Mưa đen: Điều gì sẽ xảy ra với phòng cấp cứu trong chiến tranh hạt nhân
Các hạt phóng xạ từ vụ nổ hạt nhân sẽ kết hợp lại và rơi xuống trái đất như một “cơn mưa đen”, gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe. Đây cũng là một vấn đề nguy hiểm với khoa cấp cứu.
Tôi nhớ đã đến thăm Hiroshima vào năm 1985 cùng với một người bạn thân là bác sĩ. Đó không chỉ là một nơi kỳ lạ mà còn rất hấp dẫn. Người hướng dẫn của chúng tôi là một phụ nữ người Nhật đáng yêu, cô nói rằng người bà của cô đã sống sót sau vụ nổ và kể lại những nỗi kinh hoàng sau đó. Mọi thứ xung quanh đài tưởng niệm hiện đã được xây dựng lại, chỉ còn tàn tích của Hội trường Triển lãm thương mại tỉnh Hiroshima để tưởng nhớ.
Tôi nhớ rằng khi còn là một đứa trẻ trong thời kỳ đỉnh điểm của Chiến tranh lạnh, tôi thường phải lắng nghe các cuộc tập trận không kích và được giáo viên dạy “chui xuống và trốn”. Tất cả chúng tôi sẽ dừng công việc đang làm và chui xuống dưới bàn cho đến khi cuộc tập trận kết thúc.
Mọi người đều biết đến cuộc chiến tranh Nga chống lại Ukraine, và tôi có rất nhiều bệnh nhân bày tỏ mối lo ngại rằng sẽ xảy ra cuộc chiến tranh hạt nhân. Chưa kể có quá nhiều bệnh nhân hỏi về việc họ nên chuẩn bị như thế nào cho một cuộc chiến như vậy.
Mặc dù tôi cảm thấy các phương tiện truyền thông đang khiến mọi người sợ hãi để thu hút người xem, nhưng nỗi sợ hãi là có thật và tôi cho rằng mối đe dọa này cũng có thật, tuy rằng khó có thể xảy ra.
Vậy khoa cấp cứu sẽ trông như thế nào trong một cuộc chiến hạt nhân như vậy? Nếu trung tâm cấp cứu quá gần với vụ nổ, thì sẽ không có phòng cấp cứu nào cả.
Nếu không phải vậy, viễn cảnh xảy ra sẽ phụ thuộc vào một số yếu tố, bao gồm kích cỡ của quả bom và khoảng cách với vụ nổ. Quả bom ở Hiroshima nặng 15,000 tấn. Ước tính rằng có 100,000 người tử vong vì vụ nổ nguyên tử và phơi nhiễm phóng xạ cả ngắn hạn và dài hạn. Vũ khí hạt nhân lớn nhất từng được kích nổ là vụ thử hạt nhân Tsar Bomba vào ngày 30/10/1961, trên một hòn đảo ở Bắc cực của Nga.
Bảo tàng Quốc gia về Thế chiến thứ II thuật lại: “Vụ nổ vô cùng mạnh mẽ – trên thực tế mạnh gấp hơn 1,570 lần so với hai quả bom ném xuống Hiroshima và Nagasaki cộng lại.”
Không có người tử vong trong vụ nổ đó, nhưng những cửa sổ cách đó khoảng 480 dặm (772,4851km) bị vỡ tan tành.
Có năm mối lo ngại ban đầu chủ yếu về vụ nổ hạt nhân. Tôi tin chắc rằng mọi người có thể thêm hàng tá điều khác vào danh sách này.
Điều thứ nhất hiển nhiên là quả cầu lửa khổng lồ sẽ xóa sổ mọi thứ trên đường đi của nó.
Thứ hai là sóng xung kích, thậm chí còn kinh khủng hơn quả cầu lửa vì khi vụ nổ lan rộng, sóng xung kích sẽ san bằng các tòa nhà cũng như cây cối.
Điều đáng lo ngại thứ ba là ánh sáng từ vụ nổ và hậu quả gây mù vĩnh viễn của nó.
Tiếp theo là bức xạ. Tia gamma được giải phóng ngay từ lúc đầu và sẽ xuyên qua hầu hết mọi thứ, bao gồm cả việc xuyên qua và phá huỷ tế bào con người.
Cuối cùng, phải kể đến xung điện từ (EMP). Xung điện từ có thể thực sự ảnh hưởng đến phòng cấp cứu (nếu bạn cho rằng bốn lo ngại phía trước vẫn chưa đủ tệ). Bởi vì xung điện từ có thể gây mất điện trên diện rộng, bao gồm cả sự cố của nhiều thiết bị cứu sinh y tế.
Trong khi tia gamma thoát ra vào lúc đầu là một vấn đề, thì các mảnh vỡ phóng xạ sẽ tiếp tục phát tán cùng với bụi phóng xạ. Các hạt phóng xạ từ vụ nổ ban đầu kết hợp lại và rồi rơi xuống trái đất như một “cơn mưa đen”. Đó là lý do tại sao cần phải nhanh chóng tìm nơi trú ẩn và vứt bỏ hoặc giặt sạch tất cả áo quần bị phơi nhiễm [phóng xạ]. Tốt nhất là nên lánh ở nơi trú ẩn trong thời gian lâu nhất có thể, ít nhất là trong 48 giờ, nhưng càng lâu càng tốt.
Đây là một vấn đề nguy hiểm đối với khoa cấp cứu, với điều kiện nó vẫn còn nguyên vẹn. Chúng ta có nên giữ nguyên vị trí không? Chúng ta có nên thử di chuyển bệnh nhân và thiết bị xuống dưới lòng đất không? Còn những bệnh nhân không ổn định thì sao? Nơi an toàn nhất sẽ là dưới lòng đất với càng nhiều lớp bảo vệ bằng bê tông càng tốt.
Các bệnh nhân ban đầu được khám tại khoa cấp cứu sẽ là những người bị chấn thương ngay lập tức do các mảnh vỡ. Nhiễm độc phóng xạ sẽ xảy ra sớm sau đó và rõ ràng là có liên quan đến việc phơi nhiễm. Một điều then chốt để giữ an toàn cho bệnh nhân là khử nhiễm cho bệnh nhân, bác sĩ, và y tá nhanh nhất có thể. Khử nhiễm được thực hiện từ đầu đến chân ở bên ngoài khu vực an toàn được chỉ định. Gột rửa hoặc dùng vòi nước để rửa trôi [phóng xạ] cho tất cả mọi người từ đầu đến chân, nhưng hãy nhớ rằng, nước được dùng lúc đó đã bị nhiễm phóng xạ. Vì vậy, hãy vứt bỏ hoặc tiêu huỷ tất cả quần áo bị nhiễm phóng xạ. Cởi bỏ lớp quần áo bên ngoài có thể loại bỏ 90% bụi phóng xạ, theo ấn bản thứ hai của sách hướng dẫn liên ngành “Planning Guidance for Response to a Nuclear Detonation” (Hướng dẫn lập kế hoạch ứng phó với vụ nổ hạt nhân).
Thật đáng buồn khi những trích dẫn trong cuốn sách từ hơn nửa thế kỷ trước vẫn còn chưa lỗi thời.
Albert Einstein đã từng nói: “Thế giới của chúng ta đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng mà những người sở hữu quyền lực vẫn chưa nhận ra, nên những quyết định của họ có thể tốt đẹp hay độc ác. Sự giải phóng năng lượng từ hạt nhân nguyên tử đã mở ra một kỷ nguyên mới và đẩy chúng ta rơi vào thảm họa chưa từng có.”
Tiến sĩ Peter Weiss là khách mời thường xuyên của các đài truyền hình địa phương và quốc gia, báo chí và đài phát thanh. Ông là trợ lý giáo sư lâm sàng sản phụ khoa tại Trường Y David Geffen tại UCLA trong 30 năm, ông đã nghỉ việc để có thể hỗ trợ về mặt lâm sàng cho người có nhu cầu trong đại dịch COVID. Ông cũng là cố vấn chăm sóc sức khỏe quốc gia cho chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2008 của thượng nghị sĩ John McCain.
Quan điểm được thể hiện trong bài viết là quan điểm của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.