Ngủ trưa nhiều làm gia tăng nguy cơ bệnh tim mạch và Alzheimer
Ngủ trưa kéo dài hơn 30 phút sẽ có tác động bất lợi đối với sức khỏe.
Nhiều người có thói quen ngủ trưa. Trong khi một giấc ngủ ngắn giúp phục hồi năng lượng và cải thiện hiệu suất làm việc, thì ngủ trưa quá lâu sẽ dẫn đến uể oải và mệt mỏi hơn. Nghiên cứu gần đây cho thấy rằng ngủ trưa quá mức gây ra nhiều tác hại lâu dài, như tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, bệnh Alzheimer và tử vong.
Theo dữ liệu khảo sát năm 2022 từ Quỹ Giấc Ngủ Quốc Gia, 30.5% người lớn Hoa Kỳ ngủ trưa nhiều hơn một lần mỗi tuần. Thêm vào đó, 42.7% nhân viên làm việc toàn thời gian thường xuyên ngủ trưa trong giờ nghỉ.
Những nghiên cứu trước đây về tác động lâu dài của giấc ngủ trưa chủ yếu tập trung vào lợi ích, chẳng hạn như cải thiện sức khỏe bộ não và chức năng nhận thức. Tuy nhiên, một số nghiên cứu này không xét đến thời gian ngủ trưa, dẫn đến những hạn chế trong kết luận. Mặc dù vẫn còn tranh cãi về tác dụng của thời gian ngủ trưa đối với sức khỏe và thời gian ngủ trưa tối ưu, nhiều nghiên cứu gợi ý rằng ngủ trưa dưới 30 phút giúp gia tăng các lợi ích sức khỏe và giảm các tác động bất lợi tiềm ẩn của giấc ngủ trưa dài hơn.
Vòng luẩn quẩn giữa giấc ngủ trưa dài và Alzheimer
Người lớn tuổi càng ngủ trưa dài và thường xuyên hơn, nguy cơ phát triển bệnh Alzheimer càng cao. Ngược lại, khi các triệu chứng của Alzheimer nặng hơn, thời gian và tần suất ngủ trưa có xu hướng tăng lên. Điều này gợi ý một vòng luẩn quẩn giữa ngủ trưa quá mức và Alzheimer.
Bệnh Alzheimer gây ra bởi sự tích tụ của hai loại protein trong não: amyloid beta và tau. Trong khi suy giảm nhận thức là triệu chứng dễ nhận biết nhất, các protein này tích tụ trong các phần khác nhau của bộ não, thân não và tủy sống, dẫn đến một loạt các triệu chứng khác. Một trong số đó có thể là tăng tần suất và thời gian ngủ vào ban ngày.
Một nghiên cứu khác được thực hiện bởi Đại Học California–Los Angeles phát hiện rằng những người ngủ trưa 120 phút hoặc hơn mỗi ngày có khả năng bị suy giảm nhận thức cao hơn 66% so với những người ngủ trưa dưới 30 phút mỗi ngày.
Ngủ trưa nhiều làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch
Trong những năm gần đây, nhiều nghiên cứu tập trung vào tác động của thời gian ngủ trưa đối với bệnh tim mạch, với đa số lấy mốc 30 phút làm giới hạn để xác định thời gian ngủ trưa.
Nghiên cứu cho thấy so với những người không bao giờ ngủ trưa, những người ngủ trưa 30 phút có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao hơn 11%. Nếu thời gian ngủ trưa vượt quá 30 phút, nguy cơ này tăng lên 23%. Đặc biệt, những người ngủ ít hơn vào ban đêm (ít hơn bảy giờ) nhưng ngủ trưa lâu hơn (hơn 30 phút) có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao nhất – cao hơn 47% so với những người có thời gian ngủ đêm tối ưu (bảy đến chín giờ) không ngủ trưa.
Các nhà khoa học nhấn mạnh rằng “ngay cả khi giấc ngủ bị mất vào ban đêm thì cũng không nên ngủ trưa quá nhiều vào ban ngày.”
Ngoài các bệnh tim mạch, các nghiên cứu chuyên sâu về tác động của ngủ trưa đối với rung nhĩ và suy tim cũng đưa ra kết luận tương tự. Những người ngủ trưa 30 phút hoặc lâu hơn có nguy cơ bị rung nhĩ (một loại loạn nhịp tim) cao hơn 90% so với những người ngủ trưa dưới 30 phút. Loạn nhịp tim có thể tăng nguy cơ đột quỵ và suy tim.
Ngủ trưa quá nhiều cũng làm tăng đáng kể nguy cơ mắc hội chứng chuyển hóa (cao huyết áp, tiểu đường, rối loạn mỡ máu) và béo phì.
Ngủ trưa quá lâu liên quan đến nguy cơ tử vong cao hơn
Nghiên cứu trước đây đã đưa ra những kết quả mâu thuẫn về mối quan hệ giữa ngủ trưa và nguy cơ tử vong do mọi nguyên nhân ở người lớn tuổi, có thể do bỏ sót thời gian ngủ trưa.
Một nghiên cứu năm 2014 theo dõi hơn 16,000 người ở Vương Quốc Anh cho thấy ngủ trưa ít hơn một giờ mỗi ngày làm tăng 14% nguy cơ tử vong do mọi nguyên nhân, trong khi ngủ trưa một giờ hoặc lâu hơn liên quan đến tăng 32%. Đáng chú ý, mối quan hệ giữa ngủ trưa và tử vong do các bệnh về hô hấp rõ rệt hơn, với nguy cơ tử vong tăng 40% đối với những người ngủ trưa ít hơn một giờ và tăng 156% đối với những người ngủ trưa một giờ hoặc lâu hơn.
Mối quan hệ giữa ngủ trưa và nguy cơ tử vong do mọi nguyên nhân đặc biệt rõ ràng ở những người dưới 66 tuổi. Thêm vào đó, mối quan hệ này vẫn tồn tại ngay cả ở những người không có bệnh lý từ trước.
Một phân tích gộp khác từ năm 2014 cũng cho thấy ngủ trưa hơn một giờ làm tăng 27% nguy cơ tử vong do mọi nguyên nhân.
Thời gian ngủ trưa tối ưu
Những giấc ngủ trưa ngắn đã được chứng minh mang lại lợi ích như giảm mệt mỏi, cải thiện trí nhớ, tăng sự tỉnh táo và tốt tim mạch. Vậy giấc ngủ trưa nên kéo dài bao lâu? Theo đề xuất của Quỹ Giấc Ngủ Quốc Gia và Hiệp Hội Tim Mạch Hoa Kỳ, thời gian tối ưu là 20 phút, tối đa là 30 phút.
Giấc ngủ trưa kéo dài 20 đến 30 phút, được gọi là “giấc ngủ ngắn năng lượng.” Điều này giúp cơ thể không bị uể oải sau khi thức dậy hoặc khó thức dậy do chìm sâu vào giấc ngủ. Thay vào đó, giấc ngủ năng lượng giúp gia tăng năng lượng tuyệt vời.
Thiên Vân biên tập
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times