Nghiên cứu mới bác bỏ quan niệm uống rượu giúp kéo dài tuổi thọ

Nhiều người tin rằng việc thi thoảng uống rượu vang có thể giúp kéo dài tuổi thọ. Tuy nhiên, một bài viết mới cho thấy quan niệm này có thể dựa trên những nghiên cứu không chính xác. Đặc biệt, khái niệm “Nghịch lý của người Pháp” đã góp phần hình thành quan niệm này, nhưng liệu điều đó có đúng sự thật?

‘Nghịch lý của người Pháp’

Ý tưởng rằng uống rượu ở mức vừa phải tốt cho sức khỏe đã tồn tại trong nhiều thập niên. Một ví dụ nổi tiếng là khái niệm “Nghịch lý của người Pháp,” trở nên phổ biến vào những năm 1990. Nghịch lý này cho rằng người Pháp khỏe mạnh và ít mắc bệnh tim hơn mặc dù ăn nhiều chất béo là vì họ thường xuyên uống rượu vang.

Ý tưởng bắt nguồn từ một tập phim của chương trình 60 Minutes phát sóng vào đầu những năm 1990. Chương trình đã khám phá lý do tại sao người Pháp ít mắc bệnh tim và hầu như không bị béo phì mặc dù ăn nhiều thực phẩm giàu chất béo và uống rượu vang hàng ngày. Từ đó, điều này đã được nhiều người chấp nhận và trở thành một phần trong nhận thức chung.

Trong nhiều năm, các nghiên cứu cho thấy những người uống rượu ở mức vừa phải thường sống lâu và ít mắc bệnh hơn so với người không uống rượu. Điều đó càng khiến nhiều người tin rằng uống rượu vừa phải tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, không phải tất cả các nghiên cứu đều ủng hộ quan điểm lạc quan này.

Vấn đề trong các nghiên cứu trước đây

Ông Stockwell giải thích rằng vấn đề của các nghiên cứu trước đây là thường tập trung vào người lớn tuổi mà không xem xét thói quen uống rượu của họ trong suốt cuộc đời. Kết quả là, những người uống rượu vừa phải được so sánh với nhóm “kiêng rượu” và “thỉnh thoảng uống rượu.”

Tuy nhiên, các nhóm này thường gồm những người lớn tuổi đã ngừng hoặc giảm rượu do các vấn đề sức khỏe. Điều này có nghĩa là, người “kiêng rượu” và “thỉnh thoảng uống rượu” có thể đã từng uống nhiều rượu trước đây và phải ngưng do vấn đề sức khỏe. Sự nhầm lẫn này khiến những người uống rượu vừa phải có vẻ khỏe mạnh hơn khi so sánh.

“Giải thích hợp lý là, những người tiếp tục uống rượu là vì họ khỏe mạnh, không phải họ khỏe mạnh vì uống rượu,” ông Stockwell nói.

Ông cũng nhấn mạnh rằng nghiên cứu về việc uống rượu là rất phức tạp.

“Tôi đã dành cả đời để nghiên cứu về rượu; đó là lĩnh vực tôi quan tâm và tâm lý học là nền tảng của tôi. Tôi rất chú ý đến phương pháp đo lường và hiểu rõ rằng việc thay đổi thói quen uống rượu trong suốt cuộc đời là rất phức tạp. Những nghiên cứu lớn thường xem xét hàng trăm yếu tố rủi ro gây bệnh nhưng chỉ có một hoặc hai câu hỏi về rượu. Vì vậy, rất khó để phân loại rõ các yếu tố này. Chúng tôi đã cố gắng hết sức để khắc phục các vấn đề trong thiết kế và đo lường.”

Kết quả của bài phân tích

Ông Stockwell và nhóm của mình đã kiểm tra 107 nghiên cứu theo dõi trong thời gian dài để khám phá mối liên quan giữa thói quen uống rượu và tuổi thọ. Họ phân tích dữ liệu của 4,838,825 người, ghi nhận 724 ước tính về mối liên quan giữa tiêu thụ rượu và tỷ lệ tử vong, cùng với 425,564 ca tử vong.

Ban đầu, dữ liệu cho thấy những người uống rượu từ ít đến vừa phải (từ 1 ly/tuần đến 2 ly/ngày) có nguy cơ tử vong thấp hơn 14% so với những người không uống rượu.

Tuy nhiên, khi phân tích sâu hơn, họ tìm thấy một số bài viết “chất lượng cao” với các tiêu chí đưa vào chọn lọc và kết quả có sự khác biệt. Các nghiên cứu bao gồm những người trẻ hơn (trung bình dưới 55 tuổi) và bảo đảm rằng những người từng uống rượu hoặc thỉnh thoảng uống rượu không được xem là “người kiêng rượu.” Kết luận của các bài viết là uống rượu ở mức vừa phải không làm tăng tuổi thọ.

Trong khi đó, các “nghiên cứu yếu hơn” – gồm những người tham gia lớn tuổi và không phân biệt giữa người từng uống rượu và người kiêng rượu suốt đời – lại cho thấy mối liên quan giữa việc uống rượu vừa phải với các lợi ích về sức khỏe.

Hậu quả của việc uống rượu

Khi được hỏi về tác hại nghiêm trọng của rượu, ông Stockwell nói với The Epoch Times rằng mọi người vẫn chưa nhận thức đầy đủ về những rủi ro. Ông nhấn mạnh, một trong những nguy cơ lớn nhất của rượu là ung thư và rủi ro có thể tăng lên ngay cả khi tiêu thụ ở mức rất thấp, chẳng hạn như 1 ly/ngày.

Ông nói: “Nếu lý thuyết của chúng tôi là đúng – rằng những lợi ích về sức khỏe bị phóng đại vì những người uống rượu được so sánh với người kiêng rượu không khỏe mạnh – nhận định này cũng áp dụng cho các nghiên cứu dịch tễ học khác về rượu. Nếu bạn đang xem xét bệnh xơ gan, ung thư và bất kỳ bệnh khác mà rượu không có tác dụng tích cực, điều đó vẫn có nghĩa là bạn đang so sánh rủi ro của những người uống rượu với một nhóm người không khỏe mạnh. Vì vậy, rất có thể chúng ta đang đánh giá thấp tác động của rượu đối với sức khỏe.”

Thanh Ngọc biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

Emma Suttie
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Emma Suttie là một bác sĩ châm cứu và viết chủ yếu về sức khỏe cho nhiều ấn phẩm trong thập niên qua. Cô hiện là ký giả sức khỏe cho The Epoch Times, cô chuyên viết về Trung y, dinh dưỡng, chấn thương, và y học lối sống.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn