Nghiên cứu: Thuốc kháng sinh có thể thay đổi sự phát triển trí não của trẻ sơ sinh
Nghiên cứu mới bổ sung thêm bằng chứng ngày càng nhiều cho thấy thuốc kháng sinh có thể làm hỏng sự phát triển thần kinh của trẻ sơ sinh.
Một nghiên cứu mới được công bố trên một số đặc biệt của tạp chí iScience về mối tương quan giữa việc sử dụng kháng sinh liều thấp trong quá trình sinh nở với những thay đổi đáng kể trong hệ vi sinh vật ở trẻ sơ sinh. Nghiên cứu được thực hiện trên chuột cũng cho thấy mối tương quan giữa việc tiếp xúc với kháng sinh với những thay đổi quan trọng trong biểu hiện gen ở các bộ phận của não chịu trách nhiệm cho sự phát triển thần kinh.
Nghiên cứu “Ảnh hưởng của việc tiếp xúc với Penicillin đầu đời lên hệ vi sinh vật đường ruột và vỏ não trước và biểu hiện gen amygdala” có thể giúp giải thích sự gia tăng đáng lo ngại các rối loạn phát triển thần kinh mà chúng ta đang thấy ở trẻ em ở Hoa Kỳ và các nước công nghiệp phát triển khác trên thế giới.
Một nhóm các nhà khoa học từ Trường Y khoa Grossman của Đại học New York đã chia những con chuột thành ba nhóm. Một nhóm chuột mang thai đã tiếp xúc với penicillin vào tuần trước khi sinh. Nhóm chuột thứ hai được tiếp xúc với penicillin trong vòng một tuần lễ sau khi sinh. Nhóm chuột thứ ba, nhóm đối chứng, không có tiếp xúc với thuốc kháng sinh.
Các nhà khoa học đã tiêm penicilin cho chuột với liều tương đương với liều mà con người sẽ nhận được. Sau đó, nhóm nghiên cứu so sánh thành phần vi khuẩn ở chuột con của hai nhóm có tiếp xúc với thuốc kháng sinh với thành phần của vi khuẩn ở chuột con trong nhóm đối chứng.
Phơi nhiễm Penicillin liều thấp làm gián đoạn hệ vi sinh vật
Các nhà khoa học phát hiện ra rằng việc tiếp xúc dù chỉ với liều thấp penicillin cũng đã làm thay đổi thành phần của hệ vi sinh vật ở chuột. Cụ thể hơn, những con chuột con tiếp xúc với kháng sinh đã giảm đáng kể số lượng vi khuẩn có lợi, lactobacillus, cùng với các loài vi khuẩn khác và số lượng Enterococcus, Enterobactees và Pseudomonas, cùng với những loài vi khuẩn khác lại tăng lên một cách đáng kể.
Các nhà khoa học còn phát hiện ra rằng những thay đổi này có liên quan đến những thay đổi trong biểu hiện gen trong não của những con chuột có tiếp xúc với penicillin. Đáng lo ngại nhất có lẽ là thí nghiệm này đã cho thấy nhiều con đường quan trọng đối với sự phát triển thần kinh bình thường ở những con chuột có tiếp xúc với chất kháng sinh đã phải gánh chịu những ảnh hưởng tiêu cực.
Vì liều lượng của penicillin quá thấp, các nhà nghiên cứu kết luận rằng không chắc rằng những tác động lên não mà họ quan sát được là kết quả trực tiếp của chính thuốc kháng sinh. Thay vào đó, họ đưa ra giả thuyết rằng nhiều khả năng những thay đổi não quan sát được ở chuột là do những thay đổi trong vi sinh vật của chúng.
Nói cách khác, theo các nhà khoa học thì có thể việc tiếp xúc với kháng sinh đã khiến cho “trục não ruột bị xáo trộn dẫn đến các tác động tổ chức làm thay đổi vĩnh viễn cấu trúc và chức năng của não”.
Họ tiếp tục kết luận rằng việc tiếp xúc với thuốc kháng sinh trong giai đoạn đầu đời có thể gây hại cho não đang phát triển của trẻ sơ sinh.
Các nhà khoa học viết: “Những kết quả này cung cấp bằng chứng cho thấy việc tiếp xúc với thuốc kháng sinh trong giai đoạn đầu đời ở người có thể không chỉ ảnh hưởng đến hệ vi sinh vật ở trẻ sơ sinh mà còn đối với sự biểu hiện gen trong các cấu trúc não quan trọng, bao gồm cả vỏ não trước và hạch hạnh nhân.
“Những phát hiện bước đầu này cần được xác nhận thêm nhưng đã cho thấy rằng việc xem xét về sự thay đổi mô hình trong chỉ định sử dụng kháng sinh sớm là cần thiết. Mặc dù không được coi là một tác nhân gây quái thai tiềm ẩn cho hệ thần kinh trung ương như rượu, cocaine, hoặc bệnh toxoplasma… sử dụng kháng sinh đầu đời cũng có thể gây ra những hậu quả không mong muốn. ”
Tiến sĩ Robert Zajac, một bác sĩ nhi khoa ở Eden Prairie, Minnesota, người không tham gia vào nghiên cứu, nhận thấy những kết quả này đáng để lo ngại, nhưng ông cũng không quá ngạc nhiên. Zajac nói rằng ông và đội ngũ y tế của mình cố gắng không sử dụng kháng sinh trừ khi thực sự cần thiết.
“Đôi khi, chúng tôi khuyên dùng kháng sinh khi vi khuẩn có hại phát triển vượt quá khả năng tự điều chỉnh của hệ miễn dịch. Nhưng cùng một loại kháng sinh đó (hoặc còn tệ hơn là, các loại kháng sinh khác được sử dụng không mang lại lợi ích vượt trội so với nguy cơ rủi ro) có thể tàn phá hệ vi sinh vật hữu ích và khỏe mạnh của chúng ta, phá vỡ hệ vi sinh vật đường ruột của chúng ta trong nhiều tháng hoặc thậm chí nhiều năm,” Zajac nói.
Phơi nhiễm trước khi sinh
Đối với nhiều trẻ sơ sinh, việc tiếp xúc với thuốc kháng sinh thường bắt đầu trước khi sinh. Trên thực tế, có bằng chứng cho thấy một tỷ lệ phần trăm lớn – có lẽ khoảng một phần ba – trong số 3.75 triệu trẻ sinh ra ở Hoa Kỳ mỗi năm được dùng kháng sinh trước, trong hoặc ngay sau khi sinh.
Một bài báo đánh giá, được xuất bản vào năm 2015 trên tạp chí Pharmacotherapy, cho thấy rằng thuốc kháng sinh chiếm gần 80% tất cả các loại thuốc mà một phụ nữ có thể được kê đơn trong thời kỳ mang thai và từ 20 đến 25% phụ nữ mang thai sẽ sử dụng kháng sinh để điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu, bệnh lây truyền qua đường tình dục, và nhiễm trùng đường hô hấp trên.
Đồng thời, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) hiện khuyến cáo rằng nên sử dụng kháng sinh dự phòng cho tất cả phụ nữ chuyển dạ có kết quả xét nghiệm dương tính với liên cầu khuẩn nhóm B. Bệnh do liên cầu nhóm B vẫn còn tương đối hiếm (khoảng 1 trên 600 trẻ sơ sinh). Nhưng một nghiên cứu khác trên hơn 7,500 phụ nữ mang thai đã cho thấy rằng gần một phần ba phụ nữ mang thai được sử dụng thuốc kháng sinh. Nghiên cứu trên được công bố vào tháng 3 năm 2013 trên tạp chí Sản khoa & Phụ khoa nêu ra rằng chỉ 13% phụ nữ mang thai cho thấy có các yếu tố nguy cơ đối với liên cầu nhóm B, nhưng 31% những người tham gia đã được dùng kháng sinh dự phòng.
Trong khi nghiên cứu năm 2013 nhấn mạnh sự thành công của việc sử dụng kháng sinh trước khi sinh để tránh nhiễm trùng liên cầu nhóm B mà có thể gây nguy hiểm hoặc thậm chí tử vong cho trẻ sơ sinh, dữ liệu trong đó vẫn cho thấy rằng chúng ta đang kê đơn kháng sinh cho phụ nữ mang thai nhiều hơn mức cần thiết.
Theo CDC, 31,.7% trong tổng số ca sinh ở Hoa Kỳ là sinh mổ. Đối với sinh mổ, thuốc kháng sinh dự phòng qua đường tĩnh mạch hầu như luôn được kê đơn, bề ngoài là để ngăn ngừa nhiễm trùng cho mẹ. Nếu những loại thuốc kháng sinh này được bắt đầu sử dụng trong quá trình chuyển dạ hoặc bất kỳ lúc nào trước khi kẹp dây rốn của trẻ sơ sinh, em bé cũng sẽ bị phơi nhiễm. Em bé cũng sẽ tiếp xúc với thuốc kháng sinh qua sữa mẹ, vì nhiều loại thuốc kháng sinh có thể tiết ra qua đường sữa đã được phát hiện có trong sữa mẹ.
Giả định sai lầm về sự an toàn của thuốc kháng sinh
Sử dụng thuốc kháng sinh trước hoặc trong khoảng thời gian gần sinh từ lâu đã được coi là ít có tác dụng phụ đối với trẻ sơ sinh. Tuy nhiên, các nghiên cứu nhận định kháng sinh là an toàn chỉ nghiên cứu trên những hậu quả rõ ràng và ngắn hạn nhất của việc sử dụng quá nhiều kháng sinh, chẳng hạn như gia tăng nhiễm trùng tưa miệng (sự phát triển quá mức của nấm men thường được kiểm soát bởi một hệ vi sinh vật khỏe mạnh). Các nghiên cứu lâu đời này đã không xem xét đến các hậu quả lâu dài hơn đối với sức khỏe.
Nhưng trong những năm gần đây, các nghiên cứu khoa học được bình duyệt đã xem xét đến mối tương quan giữa việc tiếp xúc với kháng sinh với việc nguy cơ béo phì, nguy cơ mắc bệnh hen suyễn, các bệnh về đường ruột và thậm chí là viêm khớp – tăng cao ở trẻ vị thành niên.
Đồng thời, ngày càng có nhiều nghiên cứu cho thấy tầm quan trọng của một hệ vi sinh vật khỏe mạnh ở trẻ sơ sinh. Và mặc dù nghe thì có vẻ kỳ lạ, nhưng hệ vi sinh vật đặc biệt quan trọng đối với chức năng của não. Bộ não chứa khoảng 100 tỷ tế bào thần kinh. Các tế bào thần kinh này liên lạc với nhau thông qua tín hiệu điện và hóa học. Khi não bộ của trẻ phát triển, các tế bào thần kinh hình thành kết nối với hàng nghìn tế bào thần kinh khác. Quá trình này tiếp tục với tốc độ giảm dần trong suốt cuộc đời của chúng ta. Và các nhà khoa học ngày càng nhận ra rằng một hệ vi sinh vật đường ruột khỏe mạnh là cần thiết để não bộ của chúng ta phát tín hiệu đúng cách.
Hiện nay, các chuyên gia tin rằng sự giao tiếp giữa hệ thần kinh trung ương và hệ thần kinh nội tại của đường tiêu hóa, còn được gọi là “trục não bộ”, không chỉ rất quan trọng đối với tiêu hóa thích hợp và hoạt động bình thường của não, mà còn cho sức khỏe tổng thể.
Tiến sĩ Elizabeth Mumper, bác sĩ nhi khoa hành nghề tư nhân tại Lynchburg, Virginia, chuyên về các rối loạn não, cho biết: “Có bằng chứng rõ ràng cho thấy đường ruột có thể ảnh hưởng sâu sắc đến não và hệ thực vật đường ruột là một phần của quá trình đó. Vì vậy, chúng ta biết rằng một số hệ thực vật nhất định trong ruột có thể tạo ra các sản phẩm trao đổi chất cung cấp thông điệp hóa học cho não mà từ đó có thể thay đổi cảm giác, cảm xúc và có khả năng thay đổi nhận thức.”
Có vẻ như việc tiếp xúc với thuốc kháng sinh sớm sẽ ảnh hưởng đến quá trình trao đổi chất và viêm nhiễm, từ đó có thể ảnh hưởng đến cấu trúc, chức năng và biểu hiện gen của não. Một nghiên cứu vào tháng 9 năm 2020 được thực hiện bởi một nhóm các nhà nghiên cứu ở Minnesota cho thấy, so với nhóm đối chứng, trẻ sơ sinh tiếp xúc với thuốc kháng sinh sau khi sinh có cả vấn đề về thính giác và trí nhớ khi được 1 tháng tuổi.
Tiến sĩ Mumper nói: “Chúng tôi cũng biết rằng hệ thực vật đường ruột được phát triển trong một nghìn ngày đầu tiên của cuộc đời có tác động sâu sắc đến khả năng mắc bệnh mãn tính của trẻ sau này. Nói chung, hệ thực vật đường ruột càng đa dạng thì trẻ càng ít có nguy cơ mắc bệnh mãn tính sau này nhưng thuốc kháng sinh lại có khả năng giết chết một số hệ vi khuẩn đường ruột tốt đó, từ đó dẫn đến việc chúng ít đa dạng hơn.”
Một người bạn và cũng là đồng nghiệp của tôi, Zoey O’Toole, một nhà vận động sức khỏe có bằng đại học ngành vật lý, người đã từng làm việc như một kỹ sư điện và một lập trình viên máy tính, từ lâu đã nghi ngờ rằng việc tiếp xúc quá nhiều với thuốc kháng sinh có liên quan đến các vấn đề về thần kinh và khả năng nói của con cô ấy.
O’Toole, hiện sống ở ngoại ô New York, cho biết: “Tôi có hai đứa con tiếp xúc với lượng kháng sinh đáng kể khi gần sinh — tôi đã tiêm hai đợt trước khi con gái Kalea của tôi ra đời và ít nhất là một hoặc hai đợt sau khi nó chào đời để điều trị viêm vú,”. “Tôi cũng đã dùng thuốc kháng sinh khi đang chuyển dạ đứa con trai của mình, và sau đó chính Beckett cũng đã có hai đợt sử dụng thuốc kháng sinh lúc 5 tháng và 15 tháng. Cả hai con tôi đều mắc chứng ADHD, các vấn đề về lời nói, chứng khó đọc và lo lắng cao độ ”.
Kết quả tốt hơn
Trong một nghiên cứu được công bố vào năm 2013 trên Tạp chí Y học và Khoa học Bắc Mỹ, bản thân Mumper đã phát hiện ra mối tương quan rõ ràng giữa việc sử dụng thuốc kháng sinh và chứng tự kỷ.
Trong nghiên cứu, bà đã xác định được các phương pháp hay nhất để cho một nhóm gồm 294 trẻ không có bất kỳ chẩn đoán tự kỷ nào (dựa trên tỷ lệ tự kỷ của CDC tại thời điểm đó thì lẽ ra sẽ phải có ít nhất sáu trẻ.)
Những thực hành tốt nhất này bao gồm giảm thiểu tiếp xúc với các chất độc trong môi trường (thuốc trừ sâu và thuốc diệt cỏ,) tối đa hóa việc cho con bú, sử dụng men vi sinh trong giai đoạn sơ sinh, tư vấn dinh dưỡng, hạn chế sử dụng kháng sinh, tránh dùng acetaminophen (thành phần chính trong Tylenol cho trẻ sơ sinh) và chích ngừa cho trẻ em chỉ khi chúng có triệu chứng bệnh thay vì dựa hoàn toàn vào lịch chích vaccine.
Thay đổi thực hành lâm sàng
Theo nghiên cứu của Đại học New York, trước năm 1945, không có trẻ em nào tiếp xúc với thuốc kháng sinh trong thời thơ ấu. Ngày nay, trung bình trẻ em Hoa Kỳ nhận được gần ba đợt thuốc kháng sinh trước 2 tuổi. Nếu việc tiếp xúc với thuốc kháng sinh sớm thực sự gây ra thay đổi chức năng não trên một tỷ lệ lớn trẻ em ở Hoa Kỳ, thì chúng ta phải tìm cách giảm thiểu những ảnh hưởng đó.
Các tác giả nghiên cứu viết: “Những phát hiện hiện tại của chúng tôi sẽ kích hoạt việc kiểm tra lại các đơn thuốc kháng sinh phổ biến khi việc sử dụng chúng không được chỉ định trực tiếp.”
Vậy phải làm thế nào? Một số bác sĩ khuyên chúng ta nên làm tốt hơn nữa việc sàng lọc các yếu tố nguy cơ liên cầu khuẩn Nhóm B cho các bà mẹ, để hàng nghìn trẻ sơ sinh không cần tiếp xúc với thuốc kháng sinh để chỉ ngăn ngừa một hoặc hai trường hợp bị bệnh.
Những người khác nói rằng giảm số ca sinh mổ không cần thiết cũng sẽ giúp giảm tình trạng lạm dụng kháng sinh. Theo một nghiên cứu từ Đại học Minnesota, WHO khuyến cáo rằng các ca sinh mổ nên được giới hạn ở 10 đến 15% trên tổng số các ca sinh – chỉ nên sử dụng trên những ca thực sự có nguy cơ rủi ro cao, tuy nhiên tại một số bệnh viện Hoa Kỳ, tỷ lệ sinh mổ cao tới 70%, theo một nghiên cứu từ Đại học Minnesota. Những ca phẫu thuật dư thừa này ngoài tạo nên các vấn đề phát sinh do tiếp xúc với kháng sinh cho trẻ sơ sinh, còn có thể gây ra nhiều biến chứng về sức khỏe khác cho cả mẹ và bé.
Và các bác sĩ nhi khoa khuyên chúng ta nên tìm những biện pháp can thiệp hiệu quả để hỗ trợ hệ vi sinh đường ruột cho những trẻ thực sự cần dùng kháng sinh sớm. Trong thực tiễn của Mumper, các bà mẹ mới sinh con nên được hỗ trợ và khuyến khích để giúp họ cho con bú sữa mẹ hoàn toàn, nhằm giúp hình thành các vi khuẩn có lợi trong đường ruột của trẻ, cô nói. Mumper cũng đề xuất một loại chế phẩm sinh học đa chủng cho những trẻ sơ sinh có tiếp xúc với thuốc kháng sinh.
Nhưng, có lẽ chiến thuật quan trọng nhất là sự kết hợp giữa phòng ngừa và dinh dưỡng.
Tiến sĩ Mumper nói: “Điều thực sự quan trọng là không nên cho trẻ uống quá nhiều thuốc trong một nghìn ngày đầu tiên của cuộc đời. Và cũng nên thực sự nên quan tâm đến chế độ dinh dưỡng của chúng, để [mà] khi bạn mới bắt đầu cho chúng ăn, chúng sẽ quen với vị đắng và thức ăn lên men. Đường là kẻ thù của hệ vi khuẩn đường ruột khỏe mạnh, vì vậy điều quan trọng là phải giúp con bạn phát triển khẩu vị không chỉ thích ăn đồ ngọt mà thôi ”.
Tiến sĩ Jennifer Margulis là một nhà báo khoa học và là tác giả của “Your Baby, Your Way: Taking Charge of Your Pregnancy, Childbirth, and Parenting Decisions for a Happier, Healthier Family” (Scribner, 2015). Hãy tìm hiểu thêm về công việc của cô ấy và đăng ký nhận email miễn phí hàng tuần tại JenniferMargulis.net
Ngọc Anh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: