Cách ăn uống của người cha ảnh hưởng sức khỏe của con cháu như thế nào?

Nghiên cứu mới cho thấy cách ăn uống của người cha ảnh hưởng đến sức khỏe của thế hệ con cháu, làm thay đổi quá trình trao đổi chất, chức năng nhận thức và khả năng sinh sản.

Trong thế giới thời nay, thực phẩm có sẵn ở khắp mọi nơi. Nhưng sự phong phú này là một phước lành hay là một tai họa?

Hãy cùng tôi tìm về giáo xứ Överkalix xinh đẹp ở phía bắc Thụy Điển, nơi phong tục ăn quá nhiều được truyền từ ông nội sang cha và sau đó là con cái của họ.

Dựa vào dữ liệu trên gần 300 người được sinh ra vào cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20 tại giáo xứ Överkalix, các nhà nghiên cứu đã tìm cách xác định xem liệu nguồn thực phẩm sẵn có ở các thế hệ đầu tiên có ảnh hưởng gì đến sức khỏe của con cháu hay không.

Các phát hiện có thể khiến bạn ngạc nhiên.

Khẩu phần ăn ở tuổi vị thành niên của người cha ảnh hưởng đến con cái

Nếu một người cha trải qua tình trạng khan hiếm thực phẩm trong giai đoạn tăng trưởng chậm (ngay trước dậy thì, thường là từ 9 đến 12 tuổi đối với các bé trai), thì người con có nguy cơ tử vong vì bệnh tim thấp hơn 58% khi lớn lên.

Ngược lại, nếu ông nội được ăn uống thịnh soạn trong giai đoạn tăng trưởng chậm, nguy cơ tử vong do bệnh tiểu đường ở người cháu sẽ tăng hơn bốn lần.

Phát hiện hấp dẫn này cho thấy cơ chế liên quan đến dinh dưỡng, đặc biệt là thông qua dòng nam, đóng một vai trò quan trọng trong việc hình thành nguy cơ mắc một số bệnh qua các thế hệ.

Trong những thập niên qua, đã có nhiều nghiên cứu về chủ đề này, tập trung vào tác động của thói quen ăn kiêng của người cha đối với sức khỏe của con cái.

Các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng khẩu phần ăn uống của người cha có thể ảnh hưởng đáng kể đến những nguy cơ về sức khỏe thể chất và tinh thần của con cái.

Vấn đề không chỉ nằm ở lượng thực phẩm mà còn ở loại thực phẩm. Theo các mô hình động vật, tỷ lệ và sự cân bằng của chất béo, protein và carbohydrate dường như có tác động đáng kể. Tuy nhiên, nghiên cứu trên người vẫn còn hạn chế.

Tác động của khẩu phần ăn nhiều chất béo của cha đối với con gái

Thực phẩm chế biến sẵn, thường có nhiều chất béo, rất dễ tiếp cận và khó cưỡng lại. Nếu tiêu thụ thực phẩm chế biến sẵn mỗi ngày, cơ thể sẽ nạp vào nhiều hơn khoảng 500 calorie so với những thực phẩm được chế biến tối thiểu. Điều này chủ yếu là do hàm lượng chất béo và carbohydrate cao hơn.

Tuy nhiên, tác động tiêu cực của khẩu phần ăn nhiều chất béo có thể được truyền qua tinh trùng của người cha.

Một nghiên cứu cho thấy chuột ăn nhiều chất béo kéo dài 12 tuần sinh ra con gái có khối lượng tế bào beta tuyến tụy giảm khoảng 30%. Tế bào beta rất quan trọng vì chúng sản xuất insulin.

Khi chuột được cho ăn nhiều chất béo trong 12 tuần, tuyến tụy của con cái có ít tế bào sản xuất insulin hơn so với con của chuột được cho ăn bình thường có chất béo. (Ảnh: The Epoch Times)
Khi chuột được cho ăn nhiều chất béo trong 12 tuần, tuyến tụy của con cái có ít tế bào sản xuất insulin hơn so với con của chuột được cho ăn bình thường có chất béo. (Ảnh: The Epoch Times)

Khi trưởng thành, chuột con tăng nguy cơ mất dung nạp glucose – tình trạng tiền lâm sàng của bệnh tiểu đường, kèm theo sự suy giảm nồng độ insulin trong máu.

Trong một nghiên cứu gần đây trên Tập san Nature, các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng khẩu phần ăn nhiều chất béo của chuột bố không ảnh hưởng đến trọng lượng cơ thể của con cái nhưng khiến khoảng 30% con đực mắc chứng không dung nạp glucose.

Hóa ra khẩu phần ăn uống của người cha làm thay đổi một loại vật liệu di truyền nhất định trong ty thể của tinh trùng. Những phân tử bị thay đổi này, được gọi là RNA vận chuyển (tRNA), hoạt động giống như sứ giả, thay đổi cách thức hoạt động gene của thế hệ con mà không làm thay đổi trình tự DNA.

Hơn nữa, các nghiên cứu trên động vật đã phát hiện ra rằng khẩu phần ăn nhiều chất béo của người cha có thể ảnh hưởng đến các khía cạnh khác của sức khỏe con cái thông qua tinh trùng, bao gồm suy giảm chức năng nhận thức và giảm khả năng sinh sản.

Tác hại của việc ăn ít protein

Mức protein trong khẩu phần ăn của người cha cũng có thể ảnh hưởng đến sự biểu hiện gene trong tinh trùng.

Những con chuột đực ăn ít protein sẽ sinh ra nhiều mỡ trong cơ thể hơn, gặp các vấn đề về trao đổi chất và có sự thay đổi vi khuẩn đường ruột.

Chúng cũng cho thấy hoạt động của gene tăng lên liên quan đến việc sản xuất chất béo và cholesterol trong gan.

Một nghiên cứu năm 2020 của Keisuke Yoshida và Shunsuke Ishii đã xác định được một loại protein thiết yếu, ATF7, đóng vai trò quan trọng trong quá trình này.

Ngoài các rối loạn chuyển hóa, khẩu phần ăn ít protein của người cha có thể làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề về mạch máu và tim cũng như ung thư cho con cái.

Những người cha ăn ít protein và nhiều carbohydrate có con trai biểu hiện những triệu chứng lo lắng và con gái tăng lượng mỡ trong cơ thể.

Hiệu ứng kéo dài qua nhiều thế hệ

Phát hiện đáng ngạc nhiên nhất là những thay đổi di truyền ở tinh trùng liên quan đến khẩu phần ăn uống đã được truyền qua nhiều thế hệ trong quá trình sản xuất tinh trùng, dẫn đến những ảnh hưởng lâu dài.

Những con chuột ăn nhiều chất béo không chỉ gặp phải tình trạng không dung nạp glucose mà còn truyền đặc điểm này sang thế hệ cháu.

Nghiên cứu trên chuột ăn ít protein cho thấy con của chúng tăng trọng lượng cơ thể và tăng nồng độ enzyme chuyển angiotensin (ACE) trong huyết thanh và mô. ACE là dấu hiệu lâm sàng cho nhiều bệnh mạn tính khác nhau, bao gồm các vấn đề về tim mạch, tiểu đường và bệnh thận.

Các nhà khoa học quan sát thấy rằng khi chuột được cho ăn ít protein, con cháu của chúng, cả đực và cái, đều có cân nặng cơ thể cao hơn trong ba tuần đầu sau khi sinh so với con cháu của những con chuột được cho ăn protein bình thường. (Ảnh: The Epoch Times)
Các nhà khoa học quan sát thấy rằng khi chuột được cho ăn ít protein, con cháu của chúng, cả đực và cái, đều có cân nặng cơ thể cao hơn trong ba tuần đầu sau khi sinh so với con cháu của những con chuột được cho ăn protein bình thường. (Ảnh: The Epoch Times)
Các nhà khoa học quan sát thấy rằng khi chuột được cho ăn ít protein, thì thế hệ con cháu của chúng, cả đực và cái, đều biểu hiện các dấu hiệu bệnh tật cao hơn, chẳng hạn như hoạt động ACE trong huyết thanh và thận, so với thế hệ con cháu của những con chuột được cho ăn nhiều protein. (Ảnh: The Epoch Times)
Các nhà khoa học quan sát thấy rằng khi chuột được cho ăn ít protein, thì thế hệ con cháu của chúng, cả đực và cái, đều biểu hiện các dấu hiệu bệnh tật cao hơn, chẳng hạn như hoạt động ACE trong huyết thanh và thận, so với thế hệ con cháu của những con chuột được cho ăn nhiều protein. (Ảnh: The Epoch Times)

Những tác động này không chỉ được quan sát thấy ở thế hệ con mà còn ở thế hệ cháu trong suốt thời kỳ còn bé.

Nghiên cứu đoàn hệ của Thụy Điển cho thấy rằng khẩu phần ăn uống của ông nội có ảnh hưởng lâu dài, làm tăng nguy cơ tử vong liên quan đến bệnh tiểu đường ở cháu.

Trọng lượng cơ thể của cha

Nghiên cứu trên 3,000 gia đình cho thấy trọng lượng cơ thể của người cha khi thụ thai ảnh hưởng đáng kể đến trọng lượng cơ thể và sức khỏe trao đổi chất của thế hệ con.

Phát hiện này vẫn đúng bất kể cân nặng của người mẹ là bao nhiêu.

Khẩu phần ăn uống và khả năng sinh sản của nam giới

Một số loại thực phẩm có tác dụng tích cực đến hoạt động của tinh trùng. Khẩu phần ăn uống lành mạnh nhiều các chất dinh dưỡng sau đây sẽ nâng cao chất lượng tinh trùng:

  • Acid béo omega-3
  • Vitamin E
  • Vitamin C
  • β-caroten
  • Selen
  • Kẽm
  • Cryptoxanthin
  • Lycopene
  • Vitamin D
  • Folate

Các loại thực phẩm như cá, động vật có vỏ, hải sản, thịt gia cầm, ngũ cốc, rau và trái cây đều tốt cho chất lượng tinh trùng.

Cách ăn Địa Trung Hải có liên quan đến việc tăng khả năng vận động của tinh trùng.

Ngược lại, khẩu phần ăn nhiều thịt chế biến, chất béo chuyển hóa, rượu, thức uống có đường, các món ngọt có hại cho chất lượng tinh dịch và có thể góp phần làm giảm tỷ lệ sinh toàn cầu.

Hậu quả của cách ăn uống thời nay

Trong một thế giới nơi thực phẩm có mặt khắp nơi, chúng ta dường như đã thoát được nạn đói. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải trả giá cho quyền tự do ăn uống không hạn chế này.

Khi nghiên cứu khoa học phát triển, người ta thấy rõ ràng hành trình ăn uống của người cha không chỉ dừng lại ở chính mình mà còn vượt qua thời gian và không gian, để lại tác động lâu dài đến sức khỏe của thế hệ tương lai.

Những ảnh hưởng của cách ăn uống không lành mạnh có thể tích lũy qua nhiều thế hệ, góp phần làm gia tăng tỷ lệ mắc thời nay.

Câu nói “Bạn chỉ sống một lần” (YOLO) gợi ý rằng hãy tận hưởng niềm vui bất chấp rủi ro, cho rằng hành động của chúng ta kết thúc với chính chúng ta.

Tuy nhiên, điều này không hoàn toàn đúng. Những lựa chọn của chúng ta, đặc biệt là những lựa chọn về ăn uống, có thể ảnh hưởng đến con cái và thế hệ tương lai của chúng ta.

Trong thời đại mà thực phẩm siêu chế biến tràn lan và việc ăn uống có thể trở thành chứng nghiện, việc chuyển sang cách ăn uống cân bằng, thực phẩm toàn phần có thể là một thách thức.

Nhưng nên nhớ rằng, chúng ta không chỉ ăn cho mình mà còn gieo mầm sức khỏe cho thế hệ tương lai.

Quan điểm thể hiện trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times. Epoch Health hoan nghênh các cuộc thảo luận chuyên nghiệp và tranh luận thân thiện. Để gửi ý kiến, vui lòng làm theo các nguyên tắc này và gửi qua biểu mẫu của chúng tôi
Quan điểm thể hiện trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times. Epoch Health hoan nghênh các cuộc thảo luận chuyên nghiệp và tranh luận thân thiện. Để gửi ý kiến, vui lòng làm theo các nguyên tắc này và gửi qua biểu mẫu của chúng tôi
.
.

Tú Liên biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times.

Dr. Yuhong Dong, M.D., Ph.D.
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Tiến sĩ Đổng Vũ Hồng (Yuhong Dong), bác sĩ y khoa và tiến sĩ, phụ trách chuyên mục Sức khỏe của The Epoch Times. Và là cựu chuyên gia khoa học y tế cao cấp và lãnh đạo cảnh giác dược tại Trụ sở chính của Novartis ở Thụy Sĩ. Bà đã từng đoạt giải thưởng Novartis trong bốn năm. Bà có kinh nghiệm nghiên cứu tiền lâm sàng về virus học, miễn dịch học, ung thư học, thần kinh học và nhãn khoa, đồng thời cũng có kinh nghiệm lâm sàng về bệnh truyền nhiễm và nội khoa. Bà lấy bằng bác sĩ và tiến sĩ về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Bắc Kinh, Trung Quốc.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn