Nghiên cứu: Hiệu quả của một số loại vaccine COVID-19 đã sụt giảm đáng kể
Một nghiên cứu mới cho thấy rằng hiệu quả của hai loại vaccine COVID-19 được sử dụng rộng rãi nhất ở Hoa Kỳ đã sụt giảm đáng kể vào tháng 7.
Các nhà nghiên cứu của Mayo Clinic và công ty phân tích dữ liệu có trụ sở tại Massachusetts đã phát hiện các vaccine của Moderna và Pfizer đã có hiệu quả cao trong việc ngăn chặn sự lây truyền của virus Trung Cộng, nguyên nhân gây ra COVID-19, trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 6.
Tuy nhiên trong tháng 7, các nhà nghiên cứu cho biết hiệu quả của vaccine Moderna đã giảm xuống còn 76%, trong khi hiệu quả của vaccine Pfizer đã giảm mạnh xuống còn 42%.
Các nhà khoa học đã nghiên cứu các hồ sơ sức khỏe từ Mayo Clinic nhằm xác định hiệu quả [của các vaccine này] trong một nghiên cứu quan sát đã được xuất bản trực tuyến gần đây (pdf), nhưng chưa được bình duyệt.
Các nhà nghiên cứu lưu ý rằng, thời điểm hiệu quả [của các vaccine này] bị giảm sút được quan sát, cũng là lúc biến thể Delta của virus Trung Cộng trở nên phổ biến hơn tại Minnesota, chiếm hơn 70% số ca nhiễm của tiểu bang này.
Trong khi đó, các nhà nghiên cứu cũng phát hiện rằng các vaccine này vẫn có hiệu quả cao trong việc ngăn chặn việc nhập viện.
Các nhà nghiên cứu viết, “Nghiên cứu quan sát của chúng tôi cho thấy rằng mặc dù cả hai loại vaccine COVID-19 dựa trên công nghệ mRNA đều bảo vệ mạnh mẽ chống lại nhiễm trùng và bệnh nặng, nhưng trên thực tế, hiệu quả của hai loại vaccine này có sự khác biệt khi so sánh với nhau và khi so sánh với hiệu quả trong những tháng trước của đại dịch. Cần phải làm các nghiên cứu lớn hơn với những nhóm dân số đa dạng hơn để hướng dẫn các quyết định quan trọng về sức khỏe cộng đồng và toàn cầu đang chờ giải quyết, chẳng hạn như thời điểm tối ưu cho các mũi chích bổ sung và loại vaccine nào nên được sử dụng cho những người chưa được chích liều vaccine nào.”
Pfizer nói với The Epoch Times trong một email rằng công ty này và đối tác của họ, BioNTech, “dựa vào khoa học để tìm ra các cách tiếp cận tốt nhất nhằm bảo vệ chống lại COVID-19 và tự tin vào khả năng bảo vệ cũng như tính an toàn của vaccine hai liều BNT162b2 chống lại COVID-19.”
Moderna đã không lập tức phúc đáp yêu cầu bình luận.
Vaccine của họ là các loại được sử dụng rộng rãi nhất ở Hoa Kỳ. Tại Hoa Kỳ còn có một loại vaccine khác—vaccine của Johnson & Johnson—được chấp thuận sử dụng trong trường hợp khẩn cấp.
Khi các cơ quan quản lý dược phẩm chấp thuận sử dụng các vaccine này hồi tháng 12/2020, họ nói rằng dữ liệu thử nghiệm lâm sàng cho thấy vaccine Pfizer có hiệu quả 95% trong việc ngăn ngừa COVID-19 và vaccine Moderna có hiệu quả 94.1%.
Gần đây, các công ty này đã báo cáo về sự sụt giảm hiệu quả trong vaccine của họ, với Moderna giảm xuống còn 93% và Pfizer giảm xuống còn 84% sau 6 tháng.
Nhưng cũng có các nghiên cứu khác gần đây cho thấy khả năng về một [tỷ lệ] hiệu quả thấp hơn nhiều, đặc biệt là đối với vaccine Pfizer.
Ví dụ, một nghiên cứu từ Qatar cho thấy hiệu quả của vaccine Pfizer chỉ là 53.5%, trong khi các nhà nghiên cứu ở Israel kết luận vaccine Pfizer chỉ có hiệu quả 39% chống lại nhiễm trùng.
Con số này là cao hơn trong các nghiên cứu khác, bao gồm cả một bài báo được xuất bản trên New England Journal of Medicine, trong đó phát hiện rằng vaccine Pfizer có hiệu quả 88% chống lại biến thể Delta.
Theo ông Eric Topol, giám đốc và người sáng lập Viện Nghiên cứu Dịch mã Scripps, các nghiên cứu gần đây gộp lại đã đưa ra ước tính [về tỷ lệ] hiệu quả của vaccine mRNA chống lại nhiễm trùng có triệu chứng là khoảng 50 đến 60%.
Ông viết trên Twitter, “Cần phải nói ra sự thật về sự sụt giảm khả năng bảo vệ của vaccine mRNA đối với nhiễm trùng Delta có triệu chứng. Tại sao điều này quan trọng? Bởi chúng ta cần phải bảo vệ những người đã được bảo vệ, những người đã được chích ngừa đầy đủ. Chắc chắn là chúng ta muốn nhiều người hơn được chích ngừa, nhưng sự thật mới tạo ra sự tin tưởng. Và sự thật sẽ giúp hướng dẫn mọi người được an toàn, đeo khẩu trang, giãn cách, không khí thoáng đãng và tất cả các công cụ khác mà chúng ta có và biết là hữu dụng.”
Tiến sĩ Monica Gandhi, giáo sư y khoa tại Đại học California–San Francisco và Bệnh viện Đa khoa San Francisco, nói rằng cái gọi là nhiễm trùng đột phá, hoặc nhiễm trùng trên những người đã được chích ngừa, được cho là xuất phát từ thời gian ủ bệnh của biến thể Delta giảm xuống, dẫn đến tải lượng virus cao hơn, hoặc hiệu giá kháng thể suy giảm.
Bà nói với The Epoch Times trong một email, “Vì các tế bào T bảo vệ chúng ta chống lại bệnh nặng, và chúng không suy yếu theo thời gian, nên khả năng bảo vệ khỏi bệnh nặng có thể được duy trì ngay cả khi các kháng thể trong vùng mũi (và khả năng bảo vệ khỏi những lần nhiễm trùng đột phá nhẹ) yếu dần.”
Kết quả rút ra từ nghiên cứu của Mayo Clinic là các vaccine “vẫn có hiệu quả đáng kể trong việc bảo vệ chúng ta chống lại bệnh nặng nhưng sự khác biệt được thấy ở các ca nhiễm đột phá nhẹ với các vaccine của Moderna và Pfizer có khả năng là có thật, và có khả năng phản ánh đáp ứng kháng thể cao hơn (bảo vệ quý vị khỏi nhiễm trùng nhẹ) với vaccine của Moderna,” bà cho biết thêm.
Hiệu quả suy yếu dần của vaccine đang khiến các quan chức Hoa Kỳ cân nhắc việc khuyến nghị một số nhóm người nhất định nên chích mũi bổ sung.
Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) được cho là sẽ sớm chấp thuận mũi chích bổ sung, trước cuộc họp ban cố vấn của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) vào ngày 13/08 để thảo luận về việc liệu có cần thiết phải có mũi chích bổ sung hay không.
Tháng trước (07/2021), ban cố vấn đã cân nhắc về mũi chích bổ sung, nhưng cuối cùng đã quyết định không đưa ra khuyến nghị vào thời điểm đó.
Zachary Stieber là phóng viên phụ trách mảng tin tức Hoa Kỳ, bao gồm cả tin tức chính trị và các vụ kiện ở Hoa Kỳ. Anh bắt đầu làm việc cho The Epoch Times với vai trò là một ký giả đưa tin về Thành phố New York.
Do Zachary Stieber thực hiện
Thu Anh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: