Mướp đắng: Phương thuốc hữu hiệu với tiểu đường type 1
Chúng ta từ lâu đã biết rằng cách ăn uống có thể cải thiện bệnh tiểu đường type 2, nhưng hiếm khi có thể tìm ra giải pháp can thiệp cho bệnh tiểu đường type 1.
Trong những năm gần đây, ngày càng nhiều nghiên cứu phát hiện ra rằng một loại rau củ chứa hàng trăm hoạt chất có tác dụng độc đáo trong việc làm giảm triệu chứng của cả bệnh tiểu đường type I và II, cũng như có lợi cho quá trình chuyển hóa glucose ở người khỏe mạnh. Đó chính là mướp đắng.
Theo Liên đoàn Tiểu Đường Quốc tế, vào năm 2021, trên toàn thế giới có khoảng 537 triệu người bị bệnh tiểu đường và 6.7 triệu người tử vong do bệnh tiểu đường. Con số này tương đương với việc cứ 5 giây lại có một người tử vong do bệnh tiểu đường.
Ngoài ra, trên thế giới cũng có khoảng 541 triệu người trưởng thành bị rối loạn dung nạp glucose (IGT) và có nguy cơ cao phát triển thành bệnh tiểu đường type 2. Số người bị tiểu đường dự kiến sẽ tăng lên thành 643 triệu người vào năm 2030 và 783 triệu người vào năm 2045.
Bệnh tiểu đường là một căn bệnh kinh niên có thể gây tổn thương tim, mạch máu, mắt, dây thần kinh và hệ thống cơ xương một cách từ từ, và là nguyên nhân chính dẫn đến suy thận và mù lòa.
Bệnh tiểu đường thường được chia thành bốn loại: tiểu đường type 1, tiểu đường type 2, tiểu đường thai kỳ và các loại tiểu đường khác.
Trong các tình huống thông thường, tế bào có thể hấp thụ và chuyển hóa đường thành năng lượng dưới sự “chỉ dẫn” của insulin.
Nhưng trong tiểu đường type 1, tế bào beta sản xuất insulin ở tuyến tụy bị tổn thương vì nhiều lý do khác nhau, dẫn đến suy giảm khả năng bài tiết insulin. Do thiếu insulin, những người bị bệnh tiểu đường type 1 sẽ có mức đường máu cao và cần chích thêm insulin vào cơ thể.
Bệnh nhân tiểu đường type 2 chủ yếu gặp tình trạng đề kháng với insulin. Tuyến tụy có thể sản xuất insulin như bình thường, nhưng cơ thể mất đi tính nhạy với insulin. Ngay cả khi có đủ hoặc thậm chí rất nhiều insulin, các tế bào cũng không nhận được đủ tín hiệu để hấp thụ đường, do đó lượng đường trong máu không giảm một cách thích hợp. Những bệnh nhân này thường phải uống thuốc hạ đường huyết để giảm lượng đường trong máu.
Mướp đắng có nhiều tác dụng trị liệu, đáng chú ý là khả năng chống bệnh tiểu đường
Ngoài thuốc hạ đường huyết, cách ăn uống và kiểm soát lối sống cũng là những khía cạnh quan trọng để điều trị tiểu đường. Người ta cũng tìm kiếm những loại thực vật tự nhiên có tác dụng chữa bệnh tiểu đường.
Mướp đắng chính là thực phẩm nổi bật nhất trong số những loại thực vật này.
Mặc dù mướp đắng có vị đắng đặc biệt, nhưng đây vẫn là loại rau quả phổ biến trên khắp thế giới, thường được tìm thấy ở các chợ nông sản và siêu thị. Điều này một phần là do mọi người yêu thích những lợi ích của loại rau có vị đắng này và mướp đắng cũng sở hữu một số đặc tính không thể tìm thấy ở những loại rau khác.
Toàn bộ cây mướp đắng, đặc biệt là hạt và quả, đã được dùng trong hàng ngàn năm để chữa bệnh. Là một loại thuốc dân gian, mướp đắng được dùng rộng rãi để điều trị đau răng, tiêu chảy, nhọt và giun. Mướp đắng cũng có tác dụng chống sốt rét, nhuận tràng, giảm đau bụng kinh, điều trị viêm da cơ địa, bệnh gout, bệnh vàng da, bệnh phong, bệnh trĩ, viêm phổi, bệnh vẩy nến, bệnh thấp khớp và bệnh ghẻ. Một số người cũng dùng mướp đắng cho mục đích tránh thai.
Mướp đắng có hơn 225 thành phần dược chất cùng rất nhiều thành phần có lợi khác.
Bên cạnh polysaccharide, protein, peptide và lipid, mướp đắng còn chứa triterpenoids, saponin, flavonoid, alkaloid và sterol. Những chất này có tác dụng chống ung thư, chống oxy hóa, chống viêm, kháng virus, kháng khuẩn, hỗ trợ miễn dịch và/hoặc chống bệnh tiểu đường.
Tác dụng chống tiểu đường của mướp đắng đang thu hút được sự quan tâm và nghiên cứu sâu hơn trên toàn thế giới. Khi tìm kiếm với từ khóa “mướp đắng và bệnh tiểu đường” trên PubMed, một công cụ tài liệu y sinh, đã cho thấy ngày càng có nhiều kết quả nghiên cứu được công bố trong những năm gần đây.
Những nghiên cứu này cho thấy mướp đắng có thể làm giảm và điều trị bệnh tiểu đường type 1 và type 2 ở một mức độ nhất định. Tác dụng chống tiểu đường của mướp đắng đến từ khả năng điều chỉnh chức năng tuyến tụy và điều chỉnh cơ chế bên ngoài tuyến tụy.
Giảm tiểu đường type 1 bằng cách kích thích bài tiết insulin
– Các thành phần trong mướp đắng kích thích bài tiết insulin:
Một số thành phần trong mướp đắng, chẳng hạn như saponin và phức hợp polysaccharide-chromium, có thể trợ giúp quá trình bài tiết insulin ở tuyến tụy.
Chiết xuất mướp đắng cũng giúp kích thích bài tiết một loại enzyme trong đường ruột, góp phần làm tăng sinh tế bào tiểu đảo và tăng bài tiết insulin. Tế bào tiểu đảo là những tế bào tuyến tụy tiết ra các hormone như insulin và glucagon.
– Các thành phần trong mướp đắng có thể bảo vệ tế bào tiểu đảo khỏi bị tổn thương:
Triterpenoids và polysaccharides trong mướp đắng có thể bảo vệ hoạt động của tế bào tuyến tụy khỏi bị tổn thương, đặc biệt là tổn thương do oxy hóa.
Các nhà nghiên cứu đã xử lý tế bào tuyến tụy bằng đường và sau đó bổ sung thêm chiết xuất mướp đắng. Kết quả cho thấy chất chiết xuất này có tác dụng bảo tồn tế bào tuyến tụy trong một thời gian nhất định, so với nhóm đối chứng không bổ sung chất này.
Các thành phần trong mướp đắng có thể giúp bảo vệ tế bào β tuyến tụy bằng cách điều chỉnh hoạt động của một số enzym. Chiết xuất mướp đắng giúp điều hòa hormone glucocorticoid có thể phá hủy tế bào β ở nồng độ cao, do đó giúp bảo vệ tuyến tụy và bảo đảm việc bài tiết insulin.
– Các thành phần trong mướp đắng giúp sửa chữa tế bào tuyến tụy:
Chiết xuất mướp đắng có thể trợ giúp quá trình tái tạo tế bào tuyến tụy bị thương tổn và khôi phục số lượng ban đầu. Việc uống nước ép mướp đắng cũng giúp cải thiện tình trạng và chức năng tuyến tụy.
Chiết xuất mướp đắng cũng làm tăng số lượng và khối lượng tế bào β tuyến tụy, từ đó giúp cơ thể bài tiết lượng insulin tương đương với nhóm không bị tiểu đường.
Bột mướp đắng cũng làm tăng đáng kể sự biểu hiện của gen điều hòa sự phát triển tuyến tụy và kích thích sự phát triển của tế bào β tuyến tụy.
Ngoài ra, thí nghiệm trên động vật (pdf) cũng cho thấy nước ép mướp đắng có tác dụng tốt trong việc kiểm soát lượng đường và lipid trong máu ở chuột bị tiểu đường type 1.
Giảm tiểu đường type 2 bằng cách cải thiện tình trạng kháng insulin
Mướp đắng có thể cải thiện tình trạng kháng insulin bằng cách làm giảm khả năng sản xuất glucose ở gan, kích thích quá trình hấp thụ glucose ở tế bào cơ và tế bào mỡ, đồng thời hỗ trợ bài tiết insulin để giảm bớt lượng insulin dư thừa trong máu.
– Một số glycoside, polypeptide và polysaccharide trong mướp đắng có thể làm giảm lượng đường trong máu.
– Triterpenoids trong mướp đắng, chẳng hạn như glycoside, cùng một số protein và peptide có thể làm tăng hấp thu, tiêu thụ và sử dụng glucose trong tế bào. Một số có thể kết hợp với insulin để đạt được hiệu quả, và một số có thể hoạt động độc lập.
– Glucoside và charantin trong mướp đắng giúp ức chế hoạt động của một số enzym và làm chậm quá trình hấp thụ đường. Ngoài ra, hàm lượng chất xơ dồi dào trong mướp đắng cũng giúp làm chậm quá trình hấp thụ glucose.
– Mướp đắng có thể ức chế sản xuất glucose ở tế bào gan, cũng như ức chế quá trình tân tạo đường (tổng hợp glucose từ các chất không phải carbohydrate) tại gan.
– Mướp đắng giúp ức chế các enzym liên quan đến tình trạng kháng tiểu đảo, do đó điều chỉnh tình trạng kháng insulin.
– Mướp đắng chứa các chất chống oxy hóa và chống viêm giúp làm giảm sự đề kháng insulin và kiểm soát quá trình khởi phát và tiến triển của bệnh tiểu đường.
Tác dụng hạ đường huyết và bảo vệ tim mạch
Một số thử nghiệm lâm sàng trên quy mô nhỏ cho thấy việc tiêu thụ mướp đắng đem lại hiệu quả tương tự như các thuốc làm hạ đường huyết.
Ở Ấn Độ, một nhóm bệnh nhân tiểu đường type 2 được uống một nửa liều thuốc hạ đường huyết và chiết xuất mướp đắng cho thấy hiệu quả giảm đường huyết sau bảy ngày lớn hơn so với nhóm đối chứng dùng đủ liều thuốc hạ đường huyết.
Ở 100 bệnh nhân bị bệnh tiểu đường không phụ thuộc insulin (NIDDM – tiểu đường type 2), khi uống nước ép mướp đắng, 86% đã giảm đáng kể lượng đường huyết thanh lúc đói và sau ăn, và 5% đã giảm lượng đường huyết thanh lúc đói.
Một thử nghiệm đối chứng ngẫu nhiên khác ở những người bị bệnh tiểu đường không phụ thuộc insulin cho thấy hiệu quả của chiết xuất mướp đắng tương tự như thuốc điều trị tiểu đường rosiglitazone.
Một loại thuốc hạ đường huyết phổ biến khác là metformin. Trong một thử nghiệm đối chứng ngẫu nhiên mù đôi kéo dài 4 tuần, các nhà nghiên cứu đã đánh giá hiệu quả của mướp đắng và metformin ở những bệnh nhân mới được chẩn đoán tiểu đường type 2. Kết quả cho thấy mướp đắng có tác dụng làm hạ đường huyết khiêm tốn hơn so với thuốc, tương tự kết luận ở một thử nghiệm đối chứng khác dùng mướp đắng và glibenclamide vào năm 2015.
Hơn nữa, một thí nghiệm vào năm 2015 được công bố trên Tạp chí Dinh dưỡng cho thấy thêm rằng lượng chất béo trung tính và cholesterol toàn phần đã giảm đáng kể ở những người dùng mướp đắng, trong khi những người dùng thuốc bị tăng lipid máu.
Điều này cho thấy ngoài tác dụng hạ đường huyết, mướp đắng có tác dụng toàn diện trong việc điều hòa và chuyển hóa lipid ở bệnh nhân tiểu đường. Hơn nữa, mướp đắng là loại thực phẩm tự nhiên nên sẽ tránh được những tác dụng phụ có hại của thuốc với cơ thể.
Hai trường hợp cần thận trọng với mướp đắng
Mướp đắng là một thực phẩm bổ dưỡng, nhưng một số người cần lưu ý khi thưởng thức loại rau quả này.
Vì mướp đắng có tác dụng hạ đường huyết, tốt nhất là bạn không nên ăn mướp đắng khi bụng đói.
Hơn nữa, mướp đắng được dùng trong một số phương pháp y học cổ truyền để phá thai và tránh thai.
Các nghiên cứu cho thấy việc dùng mướp đắng có thể gây nguy cơ sảy thai và dị tật bẩm sinh (pdf). Mướp đắng cũng làm giảm đáng kể lượng estrogen và progesterone, cho thấy khả năng chống thụ tinh và kháng tinh trùng. Do vậy, nên thận trọng khi dùng mướp đắng ở những bệnh nhân tiểu đường đang muốn có thai hoặc đang mang thai.
Các nhà nghiên cứu cũng gợi ý rằng loại bỏ hạt khi tiêu thụ mướp đắng tươi có thể làm giảm nguy cơ của một số tác dụng phụ.
Chiết xuất nước mướp đắng đã được chứng minh là có hiệu quả cao hơn so với dạng bột khô trong điều trị tiểu đường. Điều này có thể là do một số thành phần hoạt tính đã bị mất đi trong quá trình làm khô và chế biến thành bột. Chiết xuất đông khô của nước ép mướp đắng đã được dùng trong một số nghiên cứu ở người do hoạt tính sinh học dễ bảo quản và xử lý.
Khi lựa chọn thực phẩm bổ sung chứa các thành phần có lợi của mướp đắng, bạn có thể dùng 3mg triterpenoids loại cucurbitane mỗi ngày. Đây là lượng tiêu thụ trung bình của nhiều sản phẩm bổ sung từ mướp đắng.
Thanh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times