Khai thác sức mạnh từ cây bút
Viết nhật ký có thể giảm nhẹ sang chấn tinh thần, nâng cao khả năng miễn dịch và tăng sự tự tin
Những người sống sót sau sang chấn đang học được rằng chỉ đơn giản một cây bút và một cuốn sổ có thể khai mở khả năng chữa lành, cải thiện khả năng phục hồi và mang lại sự cân bằng cho hệ thần kinh.
Vẻ đẹp của phương thuốc này là rất ít đòi hỏi. Bạn không cần phải có một nền tảng viết lách. Bạn thậm chí không cần phải yêu thích viết lách hay đi bất cứ đâu để xin trợ giúp nếu bạn không muốn, nhờ các lớp học trực tuyến với nhiều hình thức viết khác nhau. Tất cả những gì bạn cần có là một tâm hồn cởi mở và mong muốn cải thiện sức khỏe của mình.
Casandra Austin-McDonald đã bắt đầu viết nhật ký trong bệnh viện sau một nỗ lực tự tử không thành.
“Tôi nhận ra rằng tôi đã ở đây bởi vì tôi chưa chữa lành sang chấn của mình,” cô nói.
Là một người sống sót sau sang chấn thời thơ ấu và bắt đầu sự nghiệp trong hệ thống tư pháp hình sự, Austin-McDonald đã không ngừng viết kể từ bước ngoặt đó. Cô biên tập các mục trong nhật ký của mình và xuất bản một thành cuốn sách mang tên “Unclothed: Memoir of a Naked Soul.” Cô hiện là một diễn giả chuyên nghiệp và huấn luyện viên cuộc sống (life coach) giúp phụ nữ thay đổi tự hiện thực hóa bản thân.
Cô nói: “Rất nhiều thứ tuôn trào ra khi tôi thực sự bắt tay viết vì có quá nhiều điều cần bày tỏ. Chính những bài viết của bản thân đã tiếp thêm sức mạnh cho tôi. Theo đúng nghĩa đen, thỉnh thoảng tôi sẽ tấp xe vào lề để viết gì đó.”
Có thể một số người bị sang chấn đã có sẵn trực giác của một nhà văn, song các chuyên gia cho rằng bất kỳ ai cũng có thể sử dụng sức mạnh của viết lách để đưa sức khỏe cân bằng trở lại. Giống như cơ thể vật lý của chúng ta sẽ khỏe mạnh hơn nhờ tập thể dục, cảm xúc cũng sẽ phục hồi bằng cách thường xuyên biểu hiện, bày tỏ suy nghĩ và tình cảm. Bên cạnh đó, sức khỏe thể chất cũng hưởng lây những lợi ích này.
Diana Raab đã viết vài cuốn sách về việc sử dụng viết để chữa bệnh, cô từng nói rằng: “Ai cũng có thể viết nhật ký. Viết nhật ký có thể là một công cụ hữu ích để có cuộc sống hạnh phúc và sức khỏe tinh thần”. Raab cũng cho rằng chúng ta sẽ cảm thấy như được trút bỏ gánh nặng khi viết. Nếu viết lách khiến bạn cảm thấy tồi tệ hơn, buồn bã hoặc lo lắng hơn, Raab khuyên nên tạm dừng và thử lại sau. Với đa số, việc viết nhật ký không gây ra tác dụng phụ nào.
Nhật ký hậu sang chấn
Raab khuyên rằng nếu chưa bao giờ viết nhật ký, bạn hãy thử trải nghiệm các phong cách khác nhau giúp kiểm soát căng thẳng hoặc đơn giản là để theo dõi sự tiến triển và tiến trình chữa bệnh. Dù lý do của bạn là gì, hãy đặt việc viết lách này là ưu tiên số một khi bắt đầu để bạn có thể xác định tính hiệu quả. Chẳng hạn, bạn có thể đặt mục tiêu khắc phục các chỉ trích nội tại để chấm dứt chu kỳ hổ thẹn.
Raab đã đề nghị chúng ta thử khám phá một số phong cách viết phổ biến dưới đây:
- Nhật ký suy ngẫm: Viết về những trải nghiệm của bạn và mô tả cảm xúc của bạn về chúng.
- Nhật ký biết ơn: Viết về những điều bạn biết ơn. Đây có thể là một danh sách, hoặc bạn có thể đầu tư trau truốt và tỉ mỉ hơn. Điều này có xu hướng phát huy tác dụng khi là việc đầu tiên bạn làm vào buổi sáng hoặc ngay trước khi đi ngủ.
- Nhật ký du lịch: Mang theo một cuốn nhật ký đặc biệt khi đi du lịch như một cách để ghi lại chuyến đi của bạn.
- Nhật ký bằng hình ảnh: Kết hợp từ ngữ với nghệ thuật hoặc hội hoạ. Bạn có thể vẽ một hình minh họa ở bên trái của trang và viết đôi điều ở bên phải.
- Nhật ký ăn uống: Loại nhật ký này dùng để theo dõi lượng thực phẩm ăn vào, nhằm kiểm soát tăng hoặc giảm cân. Bạn cũng có thể sử dụng cuốn sổ để ghi lại mọi thực phẩm gây dị ứng hoặc cảm xúc kết nối từ thói quen ăn uống hay phản ứng dị ứng.
Raab nói: “Chìa khóa để viết nhật ký thành công là sự đều đặn. Đó phải là một thói quen mà bạn dung hợp vào cuộc sống thường nhật của mình.”
Chỉ có một quy tắc viết để khỏe mạnh: đó là quy tắc ba ngày.
Theo John F. Evans, người sáng lập khóa học trực tuyến của Duke Integrative Medicine, Chuyển Biến Sức Khoẻ Của Bạn: Viết để Chữa lành: “Nếu bạn thấy mình lặp đi lặp lại cùng một cảm xúc trong ba ngày liên tiếp, thì có lẽ đã đến lúc bạn nên thay đổi. Viết về chủ đề này theo một cách hoàn toàn khác hoặc gác lại chủ đề đó một đoạn thời gian.”
Ông nói thêm rằng việc viết kịch, thơ, tiểu thuyết, tiểu luận, thư chưa gửi, danh sách và hồi ký cũng có giá trị trị liệu.
Những ký ức sang chấn: Nên công khai hay không
Hiện đã trở thành một thể loại sách riêng, hồi ký sang chấn có thể hữu ích nhưng các chuyên gia khuyên rằng bạn không nên chỉ viết cho riêng bản thân. Chia sẻ câu chuyện của bạn cần là một sự nỗ lực mang tính nghệ thuật nhằm mục đích lay động khán giả, không nên là biên soạn các sự kiện đau buồn nhất để thỏa mãn bản thân.
Ngoài ra, nếu bạn đang viết nhật ký với suy nghĩ rằng sau này người khác sẽ đọc những câu từ này, thì sẽ khiến bạn khó mà trung thực hoàn toàn với bản thân, và hưởng lợi từ sự tự sự thuần khiết mà việc viết nhật ký mang lại.
Theo Steve Donahue, một tác giả và chuyên gia viết sách, thì bên cạnh viết nhật ký, văn xuôi và thơ ca cũng là những công cụ mạnh mẽ thường được gợi ý cho những người lính mắc chứng rối loạn căng thẳng sau sang chấn.
“Kể một câu chuyện đẹp đẽ về một tệ hại là cả một sự thay đổi. Ngay cả khi đây không phải là lý do chính để bạn viết sách, thì cũng là một trong số những lợi ích tiềm năng khi bạn thực hiện tốt,” Steve Donahue viết trong một bài đăng trên blog vào năm 2021.
Chuyên gia trị liệu của Austin-McDonald đã khuyến khích cô tiếp tục viết nhật ký về câu chuyện cuộc đời mình. Cuối cùng, cô cảm thấy buộc phải chỉnh sửa rất nhiều “cảm xúc phun trào” và chia sẻ câu chuyện của mình để những nạn nhân khác của sang chấn thời thơ ấu biết rằng họ không đơn độc.
Cô nói: “Đó thực sự là do Chúa dẫn dắt. Tôi nhận được những cú huých này từ Chúa, tôi lắng nghe và làm theo, và nó biến thành một thứ gì đó.”
Thiết lập bản thân để thành công
Trừ khi bạn đang viết cho khán giả, và dù cho đúng như thế đi nữa, bạn cũng không cần quan tâm việc đúng dấu câu và chính tả. Điều quan trọng nhất là thiết lập những thói quen thúc đẩy trị liệu và đem lại niềm vui.
Dưới đây là một số lời khuyên từ Raab và Evans:
- Sử dụng nhật ký và cây bút mà bạn yêu thích. Chúng sẽ truyền cảm hứng để bạn cầm lên và sử dụng thường xuyên.
- Viết bất cứ khi nào bạn muốn và đặc biệt là khi bạn cảm thấy thôi thúc phải bày tỏ việc đã xảy ra, hay điều ai đó đã nói hoặc làm.
- Sắp xếp thời gian trong ngày và ấn định một nơi tại đó bạn sẽ viết liên tục trong ít nhất 20 phút.
- Luôn ghi ngày ở đầu trang giấy.
- Tĩnh tâm lại bằng cách thiền ngắn hoặc hít thở sâu vài lần.
- Dành vài phút để suy nghĩ về sang chấn của bạn và nơi bạn cảm thấy nó trong cơ thể mình. Xem xét việc sang chấn ảnh hưởng đến bạn và những người thân yêu như thế nào.
- Nếu gặp khó khăn, hãy viết về bản thân bằng ngôi thứ ba để xem việc đó có làm thay đổi quan điểm của bạn hay không.
- Bắt đầu bằng cách viết, “Ngay bây giờ, tôi cảm thấy…” và xem nó đi đến đâu. Cố gắng viết càng chi tiết càng tốt.
Raab nói: “Cái hay của việc viết nhật ký là không giống như một bài luận cần có phần mở đầu, phần giữa và phần kết. Đó có thể là dòng ý thức hoặc viết vô thức, nơi bạn để dòng suy nghĩ của mình đưa bạn đến nơi chúng muốn. Sẽ không có vấn đề gì nếu bạn bắt đầu viết về một thứ và dòng ký ức biến mất trở thành một thứ khác. Điều quan trọng là bạn đang viết.”
Thử sử dụng gợi ý
Đối với những người mới viết nhật ký hoặc chưa quen với việc viết nhật ký, gợi ý có thể hữu ích.
Cuốn sách mới nhất của Raab, “Viết cho hạnh phúc: Kế hoạch bảy bước để kể câu chuyện và thay đổi cuộc sống của bạn,” có các gợi ý xuyên suốt, ngoài ra còn có một phần ở cuối sách liệt kê các gợi ý.
Một số trong những gợi ý cô đưa ra trên trang web của mình là:
- Viết về một trải nghiệm thời thơ ấu sống động, vui vẻ hoặc đau đớn (hoặc cả hai).
- Viết một bài thơ bắt đầu bằng “Tôi không biết…”
- Kết thúc bằng câu: “Ý định của tôi cho ngày hôm nay là…”
- Viết bức thư tình cảm chân thành cho một người đặc biệt trong cuộc đời bạn, đang sống hoặc đã ra đi.
- Viết về một thành viên trong gia đình đầy sắc màu.
Mong đợi kết quả tích cực
Theo Evans, tổng hợp các nghiên cứu về tác dụng vật lý của viết lách từ đầu những năm 1980, cho thấy tác dụng giảm nhịp tim, tăng cường khả năng chống nhiễm trùng của cơ thể, cải thiện lòng tự trọng và giúp mọi người vượt qua các trở ngại.
Trong một nghiên cứu về các sinh viên đại học vào năm 1986, những người đã viết 15 phút trong bốn ngày liên tiếp về những trải nghiệm đau thương hoặc khó chịu nhất trong cuộc đời họ cho kết quả giảm các vấn đề sức khỏe, còn nhóm đối chứng viết về những chủ đề hời hợt. Ngoài ra nhóm viết ra những cảm xúc sâu sắc nhất của họ ít phải đến trung tâm y tế hơn và số ngày ốm đau ít hơn.
Kể từ đó các nghiên cứu khác được tiến hành và đã cho kết quả tương tự, như:
- Giảm huyết áp
- Cải thiện chức năng gan
- Giảm các triệu chứng trầm cảm trước khi khám
- Giảm vắng mặt trong công việc
- Tìm lại việc làm nhanh hơn sau khi mất việc
- Cải thiện trí nhớ công việc
- Số ngày nằm viện ít hơn
- Cải thiện thành tích thể thao
- Điểm trung bình cao hơn
- Thay đổi hành vi xã hội và ngôn ngữ
Austin-McDonald cũng lưu ý rằng cô đã làm việc với những khách hàng mà mẹ của họ đã đọc nhật ký thời thơ ấu của họ, và khi đó, việc viết nhật ký khiến họ nhớ lại ký ức đau buồn hoặc họ không thể bày tỏ hết những suy nghĩ sâu sắc nhất của mình. Trong trường hợp đó, viết có thể không phải là giải pháp tốt nhất. Nhưng có những con đường khác như âm nhạc, nhảy múa (tap dance)*, yoga và kịch có thể giúp xoa dịu cảm xúc.
“Viết theo nghĩa đen đã cứu mạng tôi. Bạn phải tìm cách nói ra những điều tâm hồn bạn muốn nói,” Austin-McDonald nói.
Nam Khanh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times