ra do các nguyên nhân khác như tác hại của tiếng ồn, tiếp xúc với thuốc gây độc cho tai, các rối loạn tai, và khuynh hướng di truyền.
Bà Barbara Kelley, giám đốc điều hành của Hiệp hội Khiếm thính Hoa Kỳ, cho biết trong một thư điện tử gửi tới The Epoch, mất thính giác cũng là “một vấn đề đang gia tăng trong giới trẻ,” với một số nghiên cứu cho thấy có tới gần 18% thanh thiếu niên bị mất thính giác có thể đo lường được. Bà Kelley cho biết tình trạng mất thính giác ở thanh thiếu niên có khả năng là do tiếng ồn “một phần là từ âm nhạc lớn, tai nghe nhét trong earbud và các loại tai nghe khác.”
Mọi người ở mọi lứa tuổi có thể giúp bảo vệ đôi tai của mình khỏi bị suy giảm thính lực bằng cách tránh những âm thanh lớn và kéo dài. Âm nhạc lớn, hòa nhạc, máy thổi lá và máy cắt cỏ, cùng những tiếng ồn lớn tương tự khác có thể gây mất thính giác vĩnh viễn. Giảm thời gian tiếp xúc với tiếng ồn lớn và dùng thiết bị bảo vệ tai như nút bịt tai hoặc bịt tai, có thể giúp bảo vệ thính giác và giảm khả năng bị mất thính lực khi có tuổi.
Ngoài việc hạn chế tiếp xúc với tiếng ồn, nghiên cứu cho thấy rằng việc tiêu thụ một số loại thực phẩm và chất bổ sung cũng có thể giúp bảo vệ thính giác và làm chậm quá trình mất thính lực.
Các dưỡng chất có thể làm giảm thiểu tình trạng mất thính lực do lão hóa hoặc do tiếng ồn
Mặc dù mất thính giác do tuổi tác thường được xem là không thể tránh khỏi, nhưng có thể điều chỉnh nhiều yếu tố phức tạp góp phần gây ra mất thính giác để giảm nguy cơ.
Tiến sĩ Sharon Curhan cho biết trong một thư điện tử gửi tới The Epoch Times: “Một số bằng chứng cho thấy rằng cách ăn uống chứa một số dưỡng chất nhất định có liên quan đến nguy cơ mất thính giác. Tiến sĩ Curhan là bác sĩ và nhà dịch tễ học tại Bệnh viện Brigham and Women, đồng thời là giám đốc của Nghiên cứu Bảo tồn Thính giác (CHEARS).
Tiến sĩ Curhan và các đồng nghiệp của cô đã phát hiện ra rằng việc ăn nhiều dưỡng chất cụ thể và một số loại thực phẩm, chẳng hạn như carotenoids beta-carotene và beta-cryptoxanthin, folate, acid béo omega-3 chuỗi dài, và cá, có liên quan đến nguy cơ mất thính giác thấp hơn.
Tiến sĩ Curhan cho biết nhóm của cô cũng phát hiện ra rằng vitamin C cũng có thể giúp cải thiện lưu lượng máu trong tai.
Tuy nhiên, đôi khi quá nhiều điều cũng không tốt. “Trong các nghiên cứu, chúng tôi rất ngạc nhiên khi phát hiện ra rằng lượng vitamin C rất cao (cao đến mức chủ yếu đạt được bằng cách bổ sung) có liên quan đến nguy cơ mất thính giác cao hơn.”
Tiếp xúc với tiếng ồn lớn khiến các tế bào của tai trong tạo ra các gốc tự do, gây tổn thương bên trong tai và giảm thính lực. Các nhà nghiên cứu tại Đại học Michigan đưa ra giả thuyết rằng vitamin A, C và E, cùng với magnesium có thể ngăn ngừa mất thính giác bằng cách giảm số lượng gốc tự do và hạn chế lưu lượng máu đến tai trong do tiếng ồn.
Các nhà nghiên cứu đã tiến hành một nghiên cứu để điều tra xem liệu việc bổ sung vitamin A, C và E, cùng với magnesium trước khi tiếp xúc với tiếng ồn lớn có giúp giảm thiểu tình trạng mất thính giác do tiếng ồn hay không. Kết quả cho thấy sự kết hợp này đã ngăn chặn gần 80% tình trạng mất thính giác do tiếng ồn ở chuột lang.
Sự kết hợp này cũng đã được thử nghiệm trong một nghiên cứu về các quân nhân Thụy Điển tiếp xúc với tiếng ồn liên quan đến nghĩa vụ. Kết quả rất đáng khích lệ nhưng không có kết luận nào về khả năng bảo vệ tai. Một nghiên cứu khác cho thấy 4 vi chất dinh dưỡng trên không có bất kỳ ảnh hưởng nào đến những thay đổi do tiếng ồn gây ra đối với thính giác.
Acid folic cũng có thể ngăn ngừa mất thính giác. Các nghiên cứu đã cho thấy mối liên quan giữa tình trạng mất thính giác với thiếu folate và nồng độ cao homocysteine (một loại acid amin). Folate, cùng với vitamin B12 và B6, phân hủy homocysteine để tạo thành các hóa chất cần thiết cho cơ thể. Nồng độ homocysteine cao cũng có thể là dấu hiệu của thiếu vitamin và tăng nguy cơ bị bệnh tim, đột quỵ và chứng mất trí nhớ.
Nghiên cứu cho thấy rằng việc bổ sung folate có khả năng làm giảm nguy cơ phát triển chứng mất thính giác do tuổi tác bằng cách giảm mức homocysteine.
Acid béo omega-3 là một vũ khí khác để ngăn ngừa mất thính lực. Một nghiên cứu năm 2014 của tiến sĩ Curhan và các đồng nghiệp cho thấy rằng ăn cá thường xuyên và hấp thụ nhiều acid béo không bão hòa đa omega-3 có liên quan đến nguy cơ mất thính giác thấp hơn. Tác dụng bảo vệ tự nhiên này của acid béo omega-3 đã được nhân rộng trong các nghiên cứu khác, chẳng hạn như nghiên cứu của Brazil ở trên, cho thấy omega-3 có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa mất thính giác.
Cách ăn uống tốt cho đôi tai
Mặc dù các chất bổ sung có sẵn không kê toa, tiến sĩ Curhan cho biết hiện “không đủ bằng chứng” để khuyến nghị các chất bổ sung cụ thể nhằm ngăn ngừa mất thính giác. Cô nói rằng các loại thực phẩm chứa nhiều dưỡng chất là cách ăn uống tốt nhất giúp ngăn ngừa mất thính giác, vì những thực phẩm này cũng có thể hữu ích cho sức khỏe ngoài việc ngăn ngừa mất thính giác.
Cô nói: “Chúng tôi thấy rằng việc ăn uống lành mạnh tổng thể, giống như cách ăn uống Địa Trung Hải hoặc DASH, có liên quan đến việc giảm nguy cơ mất thính giác.”
Vậy bạn nên ăn gì để giữ cho đôi tai và thính giác luôn ở trạng thái tốt nhất?
Thực phẩm chứa nhiều vitamin A:
- Rau xanh, rau lá xanh
- Rau màu cam và vàng
- Ớt chuông đỏ
- Sữa
- Gan bò
- Dầu cá
Thực phẩm chứa nhiều vitamin C:
- Ớt đỏ
- Trái cây họ cam quýt
- Trái kiwi
- Dâu tây
- Bông cải xanh
- Dưa lưới
Thực phẩm chứa nhiều vitamin E:
- Dầu mầm lúa mì
- Hạnh nhân
- Hạt giống hoa hướng dương
- Hạt thông
- Trái bơ
- Bơ đậu phộng
- Cá
Thực phẩm chứa nhiều magnesium:
- Hạt bí
- Hạnh nhân
- Rau spinach
- Hạt điều
- Đậu phộng
- Đậu đen
Thực phẩm chứa nhiều folate:
- Các loại rau lá màu xanh đậm
- Đậu
- Đậu phộng
- Hạt hướng dương
- Trái cây tươi, nước ép trái cây
- Các loại ngũ cốc nguyên hạt
- Gan
- Hải sản
- Trứng
Thực phẩm chứa nhiều omega-3:
Tú Liên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times