Chuyển phôi tươi và phôi đông lạnh có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư máu cho em bé
Các loại ung thư khác rất khó nghiên cứu vì hiếm gặp ở trẻ em.
Theo một nghiên cứu được công bố gần đây trên tập san JAMA Network Open, những đứa trẻ sinh ra sau khi được hỗ trợ sinh sản y học (MAR) có nguy cơ bị bệnh ung thư máu (bệnh bạch cầu/leukemia) cao hơn.
Trong số hơn 8.5 triệu trẻ em có độ tuổi trung bình là 6.4 tuổi sinh ra ở Pháp từ năm 2010 đến năm 2021, nguy cơ mắc bệnh ung thư nói chung là như nhau ở những trẻ được thụ thai tự nhiên và những trẻ được sinh ra sau khi chuyển phôi tươi (tỷ lệ rủi ro là 1.12), chuyển phôi đông lạnh (tỷ lệ rủi ro là 1.02) hoặc thụ tinh nhân tạo (tỷ lệ rủi ro là 1.09). Tỷ lệ rủi ro so sánh sự xuất hiện của một sự kiện giữa hai nhóm. Tỷ lệ rủi ro bằng 1 cho thấy biến cố xảy ra là như nhau giữa nhóm điều trị và nhóm đối chứng.
Tuy nhiên, trong số 260,236 trẻ được thụ thai thông qua MAR, các nhà nghiên cứu nhận thấy nguy cơ mắc bệnh bạch cầu nguyên bào lympho cấp tính tăng lên sau khi chuyển phôi đông lạnh (tỷ lệ rủi ro là 1.61) so với những trẻ được thụ thai tự nhiên và chênh lệch nguy cơ là 23.2 trường hợp trên một triệu người-năm.
Ngoài ra, một phân tích thứ cấp về trẻ sinh từ năm 2010 đến năm 2015 cho thấy nguy cơ bị bệnh bạch cầu tăng cao ở trẻ được thụ thai thông qua chuyển phôi đông lạnh— dù điều đó không có ý nghĩa thống kê—và chuyển phôi tươi.
Tiến sĩ Paula Rios thuộc Cơ quan An toàn Thuốc và Sản phẩm Y tế Quốc gia Pháp và các đồng tác giả của bà đã viết, “Nguy cơ này, mặc dù áp dụng trong một số lượng hạn chế các trường hợp, cần phải được theo dõi trong bối cảnh việc sử dụng ART [công nghệ hỗ trợ sinh sản] ngày càng gia tăng.”
Theo nghiên cứu, những đứa trẻ sinh ra sau MAR có nhiều khả năng sinh đa thai hơn, có cân nặng khi sinh và tuổi thai thấp hơn, đồng thời thường sinh ra nhỏ bé hơn hoặc được chẩn đoán bị dị tật bẩm sinh. Trẻ sinh ra sau chuyển phôi đông lạnh thường to lớn hơn trẻ cùng tuổi và được sinh ra từ những bà mẹ lớn tuổi.
Trong số các bệnh ung thư được nghiên cứu, bệnh bạch cầu là loại ung thư được chẩn đoán phổ biến nhất, chiếm 29% tổng số trường hợp và bệnh bạch cầu nguyên bào lympho cấp tính chiếm 79% các trường hợp bị bệnh bạch cầu.
Bệnh bạch cầu là loại ung thư được chẩn đoán phổ biến nhất ở trẻ em và bệnh bạch cầu lymphoblastic cấp tính là loại được chẩn đoán thường xuyên nhất, chiếm tới 80% tổng số trường hợp ở trẻ em.
Bệnh bạch cầu là một bệnh ung thư máu xảy ra khi sản xuất quá nhiều các tế bào bạch cầu bất thường từ tủy xương và các mô bạch huyết. Trong bệnh bạch cầu nguyên bào lympho cấp tính, ung thư bắt đầu trong tủy xương nơi có quá nhiều tế bào bạch cầu chưa trưởng thành và tiến triển nhanh chóng.
Ngoài bệnh bạch cầu, các nhà nghiên cứu quan sát thấy khối u của hệ thần kinh trung ương (CNS), khối u phôi và u lympho là hay gặp nhất, mặc dù nguy cơ bị các bệnh ung thư này không khác nhau giữa trẻ sinh ra sau khi chuyển phôi tươi hoặc đông lạnh.
Tuy nhiên, nguy cơ bị u ác tính ở hệ thần kinh trung ương cao hơn ở trẻ sinh ra sau thụ tinh nhân tạo, nhưng chưa có ý nghĩa thống kê.
Các nghiên cứu khác cho thấy nguy cơ ung thư cao hơn
Theo bài báo, cơ chế đằng sau nguy cơ ung thư tăng lên ở trẻ em sinh ra sau MAR vẫn chưa được biết rõ và các nghiên cứu trước đây đã cho những kết quả trái ngược nhau. Một số nghiên cứu cho thấy những rối loạn ngoại di truyền do MAR gây ra có thể là nguyên nhân.
Trong một nghiên cứu lớn, bao gồm 100,000 trẻ em sử dụng công nghệ hỗ trợ sinh sản, các nhà nghiên cứu không thấy sự gia tăng nguy cơ ung thư nói chung, ngoại trừ một nghiên cứu báo cáo “mối liên hệ đáng kể” với công nghệ hỗ trợ sinh sản.
Tuy nhiên, nghiên cứu về các loại ung thư cụ thể, và các nghiên cứu trước đây đã đánh giá nguy cơ ung thư ở trẻ em liên quan đến chuyển phôi tươi hoặc đông lạnh, đều cho thấy mối liên hệ.
Trong một bài bình luận được mời đăng vào ngày 02/5 tập san JAMA Network Open, Marie Hargreave, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Ung thư Đan Mạch, cho biết việc sử dụng công nghệ hỗ trợ sinh sản có liên quan đến “một số kết quả chu sinh bất lợi” ở trẻ em, chẳng hạn như sinh non, dị tật bẩm sinh, và tăng nguy cơ ung thư.
Một nghiên cứu năm 2019 được công bố trên Multidisciplinary Scientific Journal (Tập san Khoa học Đa ngành) cho thấy nguy cơ bị bệnh ung thư ở trẻ sau MAR tăng cao. Tương tự, một nghiên cứu năm 2022 trên tập san JAMA Network Open cho thấy nguy cơ mắc bệnh ung thư ở trẻ em được thụ thai bằng công nghệ sinh sản tăng lên, mà không phải do sinh non hoặc nhẹ cân.
Trong một nghiên cứu quy mô lớn trên toàn quốc của Đan Mạch do bà Hargreave là đồng tác giả, những đứa trẻ sinh ra sau khi chuyển phôi đông lạnh có nguy cơ bị bệnh ung thư cao hơn, chủ yếu là do tăng nguy cơ bị bệnh bạch cầu và các khối u hệ thần kinh giao cảm.
Theo bình luận của bà Hargreave, đã có các báo cáo về các loại ung thư khác xuất hiện sau khi dùng công nghệ hỗ trợ sinh sản, bao gồm u nguyên bào gan, u nguyên bào thần kinh, u nguyên bào võng mạc, khối u hệ thần kinh trung ương và sarcoma, nhưng việc nghiên cứu trên những loại ung thư này rất khó.
Bà viết, “Bệnh bạch cầu là loại ung thư phổ biến nhất ở trẻ em, còn việc nghiên cứu các loại ung thư khác rất khó khăn vì chúng hiếm gặp.”
Đại Hải biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times