Thực phẩm siêu chế biến có liên quan đến 7 rủi ro sức khỏe, thậm chí tử vong

Bản chất gây nghiện và sự phổ biến khiến việc tiêu thụ thực phẩm chế biến là điều khó tránh khỏi, nhưng quá nhiều sẽ gây nguy hiểm cho sức khỏe của chúng ta.

Ăn vặt đã phổ biến trong nền văn hóa hiện tại giống như việc ăn uống tự nhiên phổ biến trong quá khứ không xa của chúng ta.

Nghiên cứu cho thấy mối liên quan giữa việc tiêu thụ thực phẩm chế biến sẵn và tăng nguy cơ mắc 32 bệnh, bao gồm bệnh tim, ung thư, tiểu đường loại 2, lo lắng và tử vong sớm.

Thực phẩm siêu chế biến là gì?

Một số ví dụ về thực phẩm siêu chế biến là bữa ăn sẵn, đồ nướng đóng gói, thức ăn nhẹ, ngũ cốc có đường và thức uống có ga. Những mặt hàng này trải qua nhiều bước chế biến công nghiệp và thường chứa chất tạo màu, chất nhũ hóa, hương liệu và các chất phụ gia khác. Ngoài ra, chúng thường chứa nhiều đường, chất béo và muối bổ sung, đồng thời ít chất xơ và vitamin.

Định nghĩa về “thực phẩm chế biến sẵn” rất rộng và không phải tất cả thực phẩm chế biến sẵn đều được phân loại là “siêu chế biến” hoặc không tốt cho sức khỏe.

Ví dụ, thực phẩm được làm nóng và đóng gói kín trong nhà máy được xem là chế biến tối thiểu. Tuy nhiên, một số sản phẩm chế biến đơn giản vẫn có thể không tốt cho sức khỏe. Các loại thực phẩm siêu chế biến phổ biến nhất, chẳng hạn như các loại thức ăn nhẹ, thức uống, bánh quy và bánh mì do nhà máy sản xuất, trải qua các quy trình sản xuất phức tạp hơn và chứa nhiều chất phụ gia hóa học, dẫn đến thành phần dinh dưỡng kém lành mạnh hơn.

7 rủi ro sức khỏe của thực phẩm siêu chế biến

  • Tử vong: Tử vong do mọi nguyên nhân, tử vong liên quan đến ung thư và bệnh tim mạch
  • Ung thư: Ung thư tổng thể, ung thư vú, ung thư đại trực tràng, khối u hệ thần kinh trung ương, bệnh bạch cầu lympho mạn tính, ung thư tuyến tụy và ung thư tuyến tiền liệt
  • Sức khỏe tâm thần: Ngủ kém, lo lắng, rối loạn tâm thần thông thường và trầm cảm (đặc biệt là khi tiêu thụ chất làm ngọt nhân tạo)
  • Sức khỏe tim mạch: Bệnh tim mạch, cao huyết áp, tăng triglycerid máu và nồng độ cholesterol HDL thấp
  • Sức khỏe hô hấp: Hen suyễn và thở khò khè
  • Sức khỏe đường tiêu hóa: Bệnh Crohn và viêm loét đại tràng
  • Sức khỏe trao đổi chất: Béo bụng, đường huyết cao, hội chứng chuyển hóa, bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu, béo phì và tiểu đường loại 2

Mặc dù không phản ánh mối quan hệ nhân quả, nhưng các bằng chứng đáng tin cậy cho thấy tiêu thụ quá nhiều thực phẩm chế biến sẵn đặc biệt có liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc các vấn đề về tim mạch chuyển hóa, rối loạn tâm thần thông thường và tử vong.

Trong đó, bằng chứng liên quan đến thực phẩm chế biến sẵn với bệnh tiểu đường là hấp dẫn nhất, với nghiên cứu chất lượng tương đối cao ủng hộ mối liên quan này. Đối với những người đã có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, tình trạng này có thể làm suy yếu miễn dịch và tuần hoàn khắp cơ thể, từ đó làm tăng nguy cơ mắc thêm một số bệnh khác.

Bản chất gây nghiện của thực phẩm siêu chế biến

Ước tính rằng khoảng 14% người lớn và 12% trẻ em có thể gặp các vấn đề liên quan đến chứng nghiện thực phẩm chế biến sẵn.

Chứng nghiện thực phẩm chế biến sẵn, giống như chứng nghiện điện thoại thông minh và rượu, có thể ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe tâm thần. Các thành phần phức tạp trong thực phẩm siêu chế biến, chẳng hạn như carbohydrate tinh chế và chất béo, có thể kích thích não tiết ra một lượng lớn dopamine, đạt đến mức tương tự như các chất như nicotin và rượu, từ đó góp phần gây nghiện.

Hơn nữa, thực phẩm siêu chế biến có nhiều carbohydrate tinh chế và thường chứa thêm chất béo và các chất phụ gia hóa học. Do các phương pháp chế biến khác nhau, những thực phẩm này có thể tạo ra những tác động nhất định làm gián đoạn cơ chế điều chỉnh sự thèm ăn của cơ thể, khiến người ta vô tình tiêu thụ nhiều calorie hơn. Sự tích tụ lượng calorie dư thừa trong thời gian dài có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe tiếp theo.

Lời khuyên để kiểm soát lượng thức ăn siêu chế biến

Trong môi trường thời nay, sự cám dỗ của thực phẩm siêu chế biến là điều khó tránh khỏi. Vì vậy, cần phải nhận biết tính chất gây nghiện và mối nguy hiểm cho sức khỏe của những thực phẩm này. Chúng nên được thưởng thức ở mức độ vừa phải. Nếu dấu hiệu nghiện xuất hiện, việc can thiệp sớm là rất quan trọng.

Trong số các thực phẩm siêu chế biến, nên chọn những thực phẩm tương đối lành mạnh hơn. Ví dụ, đối với bữa sáng, hãy chọn loại ngũ cốc ít đường, natri, muối, carbohydrate tinh chế và nhiều chất xơ hơn. Ngoài ra, trộn ngũ cốc có đường với ngũ cốc không đường có thể giúp giảm hàm lượng đường tổng thể.

Ví dụ như bánh socola phổ biến có chứa một lượng đáng kể các chất phụ gia hóa học, chẳng hạn như chất làm đặc phức tạp, chất nhũ hóa và chất cải thiện chất lượng mỡ nướng. Mỗi 100g bánh socola chứa 26.3g đường, chiếm hơn 1/4 thành phần, cùng với 17.7g chất béo. Do đó, không nên dùng loại bánh như vậy như một món ăn nhẹ hàng ngày và nên tránh tiêu thụ trừ khi có dịp đặc biệt.

Tú Liên biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times.

JoJo Novaes
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Cô Jojo là người dẫn chương trình Health 1+1. Health 1+1 là nền tảng thông tin y tế và sức khỏe của Trung Quốc có uy tín nhất ở ngoại quốc. Thứ Ba đến thứ Bảy hàng tuần, từ 9 đến 10 giờ sáng theo giờ miền Đông trên truyền hình và trực tuyến, chương trình gồm có những thông tin mới nhất về virus corona, phòng ngừa, điều trị, nghiên cứu khoa học và chính sách, cũng như bệnh ung thư, bệnh mãn tính, sức khỏe tình cảm và tinh thần, miễn dịch, bảo hiểm y tế, và các khía cạnh khác để cung cấp cho quý vị sự chăm sóc, trợ giúp đáng tin cậy và chu đáo. Kênh online: EpochTimes.com/Health; Kênh TV: NTDTV.com/live
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn