Làm thế nào tối ưu hóa đặc tính kháng ung thư của bông cải xanh
Các nghiên cứu đã liên tục chỉ ra rằng những giống rau thuộc họ cải giúp chống lại bệnh ung thư.
Trên thực tế, bông cải xanh đã được chứng minh có khả năng tiêu diệt các tế bào gốc khiến cho tế bào ung thư trở nên bất tử.
Bông cải xanh chứa rất nhiều Sulforaphane (một chất chống ung thư và kháng khuẩn), bông cải xanh đang nảy mầm sẽ làm tăng cực mạnh các chất chống ung thư bên trong nó giúp cho bông cải xanh đạt đến trình độ siêu thực phẩm.
Mầm cải xanh khoảng 3 ngày sau khi nảy mầm chứa hàm lượng Sulforaphane gấp từ 10 đến 100 lần một bông cải xanh đã trưởng thành. Chỉ cần 1 ounce (29g) mầm bông cải xanh đã chứa hàm lượng Sulforaphane tương đương với 1.5 pounds (680g) bông cải xanh . Mầm bông cải xanh đã được chứng minh là cực kỳ hiệu quả trong việc giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư vú.
Một nghiên cứu của Đại Học Illinois được công bố trên tạp chí dinh dưỡng The British Journal of Nutrition đã khuyến khích việc kết hợp giữa bông cải xanh và mầm cải xanh sẽ làm tăng gần gấp đôi khả năng kháng ung thư của loại rau này.
Elizabeth Jeffery – Giáo sư dinh dưỡng của trường đại học này cho biết rằng tiêu thụ bông cải xanh từ 3 đến 5 lần một tuần có lợi ích trong việc ngăn ngừa ung thư.
Nhưng quan trọng là bông cải xanh mà bạn ăn vẫn phải còn chứa các enzyme (một loại chất xúc tác) sống là myrosinase (một loại các chất giúp bảo vệ thực vật khỏi động vật ăn cỏ). Các enzyme này là cần thiết để hình thành nên các chất chống ung thư vì tính kích hoạt các chất chống ung thư của bông cải xanh.
Vấn đề là nhiều người thường nấu quá kỹ bông cải xanh. Việc nấu bông cải xanh quá lâu hoặc nhiệt độ quá nóng sẽ tiêu hủy các myrosinase. Nghiên cứu cho thấy chỉ cần 2 phút trong lò vi sóng hoặc hấp trong 7 phút đủ để tiêu hủy các myrosinase.
Jeffery khuyến cáo rằng chỉ nên hấp bông cải xanh từ 2 đến 4 phút để bảo vệ cả các enzyme và dưỡng chất trong rau cải.
Một cách khác để bảo đảm rằng bạn nhận được toàn bộ lượng myrosinase dồi dào trong mầm bông cải xanh là hãy ăn sống.
Các nhà nghiên cứu lưu ý rằng có một vài người tiêu dùng có ý thức về sức khỏe thường chọn sử dụng thực phẩm chức năng là bột bông cải xanh vì họ không thích vị của nó. Tuy nhiên, việc sử dụng dạng bột như vậy thường không có hiệu quả vì chúng không có chứa các enzyme. Các nhà nghiên cứu đưa ra giả thuyết rằng myrosinase kết hợp với bột bông cải xanh sẽ làm tăng hàm lượng chất chống ung thư.
Có một nghiên cứu nhỏ đã được thực hiện với bốn người đàn ông khỏe mạnh, họ lần lượt đã ăn chỉ riêng mầm bông cải xanh, chỉ riêng bột bông cải xanh và kết hợp cả hai. Các thử nghiệm được thực hiện ba giờ sau bữa ăn cho thấy mức độ hấp thụ sulforaphane tăng gần gấp đôi khi mầm bông cải xanh và bột được ăn cùng nhau.
Theo các nhà nghiên cứu, điều này chỉ ra rằng các myrosinase từ mầm bông cải xanh tạo ra các sulforaphane không chỉ từ mầm mà còn từ cả bột bông cải.
Các tác giả chỉ lưu ý rằng các loại thực phẩm khác có chứa sulforaphane chẳng hạn như mù tạt, củ cải, rau arugula, và cải dầu, có thể được thêm vào bông cải xanh để tăng tác dụng của nó. Ví dụ, họ đề xuất rằng có thể rắc mầm bông cải xanh lên bông cải xanh. Hoặc bạn có thể làm nước sốt mù tạt và cải dầu để ăn kèm với bông cải xanh.
Mầm bông cải xanh đang trở nên rất phổ biến. Các nhà nghiên cứu của Đại Học Johns Hopkins đã phát triển một dòng hỗn hợp mầm bông cải xanh và rau mầm dưới tên thương hiệu BroccoSprouts. Bạn có thể tìm chúng trong các cửa hàng thực phẩm bảo vệ sức khỏe, các chợ bán sỉ, và tại rất nhiều siêu thị.
Mầm bông cải xanh nên được ăn sống. Nó rất thích hợp để ăn cùng bánh mì sandwiches, hoặc trong các món cuốn, hoặc món salad trộn.
Hoàng Long biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times