Nghiên cứu: Khí độc từ các sản phẩm tiêu dùng có khả năng đe dọa sức khỏe trầm trọng
Hầu hết mọi người đều cho rằng các sản phẩm thường dùng trong đời sống hàng ngày là an toàn. Các nhà sản xuất thường không cần tiết lộ các thành phần trong sản phẩm, nên mọi người không biết được họ đang tiếp xúc với những thành phần gì và có ảnh hưởng gì đối với sức khỏe không. Nghiên cứu cho thấy người ta có xu hướng đánh giá thấp sự hiện diện của các chất độc hại trong các sản phẩm tiêu dùng này. Trên thực tế, nhiều sản phẩm thường dùng hàng ngày có thể thải ra các khí độc, đe dọa đáng kể đến sức khỏe con người.
Một nghiên cứu gần đây được đăng trên tập san Environmental Science & Technology vào tháng 05/2023, đã tiết lộ trên 100 loại sản phẩm tiêu dùng bao gồm kem dưỡng da, dầu gội đầu, chất tẩy rửa, chất tẩy sơn, và băng phiến, có chứa các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi độc hại (VOC). Những hóa chất này được thải ra dưới dạng khí và tích tụ `trong nhà, có thể gây nguy hại cho sức khỏe sinh sản và phát triển, cũng như gây bệnh ung thư.
Hợp chất hữu cơ dễ bay hơi (VOC) là các chất khí được thải ra từ các sản phẩm tiêu dùng dạng rắn hoặc lỏng. Hàng nghìn sản phẩm khác nhau đều thải ra VOC, và nồng độ [VOC] trong nhà có thể cao gấp 10 lần so với ở bên ngoài nhà. Hít phải VOC có thể gây kích ứng mắt, mũi, họng, dẫn đến khó thở và buồn nôn. Trong các trường hợp nặng, tiếp xúc với VOC thậm chí có thể gây tổn thương gan, thận, hệ thần kinh trung ương.
Các nhà nghiên cứu từ Viện Silent Spring và Đại học California, Berkeley, đã tiến hành một nghiên cứu sử dụng dữ liệu từ California Air Resources Board. Nghiên cứu nhắm mục tiêu cụ thể vào 33 chất VOC được liệt kê trong Dự luật 65 của California. Dữ liệu này bao gồm thông tin về nồng độ VOC trên các danh mục sản phẩm khác nhau và khối lượng bán hàng chi tiết cho từng sản phẩm được bày bán ở California.
Phân tích cho thấy trên 100 sản phẩm chứa các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi (VOC) được liệt kê trong Dự luật 65. Trong số đó, 30 sản phẩm (bao gồm nhiều loại sản phẩm chăm sóc cá nhân khác nhau) chứa các hóa chất có hại gây ra các rủi ro tiềm ẩn cho sức khỏe và cần đặc biệt chú ý.
Theo nghiên cứu này, benzene là một trong những hợp chất VOC trong các sản phẩm tiêu dùng. Benzene là một chất gây ung thư thường được dùng trong sản xuất thuốc nhuộm, chất tẩy rửa, thuốc, thuốc trừ sâu, `và các sản phẩm khác. Chất này cản trở việc sản xuất đầy đủ các tế bào hồng cầu trong tủy xương, dẫn đến thiếu máu. Ngoài ra, benzene còn làm thay đổi mức kháng thể trong máu và làm giảm tế bào hồng cầu, dẫn đến suy yếu hệ thống miễn dịch.
Vào tháng 11/2021, Valisure, một phòng thí nghiệm độc lập, đã công bố một báo cáo điều tra về 108 lô lăn khử mùi và xịt khử mùi từ 30 thương hiệu khác nhau. Các kết quả cho thấy hơn một nửa số lô có chứa benzene. Phát hiện này đã khiến Procter & Gamble phải thu hồi một số lô sản phẩm xịt khử mùi được bán ở Hoa Kỳ.
Một lĩnh vực đáng quan tâm khác liên quan đến việc dùng các sản phẩm trong môi trường làm việc, nơi các nhân viên thường tiếp xúc với nhiều sản phẩm, mỗi sản phẩm có thể chứa ít nhất 1 loại hóa chất độc hại. Ví dụ, chất kết dính đã được phát hiện có chứa một số chất VOC được liệt kê trong Dự luật 65, cho thấy các nhân viên có thể tiếp xúc với nhiều chất độc khi chỉ dùng một loại sản phẩm.
Tương tự như vậy, các chuyên gia làm việc trong các salon làm móng, tóc thường dùng sơn móng tay, đồ chăm sóc móng, dầu gội, mỹ phẩm, trong khi nhân viên vệ sinh dùng nhiều chất làm sạch, dung môi, chất tẩy rửa và các sản phẩm gia dụng khác. Những sản phẩm này có thể chứa nhiều hợp chất VOC được liệt kê trong Dự luật 65.
Người ta cũng phát hiện các chất tẩy rửa nhà ở thông thường, đồ dùng văn phòng và nghệ thuật, và nhiều sản phẩm gia dụng khác đều có chứa nhiều hóa chất được liệt kê trong Dự luật 65. Ví dụ, formaldehyde là một hóa chất độc hại phổ biến nhất trong các sản phẩm chăm sóc cá nhân như sơn móng tay, dầu gội đầu, và mỹ phẩm. Theo Viện Ung thư Quốc gia (National Cancer Institute), formaldehyde là một chất gây ung thư đã được biến đến.
Theo nghiên cứu, các nhà nghiên cứu đã tính toán rằng, chỉ riêng các sản phẩm tiêu dùng ở California đã thải ra hơn 5,000 tấn VOC có trong Dự luật 65 vào năm 2020. Trong số đó, gần 300 tấn là từ băng phiến, có chứa dichlorobenzene. Độc tính của dichlorobenzene có thể ảnh hưởng đến nhiều hệ cơ quan, bao gồm gan, thận, da, phổi và hệ thần kinh trung ương.
Theo ước tính của California Air Resources Board, khoảng 2.75 tấn methylene chloride (dichloromethane) được thải ra hàng ngày từ các sản phẩm tiêu dùng vào năm 2020, trong đó chất tẩy sơn là nguồn chính. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) tuyên bố rằng methylene chloride có thể gây hại cho mắt, da, gan, và tim. Chất này thậm chí có thể gây ung thư. Tiếp xúc với hóa chất này có thể dẫn đến buồn ngủ, buồn nôn, chóng mặt, tê liệt, và tê bì chân tay. Tiếp xúc nhiều có thể dẫn đến mất ý thức và thậm chí tử vong.
Ông Kristin Knox, tác giả chính của nghiên cứu nói trên cho biết, “Nghiên cứu này là nghiên cứu đầu tiên tiết lộ việc tiếp xúc với các hợp chất VOC độc hại trong tất cả các sản phẩm thường dùng hàng ngày có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe trầm trọng. Việc công khai thông tin này có thể khuyến khích các nhà sản xuất cải tiến các sản phẩm của họ và sử dụng các thành phần an toàn hơn.”
Các nhà nghiên cứu đề nghị rằng “Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ (EPA) nên xem xét việc điều chỉnh 5 hóa chất bổ sung sau đây theo Đạo luật Kiểm soát Chất độc hại (TSCA): ethylene oxide, styrene, 1,3-dichloropropene, diethanolamine, và cumene.
Hiệp hội Phổi Hoa Kỳ (American Lung Association) khuyến nghị thực hiện các giải pháp sau đây để bảo vệ bản thân khỏi VOC.
Vân Hi biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times