Mạng xã hội có thể dẫn đến trầm cảm: Nên ngừng lệ thuộc vào điện thoại di động
Với sự phát triển của các mạng xã hội hiện đại, phương thức giao tiếp của con người ngày càng dựa nhiều hơn vào các công cụ điện tử, và việc sử dụng các nền tảng xã hội đã trở thành một phần trong cuộc sống của con người. Cùng với sự nhanh chóng và tiện lợi, mạng xã hội cũng mang lại những cảm xúc tiêu cực như lo lắng và trầm cảm.
Một nghiên cứu từ Đại học Bath cho thấy, những người ngừng sử dụng mạng xã hội trong một tuần đã có cải thiện đáng kể về chứng trầm cảm và lo lắng. Kết quả nghiên cứu này đã được công bố trên tạp chí “Tâm lý học mạng, Hành vi và Mạng xã hội” (Cyberpsychology, Behavior, and Social Networking) vào ngày 10/05 năm nay.
Một nghiên cứu trước đây của Úc cũng chỉ ra rằng, những người không sử dụng ứng dụng kết bạn thường ít bị lo âu, trầm cảm và chán nản hơn so với những người sử dụng.
Trang web sức khỏe tâm lý HelpGuide đã xuất bản một bài báo với tiêu đề “Truyền thông xã hội và sức khỏe tinh thần”. Bài báo chỉ ra rằng các triệu chứng như mặc cảm, hội chứng sợ bỏ lỡ (FOMO), cô lập, trầm cảm, lo lắng, bắt nạt trên mạng và chỉ quan tâm đến bản thân – là những mối nguy hiểm quan trọng nhất của mạng xã hội.
Lướt qua cuộc sống “muôn màu muôn vẻ” của mọi người trên Internet có thể khiến người ta ghen tị và bất mãn, mà quên mất rằng đó chỉ là cuộc sống sau khi “cắt ghép” chứ chưa hẳn là thật. Sự ghen tị và so sánh vô thức “họ hơn mình thế nào” này, chính là nguyên nhân dẫn đến tự ti, trầm cảm và lo lắng.
Những người mắc “hội chứng sợ bỏ lỡ” luôn sợ bản thân bị bỏ sót thông tin thú vị hay quan trọng gì đó, nên liên tục lướt điện thoại di động, thậm chí bất kể thời gian và địa điểm. Rất nhiều người cũng nhận thức được những vấn đề mà mạng xã hội mang lại này, nhưng lại khó chủ động từ bỏ.
Cựu giám đốc điều hành Facebook Sean Parker từng cho biết, quan niệm phát triển của mạng xã hội là “làm thế nào để người dùng tiêu tốn nhiều thời gian và sự chú ý hơn”. Các nhà thiết kế đã lợi dụng tâm lý mong muốn giao tiếp của con người, để tạo ra những phần mềm khiến mọi người cảm thấy có thể kết nối với những người khác mọi lúc. Đồng thời thông qua một số thiết kế chi tiết, họ hướng dẫn và khuyến khích người dùng sử dụng chúng liên tục, cuối cùng là dưỡng thành thói quen sử dụng thường xuyên.
Ví dụ, khi nhận được lượt thích, não người sẽ tiết ra “hormone hạnh phúc” dopamine, từ đó kích thích mọi người đăng bài hoặc xem nhiều nội dung hơn. “Kỹ thuật cảm ứng” này chính xác là thứ khiến mạng xã hội khó có thể bị từ bỏ, thậm chí khiến người ta trầm mê trong đó.
Nhưng khi rời khỏi nền tảng mạng xã hội, bạn vẫn phải đối mặt với mọi thứ trong thực tế. Khi con người không ngừng chuyển đổi qua lại giữa cuộc sống ảo đẹp đẽ và thực tế, và dưới sự so sánh này, con người sẽ cảm thấy cuộc sống thực tế không như ý.
Cô Trịnh Kiệt, một chuyên gia từ Khoa Thần kinh tại Đại học Tokyo, Nhật Bản nói với Epoch Times rằng, những tòa nhà cao chót vót đã phá vỡ tình trạng làng xóm khăng khít của quá khứ, và tần suất giao tiếp xã hội của giới trẻ ngày nay ít hơn rất nhiều so với thế hệ trước. Quá trình phát triển của thế hệ ngày nay song hành với sự phổ biến của điện thoại thông minh và Internet, cho nên giới trẻ ngày càng thể hiện trạng thái “online thì vui vẻ, offline thì trầm mặc”.
Cô Trịnh kiến nghị mọi người hãy thoát khỏi tình trạng “lệ thuộc vào điện thoại di động”. Hãy thiết lập các giới hạn hợp lý và thảo luận với thanh thiếu niên về cách tránh phương tiện truyền thông xã hội can thiệp vào các hoạt động, giấc ngủ, chế độ ăn uống hoặc việc học tập. Mọi người nên cố gắng cải thiện sự tự tin và lòng can đảm ngoài xã hội, đừng so sánh điểm yếu của mình với điểm mạnh của người khác, tự ti quá mức và tự ti mù quáng đều là những điều không nên. Cũng đừng quá khắt khe với bản thân, chỉ cần bạn cố gắng hết sức, không thành công cũng không sao. Hãy học cách nói chuyện với gia đình và bạn bè về những rắc rối của bạn.
Cô nhấn mạnh rằng, việc giảm sử dụng mạng xã hội và khuyến khích thanh thiếu niên tương tác, giao tiếp trực tiếp với nhau sẽ khiến họ hạnh phúc hơn, đồng thời giảm nguy cơ phiền muộn, trầm cảm. Điều này đặc biệt quan trọng đối với thanh thiếu niên dễ mắc chứng rối loạn lo âu xã hội.
Cô Diệp Nhã Hinh (Ye Yaxin), Giám đốc Trung tâm Sức khỏe Tâm lý Đài Loan cho rằng, hầu hết mọi người đều sử dụng điện thoại di động ngay từ khi thức dậy vào buổi sáng cho đến khi đi ngủ vào ban đêm. Các bài đăng trên các mạng xã hội thì chủ yếu sử dụng câu hỏi, mô tả các sự kiện đang diễn ra hoặc chia sẻ khoảnh khắc cuộc sống, v.v. để thu hút mọi người xem và phản hồi. Nhưng nếu tiêu tốn quá nhiều thời gian thì sẽ ảnh hưởng đến thói quen hàng ngày, sức khỏe thể chất và tinh thần.
Cô Diệp gợi ý rằng việc giảm thời gian sử dụng mạng xã hội có thể bắt đầu từ nửa giờ, đặt báo thức nhắc nhở và tăng dần độ dài lên. Đồng thời, hãy lên kế hoạch cho thời gian rảnh rỗi, chẳng hạn như hỗ trợ các thành viên trong gia đình đi mua sắm, chuẩn bị bữa tối, làm việc nhà, xem video, v.v. để tạo hứng thú mới cho cuộc sống thực.