Nhà dinh dưỡng học Harvard: 5 loại thực phẩm gây mệt mỏi và căng thẳng, nên hạn chế ăn
Ăn uống lành mạnh là một môn khoa học. Hấp thu dinh dưỡng một cách hợp lý mỗi ngày sẽ có thể giúp ích cho sức khỏe thể chất và tinh thần, bao gồm tim mạch, huyết áp, vòng eo… Ngoài ra, chế độ ăn uống cũng có tác động đến não, tâm trạng và mức năng lượng của chúng ta.
Có hàng triệu tế bào thần kinh trong ruột của con người, do đó nó có biệt danh là “bộ não thứ hai”. Chức năng của ruột không phải chỉ là tiêu hóa thức ăn mà con người ăn vào, mà quần thể vi sinh vật trong ruột có thể có tác động lớn đến sức khỏe tinh thần và thể chất. Các khoa học gia đã và đang nghiên cứu xem việc cải thiện sức khỏe đường ruột có thể tăng cường hệ thống miễn dịch cũng như giúp điều trị bệnh tâm thần hay không.
Cụ thể là, khi bị viêm ruột, năng lượng cung cấp cho não và cơ thể sẽ ít hơn, kết quả là không chỉ làm giảm năng lượng mà còn làm tăng các gốc tự do gây hại cho mô não.
Nếu một người cảm thấy quá căng thẳng về tinh thần, mức serotonin sẽ giảm. Mà mức serotonin thấp sẽ ảnh hưởng đến cảm xúc, mức độ lo lắng và hạnh phúc của con người. Theo ước tính, 80% – 90% serotonin trong cơ thể con người được sản xuất trong đường tiêu hóa. Do đó, hiểu được thực phẩm nào góp phần gây ra chứng viêm mãn tính ở ruột và đại não là một bước quan trọng trong việc quản lý cảm xúc và mức năng lượng.
Bà Uma Naidoo, nhà nghiên cứu dinh dưỡng, bác sĩ tâm thần và sức khỏe não bộ của Đại học Harvard đã có một bài viết trên CNBC vào ngày 14/5, khuyên mọi người nên tránh 5 loại thực phẩm có thể gây căng thẳng và mệt mỏi:
1. Thực phẩm chế biến
Ăn thực phẩm chế biến không lành mạnh chứa nhiều đường tinh chế và đường bổ sung, chẳng hạn như bánh nướng và nước có ga, có thể khiến não bị ngập quá nhiều glucose. Loại “nước đường” này sẽ khiến não nóng lên, cuối cùng có thể dẫn đến trầm cảm và mệt mỏi.
“Tôi khuyên bạn nên mua thực phẩm nguyên chất giàu dinh dưỡng (Whole Foods) như thực phẩm tươi hoặc rau tươi; và protein sạch (Clean Proteins) như thịt bò ăn cỏ hữu cơ, cá tự nhiên hoặc đánh bắt bền vững, thay vì thực phẩm đã qua chế biến”, bà Naidoo viết.
2. Dầu hạt công nghiệp (Industrial Seed Oils)
Quá trình công nghiệp hóa ngành công nghiệp thực phẩm đã dẫn đến sự phát triển của các loại dầu ăn chế biến giá rẻ làm từ phụ phẩm của các loại cây trồng khác nhau.
Bà Naidoo viết, những loại dầu đã qua chế biến này chứa nhiều acid béo Omega-6 gây viêm (Inflammatory Omega-6 Fatty Acids), mà thiếu Omega-3 chống viêm giúp tăng cường sức khỏe não bộ. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, những người ăn thực phẩm giàu acid béo Omega-6 có nguy cơ mắc bệnh trầm cảm cao hơn so với những người ăn thực phẩm giàu Omega-3.
“Khi nấu nướng, nên chọn các sản phẩm thay thế chống viêm như dầu ô liu nguyên chất hoặc dầu bơ”, bà Naidoo khuyến nghị.
3. Đường bổ sung và đường tinh chế
Đường bổ sung không chỉ thường thấy trong bánh ngọt, món tráng miệng hoặc ngũ cốc đóng hộp, mà còn có trong các món mặn như sốt cà chua, nước sốt salad và khoai tây chiên.
Đường bổ sung và đường tinh luyện có thể làm tăng tình trạng viêm nhiễm và khiến cơ thể quá tải đường, dẫn đến tâm trạng lo lắng và cảm xúc không ổn định.
Bà Naidoo cho biết đường có thể gây nghiện, để giảm sự phụ thuộc vào đường, hãy mua các loại thực phẩm nguyên chất không thêm đường.
4. Đồ chiên rán
Cảm giác mềm và thơm giòn của đồ chiên sẽ khiến bạn khó dừng lại sau mỗi lần gắp đũa, bất tri bất giác bạn đã ăn hết sạch. Nhưng các đồ chiên rán như gà rán và khoai tây chiên không chỉ làm tăng chất béo, mà theo quan điểm của Trung Y, đồ rán rất nhiều “nhiệt khí”, ăn nhiều sẽ có hại cho cơ thể.
Thực phẩm chiên rán sẽ khiến cơ thể hấp thụ quá nhiều acid béo Omega-6, mặc dù cá rất giàu Omega-3 nhưng sau khi chiên sẽ trở thành Omega-6.
Một nghiên cứu vào năm 2016 đã khảo sát 715 công nhân nhà máy, đồng thời đo mức độ trầm cảm, khả năng phục hồi và mức tiêu thụ đồ chiên rán của họ. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng những người ăn nhiều đồ chiên rán dễ bị trầm cảm hơn trong cuộc sống.
Bà Naidoo cho biết, thực phẩm chiên rán là sát thủ của cảm xúc, vì chúng thường được chiên bằng dầu mỡ không lành mạnh. Hiện tại, các nhà dinh dưỡng đã phân biệt ra “chất béo xấu” (tức là bơ nhân tạo, dầu hydro hóa) được biết đến là nguyên nhân gây ra bệnh tim mạch và các bệnh khác, “chất béo tốt” (tức là bơ, dầu ô liu) có lợi vào sức khỏe.
5. Chất tạo ngọt nhân tạo
Bà Naidoo cho biết, có một nghiên cứu cho thấy những người tiêu thụ chất làm ngọt nhân tạo (chủ yếu là đồ uống dành cho người ăn kiêng) bị phiền muộn nhiều hơn những người không dùng. Càng tồi tệ hơn là, một số nghiên cứu cho thấy chất tạo ngọt nhân tạo có thể làm thay đổi nồng độ của chất dẫn truyền thần kinh điều chỉnh cảm xúc.
“Để giảm bớt chất làm ngọt nhân tạo, hãy thêm các chất làm ngọt tự nhiên như mật ong hoặc mật hoa cây thùa vào đồ uống”, bà Naidoo kiến nghị.
Hạ Vũ, Lý Hoàn Vũ thực hiện
Xuân Hoàng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ
Xem thêm: