Michael Shellenberger: Cảnh báo cực đoan về khí hậu đã lấn át chủ nghĩa môi trường như thế nào?
Trong nhiều năm qua, các chuyên gia đã cảnh báo về thảm họa sắp xảy ra do biến đổi khí hậu. Cách đây 31 năm, một lãnh đạo cao cấp về môi trường của Liên Hợp Quốc đã nói với hãng thông tấn Associated Press rằng các chính phủ chỉ có 10 năm để đảo ngược tình thế về sự nóng lên toàn cầu trước khi nó vượt quá khả năng kiểm soát của con người.
Cũng như nhiều nhà khoa học khác, ông Michael Shellenberger lo ngại rằng biến đổi khí hậu là mối đe dọa thực sự đối với nền văn minh nhân loại. Ông đã cống hiến suốt 30 năm cuộc đời mình cho các hoạt động vì môi trường, cải thiện cuộc sống của người dân ở các nước nghèo hay các nước đang phát triển. Ở tuổi 16, ông đã gây quỹ cho Mạng lưới Hoạt động vì Rừng Nhiệt đới. Ông đã đấu tranh để bảo vệ rừng cây gỗ đỏ ở California, tới Congo để nghiên cứu các tác động của việc sử dụng nhiên liệu gỗ đối với khỉ đột, tìm kiếm những điều kiện tốt hơn cho công nhân các nhà máy ở khu vực Châu Á, và thúc đẩy chính phủ Hoa Kỳ tài trợ cho các chương trình năng lượng tái tạo.
Hiện nay, ông tin rằng chuyển đổi khí hậu là nguyên nhân đáng báo động gây nên tình trạng lo lắng và trầm cảm, đặc biệt là ở những người trẻ tuổi. Theo một cuộc khảo sát lớn của quốc gia vào đầu năm nay, 25% trẻ em ở Anh quốc cho biết chúng có những cơn ác mộng về hiện tượng này.
Mặc dù nhiệt độ toàn cầu đang tăng lên và nhân loại là nhân tố chính gây ra vấn đề này, nhưng điều đó không có nghĩa là thế giới đang tiến tới ngày tận thế. Ông Shellenberger lập luận như vậy trong cuốn sách mới của ông, “Apocalypse Never: Why Environmental Alarmism Hurts Us All” (tạm dịch: “Không có ngày tận thế: Tại sao cảnh báo cực đoan về môi trường lại đang làm tổn thương tất cả chúng ta”).
Trái với những tít giật gân mà giới truyền thông đưa ra, biến đổi khí hậu không làm cho thiên tai trở nên tồi tệ hơn. Ví dụ như các vụ hỏa hoạn đã giảm 25% trên khắp thế giới từ năm 1998-2015. Còn nguyên nhân của các vụ cháy lớn xảy ra ở California và Úc là do nhân loại dùng gỗ để làm nhiên liệu, xây nhà ở gần rừng, chứ không phải do biến đổi khí hậu.
Theo quan điểm của ông, những tuyên bố về việc mất mùa cũng bị phóng đại. Nhân loại đã trồng đủ lương thực cho 10 tỷ người và Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc (FAO) dự đoán năng suất cây trồng sẽ tiếp tục tăng.
Mực nước biển đang tăng lên, nhưng ông Shellenberger tin rằng con người có thể thích nghi với điều này trong những thập kỷ tới. Hà Lan đã thích ứng với việc có một phần ba diện tích dưới mực nước biển nhưng vẫn là một quốc gia giàu có. Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu ước tính mực nước biển có thể tăng 2,7 feet (khoảng 0,8 m) vào năm 2100; trong khi một số khu vực của Hà Lan thấp hơn mực nước biển tới 20 feet (khoảng 6 m).
Đối với ông Shellenberger, các báo động về biến đổi khí hậu đang tạo ra nhiều vấn đề hơn là giải quyết [vấn đề]. Nó không tập trung vào các giải pháp khả thi như năng lượng hạt nhân, ngăn chặn sự phát triển hết sức cần thiết ở các quốc gia nghèo, hay chuyển hướng sự chú ý khỏi các vấn đề môi trường nghiêm trọng như việc đánh bắt cá quá mức.
Gió và mặt trời không phải nguồn năng lượng của tương lai
Năm 2003, ông Shellenberger, đồng sáng lập dự án “New Apollo”, tiền thân của Giải Pháp Xanh Mới, nhằm chuyển tiền của người đóng thuế vào năng lượng tái tạo.
“Điều tôi đã không nhận ra và tôi nghĩ phần lớn mọi người cũng không nhận ra, đó là chúng ta cần bao nhiêu đất cho chúng?” ông Shellenberger nói trong một cuộc phỏng vấn với The Epoch Times trong chương trình “American Thought Leaders” (tạm dịch: Các nhà lãnh đạo tư tưởng Mỹ).
Ông Shellenberger nói rằng để xây dựng trang trại điện gió hoặc điện mặt trời nhằm sản xuất ra một lượng điện bằng một nhà máy điện hạt nhân hay nhà máy điện khí đốt tự nhiên thì cần quỹ đất nhiều hơn từ 300 tới 400 lần.
Ông Shellenberger viết trong cuốn “Apocalypse Never” rằng: “Nếu Hoa Kỳ cố gắng tạo ra tất cả năng lượng điện mà họ đang sử dụng bằng năng lượng tái tạo thì cần từ 25% tới 50% quỹ đất của Hoa Kỳ, trong khi hệ thống năng lượng ngày nay chỉ cần 0.5% diện tích đất của Hoa Kỳ”.
Năng lượng mặt trời và năng lượng gió cơ bản là những cách sản xuất năng lượng không hiệu quả và tốn kém. Ông viết, ”Chúng không đáng tin cậy, do vậy cần có 100% năng lượng dự phòng và năng lượng lỏng, và vì thế đòi hỏi phải có thêm quỹ đất, đường truyền và khai thác mỏ”.
Các trang trại điện gió cũng có sức tàn phá khủng khiếp đối với các loài chim, dơi và côn trùng, đặc biệt khi các trang trại này nằm trên đường di cư của chúng. Các tuabin gió đặc biệt đe dọa đến sự sống của những loài lớn, có nguy cơ tuyệt chủng như diều hâu, đại bàng, cú và các loại chim săn mồi khác.
Ông Shellenberger nói với The Epoch Times, “Tôi thường nói vui, không có ai xa lạ với thế giới tự nhiên hơn là các nhà bảo vệ môi trường”.
Nếu lượng khí thải carbon sẽ gây ra những hậu quả thảm khốc như các nhà hoạt động tuyên bố, thì sẽ không hợp lý nếu loại bỏ giải pháp tốt nhất là sử dụng điện hạt nhân. Năm 2017, 95% tổng lượng điện mà Thụy Điển sản xuất ra là từ nguồn năng lượng sạch không tạo ra khí thải carbon, chủ yếu là từ điện hạt nhân và thủy điện, ông Shellenberger nói.
Ngược lại, theo hãng tin Bloomberg, Đức sẽ phải chi 580 tỷ USD vào năm 2025 để chuyển đổi sang sử dụng năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, chỉ có 34% sản lượng điện ở Đức được tạo ra từ năng lượng gió và năng lượng mặt trời.
Theo quan điểm của ông Shellenberger, sau thảm họa nhà máy điện hạt nhân tại Chernobyl và Fukushima vốn đã được công bố rộng rãi, nhiều người lo sợ về việc sử dụng năng lượng hạt nhân và rủi ro phóng xạ, tuy nhiên những lo ngại này chủ yếu đặt không đúng chỗ.
Theo Liên Hợp Quốc, chỉ có 50 trường hợp tử vong có thể được quy trực tiếp do thảm họa Chernobyl. 5000 trường hợp bị ung thư tuyến giáp có liên quan tới bức xạ từ vụ thảm họa, nhưng ung thư tuyến giáp có khả năng chữa trị cao, với tỷ lệ tử vong chỉ 0,5%.
Đối với Fukushima, mức độ phóng xạ rất thấp, và không có trường hợp tử vong do bị phơi nhiễm phóng xạ, ông Shellenberger nói thêm.
Số ca tử vong do sử dụng năng lượng hạt nhân được biết là rất nhỏ. Trong khi đó, Tổ chức Y tế Thế Giới (WHO) cho biết ô nhiễm không khí đã khiến 7 triệu người trên thế giới thiệt mạng mỗi năm.
Về vấn đề chất thải hạt nhân, việc sử dụng năng lượng hạt nhân tạo ra ít chất thải hơn so với các dạng năng lượng khác. Ít hơn từ 200 đến 300 lần so với việc sử dụng năng lượng mặt trời. Hơn nữa, rác thải cụ thể ở đây là các thanh nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng được xử lý một cách an toàn, trong khi đó rác thải từ than đá, khí đốt tự nhiên và pin năng lượng mặt trời sẽ thải trực tiếp ra môi trường.
Theo ông Shellenberger, các nguồn năng lượng sắp xếp trên một dãy quang phổ, từ mật độ thấp đến mật độ cao. Ông nói, “Do vậy chúng ta đi từ gỗ cho đến than đá, từ thủy điện cho tới dầu mỏ, từ khí đốt tự nhiên đến uranium”. Mật độ năng lượng càng cao thì hiệu quả càng cao, càng ít gây hại cho môi trường và càng ít khí thải carbon. “Tôi có thể nấu một nồi đậu bằng một bó củi; tôi có thể sưởi ấm cả ngôi nhà mình trong 24 giờ bằng một cục than; và tôi có thể dùng một cục uranium để cung cấp năng lượng cho cả cuộc đời mình”.
“Nếu những người đang kêu gọi cấm các hoạt động khai thác khí đốt cũng có đề xuất tương tự đối với việc xây dựng thật nhiều các nhà máy điện hạt nhân thì quả thật là một ý tưởng thú vị. Tuy nhiên, đa phần họ không làm vậy”.
Ông Shellenberger nói Hoa Kỳ nên học theo những quốc gia giàu tài nguyên khí đốt khác như Nga hay Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất. “Quý vị xây dựng các nhà máy điện hạt nhân để thay thế cho việc sử dụng khí đốt tạo ra điện cho quốc gia mình. Sau đó, quý vị xuất khẩu khí đốt ra nước ngoài. Như thế sẽ thúc đẩy xuất khẩu của Hoa Kỳ và cũng giúp các quốc gia khác chuyển từ việc sử dụng than đá sang khí đốt, và điều này sẽ có lợi rất nhiều cho môi trường”.
Ngăn chặn sự phát triển
Ông Shellenberger nói rằng nhiều quốc gia giàu có ngày nay không còn tìm cách xóa đói giảm nghèo nữa mà thay vào đó đang cố gắng làm cho tình trạng đói nghèo trở nên “bền vững”.
Từ năm 1950 đến năm 1980, “Ngân hàng Thế giới và các ngân hàng phát triển quốc tế khác đã tài trợ cho cơ sở hạ tầng phát triển kinh tế ở các nước nghèo, chủ yếu là đường sá, đập thủy điện, kiểm soát lũ, điện lưới, hệ thống thoát nước”, ông Shellenberger nói.
“Sau khi các nhà hoạt động môi trường dùng ngày tận thế để tạo ra ảnh hưởng của họ đối với Ngân hàng Thế giới, thì giờ đây Ngân hàng Thế giới không tài trợ cho sự phát triển mà thay vào đó là cho các hoạt động từ thiện. Thay vì làm hiện đại hóa nông nghiệp với hệ thống tưới tiêu, máy kéo, phân bón, thì họ cấp vốn cho ngành nông nghiệp học và những thứ khác. Về cơ bản là làm cho mọi người giậm chân tại chỗ ở nông trại của mình”.
Tuy nhiên, sự phát triển cũng chính là điều giúp các quốc gia đối phó với những tác động bất lợi của biến đổi khí hậu.
Và hiện giờ Ngân hàng Thế giới đang tập trung tiền bạc vào năng lượng mặt trời và năng lượng gió thay vì thủy điện, khí đốt và năng lượng hạt nhân. Ngân hàng Đầu tư Châu Âu đã thông báo rằng họ sẽ ngừng tài trợ cho các dự án dùng nhiên liệu hóa thạch trong năm 2020.
Ông Shellenberger lập luận trong cuốn sách của mình: “Thật là đạo đức giả và vô đạo đức khi yêu cầu các quốc gia nghèo đi theo con đường tốn kém hơn, và vì vậy sẽ khiến họ tiến chậm hơn tới sự phồn thịnh so với các quốc gia phương Tây”.
“Như chúng ta đã thấy, không có đại nhảy vọt về năng lượng… Không có quốc gia giàu nào mà lại nghèo về năng lượng, và tương tự không có quốc gia nghèo nào lại giàu có về năng lượng”.
Ông Shellenberger nói, thất bại trong việc sử dụng vốn cho sự phát triển cũng đe dọa an ninh quốc gia của Hoa Kỳ và Châu Âu. Ông nêu rõ, “Nếu phương Tây không tài trợ cho đường sá, nhà máy điện và các sân vận động thì tất cả mọi thứ của các nước đang phát triển ở Châu Phi, Châu Á và Châu Mỹ La Tinh, sẽ được Trung Cộng đầu tư. Và Trung Cộng thì không quan tâm tới tự do hay dân chủ”.
Các vấn đề về môi trường bị lu mờ
Có “nhiều vấn đề nghiêm trọng về môi trường mà chúng ta không quan tâm đúng mức bởi vì chúng ta bị cuốn vào kịch bản ngày tận thế của riêng mình”, ông Shellenberger nói.
Các quần thể động vật đang mất dần không phải do biến đổi khí hậu mà là vì nạn phá rừng nhiệt đới. Người dân ở các nước đang phát triển vẫn dựa vào than củi và than đá để làm nhiên liệu. Ông cho rằng giải pháp là phải giúp mọi người được sử dụng nguồn nhiên liệu từ khí hóa lỏng và điện với giá rẻ.
Bên cạnh việc môi trường sống ngày càng bị thu hẹp, một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với các loài động vật hoang dã là “chúng ta vẫn ăn thịt chúng rất nhiều”, ông nói. Đánh bắt quá mức gây nguy hiểm cho các loài cá tự nhiên, cũng như cá voi và các loài động vật biển khác phải dựa vào nguồn cá thiên nhiên để tồn tại.
“Nhiều nhóm hoạt động môi trường thực sự đã lên án việc đánh bắt cá nuôi ở nông trại bởi vì họ đã lãng mạn hóa thiên nhiên và việc sống hòa hợp với môi trường. Trong khi đó, cá nuôi là cách để chúng ta cứu nguồn cá thiên nhiên”.
“Và trong khi các phương tiện truyền thông đưa tin về việc các loài động vật biển, đặc biệt là rùa biển, đang ăn phải chất thải nhựa có khả năng gây tử vong, thì cũng đúng là ánh sáng mặt trời phân hủy hầu hết các chất thải nhựa trên bề mặt đại dương”.
Ông Shellenberger lập luận rằng cách tốt nhất để giảm thiểu rác thải nhựa trong đại dương không phải là cấm ống hút nhựa và túi nhựa, mà là giúp các nước nghèo và các nước đang phát triển xây dựng một hệ thống thu gom và quản lý chất thải hiệu quả. Một nghiên cứu cho thấy năm quốc gia ở Châu Á là Trung Quốc, Indonesia, Philippines, Việt Nam và Sri Lanka đóng góp một nửa lượng rác thải nhựa trên thế giới do vấn đề quản lý sai cách.
Đối với ông Shellenberger, phong trào khí hậu ngày nay gần như là bị thúc đẩy bởi một tôn giáo có tính thế tục. “Mọi người không nên tin tưởng vào những gì họ nghe về các yêu cầu phải cứu lấy môi trường, bởi rất nhiều người đang nói với quý vị về những điều nằm trong sự kìm hãm của một tôn giáo, thay vì chú ý đến những gì mà khoa học đề cập”.
Tác giả: Jan Jekielek và Irene Luo