Nghiên cứu mới: Cây cát lồi làm giảm tình trạng kháng thuốc trong điều trị ung thư phổi

Cô Lee Mi-hyun, giáo sư y khoa tại Đại học Dongshin, Nam Hàn, vào ngày 14/11 đã công bố rằng chất chiết xuất cây “cát lồi” có thể giải quyết vấn đề kháng thuốc nhắm đích Osimertinib.

Ung thư phổi là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trong tất cả các loại ung thư trên thế giới. Phương pháp điều trị chủ yếu trong Tây y đối với ung thư phổi không tế bào nhỏ, loại ung thư phổi phổ biến nhất, là liệu pháp nhắm đích. Tuy nhiên, vấn đề nan giải với liệu pháp nhắm đích là tình trạng kháng thuốc ở một số bệnh nhân.

Theo bệnh học, ung thư phổi có thể chia thành ung thư tế bào nhỏ và ung thư không tế bào nhỏ (NSCLC). Hơn 80% bệnh nhân thuộc loại ung thư phổi không tế bào nhỏ và khoảng 50% ung thư phổi không tế bào nhỏ có đột biến gene ở thụ thể yếu tố tăng trưởng biểu bì (EGFR).

Trong điều trị đột biến gene, nếu bệnh nhân được chích chất chống ung thư đích Osimertinib trong thời gian dài, cơ thể sẽ xuất hiện tình trạng kháng thuốc, từ đó làm giảm hiệu quả điều trị.

Osimertinib là chất ức chế thụ thể yếu tố tăng trưởng biểu bì thế hệ thứ ba (chất ức chế EGFR-tyrosine kinase, EGFR-TKIs), và là một loại thuốc nhắm đích.

Năm 2017, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm và Liên minh Âu Châu đã chấp thuận Osimertinib để điều trị ung thư phổi không tế bào nhỏ. Năm 2018, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Trung Quốc cấp phép loại thuốc này trong điều trị ung thư phổi không tế bào nhỏ thể tiến triển hoặc di căn.

Một nghiên cứu cho thấy chiết xuất từ thảo dược “cát lồi” có thể giải quyết vấn đề kháng thuốc Osimertinib ở bệnh nhân. (Hình minh họa/Shutterstock)
Một nghiên cứu cho thấy chiết xuất từ thảo dược “cát lồi” có thể giải quyết vấn đề kháng thuốc Osimertinib ở bệnh nhân. (Hình minh họa/Shutterstock)

Cô Lee nhận thấy tình trạng kháng thuốc này là do sự hiện diện quá mức của protein MEK và AKT có ảnh hưởng đến sự tồn tại và nhân lên của tế bào ung thư.

Dựa trên điều này, cô Lee xác nhận rằng costunolide, một chất chiết xuất của rễ cát lồi, có thể nhắm đến protein MEK và AKT, từ đó ngăn chặn hiệu quả sự tăng sinh ung thư và làm chết tế bào kháng oxitinib trên mô hình động vật.

Theo quan điểm của y học Đại Hàn (tương tự như Trung Y), cát lồi chủ yếu được dùng để điều trị chứng đầy hơi ở vùng ngực hoặc thượng vị, vàng da, chán ăn, tiêu chảy, mót rặn (chứng đau trực tràng do chuột rút) và tiêu hóa kém.

Các nghiên cứu dược lý hiện đại cho thấy cát lồi có tác dụng bảo vệ niêm mạc dạ dày, chống viêm, giảm đau, điều hòa nhu động đường tiêu hóa, bổ mật, ức chế vi sinh vật gây bệnh và kháng u.

“Chúng tôi đang thực hiện nhiều nghiên cứu để giải quyết vấn đề kháng thuốc trong điều trị ung thư phổi bằng phương pháp Tây y, và chúng tôi sẽ cố gắng biến điều này thành cơ hội cho sự phát triển của y học Đại Hàn,” cô Lee cho biết.

Kết quả nghiên cứu chung của cô Lee với Viện Ung thư Hormel Trung – Mỹ đã được công bố trên Tập san quốc tế Molecular Cancer vào ngày 6/10.

Các bài báo của Epoch Health nhằm mục đích cung cấp thông tin và không thay thế cho điều trị. Vui lòng tham khảo ý kiến ​​của một chuyên gia đáng tin cậy để được tư vấn, chẩn đoán và điều trị y tế. Nếu quý vị có câu hỏi? Hãy gửi email cho chúng tôi theo địa chỉ [email protected].

Thanh Ngọc biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

Lisa Bian
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Lisa Bian, là chuyên gia chăm sóc sức khỏe có bằng Cử nhân Khoa học Y khoa. Với nền tảng kiến thức phong phú, bà đã tích lũy được hơn ba năm kinh nghiệm thực tế với tư cách là bác sĩ Trung y. Ngoài chuyên môn lâm sàng, bà còn là nhà văn thành đạt ở Nam Hàn, có những đóng góp quý giá cho The Epoch Times. Những tác phẩm sâu sắc của bà bao gồm nhiều chủ đề, bao gồm y học tích hợp, xã hội, văn hóa Nam Hàn và quan hệ quốc tế.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn