Máy sấy tóc và món ăn từ Ý dĩ giúp cơ thể loại bỏ khí ẩm khi trời mưa
Môi trường mang độ ẩm cao thì có thể dùng máy hút ẩm xử lý, nhưng nếu thấp khí bên trong cơ thể nặng thì Trung y cũng có biện pháp để loại bỏ bằng thức ăn hoặc dùng máy sấy tóc.
Thời tiết mưa liên tục không chỉ khiến môi trường ẩm ướt mà hơi ẩm còn có thể xâm nhập vào cơ thể gây ra thấp khí khiến ta bị đau đầu, nặng đầu, tức ngực và các triệu chứng khó chịu khác.
Các triệu chứng thấp khí thường gặp
Khi khí ẩm bên ngoài môi trường quá nhiều sẽ xâm nhập vào cơ thể qua đường hô hấp và ăn uống, tích tụ ở những nơi khác nhau, sinh ra những triệu chứng tương ứng:
Thượng tiêu
Phần ngực ở phía trên cơ hoành gồm có tim, phổi và phần đầu mặt cổ đều thuộc về Thượng tiêu, chịu trách nhiệm cho sự thăng phát và phát tán của khí.
Bác sĩ Trung y phòng khám Liên hiệp Trung y Minh y Diệp Khải Dân chỉ ra rằng khi khí ẩm nhiều ở Thượng tiêu, đầu sẽ trở nên nặng nề, giống như bị một chiếc khăn ướt quấn quanh đầu khiến đầu bị đau. Những người vốn bị viêm mũi dị ứng sẽ bị chảy mũi nước trong nhiều hơn.
Thượng-Trung tiêu
Phần bụng từ dưới cơ hoành đến trên rốn, bao gồm tỳ (lá lách) và vị (dạ dày) đều thuộc về Trung tiêu. Khi khí ẩm ở vị trí này sẽ dễ dàng dẫn tới chán ăn.
Khí ẩm bị cản lại ở giữa phổi của Thượng tiêu và vị (dạ dày) của Trung tiêu, sẽ gây ra tức ngực và cảm giác hít không vào hơi.
Bác sĩ Diệp Khải Dân mô tả cảm giác này giống như lúc tắm nước nóng, khi phòng tắm đầy hơi nước khiến cho người ta cảm thấy khó thở.
Ông chỉ ra rằng loại thời tiết thực sự khiến người ta cảm thấy tức ngực và khó thở chính là lúc trời muốn mưa nhưng lại không mưa, toàn bộ mặt đất đều có dày đặc hơi nước, lúc này ảnh hưởng của khí ẩm là nghiêm trọng nhất.
Trung-Hạ tiêu
Các bộ phận ở bên dưới dạ dày và gan, thận, ruột non, ruột già và bàng quang đều thuộc về Hạ tiêu, chịu trách nhiệm bài tiết ra ngoài.
Khí ẩm ứ lại tại đường tiêu hoá vùng Trung tiêu và Hạ tiêu sẽ khiến cho đại tiện ra phân lỏng như bùn nhão hay trung tiện nhiều lần nhưng lại ít đại tiện do nhu động ruột kém.
Hạ tiêu
Vì thấp khí vốn có tính trầm xuống nên lúc này sẽ khiến cho nửa thân dưới bị phù nước.
Ngoài ra, khí ẩm không phải từ mũi miệng vào mà từ lỗ chân lông thấm vào bên trong cơ thể, có thể xuất hiện tình trạng đau khớp xương, đau lưng, cả thân thể đau nhức.
Chẳng hạn, khi chúng ta đi dầm mưa mà không thay quần áo ngay, hơi ẩm ở bên trong và bên ngoài cơ thể đều nặng nề, khí ẩm sẽ làm tắc nghẽn sự lưu thông khí huyết của kinh mạch. Nếu triệu chứng nhẹ thì người ta sẽ cảm thấy mệt mỏi, buồn ngủ, ngủ như thế nào cũng không cảm thấy đủ; nghiêm trọng hơn một chút, khí ẩm sẽ ngăn cản sự vận hành của kinh mạch, gây ra đau lưng, đau khớp,… Khớp nào không thông thì nơi ấy sẽ bị đau.
6 kiểu người dễ cảm thấy khó chịu vào những ngày mưa
Ở phòng mạch của bác sĩ Diệp Khải Dân, gần đây có nhiều người đến khám do các triệu chứng của khí ẩm ngày mưa, phần lớn họ bị chóng mặt, đau đầu, tức ngực và khó ngủ, các triệu chứng của thấp khí ở Trung tiêu.
Trong những ngày mưa liên tục, 6 loại người sau đây dễ bị ảnh hưởng bởi thấp khí mà cảm thấy không khỏe:
- Những người có bọng mắt lớn: Bọng mắt thể hiện tỳ và vị có thấp khí, nguyên nhân thường là liên quan đến vấn đề ăn uống.
- Những người dễ bị tiêu chảy: Những người này thường có tỳ và vị hoạt động kém, triệu chứng tiêu chảy sẽ nặng hơn vào những ngày trời mưa khí ẩm cao.
- Người có thể chất dễ bị dị ứng: Những người mắc bệnh dị ứng như viêm da cơ địa, viêm mũi dị ứng thuộc nhóm tỳ vị ẩm thấp lúc này thường dễ xuất hiện triệu chứng.
- Những người lúc mới ngủ dậy thường cảm thấy tay phù và nắm tay không chặt: Những người này vốn dĩ có thấp khí nhiều, phù nước nhẹ ở tay, dễ bị ảnh hưởng của khí ẩm làm cho tình trạng phù càng trầm trọng thêm.
- Người bệnh đau khớp do phong thấp: Những người này dễ bị ảnh hưởng bởi thời tiết, thông thường họ cảm thấy không khỏe ngay trước khi thời tiết thay đổi.
- Những người bị đau nhức cơ thể: Bởi vì thấp khí sẽ làm cản trở sự vận hành khí huyết của kinh mạch, nên khi khí huyết trao đổi không thông, sẽ dễ cảm thấy đau cơ, đau lưng, đau khớp,…
Một số người không bị đau nhức nhưng họ cũng có triệu chứng vào những ngày mưa. Bác sĩ Diệp Khải Dân giải thích rằng điều này thể hiện ở chỗ đau nhức vốn dĩ đã có “rác mắc kẹt”, nếu như khí huyết được vận hành một cách thông suốt trong cơ thể thì sẽ không dễ dàng bị tắc nghẽn.
Loại bỏ thấp khí bằng thức ăn. Ý dĩ (hay còn gọi là hạt bo bo) giúp kiện tỳ lợi thủy
Có nhiều loại dược liệu có tác dụng loại bỏ thấp khí, nhưng ý dĩ dễ tìm nhất, khi dùng làm thức ăn lại ngon, vì vậy đây là lựa chọn đầu tiên để loại bỏ thấp khí trong cơ thể.
Ý dĩ vừa là Trung dược vừa là thức ăn, có tính kiện tỳ ích vị, loại bỏ thấp khí và lợi tiểu. Lúc mua chúng ta nên chọn những hạt ý dĩ to, tức là loại có phần hạt to, rãnh bụng cũng rộng và nông.
Một loại khác cũng thường gặp là tiểu ý dĩ, có độ dai hơn, giá tiền tương đối rẻ hơn, nhưng kỳ thực nó chính là đại mạch nhân, không có tính lợi thủy bài trừ thấp khí. Hạt của nó tương đối nhỏ, hình bầu dục, rãnh bụng tương đối nông và có đường sợi.
Ba món ăn từ ý dĩ giúp loại trừ thấp khí, thích hợp cho nhiều người có thể chất khác nhau:
- Cháo ý dĩ: Ý dĩ sau khi rửa sạch, thêm gạo trắng vào để nấu thành cháo. Bác sĩ Diệp Khải Dân cho biết về phương diện thực dưỡng, loại thức ăn tốt nhất chính là cháo ý dĩ, thích hợp những người thể chất quá mẫn cảm cũng như đa số mọi người, có thể bổ vị khí lại trừ được thấp khí.
- Canh đậu xanh ý dĩ: đậu xanh và ý dĩ, cho thêm nước vào để nấu. Thích hợp đối với những người thể chất táo nhiệt (khô nhiệt), mùa hè dễ phát hỏa (cáu gắt và nổi nóng).
- Canh đậu đỏ ý dĩ: đậu đỏ và ý dĩ thêm nước vào để nấu. Người thích hợp ăn là những người bình thường có tay chân dễ lạnh và dễ bị phù nước, thể chất thiên về hàn. Đối với những người bị sưng khớp, uống canh đậu đỏ và ý dĩ cũng có hiệu quả khá tốt.
Khi nấu canh đậu xanh hay đậu đỏ với ý dĩ có thể thêm một chút đường, đường phèn hay đường mía đều được, vị ngọt nhẹ sẽ có ích cho tỳ vị, nhưng đừng để quá ngọt.
Hoặc đổi lại dùng cam thảo với liều lượng chừng từ hai đến năm miếng là đủ. Cam thảo cũng vào tỳ vị và có thêm vị ngọt một chút, có tác dụng tăng cường loại bỏ thấp khí và lợi tiểu.
Các món ăn ý dĩ này có thể ăn nóng hoặc để nguội, nhưng không được ăn lạnh.
Loại bỏ thấp khí bằng máy sấy tóc hay ngải cứu
Dùng máy sấy tóc hay ngải cứu để làm ấm vùng rốn có thể giúp bổ tỳ vị, tăng cường bài trừ thấp khí bên trong cơ thể.
Theo bác sĩ Diệp Khải Dân, trong tất cả các huyệt đạo, việc làm ấm vùng rốn giúp đổ mồ hôi nhanh nhất, chỉ cần một chút mồ hôi có thể khiến khí huyết lưu thông thuận lợi và đào thải khí ẩm tốt hơn. Bởi khi môi trường ẩm ướt, mồ hôi không dễ thoát ra, sẽ khiến cho khí huyết của toàn thân lưu thông chậm lại, mà nếu muốn thông khí huyết, ông nhấn mạnh rằng, “thải mồ hôi ra là một phần rất quan trọng.”
Nếu có cảm giác không khỏe do thấp khí tạo thành trong những ngày mưa, đều có thể làm ấm vùng rốn để loại bỏ khí ẩm. So với sử dụng máy sấy tóc thì dùng ngải cứu để làm ấm vùng rốn hiệu quả sẽ tốt hơn, bởi vì sợi ngải cứu có tác dụng loại bỏ thấp khí hiệu quả khá mạnh, còn ưu điểm của máy sấy tóc là tiện lợi và dễ sử dụng hơn.
Lưu ý rằng tập thể dục cũng giúp thải mồ hôi, nhưng tránh vận động ở trong phòng lạnh. Khi bạn tập thể dục mà không lau mồ hôi ngay lập tức, mồ hôi sẽ bị giữ lại trong lỗ chân lông, ngược lại còn gây ra bệnh da và các chứng ngứa khác. Vì lý do tương tự, bạn không nên dùng máy sấy tóc hoặc ngải cứu để làm ấm vùng rốn ở trong phòng lạnh.
Tác giả Tô Quan Mễ thực hiện
Bách Hợp biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ
Xem thêm: