Hòa mình vào thiên nhiên giúp chúng ta chữa lành thể chất và tinh thần
Hòa mình vào thiên nhiên giúp chúng ta hạ huyết áp, cải thiện chức năng tim mạch và giảm sinh hormone gây căng thẳng
Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy rằng tất cả thời gian chúng ta ở trong nhà trong hai năm qua đang khiến chúng ta phát bệnh.
Tục ngữ có câu: “Muốn luộc một con ếch đang sống thì đừng vặn lửa quá to, quá nhanh kẻo ếch sẽ nhảy ra khỏi nồi” (nước ấm nấu ếch.) Ngoài lý do vì sao bạn muốn luộc một con ếch thì vấn đề muốn nói ở đây là chúng ta có thể sẽ không nhận thấy những thay đổi mang tính hủy hoại này khi chúng chỉ ảnh hưởng một cách từ từ cho đến khi gây hại cho chúng ta.
Nếu điều đó là đúng thì việc phong tỏa và hạn chế tiếp xúc trong hai năm qua có thể đã làm cho sức khỏe tổng thể của chúng ta ở mức báo động.
Bắt đầu từ năm 2022, Thời báo The Epoch Times đã đưa tin rộng rãi về tác động tàn phá của việc phong tỏa do COVID-19. Từ việc gia tăng tỷ lệ béo phì và trầm cảm đến chậm phát triển nhận thức và học tập ở trẻ em, bằng chứng cho thấy phong tỏa vì COVID-19 đã gây ra nhiều tác hại hơn là có lợi.
Tương tự như phong tỏa, việc dành nhiều thời gian hơn – và tiếp tục dành nhiều thời gian hơn nữa để sống ở trong nhà đã gây tổn hại cho sức khỏe cho chính chúng ta.
Bắt đầu từ những năm 1980, thời lượng người Mỹ ở trong nhà đã tăng lên đều đặn. Ngay cả trước khi có lệnh phong tỏa, dữ liệu khảo sát cho thấy người Mỹ đã dành từ 90 đến 93% thời gian của họ là ở trong nhà — điều này không tốt chút nào.
Nhiều năm trước khi chính phủ bắt buộc mọi người phải ở trong nhà do COVID-19, hàng núi bằng chứng đã tiết lộ một loạt các tác động tiêu cực về thể chất và tâm lý do dành quá nhiều thời gian ở trong nhà như: Trầm cảm, bệnh tim mạch, bệnh hô hấp, viêm nhiễm và các vấn đề về bệnh tật vẫn đang tiếp tục xảy ra.
Mặc dù sức khỏe của chúng ta rõ ràng đã bị ảnh hưởng do bị “phong tỏa”, nhưng vẫn có một tin tốt, đó là: Một số lượng lớn bằng chứng cho thấy cơ thể chúng ta được lập trình sẵn để có thể chữa khỏi một cách tự nhiên. Chỉ cần 20 phút mỗi ngày ở bên ngoài, thậm chí chỉ đứng trong không gian thiên nhiên, đã được chứng minh là sẽ cải thiện đáng kể sức khỏe của chúng ta.
Vào đầu những năm 1980, một nhà nghiên cứu người Nhật Bản, Tomohide Akiyama, bắt đầu công bố những phát hiện về cách cơ thể chúng ta phản ứng khi ở trong môi trường tự nhiên.
Trong một loạt nghiên cứu, Akiyama khuyến khích những người tham gia đi vào rừng hoặc công viên và dành một khoảng thời gian ngắn để thư giãn và thực hành chánh niệm ở đó, một phương thức mà ông gọi là shinrin-yoku, hay là “tắm trong rừng”. Akiyama phát hiện ra rằng việc ra ngoài tự nhiên giúp hạ huyết áp, cải thiện chức năng tim và ngăn việc sinh ra các hormone gây căng thẳng.
Tại sao cơ thể chúng ta phản ứng rất tốt khi chúng ta hòa mình vào thiên nhiên?
Năm 1984, nhà sinh vật học người Mỹ Edward O. Wilson đã xuất bản một cuốn sách có tên là “Biophilia”, trong đó ông suy đoán rằng chúng ta được thiết kế về mặt di truyền để bị thu hút bởi thiên nhiên và những thứ tự nhiên.
Wilson đã đề xuất rằng qua hàng triệu năm tiến hóa, cơ thể và tâm trí của chúng ta đã thích nghi với cuộc sống bên ngoài và do đó không phản ứng tốt với việc ở trong nhà, ông viết, “Giả thuyết Biophilia mạnh dạn khẳng định trên cơ sở sinh học rằng, con người có nhu cầu bẩm sinh kết nối với thiên nhiên”.
Giả thuyết Biophilia của Wilson dường như ủng hộ nghiên cứu của Akiyama nhưng cũng vẫn gây ra các cuộc tranh luận kéo dài 20 năm trong cộng đồng khoa học.
Năm 2005, nhà báo Richard Louv xuất bản cuốn “Đứa trẻ cuối cùng trong rừng”. Trong cuốn sách, Louv đã đặt ra thuật ngữ “rối loạn do thiếu thiên nhiên” để mô tả những gì ông tin rằng đang xảy ra với con cái chúng ta khi chúng ta nhốt chúng trong nhà trong thời gian dài.
Louv đã ghi lại tỷ lệ bùng nổ của căn bệnh béo phì, mức tăng vọt của chứng trầm cảm ở tuổi vị thành niên và hàng loạt tác động tiêu cực do “khoảng cách ngày càng tăng giữa giới trẻ và thế giới tự nhiên” gây ra.
Louv đồng ý với Wilson rằng con người chúng ta có bản chất di truyền là thích ở bên ngoài và trong cuốn sách, ông viết rằng con cái của chúng ta đang bị thiếu hụt nghiêm trọng thứ mà ông gọi là “Vitamin N,” — tức là Nature: Thiên nhiên. Một điều hiển nhiên là cuốn sách “Đứa trẻ cuối cùng trong rừng” đã được rất nhiều nhà tư tưởng, nhà văn, bác sĩ lâm sàng và chính trị gia hàng đầu ca ngợi.
Bản chất sinh học hay nguồn gốc thiêng liêng từ Thần của chúng ta?
Nhiều thế kỷ trước, khi chúng ta bắt đầu thu thập dữ liệu lâm sàng về lợi ích của việc ở bên ngoài, con người đã biết rằng thế giới tự nhiên có khả năng chữa lành. Từ người Hy Lạp cổ đại đến người La Mã, người bản địa Mỹ Châu đều đã có một lịch sử lâu dài ca ngợi lợi ích của việc ở trong và bên cạnh thiên nhiên.
Trong khi Akiyama, Wilson và Louv đưa ra giả thuyết rằng lý do của phản ứng chữa lành này là do quá trình tiến hóa sinh học của chúng ta, thì những người khác, như nhà thần học và sinh thái học – Tiến sĩ Christopher Thompson – lại cho rằng chúng ta bị thiên nhiên thu hút vì nguồn gốc thần của chính chúng ta.
Mặc dù Tiến sĩ Thompson không phủ nhận những lợi ích thực thể chúng ta ra ngoài, nhưng ông nhấn mạnh rằng động lực của những lợi ích này là thiên nhiên cùng với trật tự, cấu trúc và nhịp điệu có thể dự đoán được đã được tạo ra như là một “lớp học” đầu tiên trong cuộc đời của chúng ta, trong đó chúng ta học về Sáng Thế chủ và cách để chúng ta phù hợp với thứ tự đã được tạo ra đó.
Trong cuốn sách “The Joyful Mystery” (“Bí ẩn của hạnh phúc”), Tiến sĩ Thompson đặt vấn đề mang tính lý thuyết rằng chúng ta cảm thấy tốt hơn khi ở trong tự nhiên vì chúng ta có mối liên kết trở lại với “sự vô thức do sinh học thúc đẩy, … tàn tích của một quá khứ đã bị lãng quên từ lâu qua nhiều thế kỷ tiến hóa và tiến bộ.”
Thay vào đó, Tiến sĩ Thompson khẳng định rằng niềm vui, thậm chí là sự khỏe mạnh mà chúng ta cảm thấy khi ở trong tự nhiên là được đến từ mối liên kết sâu xa với nguồn gốc siêu hình của chúng ta—một cái nhìn sâu sắc “về địa vị của chúng ta với tư cách là một sinh vật trong vũ trụ, được tạo ra bởi Chúa và tình thương.” Để dễ hiểu hơn, Tiến sĩ Thompson lập luận rằng chúng ta cảm thấy tốt hơn khi ở trong tự nhiên bởi vì chúng ta cảm thấy tôn kính Đức Chúa trời, đó là một thoáng hiện hữu về món quà của sự tồn tại.’
Cho dù lợi ích của việc ở bên ngoài tự nhiên phát sinh từ bản năng sinh học của chúng ta hay từ mối liên kết với đức Sáng Thế chủ thì các bằng chứng cho thấy việc dành thời gian bên ngoài đã mang lại nhiều lợi ích cho chúng ta là một điều rõ ràng và có tính thuyết phục. Điều này đặc biệt đúng trong những tháng mùa đông khi thời gian ban ngày ngắn hơn và khi nhiệt độ giảm xuống, khi đó chúng ta có xu hướng dành nhiều thời gian ở trong nhà hơn.
Theo một số nghiên cứu, trong những tháng mùa đông lạnh giá, chúng ta dành gần gấp đôi thời gian ở trong nhà, kể cả khi tập thể dục, so với thời gian ở mùa hè. Mặc dù điều này không có gì đáng ngạc nhiên, nhưng thời gian ở trong nhà nhiều hơn sẽ làm tăng khả năng tiếp xúc của chúng ta với các chất gây dị ứng—chẳng hạn như mạt bụi—được biết là nguyên nhân gây khó thở như hen suyễn, đặc biệt là ở trẻ em.
Khi chúng ta lại kết hợp giữa việc tăng thời gian ở trong nhà nhiều hơn với những ngày mùa đông ngắn hơn thì có nghĩa là chúng ta sẽ giảm tiếp xúc với ánh sáng mặt trời nhiều hơn, do đó làm giảm mức vitamin D, một chất cần thiết để chống lại các bệnh nhiễm trùng như COVID-19. Tóm lại, việc giảm ánh sáng mặt trời trong mùa đông sẽ làm tăng khả năng tiếp xúc với các chất gây dị ứng và việc thiếu vitamin D sẽ làm ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và tinh thần của chúng ta.
Tuy nhiên, một nghiên cứu đã mang lại tin tốt cho chúng ta: Theo kết quả đã được chứng minh của nghiên cứu thì chỉ cần từ 10 đến 20 phút ở ngoài trời trong những tháng mùa đông là đã giúp cải thiện sức khỏe thể chất và tinh thần. Và lợi ích của việc ở bên ngoài không liên quan đến bất kỳ hoạt động cụ thể nào – mọi người có thể đi bộ, đắp người tuyết hoặc chỉ cần đứng bên ngoài trời cũng đều có thể giúp cải thiện sức khỏe của chúng ta trong những tháng mùa đông.
Vào những ngày lạnh hơn, khi nhiệt độ ở dưới mức đóng băng thì nên nhớ mặc quần áo phù hợp. Tốt nhất là nên mặc nhiều lớp quần áo và loại quần áo làm từ sợi tự nhiên như len hoặc lông tơ có xu hướng giúp cho hoạt động của chúng tốt hơn là loại quần áo bằng sợi tổng hợp. Quần áo cotton sẽ giúp bạn ấm hơn so với polyester, nhưng vì nó là sợi tự nhiên nên sẽ có xu hướng hút và giữ ẩm (do thời tiết hoặc mồ hôi của chúng ta) và khi bị ướt, thì quần áo cotton là chất cách nhiệt kém.
Việc mặc đẹp và ấm sẽ khiến cho việc ra ngoài trời vào mùa đông trở thành một niềm vui hơn là một việc vặt và giúp cho mọi người mong muốn được ra ngoài. Như một câu nói cổ xưa của người Scandinavi, “Không có thời tiết xấu, chỉ có quần áo xấu.”
Khánh Nam biên dịch.
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times.