Nguy cơ bị trầm cảm ở phụ nữ cao gấp đôi nam giới: 4 nguyên nhân chính
Phụ nữ có nhiều nguy cơ được chẩn đoán trầm cảm hơn nam giới. Ngoài ra cũng tồn tại sự khác biệt đáng kể về tỷ lệ bị bệnh, triệu chứng, và cách điều trị giữa nam và nữ. Vậy đâu là nguyên nhân?
Hiểu cơ chế trầm cảm theo từng giới tính là cần thiết, vì điều này cho phép chúng ta phát triển các phương pháp điều trị hiệu quả hơn, phù hợp với nhu cầu cụ thể của bệnh nhân thuộc các giới tính khác nhau.
Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có hiểu biết đầy đủ về các cơ chế giải thích cho sự khác biệt theo giới tính ở bệnh nhân trầm cảm. Nghiên cứu gần đây cho thấy rằng hormone và chất dẫn truyền thần kinh có thể đóng một vai trò nào đó.
Tỷ lệ bệnh trầm cảm ở nam và nữ là 1:2
Theo Sáng kiến Khảo sát Sức khỏe Tâm thần Thế giới, tính đến năm 2011, ước tính tỷ lệ trầm cảm trung bình trong đời lần lượt là 14.6% và 11.1% ở 10 quốc gia có thu nhập cao và 8 quốc gia có thu nhập thấp đến trung bình. Cuộc khảo sát tương tự cũng cho thấy ước tính tỷ lệ trầm cảm trong 12 tháng lần lượt là 5.5% và 5.9% ở các quốc gia có thu nhập cao và thu nhập thấp đến trung bình.
Ngoài ra, tỷ lệ phụ nữ được chẩn đoán bị bệnh trầm cảm cao gấp đôi nam giới.
Theo một tổng quan hệ thống, tỷ lệ trầm cảm hàng năm trên toàn cầu vào năm 2010 ở nữ giới và nam giới lần lượt là 5.5% và 3.3%, phù hợp với kết quả khảo sát nói trên.
Các triệu chứng trầm cảm của đàn ông và phụ nữ rất khác nhau
Ở các nền văn hóa khác nhau, bệnh nhân nữ bị trầm cảm có thể gặp các triệu chứng khác với bệnh nhân nam.
Trong một nghiên cứu liên quan gồm 2,541 bệnh nhân trầm cảm, có đến 62.5% là nữ.
Như nghiên cứu đã phát hiện ra, so với nam giới, phụ nữ có xu hướng gặp phải các triệu chứng trầm trọng hơn và tỷ lệ bị chứng rối loạn lo âu, chứng cuồng ăn, chứng mất ngủ, các vấn đề về tiêu hóa, đau đớn cao hơn.
Phụ nữ cũng thường thấy cơ thể khó chịu nhiều hơn mà không có vấn đề về thể chất rõ ràng và có nhiều ý định tự tử hơn nam giới.
Ngược lại, bệnh nhân nam có xu hướng trải qua nhiều giai đoạn trầm cảm nặng hơn, cũng như lạm dụng rượu, chất kích thích nhiều hơn.
Hơn nữa, so với bệnh nhân nam, phụ nữ bị trầm cảm có thể có nhiều triệu chứng phổ biến hơn, chẳng hạn như cảm giác tội lỗi, vô ích, vô cùng buồn bã và mệt mỏi. Ngược lại, thay vì buồn bã, nhiều đàn ông lại tỏ ra tức giận, cáu bẳn, thậm chí hung hãn khi bị trầm cảm.
Ngoài ra, đàn ông bị trầm cảm ít có khả năng tìm kiếm sự giúp đỡ hoặc điều trị hơn phụ nữ. Một số thậm chí có thể không nhận ra các triệu chứng như tức giận và hung hăng là triệu chứng của trầm cảm. Điều này có thể trì hoãn việc điều trị và làm trầm trọng thêm tình trạng của họ.
Sự khác biệt về triệu chứng của cả hai giới có thể dẫn đến chẩn đoán sai hoặc điều trị không đầy đủ.
4 nguyên nhân của sự khác biệt về bệnh trầm cảm giữa nam và nữ
Sự khác biệt về tỷ lệ trầm cảm ở từng giới tính nói trên và các triệu chứng chưa được hiểu biết đầy đủ. Tuy nhiên, sự khác biệt này có thể liên quan đến 4 yếu tố dưới đây:
1. Nội tiết tố
Nội tiết tố được cho là đóng một vai trò quan trọng trong sự khác biệt về tỷ lệ trầm cảm giữa nam giới và nữ giới.
Trong một nghiên cứu mới được công bố trên tập san Neuropsychopharmacology, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng rối loạn hormone căng thẳng cortisol kéo dài có thể làm giảm động lực và chức năng của hệ thống dopamine, dẫn đến trầm cảm.
Mặc dù rối loạn điều hòa cortisol kéo dài làm suy yếu động lực của cả chuột đực và chuột cái, nhưng là thông qua các cơ chế khác nhau.
Cụ thể, rối loạn điều hòa cortisol làm giảm lượng dopamine, chất dẫn truyền thần kinh “tạo cảm giác dễ chịu,” chỉ ở chuột cái, trong khi làm suy yếu chất vận chuyển dopamine ở chuột đực.
Theo một nghiên cứu của Đức, tỷ lệ phụ nữ bị bệnh trầm không cao hơn nam cho đến tuổi dậy thì. Trước tuổi dậy thì, tỷ lệ trầm cảm ở cả hai giới rất giống nhau, và trở nên khác biệt rõ ràng hơn từ 15 đến 18 tuổi.
Nghiên cứu đã đề xuất rằng có một mối quan hệ trực tiếp giữa hormone giới tính, vốn gia tăng khi bắt đầu tuổi vị thành niên, và tâm trạng chán nản ở các cô gái trẻ. Một số nghiên cứu liên kết trầm cảm ở các cô gái vị thành niên với sự tương tác giữa hormone giới tính và các yếu tố xã hội.
Qua giai đoạn tuổi thiếu niên, phụ nữ trải qua những thay đổi nội tiết tố trong suốt cuộc đời, chẳng hạn như những thay đổi liên quan đến chu kỳ kinh nguyệt, mang thai, sinh con và mãn kinh. Tất cả đều có thể góp phần vào sự phát triển của bệnh trầm cảm.
Cụ thể, 20% – 40% phụ nữ mang thai bị trầm cảm. Nếu không được điều trị, trầm cảm khi mang thai có thể dẫn đến sảy thai, sinh non, nhẹ cân, các vấn đề về phát triển ở trẻ sơ sinh, và trầm cảm sau sinh.
Tỷ lệ trầm cảm sau sinh ở những bà mẹ mới sinh thậm chí còn cao hơn so với trầm cảm khi mang thai, lên tới gần 13%. Người mẹ bị trầm cảm sau sinh nếu không được điều trị sẽ không thể chăm sóc con chu đáo, khiến con chậm phát triển. Trong trường hợp trầm trọng, người mẹ bị trầm cảm thậm chí có thể nghĩ đến việc làm hại chính mình và con cái. Nếu không được điều trị, loại trầm cảm này có thể kéo dài hàng tháng hoặc lâu hơn.
2. Chất dẫn truyền thần kinh
Tương tự như yếu tố hormone, chất dẫn truyền thần kinh là sứ giả hóa học trong não có vai trò truyền tín hiệu giữa các tế bào thần kinh và giữa các tế bào thần kinh với các tế bào khác. Các chất dẫn truyền thần kinh có thể điều chỉnh tâm trạng, nhận thức và hành vi của chúng ta.
Bằng chứng cho thấy chức năng và quá trình sản xuất chất dẫn truyền thần kinh có thể tác động đến chứng trầm cảm, và khác nhau giữa nam và nữ.
Nghiên cứu đã cho thấy rằng phụ nữ có thể có sự thay đổi số lượng các chất dẫn truyền thần kinh, chẳng hạn như serotonin và dopamine. Điều này có thể góp phần vào sự phát triển hoặc kéo dài của chứng trầm cảm.
Ví dụ, một nghiên cứu của Canada đã phát hiện ra rằng tỷ lệ tổng hợp serotonin trung bình ở nam giới cao hơn 52% so với nữ giới. Đây có thể là một yếu tố làm giảm tỷ lệ trầm cảm ở nam giới.
Hơn nữa, biểu hiện và chức năng của thụ thể dopamine cũng khác biệt ở hai giới. Đàn ông cũng có thể trải qua sự thay đổi mức độ norepinephrine. Cả dopamine và norepinephrine đều liên quan đến việc điều chỉnh tâm trạng, góp phần vào sự phát triển của bệnh trầm cảm. Điều này cũng có thể giải thích tại sao đàn ông có xu hướng lạm dụng và nghiện chất gây nghiện hơn phụ nữ, vì những hoạt động này cũng liên quan đến sự khác biệt trong chức năng và quá trình sản xuất chất dẫn truyền thần kinh.
3. Các yếu tố kinh tế xã hội và văn hóa
Theo một nghiên cứu của Vương quốc Anh, xét về sự khác biệt giữa các quốc gia, mối liên hệ giữa giới tính nữ và trầm cảm trở nên mạnh mẽ hơn cùng với sự phát triển kinh tế ngày càng tăng. Điều này có thể là do phụ nữ ở các quốc gia có thu nhập cao hơn có nhiều khả năng nhận ra các triệu chứng trầm cảm và tìm kiếm sự giúp đỡ.
Nghiên cứu tương tự cũng phát hiện ra rằng những người đã ly hôn và góa bụa có tỷ lệ trầm cảm cao hơn mức trung bình. Đáng chú ý hơn, phụ nữ có xu hướng bị nghèo đói và căng thẳng liên quan đến việc làm cha mẹ đơn thân cao hơn so với nam giới. Điều này cũng có thể làm tăng nguy cơ trầm cảm.
Về yếu tố văn hóa, phụ nữ có thể bị phân biệt đối xử hoặc không công bằng nhiều hơn nam giới, dẫn đến cảm giác tuyệt vọng, vô ích, hoặc căng thẳng. Phụ nữ cũng có xu hướng trải qua các biến cố đau buồn trong cuộc sống nhiều hơn nam giới, chẳng hạn như bạo lực gia đình, tấn công tình dục hoặc quấy rối, làm tăng nguy cơ trầm cảm.
4. Sự khác biệt trong cách đối phó với bệnh
Các chiến lược được sử dụng bởi đàn ông và phụ nữ bị trầm cảm có thể khác nhau, điều này cũng có thể góp phần vào tăng nguy cơ trầm cảm ở phụ nữ.
Một nghiên cứu cho thấy giữa hai cách thức đối phó chính, bao gồm tập trung vào vấn đề và tập trung vào cảm xúc, đàn ông bị trầm cảm có xu hướng chọn cách thứ nhất, trong khi phụ nữ thường chọn cách thứ hai.
Các chiến lược đối phó tập trung vào vấn đề bao gồm lập kế hoạch và đối phó tích cực, nhằm loại bỏ hoặc giảm thiểu tác nhân gây căng thẳng. Các chiến lược đối phó tập trung vào cảm xúc bao gồm trút giận, suy ngẫm, tự trách móc, và đánh giá lại tích cực. Những cách thức này nhằm mục đích thay đổi phản ứng cảm xúc của cá nhân đối với tác nhân gây căng thẳng. Tuy nhiên, một số cách đối phó tập trung vào cảm xúc như trút giận và tự đổ lỗi có thể có tác dụng phụ.
Nghiên cứu này cũng cho thấy cách đối phó tập trung vào cảm xúc kém hiệu quả hơn so với tập trung vào vấn đề. Điều này có thể góp phần vào tỷ lệ trầm cảm ở phụ nữ cao hơn. Hơn nữa, những phụ nữ có mức độ đánh giá lại tích cực thấp hơn cũng dễ bị trầm cảm hơn.
Kết quả của các phương pháp điều trị khác nhau
Bằng cách áp dụng phương pháp điều trị trầm cảm được cá nhân hóa hơn, chúng tôi có thể giúp từng người vượt qua tình trạng này và cải thiện sức khỏe tổng thể.
Cô Samantha là một phụ nữ 35 tuổi đang trải qua các triệu chứng trầm cảm, bao gồm tâm trạng buồn bã, không hứng thú với các hoạt động ưa thích, cảm giác vô vọng, khó ngủ. Cô có tiền sử bị chứng rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt (PMDD). Các triệu chứng của cô có xu hướng trở nên tồi tệ hơn trong những ngày trước kỳ kinh nguyệt.
Chứng trầm cảm của Samantha có liên quan nhiều hơn đến sự thay đổi nội tiết tố trong chu kỳ kinh nguyệt. Do đó, kế hoạch điều trị của cô bao gồm các loại thuốc điều chỉnh sự cân bằng nội tiết tố, chẳng hạn như thuốc tránh thai nội tiết tố hoặc chất ức chế tái hấp thu serotonin chọn lọc (SSRI) giúp điều trị PMDD hiệu quả. Cô Samantha đã cải thiện nhờ liệu pháp tâm lý, chẳng hạn như liệu pháp hành vi nhận thức (CBT) giúp cô phát triển các kỹ năng đối phó để kiểm soát các triệu chứng.
Anh David là một người đàn ông 45 tuổi đang phải vật lộn với chứng trầm cảm, lo lắng, và lạm dụng chất kích thích trong vài năm. Anh có một công việc rất căng thẳng và cảm thấy bị áp lực khi phải tuân theo những vai trò của người đàn ông truyền thống. Điều này có thể là nguyên nhân gây căng thẳng cho anh ấy.
Chứng trầm cảm và lo lắng của anh David có liên quan đến các yếu tố xã hội và văn hóa ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần của nam giới. Do đó, kế hoạch điều trị của anh bao gồm liệu pháp tâm lý tập trung vào tính nam (masculinity) và những kỳ vọng về văn hóa của nam giới, chẳng hạn như liệu pháp hành vi nhận thức dành cho nam giới (CBTM). Liệu pháp này có thể giúp phát triển cảm giác tính nam chân thực và linh hoạt hơn, từ đó làm giảm căng thẳng và đối phó với các triệu chứng. Ngoài ra, anh David cũng được hưởng lợi từ các loại thuốc nhắm vào các triệu chứng cụ thể, chẳng hạn như thuốc chống trầm cảm, thuốc chống lo âu, và tư vấn về lạm dụng chất gây nghiện.
Bà Sarah là một phụ nữ 52 tuổi bị các triệu chứng trầm cảm. Bà cho biết phần lớn thời gian bà cảm thấy buồn bã, cáu kỉnh, lo lắng, mất ngủ và mệt mỏi. Bà cũng bị bốc hỏa, đổ mồ hôi đêm và khô âm đạo, những điều này đã ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bà.
Sau khi đánh giá kỹ lưỡng, bao gồm khám sức khỏe và xét nghiệm, nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe của bà Sarah đã đưa ra chẩn đoán trầm cảm trong thời kỳ mãn kinh. Tiếp theo, họ thảo luận về các lựa chọn điều trị, bao gồm thuốc chống trầm cảm và liệu pháp nội tiết tố.
Sau khi cân nhắc những rủi ro và lợi ích của từng phương pháp điều trị, bà Sarah quyết định thử liệu pháp nội tiết tố. Bà được chỉ định liệu pháp estrogen hàng ngày.
Sau vài tuần, các triệu chứng của bà Sarah dần cải thiện. Bà cho biết mình cảm thấy bớt chán nản hơn, ít bốc hỏa và đổ mồ hôi ban đêm hơn, đồng thời ít bị khô âm đạo hơn. Bà tiếp tục dùng liệu pháp estrogen và sau vài tháng, Bà không còn có các tiêu chuẩn về trầm cảm nữa.
Thông qua việc giải quyết các nhu cầu của từng người và sự khác biệt về giới tính theo cách tiếp cận sáng tạo này, cả ba bệnh nhân đã lấy lại được sức khỏe và đạt được sức khỏe tốt nhất về thể chất, tinh thần, cảm xúc và tinh thần.
Cô Mercura Wang là ký giả của thời báo The Epoch Times. Liên lạc với cô qua email: [email protected].
Châu Anh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times.