Nghiên cứu: Tắm suối nước nóng Nhật Bản có tác dụng điều trị nhiều bệnh lý

Người Nhật Bản từ lâu đã có truyền thống tắm suối nước nóng để chữa bệnh. Ngâm mình trong dòng nước nóng không chỉ giúp con người giải tỏa căng thẳng mà còn đem lại nhiều lợi ích về sắc đẹp và sức khỏe. Theo một nghiên cứu mới đây, tắm suối nước nóng vào buổi tối có thể giúp cải thiện giấc ngủ và ngăn ngừa tình trạng cao huyết áp.

Theo báo cáo ngày 30/11 của nhóm nghiên cứu do Tiến sĩ Yamazaki Satoshi dẫn đầu, thuộc Khoa Nội tiết và Bệnh chuyển hóa tại Bệnh viện Đại học Kyushu, Nhật Bản, ngâm mình trong suối nước nóng sau 7 giờ tối có thể làm giảm tỷ lệ cao huyết áp ở những người trên 65 tuổi.

Theo Bộ Y tế Nhật Bản, hơn 60% người Nhật trên 50 tuổi bị cao huyết áp.

Nhóm nghiên cứu đã khảo sát 10,000 người từ 65 tuổi trở lên ở thành phố Beppu, tỉnh Oira, Nhật Bản, bắt đầu từ năm 2011. Các nhà nghiên cứu đã phân tích độ tuổi, giới tính và tiền sử bị các bệnh như trầm cảm, thiếu máu cơ tim, rối loạn nhịp tim, cao huyết áp, đột quỵ, gout, hen suyễn, tiểu đường, tăng lipid máu, bệnh thận, viêm gan kinh niên, v.v của những người tham gia. Thói quen tắm suối nước nóng cũng được phân tích, bao gồm tần suất, thời gian ngâm mình, số năm tắm và loại suối nước nóng.

Lối vào nhà tắm Suối nước nóng Takegawara truyền thống ở Beppu, Nhật Bản. (Promotion Airport Environment Improvement Foundation/JNTO)
Lối vào nhà tắm Suối nước nóng Takegawara truyền thống ở Beppu, Nhật Bản. (Promotion Airport Environment Improvement Foundation/JNTO)

Kết quả cho thấy những người cao tuổi thường tắm nước nóng vào ban đêm (7–11 giờ tối) có tỷ lệ cao huyết áp thấp hơn. Phân tích cho thấy, tắm suối nước nóng vào buổi tối không chỉ làm giảm tỷ lệ tổn thương gan kinh niên và cao huyết áp mà còn cải thiện chứng rối loạn giấc ngủ do căng thẳng kéo dài.

Cũng theo nghiên cứu, trong quá trình tắm suối nước nóng, cơ thể đáp ứng với sự tăng nhiệt độ bằng cách thay đổi quá trình bài tiết hormone. Tắm suối nước nóng trong thời gian dài cũng là liệu pháp giải tỏa căng thẳng hiệu quả.

Nghiên cứu được công bố trên Tập san Scientific Reports vào ngày 14/11.

Liệu pháp chữa bệnh truyền thống bằng suối nước nóng

Phương pháp trị liệu bằng suối nước nóng ở Nhật Bản đã được biết đến từ thời Nara (710–794), được ghi lại trong các cổ thư như Nihon Shoki (Biên niên sử Nhật Bản) và Otoji.

Liệu pháp suối nước nóng còn được gọi là “Tang Zhi” (nghĩa là tắm thuốc) trong tiếng Nhật, đề cập đến việc tắm trong suối nước nóng hoặc tắm thuốc, hoặc xông hơi trong bồn đá, có tác dụng chữa bệnh nhờ hơi nóng.

Năm 1948, chính phủ Nhật Bản đã đưa ra Đạo luật Suối nước nóng, quy định suối nước nóng chỉ được gọi là suối nước nóng tự nhiên nếu nước phun ra từ lòng đất với nhiệt độ trên 25 độ C, trong nước và hơi nước của suối có bao hàm 1 trong 19 các chất như sắt, ion hydrogen, quặng lưu huỳnh với hàm lượng trên 1g/kg nước suối.

Hơi nước bốc lên từ các nhà tắm suối nước nóng ở Beppu, Nhật Bản. (Sean Pavone/Shutterstock)
Hơi nước bốc lên từ các nhà tắm suối nước nóng ở Beppu, Nhật Bản. (Sean Pavone/Shutterstock)

Theo Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Y tế Onsen, mỗi loại suối nước nóng có thành phần khác nhau sẽ đem lại lợi ích khác nhau. Suối nước nóng được chia thành 10 loại, tùy theo thành phần của nước, bao gồm: nước tinh khiết, acid cacbonic, bicacbonat, sunfat, sắt, iodine, muối, acid, phóng xạ và lưu huỳnh.

Mỗi loại suối khác nhau sẽ điều trị cho bệnh khác nhau. Dựa theo phân loại của Trung tâm:

  • Suối chứa acid cacbonic có tác dụng nhất định trong việc phòng và điều trị bệnh tim, cao huyết áp, xơ vữa động mạch
  • Suối chứa bicarbonate dưỡng ẩm cho da và làm mềm lớp biểu bì; suối chứa sunfat có thể giảm các bệnh ngoài da kinh niên
  • Suối chứa muối có thể cải thiện chứng lạnh tay chân, thiếu máu, triệu chứng của viêm phế quản dị ứng.
  • Suối chứa sắt ban đầu không có màu và trong suốt. Sau khi tiếp xúc với oxy, nước chuyển sang màu nâu trà và giảm hiệu quả điều trị. Suối chứa sắt có tác dụng trong điều trị các bệnh như thiếu máu, thấp khớp, rối loạn mãn kinh, suy tử cung và bệnh viêm da cơ địa kinh niên.
  • Suối nước nóng tinh khiết, với các thành phần khác nhau, có tác dụng làm tăng tuần hoàn máu và giúp giảm đau sau đột quỵ và đau dây thần kinh ngoại vi.
  • Suối chứa sulfat có thể ngăn ngừa xơ vữa động mạch và giúp an thần.

Không chỉ điều hòa cơ thể, suối nước nóng còn giúp thư giãn tinh thần. Có rất nhiều địa điểm suối nước nóng ngoài trời, nơi bạn có thể ngắm hoa anh đào vào mùa xuân, cây phong vào mùa thu và tuyết rơi vào mùa đông. Khi đạt đến trạng thái thiên nhân hợp nhất bằng cách ngâm mình trong dòng nước nóng, thân thể và tinh thần sẽ được thả lỏng và thư giãn.

Tú Liên biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times


Ellen Wan
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Bà Ellen Wan đã làm việc cho ấn bản Nhật ngữ của The Epoch Times từ năm 2007.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn