Lịch sử có phần kỳ lạ của tia X
Sau khi được phát hiện một cách tình cờ, người ta đã dùng tia X để chụp ảnh bàn chân như một thú vui tiêu khiển, chụp ảnh chân dung bộ xương trong các studio trước khi được các bác sĩ sử dụng để phát hiện chỗ xương bị gãy hoặc xác định vị trí viên đạn trong vết thương. Tuy trải qua lịch sử có phần ly kỳ nhưng tia X đã đặt nền móng cho những hiểu biết sâu rộng hơn về phóng xạ và an toàn bức xạ trong y học và các lĩnh vực của cuộc sống.
Chúng ta vẫn đang tiếp tục phát triển khả năng [sử dụng tia X] để nhìn được các cơ quan bên trong cơ thể và những hiểu biết về bức xạ.
Tia X được phát hiện ra như thế nào?
Vào năm 1895, nhà vật lý Wilhelm Conrad Röntgen đã phát hiện ra tia X ở Đức khi ông làm thí nghiệm với tia catôt. Ông sử dụng một ống cực âm và phủ nó bằng một tấm vải đen nặng. Sau đấy, ông đã rất ngạc nhiên khi thấy một tia ánh sáng xanh chiếu lên màn hình huỳnh quang ở gần đó.
Ông gọi khám phá này là tia “X”, vì thực tế, ông không biết những tia này có bản chất là gì. Những tia sáng này là một hiện tượng chưa từng được biết đến. Mải mê với khám phá mới của mình, tiến sĩ Röntgen đã tiếp tục tiến hành thử nghiệm. Cuối cùng ông chụp được một bức ảnh xương bàn tay của vợ mình và đoạt giải Nobel nhờ phát minh này vào năm 1901.
Tia X ban đầu được dùng cho mục đích giải trí
Tia X được cho là một khám phá thú vị với tiềm năng vô hạn. Trên thực tế, vào những năm 1930 và 1940, các cửa hàng giày đã cung cấp dịch vụ chụp X-quang bàn chân miễn phí như một thú vui tiêu khiển cho khách hàng khi họ thấy được xương bàn chân của mình. Chỉ có một số ít những nhà khoa học khôn ngoan đã nêu ra những lo ngại ban đầu, chẳng hạn như Thomas Edison và Nikola Tesla. Nhưng điều đó không ngăn cản bất kỳ ai, kể cả Edison và Tesla tiến hành thử nghiệm với phát hiện mới này.
Trong vòng một năm đầu tiên sau khi phát hiện ra tia X, đã có hơn 1,000 bài báo viết về chủ đề này. Đây là điều chưa từng có vào thời điểm bấy giờ.
Các phòng studio đã mở ở nhiều thành phố để chụp những bức ảnh chân dung của bộ xương.
Cộng đồng y tế đã nhanh chóng ứng dụng công nghệ tia X để chẩn đoán y khoa chẳng hạn như xác định gãy xương. Trước đó, bác sĩ chẩn đoán gãy xương chỉ bằng cảm tính hoặc phỏng đoán, vì vậy nhiều trường hợp gãy xương đã bị bỏ sót. Trong vòng một năm sau khi được phát hiện, tia X đã được sử dụng trên chiến trường để tìm vết thương đạn ở những người lính.
Tìm ra chất phóng xạ và ứng dụng vào liệu pháp y học
Ngay sau khi phát hiện ra tia X, nhà khoa học người Pháp Henri Becquerel đã tìm ra một loại tia xuyên thấu bằng cách sử dụng các khoáng chất phát quang tự nhiên mà ông tìm được. Một trong những khoáng chất ban đầu đó là uranium.
Khám phá của tiến sĩ Becquerel đã hấp dẫn nhà vật lý học Marie Curie và chồng bà Pierre. Bà Marie Curie đã phát hiện ra một khoáng chất tương tự khác và đặt tên là polonium, theo tên quê hương Ba Lan của bà. Gia đình Curies cũng tìm ra một khoáng chất khác: radium. Cả polonium và radium đều có tính phóng xạ cao hơn uranium.
Bà còn là người đề xướng việc sử dụng radium để giảm bớt đau đớn do nhiều loại bệnh tật. Năm 1903, bà và chồng cùng nhận giải thưởng Nobel với tiến sĩ Becquerel. Vào thời điểm đó, không ai thực sự biết hậu quả nghiêm trọng của việc phơi nhiễm phóng xạ quá nhiều. Các triệu chứng khởi phát từ từ ở mức độ nhẹ. Trên thực tế, nhiều nhà khoa học thời đó nghĩ rằng việc tiếp xúc với phóng xạ có thể có lợi. Radium được sử dụng lúc bấy giờ để điều trị nhiều bệnh lý, bao gồm cả ung thư (thực sự có tác dụng tốt), lupus và các bệnh thần kinh.
Những năm 1920 và 1930 đã có rất nhiều sản phẩm tiêu dùng có chất phóng xạ nhằm quảng bá các lợi ích sức khỏe của chất phóng xạ. Kem đánh răng Phóng xạ Doramad, một nhãn hiệu của Đức được bán trước Đệ nhị Thế chiến, có chứa một lượng nhỏ thorium với quảng cáo rằng: “Răng của bạn sẽ sáng bóng với tia phóng xạ”.
Một câu chuyện thú vị khác là Radithor, một dung dịch muối radium được các nhà sản xuất tuyên bố rằng có thể cung cấp các đặc tính chữa bệnh khi tiêu thụ. Nhà công nghiệp Eben Byers đã tử vong vào năm 1932 vì ăn phải muối radium với số lượng lớn trong suốt những năm từ 1927 đến 1930.
Vào cuối những năm 1950, những ngôi nhà bằng cát Uranium đã trở nên phổ biến ở New Mexico, Colorado và Utah. Những người bệnh sẽ ngồi trên ghế dài trong một căn phòng tròn với sàn nhà được làm bằng cát phóng xạ nhẹ. Bắt đầu từ năm 1906, có những spa ở Cộng hòa Séc đã cho khách tắm trong nước có pha radon; một trong số những spa này vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay. Theo báo cáo của Matthew Vickery cho đài BBC, những spa này đã được cả thế giới biết đến trong những năm đầu tiên xuất hiện.
Các spa bức xạ vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay. Một spa ở Schlema, Đức có chứa hàm lượng thấp radon, một loại khí phóng xạ được tạo ra do sự phân hủy uranium. Người ta tin rằng tắm trong nước spa “đã qua xử lý” này có thể chữa được các bệnh như thấp khớp. Bà Marie Curie qua đời năm 1934 vì bệnh thiếu máu bất sản, rất có thể là do tiếp xúc quá nhiều với bức xạ từ radium trong quá trình làm việc. Tất cả sổ ghi chép của bà vẫn được niêm phong trong một chiếc hộp lót chì ở Pháp vì có tính phóng xạ.
Vấn đề an toàn bức xạ cần được cân nhắc
Đó là những gì đã diễn ra trong quá khứ. Còn hiện tại thì sao? Mặc dù các biện pháp bảo vệ khỏi tia X là rất tốt. Nhưng chúng ta phải luôn ý thức được những xét nghiệm [sử dụng tia X] nào đang được thực hiện và tại sao cần thực hiện.
Ngày nay, di chuyển bằng máy bay sẽ khiến chúng ta phơi nhiễm với bức xạ tự nhiên. Một chuyến bay xuyên Đại Tây Dương khiến quý vị hấp thụ một lượng bức xạ gấp năm lần so với một lần chụp X-quang ngực. Một lần chụp X-quang tuyến vú tạo ra lượng bức xạ tương đương với hàng chục chuyến bay qua Đại Tây Dương. Chụp cắt lớp vi tính tạo ra một lượng bức xạ lớn hơn nhiều. Đó là lý do đơn giản để chấp nhận sử dụng tia X chỉ khi các chỉ định y tế vượt trội hơn bất kỳ rủi ro nào. Hiện đã có những công nghệ chụp cắt lớp vi tính mới hơn, chẳng hạn như máy quét CT đếm photon cho hình ảnh tốt hơn đồng thời làm giảm bức xạ tới 45%.
Những tiến bộ y học trong lĩnh vực chẩn đoán hình ảnh đã trải qua một chặng đường dài kể từ phòng tắm phóng xạ vào đầu thế kỷ 20 ra đời. Tương lai thậm chí có thể còn nhiều hứa hẹn hơn nữa, nhưng hãy luôn nghĩ đến những hậu quả không mong muốn có thể xảy ra ngay cả với những mục đích tốt nhất.
Tú Liên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times