Lượng vi nhựa ở trẻ em có thể nhiều hơn người lớn ít nhất 10 lần
Theo một nghiên cứu gần đây được công bố trên trang Hiệp hội Hóa học Hoa Kỳ, trẻ nhỏ có thể có lượng vi nhựa trong cơ thể nhiều hơn người lớn ít nhất 10 lần.
Nghiên cứu có tên “Sự xuất hiện của những vi nhựa Polyethylene Terephthalate và Polycarbonate trong phân của trẻ dưới 1 tuổi và người lớn” được xuất bản vào ngày 22/09 với mục đích làm sáng tỏ mức độ tiếp xúc của con người với vi nhựa (vi nhựa.)
Vi nhựa là các hạt nhựa được tạo thành từ hỗn hợp các polyme và các chất phụ gia chức năng có kích thước nhỏ hơn 5 mm.
Nhiều vi nhựa đã vô tình bị thải ra ngoài môi trường sau khi các vật bằng nhựa lớn hơn bị vỡ, tuy nhiên, các hạt vi nhựa cũng được cố tình sản xuất và thêm vào các sản phẩm chẳng hạn như sản phẩm tẩy tế bào chết trên da mặt.
Chúng được sử dụng trong rất nhiều ngành công nghiệp, từ mỹ phẩm đến các sản phẩm giặt tẩy, và gây ra mối đe dọa cho môi trường vì chúng không dễ bị phân hủy sinh học. Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra các vi nhựa trong biển, bụi, nước mưa, thức ăn và nước uống, dẫn đến kết quả là vi nhựa có trong cả phân người.
Trong nghiên cứu mới nhất, các nhà nghiên cứu đã xem xét nồng độ của polyethylene terephthalate (PET) được sử dụng rộng rãi để đóng gói thực phẩm và đồ uống cũng như sản xuất quần áo, và polycarbonate (PC) được sử dụng để sản xuất đồ chơi bằng nhựa ở người lớn và trẻ dưới 1 tuổi.
Các nhà nghiên cứu đã phân tích 3 mẫu phân su – loại phân sớm nhất có trong ruột của trẻ trước khi sinh, 6 mẫu phân của trẻ dưới 1 tuổi và 10 mẫu phân của người lớn được thu thập từ tiểu Bang New York để phát hiện nồng độ các vi nhựa.
Cả 2 loại vi nhựa PET và PC đều được tìm thấy trong một số mẫu phân su, tất cả các mẫu phân của trẻ dưới 1 tuổi, cũng như trong hầu hết các mẫu phân của người lớn nhưng ở nồng độ thấp hơn nhiều so với trẻ dưới 1 tuổi.
Các nhà nghiên cứu viết trong bài báo của họ rằng: “Chúng tôi đã phát hiện ra sự khác biệt đáng kể về nồng độ hai loại vi nhựa giữa phân của trẻ dưới 1 tuổi và phân của người lớn”.
Họ cho biết: “Nồng độ PET trong phân trẻ dưới 1 tuổi cao hơn đáng kể trong phân người lớn, trong khi nồng độ vi nhựa PC không khác biệt đáng kể giữa hai nhóm tuổi. Các vi nhựa được tìm thấy trong phân của trẻ dưới 1 tuổi và người lớn được cho là có nguồn gốc chủ yếu từ các nguồn thực phẩm”.
Trung bình, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng phân của trẻ dưới 1 tuổi chứa PET nhiều hơn gấp 10 lần so với phân của người lớn. Tuy nhiên, họ lưu ý rằng kích thước mẫu quá nhỏ để có thể đưa ra một lý do rõ ràng đằng sau sự khác biệt đáng kể này.
Các nhà nghiên cứu tin rằng lượng vi nhựa cao hơn tìm thấy ở trẻ dưới 1 tuổi có thể là do trẻ dưới 1 tuổi thường sử dụng các đồ vật có thể nhai được như núm vú cao su, bình tập uống nước cũng như các đồ chơi và đồ dùng bằng nhựa khác được coi là an toàn hơn so với thủy tinh, vì chúng khó vỡ.
Các nhà nghiên cứu đã viết rằng: “Những đứa trẻ một tuổi thường xuyên ngậm các sản phẩm và quần áo bằng nhựa. Ngoài ra, các nghiên cứu cho thấy sữa công thức dành cho trẻ dưới 1 tuổi được pha chế trong chai PP có thể giải phóng hàng triệu hạt vi nhựa và rất nhiều loại thực phẩm chế biến sẵn cho trẻ nhỏ được đóng gói trong hộp nhựa đã tạo thành một nguồn tiếp xúc khác [với vi nhựa] ở những đứa trẻ một tuổi”.
Các tác giả cũng lưu ý về việc trẻ nhỏ bò qua lại trên những tấm thảm thường chứa các hạt vi nhựa có thể di chuyển.
“Hơn nữa, các sản phẩm dệt may là nguồn cung cấp vi nhựa PET. Trẻ dưới 1 tuổi thường nhai và mút vải, do đó việc nhóm tuổi này tiếp xúc với vi nhựa có trong vải là một mối quan tâm lớn hơn”.
Các nhà nghiên cứu cho biết thêm: “Dữ liệu của chúng tôi cung cấp bằng chứng cơ bản về liều lượng tiếp xúc với vi nhựa ở trẻ dưới 1 tuổi và người lớn, đồng thời hỗ trợ nhu cầu nghiên cứu sâu hơn với kích thước mẫu lớn hơn để chứng thực và mở rộng phát hiện của chúng tôi”.
Tú Liên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times