Những hiểu lầm thường gặp về việc mọc răng sữa của em bé
Mọc răng là một giai đoạn quan trọng và thường bị hiểu nhầm. Nhiều nghiên cứu đã khẳng định rằng việc mọc răng không gây khó chịu, khó nhai, chảy nước dãi, ho hoặc tiêu chảy và cũng hiếm khi gây sốt.
Tuy nhiên, các bậc cha mẹ thường lo lắng rằng những đứa trẻ vốn đang khỏe mạnh của mình đang chảy nước dãi, nhai mọi thứ chúng có thể đưa vào miệng, hoặc bị tiêu chảy, nôn mửa hoặc các triệu chứng cảm lạnh. Thậm chí còn rắc rối hơn nữa là một số cha mẹ lại thoa đủ loại chất — kem, thạch, thậm chí cả rượu mạnh — lên nướu của con họ.
Năm 2018, Học viện Nhi Khoa Hoa Kỳ (AAP) đã tái khẳng định báo cáo thường niên của mình về việc khuyên các bậc cha mẹ không nên sử dụng cái gọi là “gel hoặc kem mọc răng” để điều trị mọc răng ở trẻ nhỏ. Kể từ thời điểm đó, các nhà sản xuất đã ngừng sử dụng chất lidocain độc hại trong các sản phẩm này vì nó có thể gây co giật, chấn thương não, các vấn đề về tim mạch và thậm chí tử vong. Tuy nhiên, các nhà bán lẻ vẫn tiếp tục bán nhiều đồ vật để cho trẻ đang mọc răng nhai và các loại kem và thạch để xoa lên nướu của trẻ để làm giảm các triệu chứng mọc răng.
Trước khi mua những sản phẩm như vậy, chúng ta cần xem xét những “triệu chứng” này thực sự tiêu biểu cho điều gì và liệu chúng ta cần phải làm những gì.
Trong thời kỳ sơ sinh, trẻ sơ sinh học qua miệng
Việc học sớm này là rất quan trọng, đến mức tôi gọi miệng của các em bé là trung tâm học tập của chúng.
Hãy hình dung thế này: Bé gái đang nằm trong nôi và tình cờ bàn tay của bé rơi vào miệng. Em bé liếm nó, mút nó, kéo nó ra, nhìn vào nó và tự hỏi, “Thứ này là gì?” “Nó từ đâu đến?” Sau đó, cô bé thả bàn tay nhỏ nhắn đáng yêu của mình xuống và nó lại tiếp tục rơi vào miệng cô bé. Cô bé cắn nó mạnh hơn một chút và rút nó ra khi cô bé nhận ra rằng điều đó làm cô bị đau. Cô bé sớm nhận ra rằng thứ đó là một phần thân thể của cô. Cô bé cũng sẽ liếm và mút các ngón tay, ngón cái của cẳng tay, thậm chí cả ngón chân. “Chà” cô bé nghĩ, “Mình có nhiều bộ phận nhỉ”.
Núm vú giả chặn đứng môi trường học tại nhà của bé
Núm vú giả còn làm chậm quá trình học tập, đặc biệt là quá trình phát triển giọng nói! Bạn có thể sử dụng núm vú giả khi trẻ đang ngủ vì một số nghiên cứu cho thấy nó có thể làm giảm nguy cơ hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh. Và Hiệp hội Nhi khoa Hoa Kỳ cho biết núm vú giả có thể được sử dụng trong khi ngủ, nhưng khi thức dậy, trẻ sơ sinh nên có các không gian học tập cá nhân của mình rộng mở và sẵn sàng để chúng sử dụng càng nhiều càng tốt.
Việc nhai đồ vật giúp bé nhận ra đâu là một phần cơ thể của chúng, đâu là thức ăn và đâu là thứ chúng cần phải tìm hiểu thêm.
Bạn có thể đã thấy các em bé có nướu bị sưng, đỏ, đôi khi có màu đen và xanh, trông rất đau. Nếu nướu của bạn trông như vậy, chắc hẳn bạn sẽ chẳng muốn nhai hoặc nuốt bất kể thứ gì đâu. Vậy nên, em bé có thể từ chối vòng mọc răng được đưa vào miệng chúng hoặc chúng sẽ di chuyển vòng đến nơi mà chúng không cảm thấy bị đau.
Tuy vậy, vòng mọc răng sẽ chỉ dạy cho con bạn về vòng mọc răng mà thôi, chúng sẽ không giúp răng mọc lên hoặc giảm bớt bất kỳ cơn đau nào. Chúng có nhiều khả năng còn gây đau hơn.
Chảy nước dãi không phải là dấu hiệu của việc mọc răng
Đã bao nhiêu lần bạn bế một đứa trẻ lên để rồi thấy nó chảy hàng đống nước dãi lên áo của bạn? Nếu bạn đang có con hoặc đã có con, bạn sẽ biết là tôi đang muốn nói điều gì. Người hàng xóm tốt bụng của bạn sẽ cười và nói với bạn là: “Ồ nó đang mọc răng đấy”.
Vào khoảng 6 tháng tuổi, trẻ cần nhiều chất dinh dưỡng hơn so với những gì chúng có thể nhận được từ sữa. Chúng cần tiết nhiều nước bọt hơn để có thể nuốt và tiêu hóa thức ăn mới đúng cách. Mẹ thiên nhiên thông thái biết rõ điều đó, vì vậy đừng ngạc nhiên khi đến thời điểm gần 6 tháng tuổi, con của bạn sẽ bắt đầu tiết nhiều nước bọt hơn, phần lớn chúng chảy xuống cằm của bé. Tương tự như vậy, trẻ sẽ mọc răng cần thiết để nhai thức ăn mới. Sau vài tuần luyện tập, trẻ sẽ học được cách đưa thức ăn và nước bọt vào dạ dày mà trông không quá vụng về và ngốc nghếch nữa. Lần tới khi hàng xóm của bạn nói rằng em bé của bạn đang mọc răng, bạn có thể cười và nói “Ờ” và lướt qua thôi.
Cảm lạnh, nôn mửa và tiêu chảy không phải do trẻ mọc răng
Trong thời kỳ mang thai, các kháng thể được truyền từ mẹ sang con qua nhau thai. Các kháng thể được tạo ra để đáp ứng với các bệnh mà người mẹ đã mắc phải và từ các lần loại vắc xin mà người mẹ đã nhận được. Chúng hoạt động trong cơ thể trẻ sơ sinh cho đến khi trẻ được khoảng 6 tháng tuổi và giúp giữ cho trẻ không phát triển nhiều bệnh tật. Đó là một trong những lý do mà các bác sĩ sản khoa cần biết những bệnh tật và loại vắc xin mà mẹ đã mắc phải và đã tiêm ngừa, từ đó sẽ khuyến nghị và tiêm chủng cho mẹ bất kỳ loại vắc xin nào cần thiết.
Khoảng 6 tháng sau khi sinh, những chiếc răng đầu tiên xuất hiện, các kháng thể bắt đầu mất đi và trẻ sẽ dễ mắc bệnh. Các triệu chứng cảm lạnh, nôn mửa và tiêu chảy, thường kèm theo sốt nhẹ, là rất phổ biến ở lứa tuổi này. Tin tốt là thời điểm này trẻ sơ sinh đã có thể tự tạo kháng thể và tự chữa bệnh.
Trước khi các nhà khoa học tìm hiểu về các kháng thể và sự chuyển giao của chúng từ mẹ sang con, nhiều người, bao gồm cả các bác sĩ, cho rằng những căn bệnh này là do mọc răng. Tôi gọi đây là “Các phỏng đoán từ những vị bác sĩ lạc hậu”.
Mọc răng không gây sốt cao và không khiến trẻ bị bệnh
Tất cả chúng ta đều có vi khuẩn và virus trong miệng, và chúng có thể xâm nhập vào nướu và vào máu khi chúng ta đánh răng hoặc ăn thức ăn thô. Ở những người khỏe mạnh, những vi sinh vật này được lọc ra tại phổi và không gây hại gì. Trẻ sơ sinh có thể gặp hiện tượng tương tự khi răng mọc, có thể gây ra tình trạng sốt nhẹ trong thời gian ngắn.
Trong khi sốt là nỗi lo của bất kỳ trẻ sơ sinh nào, thì việc con trẻ vừa nhú một chiếc răng mới, không có biểu hiện ốm hay khó chịu, vẫn tiếp tục ăn và nhai đồ vật không phải là điều đáng lo. Một em bé bị sốt, không ăn uống và không linh hoạt, hoặc có vẻ ốm yếu, thì hãy nên đem em đến gặp bác sĩ nhi khoa bất kể tình trạng răng của em đang thế nào.
Lần tới khi bạn nhìn thấy một đứa trẻ nhai tay và chảy nước dãi, hãy biết rằng bé đang bắt đầu tìm hiểu về thế giới và cũng nhắc nhở bạn hãy bỏ qua tất cả các loại kem, gel và thiết bị “mọc răng” trong cửa hàng, thay vào đó hãy bắt đầu để dành tiền tiết kiệm cho quỹ học đại học của con mình!
Hãy tận hưởng những niềm vui mà con trẻ mang đến cho cuộc sống của bạn, và cầu Chúa tiếp tục ban phước cho bạn và gia đình!
Tiến sĩ Parnell Donahue là một bác sĩ nhi khoa, cựu chiến binh, tác giả của 4 quyển sách, blog ParentingWithDrPar.com, và là người dẫn chương trình “Parenting Matters” (Cẩm nang nuôi dạy con) của đài WBOU. Ông và vợ mình, bà Mary, có 4 người con trưởng thành, tất cả đều có học vị Tiến sĩ, hai trong số đó cũng là bác sĩ. Quý vị có thể liên lạc với ông qua trang Parenting-Matters.com.
Ngoc Anh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: