Người đàn ông bị liệt 12 năm đi lại nhờ cấy ghép não, tủy sống
Một người đàn ông bị liệt đã có thể đi lại lần đầu tiên sau nhiều năm chỉ bằng cách sử dụng ý niệm nhờ cấy ghép não và tủy sống.
Anh Gert-Jan Oskam, một người Hà Lan 40 tuổi, bị liệt hai chân và một phần cánh tay do tổn thương tủy sống sau một tai nạn xe đạp cách đây 12 năm.
Anh ấy đã nói rằng mình sẽ không bao giờ đi lại được nữa.
Tuy nhiên, theo một nghiên cứu được công bố hôm 24/05 trên tập san Nature, sau khi được gắn thiết bị “kết nối não-cột sống,” anh Oskam đã lấy lại được khả năng cử động chân và bàn chân một cách chủ động chỉ bằng cách nghĩ về nó.
Theo các nhà nghiên cứu, giờ đây anh ấy có thể đứng, leo cầu thang, và thậm chí đi qua những địa hình phức tạp với thiết bị trợ giúp đi bộ.
Anh Oskam nói với BBC: “Tôi cảm thấy mình như một đứa trẻ mới biết đi, đang tập đi lại. Đó là một hành trình dài, nhưng bây giờ tôi có thể đứng dậy và uống bia với bạn của mình. Đó là một niềm vui mà nhiều người không nhận ra.”
Một nhóm các nhà nghiên cứu quốc tế, đứng đầu là Tiến sĩ Grégoire Courtine, Giáo sư Jocelyne Bloch và những người khác từ Viện Công nghệ Liên bang Thụy Sĩ ở Lausanne, đã cấy ghép cho anh Oskam thiết bị kết nối não-tuỷ sống. Theo các nhà nghiên cứu, thiết bị này hoạt động bằng cách tạo ra một liên kết trực tiếp giữa “tín hiệu vỏ não và biến điện xung tương tự của kích thích điện ngoài màng cứng nhắm vào các vùng tủy sống liên quan đến khả năng đi bộ.”
Cách thức hoạt động của thiết bị
Nói một cách đơn giản, thiết bị này đã khôi phục liên kết thần kinh giữa não và tủy sống, vốn thường bị gián đoạn trong các vụ tai nạn như của anh Oskam.
Thiết bị kết nối được cấy vào hộp sọ của anh Oskam, có nghĩa là nó không thể nhìn thấy bằng mắt thường. Khi anh Oskam nghĩ về việc đi bộ, thiết bị cấy ghép sẽ phát hiện hoạt động điện trong vỏ não (lớp ngoài của bộ não), và gửi sóng điện não đến máy tính mà anh Oskam đeo trong ba lô.
Sau đó, thông tin được truyền đến một máy phát xung được đưa vào tủy sống, kích hoạt các cơ một cách hiệu quả và cho phép tạo ra các chuyển động cụ thể.
Anh Oskam cũng đã trải qua khoảng 40 buổi phục hồi chức năng bằng cách sử dụng thiết bị kết nối não-cột sống. Sau đó anh đã lấy lại được khả năng vận động chủ động của chân và bàn chân.
Các nhà nghiên cứu tin rằng anh Oskam sẽ không thể cử động tay chân nếu chỉ kích thích cột sống và các buổi tập luyện đã “kích thích sự phục hồi hơn nữa của các tế bào thần kinh” vốn không bị cắt đứt hoàn toàn trong thời gian anh bị thương.
Ngoài việc có thể đi bộ trong khi sử dụng thiết bị, anh Oskam cũng có thể đi bộ một đoạn ngắn bằng nạng mà không cần thiết bị.
Thay đổi cuộc sống sau chấn thương tủy sống
Anh Oskam nói việc cấy ghép đã thay đổi cuộc sống của mình.
“Khi tôi quyết định thực hiện một bước, quá trình mô phỏng sẽ bắt đầu ngay khi tôi nghĩ về nó,” Oskam nói trong một thông cáo báo chí. “Tuần trước có việc cần sơn mà không có ai giúp. Vì vậy, tôi đã lấy khung tập đi và sơn, và tôi đã tự mình làm điều đó khi đang đứng.”
Trong khi những phát hiện này được nhiều người hoan nghênh, ông Antonio Lauto, một kỹ sư y sinh tại Đại học Western Sydney, Australia, nói rằng một thiết bị ít xâm lấn hơn sẽ phù hợp hơn. Đồng thời ông cũng lưu ý rằng bác sĩ đã phải gỡ bỏ một trong những bộ phận cấy ghép trong hộp sọ của anh Oskam khoảng 5 tháng sau đó vì nhiễm trùng.
Các nhà nghiên cứu cho biết họ hiện có kế hoạch thiết kế [thiết bị] công nghệ tinh giản hơn. Họ hiện cũng đang tuyển ba người để xem liệu một thiết bị tương tự có thể khôi phục cử động của cánh tay hay không.
“Luôn có một chút nguy cơ nhiễm trùng hoặc nguy cơ xuất huyết, nhưng chúng quá nhỏ nên đáng để mạo hiểm,” ông Bloch nói trong thông cáo báo chí.
“Điều quan trọng đối với chúng tôi không chỉ là có một thử nghiệm khoa học, mà cuối cùng là giúp nhiều người bị chấn thương cột sống tiếp cận [với điều trị] hơn, những người đã quen nghe bác sĩ nói rằng họ phải làm quen với thực tế là họ sẽ không bao giờ cử động được nữa,” ông Bloch nói với BBC.
Theo Hiệp hội Cột sống Hoa Kỳ, khoảng 17,700 người Mỹ bị chấn thương tủy sống mỗi năm, trong đó gần 40% là do tai nạn xe cộ và hơn 30% là do bị ngã.
Tú Liên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times.