Không phải các loại mỡ trong cơ thể đều như nhau
Mỡ dưới da là loại mỡ nhiều nhất trong cơ thể và có tác dụng bảo vệ, trong khi mỡ nội tạng có liên quan đến nhiều bệnh lý.
Có một ít mỡ trong cơ thể là điều bình thường và khỏe mạnh. Chất béo có ở khắp cơ thể con người, nhưng không phải tất cả đều có đặc tính giống nhau. Tùy thuộc vào vị trí của chất béo mà có thể ảnh hưởng đến sức khỏe theo nhiều cách khác nhau.
Vai trò của chất béo trong cơ thể
Theo một tổng quan năm 2013, chất béo không chỉ là kho dự trữ năng lượng mà còn là “cơ quan tinh vi” giúp điều chỉnh quá trình trao đổi chất và các hoạt động của hệ miễn dịch. Mô mỡ cũng rất quan trọng trong hoạt động của nhiều cơ quan và có liên quan chặt chẽ với chức năng não.
Bà Kristen Smith, chuyên gia dinh dưỡng được chứng nhận, quản lý phẫu thuật giảm béo tại Piedmont Healthcare ở Georgia và người phát ngôn của Viện Dinh dưỡng và Ăn kiêng, cho biết chất béo mang lại nhiều lợi ích, bao gồm cung cấp năng lượng, hỗ trợ sự tăng trưởng tế bào, bảo vệ các cơ quan và giúp hấp thụ các chất dinh dưỡng thiết yếu.
Tiến sĩ Sulagna Misra, người sáng lập Misra Wellness tại California, cũng nói với The Epoch Times rằng chất béo giữ ấm, cách nhiệt cho cơ thể và dự trữ năng lượng. Ngoài ra, chất béo còn có chức năng nội tiết quan trọng.
Trong chất béo chứa các tế bào mỡ, sản xuất ra các hormone như estrogen, leptin và các loại cytokine (protein liên quan đến giao tiếp tế bào) như các yếu tố hoại tử khối u (TNF) và các dấu hiệu tiền viêm. Khi có quá nhiều, các tế bào mỡ này có thể dẫn đến rối loạn chuyển hóa hoặc rối loạn nội tiết tố.
Mỡ dưới da
Theo bà Smith, mỡ dưới da, nằm ngay bên dưới da, là loại mỡ dồi dào nhất trong cơ thể. Đây cũng là dạng mỡ có lợi nhất về mặt chuyển hóa. Mỡ dưới da thường được xem là ít gây hại hơn, có thể ngăn ngừa sự phát triển của bệnh mạch vành và tiểu đường loại 2.
Theo một bài viết trên International Journal of Obesity (Tập san Béo Phì Quốc Tế), mỡ dưới da có liên quan đến hàm lượng glucose và lipid cân bằng, giảm nguy cơ mắc các bệnh chuyển hóa và giảm mức cytokine gây viêm. Loại mỡ này có vẻ ít hoạt động hơn mỡ bụng và “phát huy đặc tính bảo vệ bằng cách dự trữ acid béo lâu dài.”
Tuy nhiên, nếu lượng mỡ dưới da quá nhiều, đặc biệt là ở phần thân trên, thì có thể gây hại. Nghiên cứu phát hiện rằng mỡ dưới da ở phần thân trên có liên quan đến sự gia tăng các yếu tố nguy cơ của bệnh tim mạch chuyển hóa.
Mỡ nội tạng
Mặt khác, các nghiên cứu cho thấy lượng mỡ nội tạng cao làm tăng nguy cơ mắc các biến cố tim mạch. Mỡ nội tạng là loại mỡ bụng bao quanh các cơ quan nội tạng và nằm sâu hơn trong khoang bụng.
Chất béo nội tạng kháng insulin hơn, nhạy cảm với quá trình phân giải mỡ và hoạt động chuyển hóa. Mỡ nội tạng có thể tạo ra acid béo tự do và hấp thụ glucose nhiều hơn mỡ dưới da. Ngoài ra, mỡ nội tạng cũng là một yếu tố dự báo tử vong mạnh mẽ hơn.
Có sự khác biệt đáng kể giữa các loại mỡ và nguy cơ rối loạn chuyển hóa liên quan. Mỡ nội tạng đã được chứng minh là có nguy cơ gây viêm và rối loạn chuyển hóa cao hơn các loại mỡ khác. Về mặt chuyển hóa, mỡ nội tạng và mỡ dưới da có đặc tính và chức năng khác nhau.
Nghiên cứu Tim Framingham đã đo lường mối liên hệ giữa mỡ nội tạng và các triệu chứng trầm cảm ở 1,581 phụ nữ (có độ tuổi trung bình là 52) và 1,718 nam giới (có độ tuổi trung bình là 50). Nghiên cứu tìm thấy mối liên hệ này ở phụ nữ nhưng không có ở nam giới. Tuy nhiên, người ta không nhận thấy có mối liên hệ nào giữa lượng mỡ dưới da và các triệu chứng trầm cảm, gợi ý sự khác biệt trong hoạt động trao đổi chất của mỗi loại mỡ.
Ngoài ra còn có mối liên hệ giữa căng thẳng, cortisol và mỡ bụng. Căng thẳng làm tăng mức cortisol, dẫn đến tăng cảm giác thèm ăn và huy động mỡ từ vùng ngoại vi (vùng ngoài cơ thể) đến vùng trung tâm. Cortisol được biết đến là có tác dụng phân phối lượng mỡ từ vùng ngoài cơ thể đến vùng bụng.
Theo một bài viết năm 2011 trên Obesity (Tập san Béo Phì), nhiều yếu tố khác nhau có thể ảnh hưởng đến mối liên hệ giữa béo phì và các triệu chứng trầm cảm, bao gồm cả tình trạng viêm. Các tác giả viết, mỡ nội tạng dường như có “một đóng góp độc đáo và quan trọng” vào tình trạng viêm.
Bà Smith cho biết lượng mỡ nội tạng thường tăng theo tuổi tác và mức độ căng thẳng. Các nghiên cứu cho thấy sự phân bố mỡ béo trong cơ thể có ảnh hưởng quan trọng đến sức khỏe tổng thể hơn là tổng lượng mỡ cơ thể. Việc ăn uống kém cân bằng với nhiều thực phẩm béo và carbohydrate, cùng với lối sống ít vận động, làm tăng tích tụ mỡ nội tạng.
Mỡ gan
Theo bà Misra, mỡ gan là mô mỡ được lưu trữ trong gan, thường đóng vai trò là nguồn dự trữ năng lượng. Mỡ gan tích tụ sau khi tiêu thụ quá nhiều đường và chất béo (glucose và triglyceride). Quá nhiều mỡ gan có thể làm suy giảm đáng kể chức năng gan. Gan rất quan trọng đối với quá trình trao đổi chất, sản xuất hormone và nhiều chức năng khác, đó là lý do tại sao béo phì thường dẫn đến rối loạn chuyển hóa và hormone.
Về vai trò của cách ăn uống trong việc tích tụ mỡ gan, tổng năng lượng hấp thụ, chứ không phải lượng chất béo thu được, là yếu tố chính ảnh hưởng đến hàm lượng mỡ gan. Khẩu phần ăn ít năng lượng (ít calorie) làm giảm lượng mỡ gan, trong khi khẩu phần ăn nhiều năng lượng (thừa calorie) làm tăng mỡ gan.
Thành phần chất béo trong khẩu phần ăn cũng có thể ảnh hưởng đến sự tích tụ mỡ ở gan, khẩu phần ăn giàu chất béo bão hòa làm tăng lượng mỡ trong gan nhiều hơn khẩu phần ăn nhiều chất béo không bão hòa.
Nguồn fructose bổ sung cũng có vẻ đáng lo ngại đối với lượng mỡ gan. Người ta đã chứng minh rằng quá trình chuyển hóa fructose diễn ra nhanh hơn glucose và hàm lượng fructose chuyển thành glycogen ở gan nhiều hơn. Ngoài ra, carbohydrate cũng góp phần gây bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu (NAFLD) hơn lượng chất béo trong bữa ăn hàng ngày; NAFLD làm tăng nguy cơ tổn thương gan.
4 cách giảm mỡ có hại
Bà Misra khuyên, “Nên theo dõi những gì bạn ăn, lắng nghe cơ thể, ngủ đủ giấc và chất lượng, kết hợp vui chơi, ăn nhiều rau và chất xơ hơn, chọn thực phẩm sạch hơn và ăn ít thực phẩm chế biến, nấu ăn tại nhà và tập thể dục thường xuyên (đặc biệt là tập tạ).” Hãy ghi nhớ bốn mẹo sau:
- Tránh thực phẩm chế biến: Bao gồm thực phẩm chiên ngập dầu hoặc siêu chế biến, nước ngọt, kẹo và các loại bánh nướng thương mại. Nên tránh thực phẩm có đường fructose hoặc chỉ ăn ở mức độ vừa phải. Đọc nhãn và tránh các thành phần như “partially hydrogenated oils” (dầu hydro hóa một phần) hoặc “high-fructose corn syrup” (siro ngô có hàm lượng fructose cao). Những thành phần này làm cơ thể mất đi các chất dinh dưỡng cần thiết và nhanh chóng chuyển hóa thành chất béo.
- Tập luyện cường độ cao: Các bài tập cường độ cao và kéo dài giúp giảm mỡ nội tạng và cải thiện sức khỏe động mạch cảnh, giúp máu lưu thông lên não.
- Duy trì hoạt động: Thói quen ít vận động, đặc biệt là xem TV, có liên quan rõ rệt đến tình trạng tích tụ mỡ .
- Ăn đủ chất xơ: Tăng lượng chất xơ hòa tan giúp giảm tích tụ mỡ nội tạng – bất kể chỉ số khối cơ thể (BMI) cao hay thấp. Ăn nhiều chất xơ hòa tan kết hợp với tăng hoạt động thể chất sẽ làm chậm quá trình tiến triển tự nhiên của mỡ nội tạng.
Một định nghĩa mới về béo phì
Các tác giả của một tổng quan năm 2006 trên Current Diabetes Reviews (Đánh giá bệnh tiểu đường hiện tại) đã kêu gọi việc đưa ra một định nghĩa mới về béo phì dựa trên vị trí giải phẫu của mỡ thay vì thể tích của mỡ, đặc biệt là khi đánh giá rủi ro về bệnh tim mạch chuyển hóa.
Bài tổng quan cho rằng thuật ngữ “béo phì chuyển hóa,” dùng để chỉ tình trạng tích tụ mỡ nội tạng ở cả người gầy và người béo phì, có thể xác định những người có nguy cơ mắc bệnh tim mạch tốt hơn.
Vân Hi biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times