Nhiễm trùng huyết: Kẻ giết người thầm lặng

Nhiễm trùng huyết là gì? Và tại sao nó lại là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong? Những liệu pháp tự nhiên nào hỗ trợ giai đoạn hồi phục từ nhiễm trùng huyết? 

Nhiễm trùng huyết là một rối loạn chức năng sinh lý nghiêm trọng xảy ra khi hệ thống miễn dịch của quý vị đáp ứng quá mức với tác nhân nhiễm trùng dẫn đến sự kích hoạt một chuỗi phản ứng viêm khắp cơ thể đe doạ tính mạng. 

Nhiễm trùng huyết là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu, chiếm 1/5 số ca tử vong trên toàn thế giới vào năm 2017. Trong một bài nghiên cứu đăng trên trang JAMA (Journal of the American Medical Association), các nhà nghiên cứu phát hiện rằng “nhiễm trùng huyết là nguyên nhân của ⅓ đến ½ các trường hợp tử vong” ở các bệnh viện Hoa Kỳ. Do làm tăng nguy cơ nhiễm trùng nên nhiễm trùng huyết trở thành nguyên nhân số 1 gây tử vong ở các bệnh viện tại Hoa Kỳ. 

Khi xảy ra hiệu ứng domino của các phản ứng tự động sẽ hình thành một cơn bão hoàn hảo trong cơ thể dẫn đến xuất hiện tình trạng nhiễm trùng huyết. Hiệu ứng Domino đầu tiên xuất hiện khi có biểu hiện của nhiễm trùng. Điều này đưa đến sự giải phóng các hoá chất chống nhiễm trùng vào trong máu. Khi cơ thể phản ứng với các hoá chất này gây ra đáp ứng viêm hệ thống, nhiễm trùng huyết xuất hiện và nhanh chóng dẫn đến tổn thương mô, suy đa tạng và tử vong.

Năm 2017, tiêu chảy và nhiễm khuẩn hô hấp là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến gần 11 triệu ca nhiễm trùng huyết. Tuy nhiên, nhiễm trùng huyết có thể xảy ra sau các vấn đề sức khỏe đáng lo ngại khác, như nhiễm virus, nhiễm nấm, các bệnh không lây nhiễm, thậm chí cả sau các tai nạn và chấn thương. Một khi khởi phát nhiễm trùng huyết, bệnh sẽ tiến triển nhanh chóng, cần được xử trí cấp cứu ngay lập tức.

Nhiễm trùng huyết: Những sự thật đáng báo động

Theo “ Tờ sự thật về nhiễm trùng huyết “ của tổ chức Sepsis Alliance: 

  • Nhiễm trùng huyết giết chết 270,000 người Mỹ mỗi năm – cứ 2 phút lại có 1 ca tử vong. 
  • Nhiễm trùng huyết là căn bệnh phổ biến nhất dẫn đến tử vong ở trẻ em trên thế giới, gây ra 3.4 triệu ca mỗi năm. 
  • Ở Mỹ, cứ mỗi 20 giây lại có một người được chẩn đoán mắc nhiễm trùng huyết. 
  • Nguy cơ tử vong do nhiễm trùng huyết tăng lên 8% mỗi giờ khi trì hoãn điều trị.
  • Trong năm 2012, mỗi ngày có trung bình 38 ca cắt cụt chi liên quan đến nhiễm trùng huyết được thực hiện tại các bệnh viện Hoa Kỳ.
  • Nhiễm trùng huyết là nguyên nhân số 1 khiến chi phí điều trị tại bệnh viện lên đến hơn 3.5 tỷ USD hàng năm. 
  • Có tới 50% những người sống sót sau nhiễm trùng huyết bị ảnh hưởng về hoạt động thể chất và/hoặc tâm lý lâu dài. 

Mặc dù có những số liệu thống kê đáng báo động này, hơn 1/3 số người trưởng thành Mỹ vẫn chưa từng bao giờ nghe nói đến nhiễm trùng huyết.

Quý vị có nguy cơ bị nhiễm trùng huyết không? 

Yếu tố nguy cơ đầu tiên dễ thấy là có một nhiễm trùng. Nhiễm trùng có thể do vi khuẩn, nấm, virus hoặc ký sinh trùng trong tự nhiên và không nhất thiết phải nghiêm trọng mới dẫn đến nhiễm trùng huyết. Một vết thương nhỏ như vết cắn của côn trùng hoặc vết cắt bị nhiễm trùng cũng có thể gây ra hiệu ứng domino đầu tiên. Yếu tố tuổi tác và tình trạng suy giảm sức khỏe trên một số người cũng làm tăng nguy cơ bị nhiễm trùng và nhiễm trùng huyết cho họ.

 Những người có nhiều nguy cơ bị nhiễm trùng huyết nhất là: 

  • Từ 65 tuổi trở lên hoặc dưới 1 tuổi
  • Suy giảm miễn dịch
  • Được chẩn đoán mắc bệnh mạn tính
  • Người sống sót sau nhiễm trùng huyết

Những người bị ung thư, tiểu đường, sỏi thận và các bệnh chẳng hạn như sốt rét là những đối tượng đặc biệt dễ tổn thương. Bất kỳ ai đáp ứng các tiêu chí nguy cơ này nên cảnh giác trong việc theo dõi các triệu chứng và dấu hiệu cảnh báo của nhiễm trùng huyết. 

Các triệu chứng cảnh báo nhiễm trùng huyết

Tổ chức nhiễm trùng huyết toàn cầu Sepsis Alliance đã đưa ra một lưu ý để giúp quý vị nhận biết và ghi nhớ các dấu hiệu cảnh báo sớm của nhiễm trùng huyết. Điều đó như một lời nhắc nhở rằng yếu tố quyết định khả năng sống còn khi nhiễm trùng huyết là phát hiện kịp thời (in TIME). 

  • T = Nhiệt độ cao hơn hoặc thấp hơn bình thường
  • I = Có biểu hiện nhiễm trùng
  • M = Suy giảm ý thức hoặc buồn ngủ, lú lẫn, mất phương hướng
  • E = Ốm rất nặng và đau dữ dội, cảm giác không thoải mái, khó thở. 

Nếu quý vị có hoặc nghi ngờ có một ổ nhiễm trùng và có bất kỳ triệu chứng nào trong các triệu chứng sau, bao gồm: sốt, rối loạn nhịp thở, tụt huyết áp, nhịp tim nhanh và rối loạn ý thức, hãy gọi cấp cứu ngay lập tức.

Điều trị thông thường bao gồm các kháng sinh mạnh và truyền dịch tĩnh mạch. Nhiều bệnh nhân nhiễm trùng huyết được điều trị trong ICU, với một số người bệnh cần được chăm sóc lâu dài. 

Nhiễm trùng huyết thường gây sang chấn cả về tinh thần lẫn thể chất dẫn đến 1 hậu quả phổ biến đó là hậu chấn tâm lý (PTSD). Các nhóm hỗ trợ cho những người sống sót sau nhiễm trùng huyết là một sự hỗ trợ quan trọng cho việc hồi phục lâu dài, quay lại với cuộc sống hạnh phúc và sinh hoạt bình thường. 

Những liệu pháp tự nhiên hỗ trợ phục hồi sau nhiễm trùng huyết

Hỗ trợ dinh dưỡng hàng ngày là một trong những điều tốt nhất mà bạn có thể làm để đảm bảo các tế bào được khoẻ mạnh cũng như tạo điều kiện thuận lợi và điều hoà các quá trình sinh học của cơ thể. 

Khoa học đã chứng minh rất nhiều liệu pháp tự nhiên, với nền tảng là dinh dưỡng có tác dụng làm giảm nguy cơ của nhiễm trùng huyết, tập trung chủ yếu vào việc đảm bảo đủ lượng các vitamin và chất khoáng quan trọng. Nếu quý vị có nguy cơ bị nhiễm trùng huyết, hãy thực hiện ngay các bước dưới đây để ngăn chặn các vết thương hoặc vết cắn nhỏ tiến triển thành tình trạng có thể gây chết người này. 

Vitamin D

Duy trì lượng vitamin D cần thiết là chìa khoá để có một hệ miễn dịch khỏe mạnh. 

Một nghiên cứu năm 2019 đã phân tích mối tương quan giữa nồng độ vitamin D huyết thanh với các kết cục lâm sàng trên những bệnh nhân nhiễm trùng huyết.

Các mẫu máu được lấy từ những bệnh nhân trưởng thành đã nhập viện cấp cứu và nghi ngờ bị nhiễm trùng huyết trong một năm. Nồng độ vitamin D huyết thanh và mối tương quan với các kết cục như suy thận, suy gan và tử vong đã được đánh giá. 

Trong 168 bệnh nhân được nghiên cứu, 61.6% số bệnh nhân nhập viện do nhiễm trùng huyết có nồng độ vitamin D huyết thanh trung bình thấp hơn mức bình thường chiếm. Cả tuổi và tỷ lệ tử vong đều có tương quan đáng kể với nồng độ vitamin D trung bình, điều đó có nghĩa là những bệnh nhân cao tuổi và những người tử vong có nhiều khả năng thiếu vitamin D. 

Một nghiên cứu được công bố vào tháng 8 năm 2020 cho thấy bằng chứng Cấp 1 và 2 ủng hộ việc bổ sung vitamin D trong việc chống lại nhiễm trùng huyết, cũng như các bệnh hô hấp cấp tính có thể dẫn đến nhiễm trùng huyết. 

Bằng chứng Cấp 1 liên quan đến các nghiên cứu tổng quan hệ thống và phân tích gộp; bằng chứng Cấp 2 có được từ ít nhất một thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng quy mô lớn.

Vitamin C

Bằng chứng việc sử dụng vitamin C để chống lại nhiễm trùng huyết là rất rõ ràng. Nhiều nghiên cứu được công bố đã xem xét lại việc kết hợp vitamin C trong thực hành điều trị bệnh nhân nhiễm trùng huyết, cho thấy nó làm giảm đáng kể tỷ lệ tử vong cũng như thời gian dùng thuốc vận mạch – một phương pháp điều trị chính trong sốc nhiễm trùng.

Một nghiên cứu đăng trên Tạp chí Nghiên cứu Thực hành Dược phẩm cho thấy liều cao vitamin C (acid ascorbic) có thể được cân nhắc như một liệu pháp hỗ trợ an toàn và hiệu quả ở những bệnh nhân bị nhiễm trùng huyết nặng. Trong suốt nghiên cứu, những bệnh nhân sốc nhiễm trùng ở ICU (Intensive Care Unit – Hồi sức tích cực) được tiêm tĩnh mạch acid ascorbic mỗi 6 giờ, liều dùng các thuốc vận mạch để duy trì huyết áp thấp hơn đáng kể và thời gian dùng ngắn hơn.

Probiotics 

Bổ sung probiotics được coi là một phương pháp an toàn, mang tính hỗ trợ chống lại các tác động của ô nhiễm môi trường và chế độ ăn không lành mạnh. Việc bổ sung lợi khuẩn giúp tăng cường sức khỏe đường ruột của quý vị cũng có thể giúp làm giảm cơn bão cytokine gây nhiễm trùng huyết. 

Một nghiên cứu năm 2018 đánh giá hiệu quả của probiotics lên mức cytokine ở những đứa trẻ bị nhiễm trùng huyết nặng. Thử nghiệm mù đôi có đối chứng với giả dược, đã thu nhận các trẻ em từ 3 tháng đến 12 tuổi nhập viện vì nhiễm trùng huyết nặng và phân ngẫu nhiên vào nhóm giả dược hoặc nhóm probiotic. 

Nhóm probiotic được nhận VSL#3, một sản phẩm probiotic được phát triển để hỗ trợ những bệnh nhân bị viêm loét đại tràng hoặc hội chứng ruột kích thích (IBS) 2 lần mỗi ngày trong 7 ngày. Trong khi nhóm giả dược được nhận hỗn hợp maltose trơ. 

Từ ngày đầu tiên được bổ sung probiotic, trẻ em trong nhóm thực nghiệm (nhóm probiotic) có mức cytokine tiền viêm thấp hơn đáng kể và các chất chỉ điểm chống viêm cao hơn so với nhóm giả dược. Nhóm này cũng có nồng độ yếu tố hoại tử u (protein được giải phóng trong phản ứng viêm) thấp hơn và yếu tố tăng trưởng chuyển đổi (cytokine giữ vai trò quan trọng trong điều hoà hệ thống miễn dịch) cao hơn so với nhóm giả dược. 

Selenium

Selenium là một chất dinh dưỡng thiết yếu khác đối với hệ miễn dịch. Là một nguyên tố vi lượng tự nhiên có trong một số loại thực phẩm, selen đóng một vai trò quan trọng trong việc bảo vệ cơ thể khỏi những tổn thương do oxy hóa gồm cả nhiễm trùng. Sự thiếu hụt selen có liên quan đến những thay đổi sinh hóa khiến con người có thể mắc bệnh, bao gồm nhiễm virus và rối loạn điều hòa hệ miễn dịch. 

Các nghiên cứu trên những trẻ sơ sinh thiếu tháng đã chỉ ra nồng độ selen thấp có liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến sinh non. Phân tích gộp cho thấy số trẻ sơ sinh bị nhiễm trùng huyết một hoặc nhiều đợt đã giảm đáng kể khi được bổ sung selen.

CẢNH BÁO: Luôn luôn tham khảo ý kiến từ bác sĩ y học cổ truyền hoặc bác sĩ chăm sóc sức khoẻ của quý vị khi sử dụng các dược phẩm cũng như các vị thuốc tự nhiên với bất kỳ tình trạng được chẩn đoán nào. Bài viết này chỉ có mục đích cung cấp thông tin và không nhằm mục đích được sử dụng như lời khuyên y tế. 

Tú Liên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times

Xem thêm:

Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn